Thương Được Kẻ Thù
Có ba ý nghĩa của chữ "bảo" trong Tam bảo, mình gọi là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Mình cứ hiểu nôm na bảo là quí thôi, nhưng mà bảo ở đây (chữ quí) có nghĩa là sao? Thì trong chú giải giải thích rất rõ tại sao có chữ ratana. Tại sao Phật, Pháp, Tăng lại gọi là ba món bảo ở đời?
Chữ bảo đó gồm có ba nghĩa:
Thứ nhất là mức độ quí hiếm không có một thứ bảo thạch, châu ngọc, quí kim nào mà nó hiếm đến mức mà trong vô lượng vũ trụ chỉ có một chỗ có thôi, không có một báu vật nào trong đời vật chất mà nó quí như vậy hết.
Thứ hai, không có một loại châu ngọc, bảo thạch, quí kim nào mà nó có thể cuốn hút gọi là vô số Chư thiên, Phạm thiên từ vô lượng vũ trụ vân tập về để mà chiêm ngưỡng, chiêm bái với tất cả lòng tôn kính như vậy.
Và thứ ba là sự ra đời của một Đức Phật quí hiếm không có thể tả được. Mình đừng có nghĩ rằng tại vì Ngài cao siêu quá. Mình hiểu nôm na như vậy là không phải. Mà phải nhớ rằng sở dĩ chuyện Đức Phật ra đời là hiếm là vì cái hành trình để thành Phật khổ quá đi, khổ lắm. Nhiều người hỏi tại sao Đức Phật dạy rằng là sự ra đời của một Đức Phật là khó tìm? Có phải vì Ngài là Phật rồi Ngài mới nói như vậy? Không phải vậy!
Sở dĩ chuyện Đức Phật ra đời là hiếm là vì hành trình trở thành Phật khổ lắm.
Hành trình có 4 bước.
Bước một, là lòng tri ơn, thương quí được cái người đã giúp mình đã là khó tìm. Chuyện mình thương quí được cái người mà tốt với mình, có ơn với mình là đã khó tìm. Trong kinh nói rất rõ cái người có lòng tri ơn mà biết báo ơn là cực hiếm, hiếm lắm. Nhiều người không tin chuyện đó. Quí vị nghĩ "Làm gì mà tệ vậy? Làm gì mà người chịu ơn mà biết tìm dịp báo ơn lại là hiếm." Nhưng các vị bình tĩnh một chút thì các vị mới thấy nó khó lắm. Người ta tốt với mình bao lâu đi nữa, bao nhiêu đi nữa, cỡ nào đi nữa, mà chỉ cần sơ sẩy một chút là mình phủi tay vong ơn liền tức thì vậy đó. Nó vong ơn dễ ẹc hà. Chúng ta có tới một ngàn lý do để mà chúng ta phủi tay vong ơn, tôi nói cho quí vị biết như vậy. Đừng có ngồi đó mà làm thơ, mà dệt mộng, mà tưởng mình là có trí tuệ, có nhẫn nại, có hành xả, có thiền định, có lòng tri ơn. Không có đâu, tất cả những cái mình tưởng mình có thật ra toàn là hột mè không hà. Trong khi cái người ta có nó phải bự như cái núi, những cái đức tánh đó phải bự như cái núi mới thành Phật được. Còn mình chỉ là hột mè thôi. Cái lòng tri ơn của mình mình rất dễ phủi tay. Nhưng cái chuyện đầu tiên là cái lòng tri ơn, phải có lòng tri ơn mới được. Từ đó mới thương, mới quí được người giúp mình, người đối xử tốt với mình.
Tiếp theo là bước thứ hai, nó khó hơn một chút. Đó là thương được kẻ gọi là không ân không oán gì mình hết, người dưng nước lã.
Cái khó thứ ba, ghê hơn chút nữa, là thương được bạn của kẻ thù! Tôi nói thiệt với bà con tôi làm cái này không nổi. Tôi đang giảng cái này mà tôi làm cái đó không nổi. Tôi mở miệng ra bà con nói sao ông sư ổng nói thù oán. Tôi chỉ mượn cái cớ tôi nói thôi, chớ tôi không có thù ai hết trơn hết. Nhưng mà tôi chỉ nói là tôi biết cái tánh của tôi. Tôi không thể nào mà tôi thích được cái người mà chơi rất thân với kẻ ghét tôi. Làm ơn nhớ cái đó. Tôi không có tài nào mà tôi thương được cái kẻ mà chơi rất thân với người ghét tôi. Tôi nói thiệt tôi thương không nổi. Bởi vì sớm muộn gì nó cũng đứng về phía hàng ngũ của tên kia, cho nên là tôi thương nó không nổi.
Cho nên cái bước một là lòng tri ơn, tức là thương quí được cái người tốt với mình, cái đó thấy nó dễ mà đã hiếm rồi. Bước hai là thương được, hy sinh được cho cái kẻ mà không có ơn oán gì với mình hết. Cái bước ba nó khó hơn nữa, có nghĩa là thương được cái kẻ mà thân thiết với kẻ thù mình, người khônng ưa mình.
Và cái bước cuối cùng của hành trình trở thành Phật là thương được kẻ thù, thương được cái kẻ mà nó mới vừa hại mình hoặc nó sắp giết mình.
Trích: KTC.6.121 Tham (bài giảng 26.06.2019)
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét