Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Thiền Định hay Thiền Quán???? *****

 


HỎI

Kính bạch sư cho con xin phép hỏi là khi chúng con bắt đầu tập đi vào một khóa thiền, thì nên chọn thiền Định trước rồi qua Vipassana hay là mình có thể trực tiếp đi vào Vipassana?

ĐÁP
Theo sư nghĩ đối với người cư sĩ, chúng ta công chuyện đa đoan, có nhiều bổn phận, sư nghĩ rằng chúng ta nên thực hành Tứ Niệm Xứ(TNX). Tại vì phương pháp thiền định nó sẽ phù hợp đối với những vị xuất gia nhiều hơn, vì trong kinh Đức Phật dạy rằng tiếng động là cái gai của Sơ Thiền, Tầm Tứ là cái gai của Nhị Thiền. Thì ở đây đó khi tu phương pháp thiền định thì chúng ta cần phải có một trú xứ hêt sức là yên tịnh, để tâm chúng ta tập trung cao độ vào một đối tượng duy nhất để chúng ta phát triển. Khi mà chúng ta phát triển đến cái tâm chúng ta tập trung thì khi đó chúng ta sẽ đắc được thiền, thì phương pháp thiền định là như vậy. Còn thiền thứ hai là thiền Vipassana còn được gọi là thiền Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy chúng ta có thể ứng dụng trong mọi cái hoàn cảnh, cuộc sống.
Chúng ta thấy rằng trong cái xứ Kuru mà Đức Thế Tôn ngài thuyết về bài kinh TNX, thì những người trong xứ Kuru này khi mà họ gặp nhau, họ chào hỏi và họ hỏi thăm rằng: “Này bạn! bạn đã thực hành các phương pháp nào trong TNX, Thân, Thọ, Tâm hay là Pháp quán niệm xứ?”, thì những người kia họ trả lời rằng: “Tôi không có thực hành TNX!” Thì những người hỏi họ nói rằng: “Bạn sanh làm người thật là uổng! Bạn sống là kiếp nhân loại cũng như cái người đã chết! Còn khi mà họ gặp nhau họ hỏi thăm nhau mà họ hỏi rằng: “Này bạn! Bạn đã thực hành các phương pháp gì trong TNX? Thì người kia nói rằng: “Tôi thực hành Thân/Thọ hay là Tâm, hay là Pháp quán niệm xứ” thì người này họ mới vui mừng họ nói rằng: “Bạn sống cuộc đời này có ý nghĩa và không uổng đi kiếp người!” Thì chúng ta thấy rằng phương pháp TNX khi nào có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thì khi đó mới có phương pháp TNX, mà phương pháp này phù hợp cho tất cả chúng sanh, kể cả người xuất gia và người tại gia.
Trong Thân quán niệm xứ (QNX), Đức Phật dạy cho người cư sĩ chúng ta có 14 cách để chúng ta tu tức là 14 đối tượng đó. Trong đó gồm có:
-Theo dõi hơi thở
-Quan sát tứ đại oai nghi( đi, đứng, nằm, ngồi)
-Tiểu oai nghi
-Quán về Tứ Đại
-Quán về 32 thể trược (trong cơ thế chúng ta)
-Quán về 9 đề mục tịnh tử thi
Trong 14 đối tượng thân QNX những phương pháp mà Đức Phật dạy chúng ta để chúng ta ứng dụng trong cuộc sống. Đức Phật dạy vì tỳ kheo đang đi biết rõ mình đang đi, thì người cư sĩ chúng ta có thể sống cuộc sống này. Chúng ta đang đi chúng ta biết rõ tư thế mình đang đi, quan sát để chúng ta chánh niệm.
Đức Phật dạy vị tỳ kheo đang đứng biết rõ mình đang đứng, thì người cư sĩ chúng ta cũng dễ dàng thực hành TNX, chúng ta đang đứng để đón xe hay chờ ai đó chúng ta cũng có thể lấy đối tượng, oai nghi đang đứng để quan sát.
Đức Phật dạy vị tỳ kheo đang nằm biết rõ mình đang nằm, tức là cư sĩ chúng ta khi mà chúng ta mệt mỏi, không đi được thì có thể nghỉ ngơi, có thể nằm và quan sát cái oai nghi nằm chúng ta vẫn tu tập được.
Đức Phật dạy vị tỳ kheo đang ngồi biết rõ mình đang ngồi, thì tương tự như vậy khi chúng ta đang ngồi làm việc vẫn có thể quan sát, chánh niệm trong tư thế ngồi. Thì đi, đứng nàm ngồi cũng là các đề mục để cho hành giả dễ dàng quan sát, tu tập.
Đức Phật dạy rằng khi vị tỳ kheo đang ngồi biết rõ mình đang ngồi, tức trong cuộc sống khi chúng ta ngồi làm việc chúng ta vẫn quan sát, vẫn chánh niệm trong tư thế ngồi. Thì đi đứng, nằm ngồi là những đề mục cho hành giả dễ dàng quan sát.
Thêm nữa Đức Phật dạy chúng ta cách quan sát về tiểu oai nghi: Chẳng hạn như khi chúng ta nhìn, ngó sang phải, ngó sang trái chúng ta biết rõ mình đang ngó bên phải, ngó bên trái. Tay chúng ta làm việc đưa lên biết rõ mình đang đưa lên, co tay lại chúng ta quan sát biết rõ mình đang co tay lại. Khi mà chúng ta ăn, chúng ta nếm thì cảm nhận được vị đồ ăn thì những cái này nó giúp cho người cư sĩ chúng ta quan sát trong cuộc sống. Thì chúng ta thấy rằng TNX có thể ứng dụng trong đời sống chứ không phải chỉ khi ở trong chùa.
Phương pháp Thọ QNX Đức Phật dạy chúng ta có thể ứng dụng vào cuộc sống chẳng hạn như khi chúng ta gặp chuyện vui, có người khen chúng ta khiến chúng ta vui. Chúng ta có thể lấy niềm vui đó để chúng ta quan sát, đó gọi là thọ hỷ; có thể tu tập về Thọ QNX. Hoặc khi chúng ta gặp cảnh trái ý nghịch lòng, tâm chúng ta trỗi lên sự u buồn chúng ta đau khổ, thất vọng thì cái sự buồn khổ đó để quan sát nhằm tu tập Thọ QNX. Thì khi chúng ta có sự quan sát trên nỗi buồn đó thì nỗi buồn nó sẽ giảm dần, cường độ yếu đi và sẽ từ từ biến mất. Chúng ta hiểu về cái bản chất của Pháp thì có những lúc chúng ta bình thản, an yên thì chúng ta cũng có thể quan sát được. Như vậy, phương pháp TNX phù hợp cho tất cả chúng sanh.
Và trong đời sống người cư sĩ chúng ta có thể tu tập Tâm QNX theo lời Đức Phật dạy khi chúng ta đang sân giận, nóng nảy với người nào đó; họ chửi chúng ta, chúng ta bực mình, chúng ta tức giận. Thì khi chúng ta thực hành TNX chúng ta có thể ghi nhận được cái tâm sân đó là đối tượng để chúng ta quan sát. Khi chúng ta tập trung quan sát tâm sân thì nó sẽ yếu dần, yếu dần và biến mất. Để chúng ta thấy được rõ cái bản chất của Pháp chúng ta không còn sân nữa, khi mà nhận diện nó yếu dần thì nó sẽ biến mất. Các quý phật tử thấy không nó rất là dễ dàng.
Hay là khi chúng ta trong đời sống có tâm tham sanh khởi, chúng ta muốn nhiều, thích cái này thích cái kia thì lúc đó chúng ta thực hành trực diện vào Tâm QNX để chúng ta quán, chúng ta quan sát thì khi thấy rõ bản chất nó sẽ giảm dần và tiêu biến. Thì chúng ta thấy rằng trong Thân, Thọ, Tâm và Pháp thì trong thân thể chúng ta lúc nào cũng có đối tượng hết và dễ dàng ứng dụng trong đời sống. Còn phương pháp thiền định sư nghĩ rằng người cư sĩ chúng ta muốn tu cũng được chứ không phải là không được, nhưng mà chúng ta phải có một trú xứ ổn định khi đó chúng ta phải an trú vô đề mục của mình để chúng ta gìn giữ, lúc nào cũng phải an trú. Nhưng mà sư nghĩ rằng trong thời buổi bây giờ tu thiền định đối với người cư sĩ nó hơi khó. Tại vì trong thời buổi này nó rất là ồn ào, kể cả khi ở trong rừng cũng nghe tiếng nhạc, tiếng loa phóng thanh rất là xa. Mà khi chúng ta sinh hoạt để tập trung vào cái đề mục thiền định thì rất là khó.
Chẳng hạn như khi các Phật tử đang chạy xe chúng ta phải tập trung vô cái đối tượng thì chúng ta khó mà chạy xe được. Trong TNX thì nó dễ dàng, chúng ta chạy xe đang nhìn chúng ta biết mình đang nhìn, chúng ta biết rõ tâm chúng ta nghĩ gì, buồn vui đều biết rõ, tức là để chúng ta thấy được cái tính chất của pháp. Thì nói chung thời Đức Phật, ngài là một bậc trí tuệ, Ngài biết được cá tính của mỗi chúng sanh và 5 quyền của chúng sanh : tín, tấn, niệm, định, tuệ, thì tuỳ theo từng người mà Đức Thế Tôn thuyết giảng. Ví dụ như thời Đức Phật ngài Kassapa từ cõi Phạm Thiên sanh xuống, thì quá khứ ngài đã từng chứng thiền rồi cho nên ngài mới được sanh lên cõi Phạm Thiên, những người từ cõi Phạm Thiên xuống đã từng đắc thiền rồi thì cái thừa cặn vẫn còn y nguyên đó, Đức Thế Tôn chỉ cần gợi ý lại thôi thì những vị đó có thể lấy lại cái đề mục và thiền quá khứ mà họ đã từng chứng thì họ chỉ cần tu tập vài ngày hay vài tháng là họ có thể đắc thiền. Khi mà họ đắc thiền rồi thì họ sẽ lấy thiền định làm nền tảng để từ tập Vipassana. Còn với những vị chưa đắc thiền thì Đức Thế Tôn sẽ thuyết trực tiếp về TNX mà những vị này trong quá khứ đã tu TNX rồi thì Đức Thế Tôn chỉ cần thuyết một bài họ có thể giác ngộ, đắc đạo. Chúng ta thấy rằng ông Câp Cô Độc hay là bà Visakha, những cư sĩ này không phải những người đắc thiền. Visakha mới 7 tuổi nghe Đức thế tôn thuyết một bài pháp trong lúc đó đắc được Tu Đà Hườn là vì trong quá khứ bà đã tu tập TNX trong giáo pháp của Đức Phật quá khứ, đã thuần thục nên bây giờ đến thời Đức Phật Gotama chúng ta thì ngài chỉ cần gợi ý, thuyết lại là bà đã đắc được quả. Sư nghĩ rằng đối với người cư sĩ, chúng ta nên thực hành TNX và luôn cần hiểu rằng khi nào có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thì khi đó mới có TNX, và khi mà không có sự xuất hiện đó thì vẫn có chúng sanh đắc thiền.
Khi Đức Phật còn là Bồ Tát thì có những đạo sĩ như Ràmaputta, Kàlàma hay là A Tư Đà, những bị đạo sĩ này vẫn đắc được thiền, có những vị đắc tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thì khi nào chúng ta gặp đúng Chánh pháp thì mới có cơ hội thực hành TNX. Các vị thực hành TNX trong pháp của Đức Phật Gotama mà chưa đủ duyên lành để đắc được đạo quả, thì sau này Đức Phật Metteyya xuất hiện ở đời ngài chỉ thuyết cho quý vị một bài kệ thôi thì các vị có thể đắc được đạo quả. Trong thời Đức Phật ngài có thuyết một bài kệ mà ngài chỉ chỉnh sửa có một câu thôi mà ba nhóm tuỳ kheo 1500 vị đắc đạo quả từ Tu-Đà-Hườn tới A-la-Hán vì trong quá khứ các vị này đã thực hành TNX một cách thuần thục trong thời Đức Phật quá khứ.
Đức Phật có dạy rằng: “này các chúng sanh, con đường độc nhất đưa chúng ta tới thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đó là bốn niệm xứ.”.
Tức là chỉ có con đường này thôi không có con đường nào khác. Bây giờ người cư sĩ chúng ta đến với giáo pháp này mà không thực hành TNX thì không thể nào đắc đạo được trong giáo pháp Đức Phật Gotama. Chúng ta cứ luân hồi mãi và sau này có gặp Đức Phật Metteyya ra đời đi nữa ngài có thuyết pháp cho chúng ta thì chúng ta cũng không đắc được. Chúng ta cần tiếp tục bồi bổ thêm ba la mật, cho nên Phương pháp TNX mà người cư sĩ nào hiểu được giá trị quý báu của nó thì sư khuyên các vị nên thực hành phương pháp này, và TNX sẽ phù hợp với mỗi cá tính của chúng sanh.
Sư Khánh Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét