Ly dục có 3, ly dục bằng giới, ly dục bằng định và ly dục bằng tuệ.
Ly dục bằng giới Không để cho thân nghiệp, khẩu nghiệp của mình sa đà trong cái mình thích. Thí dụ như không ăn chiều, không rượu chè, không tà dâm, không ca vũ nhạc kịch, không sử dụng nữ trang, mỹ phẩm, không dùng giường cao chiếu rộng, quần là áo lụa, chăn êm nệm ấm. Tất cả những cái đó là ly dục bằng giới. Mà ly dục bằng giới nó chỉ giải quyết một ít vấn đề của thân và khẩu thôi. Ở đây Đức Phật Ngài dạy phải đi một bước nữa là ly dục bằng định.
Ly dục bằng định Rốt ráo hơn một tí. Có nghĩa là vấn đề ở đây không phải là mình tránh những cái bị cấm trong bát giới thôi, đối phó với lòng dục mà còn nhờ vào bát giới là còn kém. Mình phải đối phó với lòng dục ở mức cao hơn. Đó là đối phó với 6 căn. Bởi vì một người giữ bát quan trong sạch thì đúng là họ không có hành dâm, không có uống rượu, không có ăn sái giờ, không ca vũ nhạc kịch, không có phấn son nữ trang mỹ phẩm, không giường cao chiếu rộng, quần là áo lụa, chăn êm nệm ấm, đúng, nhưng cặp mắt của họ cũng còn thích ngắm hoa, tai họ còn thích nghe tiếng thác đổ, suối chảy, chim hót, lá reo. Nhưng người thu thúc lục căn thì luôn luôn biết rõ nghe chỉ là nghe không có gì nữa, chạm chỉ là sờ chạm không có gì ngoài ra nữa, mùi chỉ là mùi không phân biệt mùi gì chỉ biết mũi đang ngửi mùi là đủ rồi. Đó chính là thu thúc lục căn. Thì thu thúc này mới là rốt ráo. Nhưng mà đủ chưa? Chưa. Bởi vì thu thúc lục căn mà qua định là qua sự tập trung tư tưởng. Anh tập trung vào cái đề mục nào đó để cho 5 căn kia của anh nó đóng lại thì gọi là ly dục bằng định. Ly dục bằng định giống như đứa bé kiêng ngọt, nó không dám chạm tay vô bánh vô kẹo vì sợ bị la. Ở đây nó xài tới sự khiêng cưỡng. Nghĩa là sự kiêng tránh nhưng không có triệt để, không có dứt khoát, mà ở đây nó nhờ đến sự gồng mình. Một đứa bé nó kiêng ăn kẹo, hoặc có người muốn dành thì giờ thi tú tài họ đành phải cạo cái đầu không dám ra đường để dồn hết thời gian luyện thi tú tài, thí dụ như vậy. Thì phải hiểu là không có bằng ly dục bằng tuệ.
Ly dục bằng tuệ Là anh không phải đóng cửa mà là anh nhận thức nó rõ ràng nó là cái gì. Ly dục bằng tuệ quán là anh thấu suốt vấn đề nó khác. Tại sao người lớn kiêng ăn ngọt vào ban đêm? Nếu lúc đó bụng mình trống mà dùng đồ ngọt thì nó chỉ thêm cái chua cho bao tử thôi. Còn bụng không bị trống thì ăn ngọt vô mắc công đi đánh răng, chưa kể khi mình nằm ngủ mình không vận động để tiêu thụ năng lượng thì cái đường đó nó vô chỉ có hại cho mình thôi, nó chỉ là nền cho bệnh đái tháo đường thôi. Khi mình hiểu như vậy, mình biết thêm là mình thích ăn ngọt chẳng qua vì khẩu dục thôi, chứ còn đồ ngọt 90% nó không cần thiết cho cơ thể mình và nó chỉ có hại thôi. Nó chỉ đã cái miệng mình là vừa cái khẩu dục thôi. Khi mình hiểu được những cái như tôi vừa nói, mình không ăn ngọt bằng cái nhận thức chứ không phải bằng sự khiêng cưỡng như một đứa bé mà nó cữ ngọt.
Ly dục bậc hạ là ly dục bằng những giới cấm. Bậc trung là bằng sự tập trung tư tưởng để đóng cửa không cho mấy căn buông lung bay nhảy. Nhưng đến ly dục bằng tuệ là anh ly dục bằng sự nhận thức. Tôi đã nói rất nhiều lần, tuệ học chủ yếu là chánh niệm và trí tuệ. Nhưng mà trước khi anh bắt đầu đời sống chánh niệm anh phải có học giáo lý. Cái đầu anh chưa đủ để anh biết anh là ai, anh ở đâu anh tới, vì vậy anh phải nhờ tới lời Phật dạy.
Phật dạy rất rõ, trước khi ly dục phải hiểu dục là cái gì? Dục là chạy theo cái mình muốn. Mà ở đâu nó ra cái muốn đó? Cái muốn của người này không giống với cái muốn của người kia, không thể nào giống được hết. Anh em một nhà một cha một mẹ mà còn không giống nhau. Vì sao vậy? Vì tiền nghiệp, vì khuynh hướng tâm lý và vì môi trường sống. Môi trường sống của 2 anh em có thể giống nhau nhưng khuynh hướng tâm lý nhiều đời, tiền nghiệp, nhiều kiếp không thể giống nhau. Chính vì khuynh hướng tâm lý và tiền nghiệp không giống nhau nên sở thích không giống nhau. Và hễ sở thích không giống nhau thì cái mình thích và cái mình ghét cũng không giống nhau. Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống làm cho cái thích và cái ghét của mình không giống nhau.
Như vậy muốn ly dục mình phải hiểu thích là cái gì trước đã. À! Thì ra do tiền nghiệp nên cái thích của mình không giống nhau. Có loài nó thích ăn thịt sống máu tươi, có loài nó thích ăn rau trái củ quả, có loài thích ăn chiên xào nấu nướng, có loài nó thích ăn côn trùng. Đó là trong thế giới sinh vật nói chung. Còn trong thế giới loài người thì giới tính, trình độ văn hóa, sắc tộc, đất nước, xứ sở, nền tảng văn hóa, xã hội, học thức, tất cả những chi tiết đó nó cộng lại làm thành cái nền tảng chung để cho ta thích và ghét không giống nhau. Từ chỗ có được cái mình thích và phải chịu cái mình ghét dẫn đến đau khổ và hạnh phúc cũng không giống nhau.
Muốn ly dục phải hiểu như vậy đó thì mới thấy chán. Cũng hình hài đó mà có lúc thích lúc không, cũng nơi chốn đó mà có lúc thích lúc không, cũng món đồ đó mà mình lúc thích lúc không, cũng khí hậu thời tiết đó mà mình có lúc thích lúc không. Như vậy mình thấy rõ ràng những cái mình thích không phải là hằng số bất biến, những giá trị vĩnh hằng mà nó là cái gì đó rất là tương đối, rất là tạm bợ, rất là bất toàn, bất trắc.
Đạt tới cái tiếp theo đó là ly dục cao hơn là ly dục bằng thiền định. Học giáo lý xong chưa đủ, phải nghiền ngẫm thấm thía, rồi phải biết bỏ đi những gì không cần thiết để hướng tới chuyện khác cao hơn đó là thích đời sống thiền định tức là trình độ ly dục bậc 2. Khi Chư Phật không có ra đời thì chúng sanh giỏi nhất trong tam giới này là họ chỉ đạt được trình độ ly dục bậc 2 thôi. Đó là giỏi nhất, chứ không thể ly dục bằng trình độ bậc 3 được. Ly dục bằng tuệ quán chỉ có Chư Phật thôi. Khi các Ngài ra đời các Ngài dạy cho người ta. Chư Phật độc giác tự mình làm được chuyện đó nhưng không có dạy cho ai được, chỉ có chánh đẳng giác tự mình có thể làm được và dạy cho người khác. Cho nên khi mà Chư Phật không có ra đời thì chúng sanh giỏi nhất chỉ có khả năng ly dục bằng thiền định thôi. Mà đó là một số rất là ít, một phần tỷ hoặc là một phần nhiều tỷ tức là hàng tỷ chúng sanh mới có một chúng sanh đắc thiền.
Cho nên đa phần nghiệp dắt vào đâu thì vùi đầu đam mê trong đó. Đây là câu mà quí vị phải thuộc lòng ngoại trừ những bậc biết vượt thoát khỏi lối mòn tâm thức. Đa phần chúng sanh là nghiệp dẫn vào đâu thì gục mặt cắm đầu ở trong đó để mà đam mê. Mình làm con người thì mình có những đam mê chết bỏ của con người. Mình nhìn thấy những loài côn trùng chuột bọ rắn rít chui rúc ở trong đống rác ống cống mình gớm chết được. Nhưng nếu kiểu sống của mình mà bất thiện nhiều quá thì mai này mình trở xuống dưới ống cống hầm cầu đống rác thì mình có thể nói là mình tận hưởng hương và vị ở đó một cách cực kỳ tâm đắc. Đa phần chúng sanh lúc nhúc loi nhoi ở cảnh giới sa đọa, là vì chúng sanh chỉ sống theo nghiệp dắt mình đến đâu là vùi đầu gục mặt đến đó. Chỉ có một số rất ít, một trên nhiều tỷ biết chán dục.
Ly dục ở đây phải do nhận thức thì nó vững chải hơn, chứ còn ly dục mà chỉ do sự khiêng cưỡng, do hoàn cảnh thì cái đó xài không được, nó không có bền. Cho nên bước tiếp theo tỳ kheo phải biết lìa dục để tu tập thiền định, xa hơn nữa là phải có được hứng thú trong tuệ quán. Sẽ có một ngày vị tỳ kheo thấy rằng có đi về cảnh nào cũng vậy thôi. Từ cõi người cho đến cõi dục thiên, phạm thiên sắc giới, rồi vô sắc giới, cuối cùng chung cuộc mình đi về đâu? Nó cũng là sự quẩn quanh thôi. Cho nên vị đó mới có đủ hứng thú để tu tập tuệ quán. Tu tập tuệ quán đây không phải là để tìm những phút an lạc hiện tiền tuy đúng là nó có một phần như vậy. Hễ tu tập tuệ quán thì an lạc hiện tiền, nhưng cái mà vị này hướng đến còn cao hơn nữa. Đó chính là sự lìa bỏ vĩnh viễn cái hiện hữu của mình, không tiếp tục có mặt nữa.
Tôi nói hoài: Hôm nay các vị có tí tiền, tôi biết, vì nếu mà các vị không có tiền, không có sức khỏe thì làm sao các vị có điều kiện để vào đây nghe? Không, tôi không tin. Bây giờ các vị phải đi đạp xích lô, phải đi bán vé số, phải đi bán hàng rong, bán kẹo kéo, ai tốt giọng thì vừa bán vừa hát, giờ này phải quần quật ở hàng quán, đêm hôm mưa gió ráng đi bán cho hết xấp vé số, bán hết rổ bánh cam, bánh còng, hết cái thùng bánh giò thì hơi sức đâu mà các vị vào đây để mà nghe pháp? Hôm nay các vị có thời gian mà ngồi nghe live trực tiếp như thế này tôi cũng tin là các vị ít nhiều cũng có điều kiện các vị mới vào đây, nhưng mà khổ một nỗi là kêu tu tập tuệ quán thì phải xét lại. Bởi vì có người họ chán đời quá, mệt mỏi quá thì cũng muốn có chỗ để sống chánh niệm, sống chậm lại, nhưng rồi thì sao? Nếu anh không hiểu rằng anh là ai, tại sao anh phải tu tập tuệ quán? Cứu cánh cao nhất mà anh hướng đến là cái gì? Sẽ có một ngày khi sự buồn chán qua đi, anh sẽ quay trở về con người cũ của anh.
Cái quan trọng ở đây là đạo Phật không có kêu mình chán đời, không nói mình chán hay đam mê, mà nói mình phải nhìn rõ vấn đề. Phải thấy rõ vấn đề thì tự nhiên anh mới biết là mình tiếp tục nên thích hay không nên thích. Chẳng hạn như trong rất nhiều bài kinh Đức Phật dạy "Này các tỳ kheo, thật là vừa đủ để nhàm chán, thật là vừa đủ để xả ly". Tại sao Ngài nói như vậy? Vì trước đó là Ngài đã kể cái gì đó cho mình nghe rồi. Ngài kể câu chuyện xưa xong rồi Ngài kết thúc, trong bổn sanh có ghi rõ Thế Tôn mỗi lần kể một câu chuyện quá khứ Ngài thường kết thúc bằng thời pháp về 4 đế mà Ngài Minh Châu nói là bài pháp thoại về 4 sự thật, tức là về 4 đế. Cứ mỗi lần kể xong chuyện quá khứ, nhận diện bổn sanh là trong kiếp đó người nào đó trong kiếp đó là ai và kết thúc bằng pháp thoại về 4 đế "Này các tỳ kheo, này đại chúng, tất cả những buồn vui đó trong quá khứ đều là khổ đế hết. Và những buồn vui ấy đều có được từ niềm đam mê của chúng ta trong cuộc đời này. Từ niềm đam mê ấy chúng ta mới làm ra các nghiệp thiện ác, từ các nghiệp thiện ác ta mới có sự buồn vui sướng khổ. Cho nên mọi hiện hữu trên đời này đều là khổ. Niềm đam mê nào trong khổ cũng là tập đế, mọi thứ đều là khổ đế. Muốn hết khổ thì phải lià bỏ tập đế trong khổ đế". Khi Đức Phật kết thúc mỗi câu chuyện bằng một pháp thoại ngắn như vậy thì đó là thời điểm rốt ráo để cho người ta chứng đạo, luôn luôn là như vậy. Và cuối cùng Ngài mới nói "Này các tỳ kheo, thật là vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly. Vì dòng luân hồi nó chỉ quẩn quanh trong khổ tập, khổ tập, khổ đế, tập đế. Vì đam mê trong mọi thứ nên mới có mặt chỗ này chỗ kia, do có mặt chỗ này chỗ kia nên mới thích cái này cái nọ, do thích cái này cái nọ mới tạo các nghiệp thiện ác. Do các nghiệp thiện ác nên tiếp tục sanh về chỗ này chỗ kia. Mà hễ sanh về chỗ này chỗ kia là thích cái này cái nọ, do thích cái này cái nọ nên mới tạo các nghiệp thiện ác. Do tạo các nghiệp thiện ác nên mới đi về chỗ này chỗ kia, do đi về chỗ này chỗ kia mình lại tiếp tục thích cái này cái nọ...." Nó cứ lòng vòng, lòng vòng:
Ổng cứ quẩy hoài vậy đó, đại khái như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét