Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Sáu Trần



Ai cũng có thể là nạn nhân, tù nhân của 6 trần mà bản thân mình không biết. Cái này mới lớn chuyện. Trong buổi học sáng nay tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng hàng đầu trong đời tu và trong đời sống: Trời đất thì bao la, tại sao có một bộ phận nhân loại nào đó chen chúc, lúc nhúc ở một góc phố và bỏ trống bao nhiêu vùng đất mênh mông? Tại sao nhóm người A không sống với nhóm khác mà lại tìm về với nhau? Có những chỗ lạnh dữ lắm mà vẫn có người. Có những chỗ mát đẹp mà vắng hoe. Có những chỗ nóng le lưỡi luôn mà có người. Có những chỗ mát mẻ mà không có người. Như vậy thì cái sự phân bố của chúng sinh nói chung và của con người trên Trái Đất này nói riêng, nó tùy thuộc vào rất nhiều thứ chứ không phải là ngẫu nhiên. Nói theo trong Kinh là vì cái tiền nghiệp quá khứ, khuynh hướng tâm lý, chính những cái này mới đẩy chúng ta về một nơi chốn nào đó.

Tôi giảng nhận thức về 6 căn mà tôi cho là quan trọng hàng đầu. Tùy thuộc vào tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà chúng ta bây giờ có mặt ở đâu. Do 3 cái đó cộng lại mà giờ mình tập trung sống ở đâu, mình gặp ai nhiều, ăn uống sinh hoạt ra sao, mình thường đọc sách báo gì. Chính những cái đó một lần nữa lại là con tàu đưa mình về một nơi chốn khác. Mọi sự nó không kết thúc ở đây.

Do tiền nghiệp quá khứ mà tôi sanh làm người Việt Nam. Rồi cũng chính tiền nghiệp quá khứ nó đẩy cho tôi xa xứ. Đó là tiền nghiệp.

Còn khuynh hướng tâm lý và môi trường sống thì sao? Môi trường sống là vầy. Thí dụ sau khi quý vị tốt nghiệp ở cái trường gì đó bên Cali nhưng cái job mà quý vị thích lại nằm ở Houston. Do cái tiền nghiệp quý vị làm người Việt Nam xa xứ. Đúng không? Tại sao không làm người Việt Nam ở Việt Nam cho rồi? Tại sao nó đẩy ra nước ngoài? Trong thời gian phong trào vượt biên đang rộ, tất cả những người đi coi bói coi chỉ tay đều hỏi có đường vượt biên không. Là bởi vì ở thời điểm nào đó, trong bối cảnh môi trường sống nào đó, người ta chú ý nhiều về cái chuyện nào đó. Đúng không? Chính vì tiền nghiệp mà tôi là người Việt kiều chứ không phải là người Việt trong nước. Do môi trường sống mà tôi học ở Cali nhưng cái job nằm ở Houston đây.

Còn khuynh hướng tâm lý thì sao? Chính vì khuynh hướng tâm lý, vì tôi thích gần gũi người Việt cho nên tôi mới chui về cái khu nào đó gần Bellaire. Từ cái tiền nghiệp nó đưa tôi làm người Việt xa xứ. Rồi từ môi trường sống tôi từ Cali bay về Houston. Từ khuynh hướng tâm lý nó đưa tôi từ Cali về Houston mà phải về khu Bellaire tôi mới chịu. Rồi chính từ cái chuyện tôi quá thường xuyên đi ăn uống, café, cơm tấm … riết rồi tôi mới gặp “đối tác”.

Như vậy thì 6 trần quan trọng như thế nào? Tùy thuộc vào anh thích cái gì. Chính vì cái thích đó nó mới dẫn đến cái chuyện anh chọn lựa đời sống, đường hướng hành động. Thí dụ trong 6 trần tôi nặng về ăn cho nên tôi về Bellaire để đi chợ cho dễ. Chính vì tôi sống nhiều vì cái lưỡi nên tôi coi nặng chuyện ăn uống. Thích shopping nên tôi coi nặng khu chợ búa. Thích ăn về đâu, thích mặc về đâu. Những người thích thiền thì ở gần chùa. Tôi biết có vài Phật tử quen với tôi tại Mỹ, họ về cái khu đó họ ở vì ở khu đó chùa miễu nhiều, dễ đi chùa. "Má rất là thích đi chùa, ba thích đi chùa, thôi kệ mua nhà ở đó. Khi nàoba má mất thì tính tiếp. Với sức khỏe ba má chắc cũng còn hơn 10 năm. Ở đó cho ba má dễ đi chùa, nên ở như vậy và ba má thích như vậy lắm."

Vậy cái quan trọng nhất là mỗi ngày, dầu là hành giả hay không phải hành giả, phải tự hỏi mình một chuyện rất là quan trọng: “ta đang thích gì? ta đang ghét gì?”. Nãy giờ tôi đang nói cái thích bây giờ tôi qua cái ghét. Cái ghét nó làm không kém cái thích. Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần. Mình thích cái đó, mình thích người đó, mình theo đuổi nó, đó là một thứ phiền não. Nhưng một khi mình ghét cái gì đó mình sống với nó bằng cái tâm thức đối kháng cũng là một thứ phiền não. Trong Kinh có nói chuyện này mới khiếp: Mình mê ai, mình mến ai, mình ở gần người đó, mình bị ảnh hưởng, bị thay đổi thành con người khác. Chuyện đó dễ hiểu rồi. Nhưng mà mình ghét ai, mình ở gần người đó, mình cũng bị ảnh hưởng. Tại sao? Bởi vì buổi đầu mình sống với họ bằng tâm thức đối kháng, sau đó nó qua hòa giải và cuối cùng là đồng thuận. Thí dụ tôi bực cái bà có tánh rất là kẹo nên khi ở chung với bả là những cái gì tôi xài trong nhà tắm xong là tôi đem cất. Hồi đó tôi không có tánh đó, nhưng mà giờ tôi có tánh đó. Bả biết xài nhưng bả không biết sắm, nên tôi xài xong mấy cái đồ của tôi tôi đem tôi cất. Hồi đầu tánh tôi không có như vậy. Hồi đầu tôi nhịn nhưng ở gần bả lâu ngày, nhịn riết không nổi nên cuối cùng tôi phải đem cất. Khi bả đi chỗ khác, vì thói quen lâu ngày tôi xài kiểu đó luôn. Có phải chết đời tôi không? Tại vì ngày xưa tôi sống với người tôi ghét, chính vì tôi phải đối phó và sống với tâm thức đối kháng đó, lâu ngày tôi thành một con người khác. Nên đừng có nói rằng mình ở gần người mình thích, mình thương, mình lây. Thiếu! Cái đứa mà mình ghét nó cũng ảnh hưởng mình không kém.

Cho nên tại sao phải sống chánh niệm đối với 6 trần? Vì chính trong 6 trần mà thất niệm, hoặc là anh phải gặp cái anh thích, hoặc là anh phải gặp cái anh ghét. Gặp cái anh thích thì anh theo đuổi nó. Gặp cái anh ghét thì anh tống khứ nó, anh trốn chạy nó và anh đối phó nó, đối kháng nó. Và cả hai cái đều làm anh khổ hết. Vì sao? Vì trong cái anh thích, thích mà không được là khổ. Thích mà phải đi kiếm tìm cũng khổ. Tìm được rồi phải giữ nó là khổ. Mà giữ không được thì cũng khổ. Như vậy thì quý vị mới tin là cái thích nó là nguồn khổ, đúng không? Từ đó giờ mình không học Đạo, mình không có ngờ chuyện đó. Mình cứ tưởng có được cái mà mình thích đó là hạnh phúc. Chưa chắc! Thích mà không được là khổ. Thích mà cái hành trình đi kiếm tìm là khổ. Tìm được rồi phải giữ được nó, cái giữ đó là khổ. Cũng như tôi từng nói: Lấy cái người mà đủ sức làm cho mình ghen khổ lắm. Cái món đồ nào mình sợ nó bị hư, sợ nó mất là món đồ tốt, đúng không? Mà món nào quý vị không màng, muốn sao đó muốn thì nó khác.

Thí dụ tôi nói lén nha. Tôi lại nhà cô Ba nó. Tôi thương cô Ba dữ lắm, tôi quý cổ lắm. Cổ thương tôi, tôi thương vợ chồng cổ. Tôi nói: "Cô Ba ơi, cô cho tôi ở cái nhà này 3 ngày chắc tôi vất không còn một món." Cô Ba mới nói: "Kỷ niệm không đó. Bây giờ muốn vất cái nào?" Những cái món trời ơi đó, cổ bị mất cổ tiếc chứ tôi mất tôi không có tiếc. Là tại vì tôi quá chán nó rồi. Khi mà mình sống với món đồ hoặc sống với cái người mình không sợ mất thì có phải là khổ không? Cũng khổ, mà nó khổ kiểu khác. Mình sống với món đồ, với cái người mình sợ mất, sợ hư nó lại khổ kiểu khác. Cho nên vấn đề thoát khổ không phải là nó mà trong cái tâm đây.

Tôi nói rất là nhiều lần. Khi lỡ sai nồi lộn nắp, đóng nhau mà không hợp thì mình tự sửa. OK? Nếu mà tôi với anh một nắp số 8, một cái nồi số 7, nó không có đi với nhau, thì thôi tôi ráng biến mình thành cái nắp cho dễ sửa để hợp với cái nồi của anh. Có những lúc mình không thay đổi được thực tế thì mình phải thay đổi con người của mình. Ở đây không phải là trốn chạy mà đó là một cách sống.

Tôi nhớ có một câu nói rất là quan trọng. Đó là “Trên đời này không có thích cái gì hay bằng thích nghi”. Lấy được người mình yêu là may mắn. Yêu được người mình lỡ cưới đó là trình độ.

Người tu không đi kiếm tìm 6 trần mà tùy duyên đón nhận 6 trần một cách tỉnh thức. Thí dụ như mình quá khổ tâm cho cái chuyện phải ăn cái này, phải mặc cái kia thì đó là chuyện không nên. Tuy nhiên bác sĩ khuyên mình nên ăn nhiều rau thì mình có kiếm rau để ăn không? Tôi nhắc lại lần nữa, người biết Đạo không có nên coi trọng cái chuyện ăn mặc nhưng bác sĩ khuyên mình nên ăn nhiều rau mình có kiếm rau ăn không? Nên chứ. Nhưng hãy nhớ rằng mình ăn rau để chữa bệnh chứ không phải mình biến cái chuyện ăn rau trở thành một cái gánh nặng khó khăn cho sinh hoạt của mình. Thí dụ như không có được rau lang thì mình ăn rau muống, không có rau muống thì mình ăn xà lách xoong, không có xà lách xoong thì mình ăn rau khác, chứ mình không nhất thiết là kiếm đúng loại rau đó chỉ trừ loại ra đó có đặc tính đối phó lại cái bệnh của mình hoặc xung khắc với sức khỏe của mình. Nếu chỉ đơn giản là rau trái thì không có cái này dùng cái kia.

"Người tu không kiếm tìm, không trốn chạy sáu trần mà tùy duyên đón nhận sáu trần bằng sự tỉnh thức."

Trích bài giảng Bốn Hạng Học Đạo
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét