Để qua một bên
Có 2 cách để giải quyết một điểm thắc mắc: Một là đi tìm câu trả lời, hai là để nó qua một bên. Để nó qua một bên cũng là một cách giải quyết.
Thí dụ bây giờ mình cứ thao thức hoài: bà xã mình bả nói bữa nay bả đi về khuya bả gặp đứa em họ bên Việt Nam mới qua, sao giờ 12 giờ bả chưa về? Cứ thắc mắc hoài ngủ không được, thôi thì bây giờ mình đừng nghĩ tới nữa. Như vậy thì mình mới đi ngủ được, chứ còn mình suy nghĩ hoài suốt đêm tóc trắng có chết hay không? Có 2 cách giải quyết: Một là chịu không nổi, lái xe đi kiếm hoặc là alô nhờ bạn bè kiếm dùm, nói chung là đi tìm câu trả lời. Còn cách thứ hai nữa là để nó qua một bên. Có nhiều chuyện trong đời sống này mình thấy nó kỳ kỳ thì mình để qua một bên.
Chẳng hạn đối với tôi, tôi là một người tu sĩ, tôi nghiên cứu Phật Pháp, nghiên cứu kinh điển nhưng mà tôi báo cho bà con một chuyện mà bà con rất dễ bị sốc đó là có nhiều cái trong kinh điển mà tôi xếp nó vô cái loại là cần xét lại. Vì sao vậy? Vì Phật không có ghi chữ nào hết. Ngay cả Phật có ghi thì đời sau nó cũng sửa lại được vậy, huống chi là Phật không có ghi. Phật chỉ nói thôi. Kinh sách do đời sau chép lại, làm sao mấy ngàn năm mà không có thêm bớt? Cái trách nhiệm của mình là cái nào mình thấy được thì mình theo còn cái nào thấy kỳ kỳ thì mình để qua một bên. Nhiều lắm qúi vị. Có rất là nhiều vấn đề, thấy ngộ, thấy kỳ kỳ tôi để qua một bên, không nhắc tới nữa. Một phần là mất thời gian, một phần tôi không muốn gieo cái nghiệp bất kính. Mình để qua một bên không nhắc tới nữa. Một lúc nào đó đủ duyên tự nhiên tôi moi ra tôi lại hiểu theo một cái hướng khác. Quý vị hiểu không? Bởi vì nên nhớ thế này: Dầu các vị có thuộc lòng kinh điển tam tạng đi nữa nhưng tôi bảo đảm các vị mỗi một bài kinh có vô số cách hiểu, tin tôi đi. Ngày xưa 20 tuổi bài kinh đó mình hiểu khác, 30 năm sau mình hiểu khác và 50 năm sau mình hiểu khác. Năm mình 70 tuổi mình hiểu bài kinh đó khác. Không phải khác vì mâu thuẩn mà vì nó sâu hơn, nó rộng hơn, nó nhiều góc độ, nó nhiều chi tiết hơn, tin tôi đi.
Tu hành là tu ngay chỗ này đây:
Kiếp trước mình Vô minh trong 4 đế, kiếp trước mình tạo nghiệp thiện ác, rồi kiếp trước mình mới có tâm đầu thai, cho nên kiếp này mình sanh ra mình có 6 căn, đúng không? Nhưng mà khi mình có 6 căn rồi thì sao? Mình không để cho 6 ái xuất hiện mà mình để cho 5 thiện xuất hiện. Tu là tu ngay chỗ này đó. Mà vô lượng kiếp mình lại không tu, mình cứ tiếp tục do Vô minh tạo ra nghiệp thiện ác, từ nghiệp thiện ác có tâm đầu thai, tâm đầu thai nó ra 6 căn, có 6 căn rồi thì sống phiền não, gặp cái như ý thì tham mà gặp cái bất toại thì sân. Còn bây giờ mình biết đạo rồi, khi mà mình đã có 6 căn rồi thì sao? Lúc nào mình cũng sống chánh niệm hết, hiểu không? Tu là tu chỗ đó. Khi mà sống chánh niệm là mình sẽ hạn chế cơ hội của 4 thủ, 2 hữu và 4 sanh. Nếu chứng thánh thì cắt ngay đời này, còn nếu không chứng thánh được thì tối thiểu mình gieo duyên cho đời sau mình cắt mấy con số đó, số 4, số 2, thấy không? Và cái này mới rùng rợn: Tại sao có số 4 này? "Noãn, thai, thấp, hóa" là do cái này ra: do 6 ái, 4 thủ, 2 hữu.
Các vị còn nhớ câu tôi nói mấy ngày nay không? Mình sống giống cái con gì nhất thì khi mình chết mình sẽ về với cái loài đó. Hiểu chứ? Mình sống mà giống chim thì chết về làm chim, sống giống cá chết về làm cá. Nghe cái này mới ghê: Thích ăn ngon mà không tu hành sẽ sanh làm loài ăn tạp, thích ăn ngon mà có tu hành sẽ sanh làm người có lộc ăn, có hiểu không? Chỉ biết ăn chay mà không học giáo lý thì sẽ sanh làm các loài ăn cỏ. Chỉ thích ăn mặn vì thích ăn ngon mà không tu hành thì sanh làm các loài ăn thịt sống. Thích mặc đẹp mà không tu hành sẽ sanh làm loài diêm dúa sặc sỡ loè loẹt như ong, bướm, các loài cá nhiều màu sắc, kỳ nhông. Nhưng nếu thích đẹp mà có tu sẽ sanh ra làm người có đầy đủ quần là, áo luạ. Có rất nhiều người chỉ riêng phụ kiện trên người của họ là mấy ngàn rồi, mắt kiếng là Gucci, khăn quàng là LV, áo khoát là Gucci, đôi giày là Prada. Thích đẹp mà có làm phước là nguyên một cây toàn là brand name không, còn nếu thích đẹp mà không tu là nguyên cái con cắc kè, nguyên con két Nam Mỹ nó đủ thứ màu hết trơn, hoặc là mấy cái con bướm đủ thứ màu. Thích mặc đẹp mà không có tu là sanh làm cái loài sặc sỡ, diêm dúa loè loẹt như vậy. Thích ăn ngon mà có tu hành, nghĩa là có từ bi, có trí tuệ, có giữ giới, có bố thí, thì sẽ sanh ra làm người có lộc ăn. Có nghĩa là cái thích mà cộng với cái chuyện mà anh sống như thế nào nữa. Lý do tại sao có số 4 đó là tại vì anh sống giống cái loài nào thì anh sẽ về sống chung với loài đó, chuyện đó rất là khoa học. Tôi đã nói hoài, cái loài ở nước mặn thì nó phải về loài nước mặn, loài nước ngọt phải về với loài nước ngọt.
Trích bài giảng Duyên Khởi - 12 Nhân duyên - 6 Cơ tánh chúng sanh
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét