Cửa Trước Cửa Hông Cửa Sau
KTC 7. I. 7. Tưởng
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập vô thường tưởng, tu tập vô ngã tưởng, tu tập bất tịnh tưởng, tu tập nguy hại tưởng, tu tập đoạn diệt tưởng, tu tập vô tham tưởng, tu tập diệt tưởng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.AN 7. I. 7. Saññā
saññā | tưởng |
anicca | vô thường, không trường tồn |
anatta | vô ngã |
asubha | xấu, bất tịnh, không sạch, xác chết |
ādīnava | bất lợi |
pahāna | đoạn tận |
virāga | ly tham |
nirodha | đoạn diệt |
Bảy pháp Tưởng hay bảy pháp suy niệm giúp cho một người từ phàm sang thánh. Điều đó đương nhiên có nghĩa là một tỳ kheo thường xuyên sống trong bảy điều suy niệm này thì đó cũng là một cách tu tập. Đúng ra mình tu Tứ niệm xứ cũng là nằm trong bảy pháp Tưởng này. Và không nhất thiết phải ôm khư khư đủ bảy pháp Tưởng mà chỉ một trong bảy cái này hoặc là hai trong bảy, ba trong bảy, bốn trong bảy, năm trong bảy, sáu trong bảy, hoặc là toàn bộ cả bảy. Linh hoạt thôi. Vị đó đi đứng nằm ngồi trong Chánh niệm, có lúc thì an trú trong Bất tịnh Tưởng, có lúc thì an trú trong Nguy hại Tưởng, có lúc thì an trú trong Vô thường Tưởng, có lúc thì an trú trong Vô ngã Tưởng.
Nếu các vị còn lờ mờ thì tôi ví dụ thế này. Các vị học hết trung học, các vị đã học qua Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa. Mình đã học hết, nhưng mà trong đời sống có lúc mình phải xài kiến thức của Hình học, có lúc mình phải dùng kiến thức của Hóa học, có lúc mình phải dùng kiến thức của Đại số, của Văn học, và có lúc mình phải dùng kiến thức của Lịch sử, Địa lý. Đại khái như vậy. Miễn sao trong đời sống mình có khả năng linh hoạt như vậy. Thí dụ như mình nghe ai đó nói câu "Tà tà bóng ngã về Tây" thì lúc đó mình phải xài kiến thức bên Văn học, mình biết đó là một câu của Kiều kể lại giai đoạn nào.
Rồi bây giờ mình cần mua gạch mình lót phòng thì lúc đó mình cần kiến thức của Hình học, coi diện tích của cái phòng đó là bao nhiêu rồi từ đó mình mới tính ra được số gạch mình sẽ mua về. Lúc mình đi chợ mua mắm, muối về nấu ăn thì lúc đó mình cần kiến thức của Số học, cộng trừ nhân chia.
Ở đây cũng vậy, một vị đã có giáo lý rồi thì tùy lúc mà họ sống trong cái nào. Tuy nhiên, CÁI NỀN CĂN BẢN VẪN LÀ CHÁNH NIỆM. Có nghĩa Niệm giác chi là bắt buộc phải có. Các vị tu cái gì không cần biết, nếu một lòng cầu giải thoát thì phải luôn luôn sống trong Chánh niệm. Còn cái chuyện người ta là hành giả, người ta chuyên tu miên mật, sống chết với Tứ niệm xứ là chuyện của người ta. Nhưng đối với người cầu đạo giải thoát thì bắt buộc phải sống trong Chánh niệm.
Chánh niệm nó quan trọng giống như một người tập luyện cơ bắp, tập tạ, tập dưỡng sinh, tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, yoga, khí công thì dứt khoát họ phải kiểm soát chế độ ăn uống. Chuyện đó là đương nhiên. Tuy nhiên, quí vị không phải là người chuyên tập một bộ môn đặc thù nào hết, không yoga, không khí công, không thể dục thẩm mỹ, không tập tạ, không tập võ thuật, không gì hết, nhưng mà hễ quí vị là người muốn sống, sợ bệnh, sợ chết thì cái chuyện kiêng khem thức ăn là chuyện bắt buộc. Các vị nghĩ coi có đúng không? Cái người tập luyện họ phải kiểm soát chế độ ăn uống là đúng rồi. Nhưng mà một người không có tập luyện gì hết, một người hoàn toàn bình thường, ngay cả một ông cụ bảy chục tuổi đã không còn ước mơ trở thành vận động viên điền kinh, vận động viên thể hình không còn nữa, nhưng mà ông cụ vẫn phải ăn uống đàng hoàng, vẫn phải kiểm soát chế độ ẩm thực của mình bởi vì chuyện đó tuyệt đối cần thiết cho sức khỏe, cho tính mạng của mình. Chánh niệm cũng y chang như vậy.
Cho nên mình sống mình suy niệm pháp Tưởng nào đó là chuyện khác nhưng chuyện đầu tiên cái nền cho tất cả cái đó phải là Chánh niệm. Bởi vì không có Chánh niệm thì mình không thể nào một mình sống trong thiện pháp được. Không có Chánh niệm thì không có thiện pháp. Trong đời sống bình thường mình vẫn đi đứng nằm ngồi, ăn uống, sinh hoạt, tắm rửa, đánh răng, rửa mặt, súc miệng bình thường vậy đó, mà hễ nếu luôn luôn sống trong Chánh niệm thì sẽ có lúc mình suy niệm về Vô thường, có lúc suy niệm về Khổ, có lúc suy niệm về Vô ngã, tùy lúc. Rồi tùy căn cơ của mình, mình sẽ đắc đạo trong lúc mình quán niệm Vô thường, hay lúc mình quán niệm Vô ngã đó là chuyện của mình.
Mình có học qua rồi. Cái hạng Dhammānusārī hoặc là cái hạng Ditthikappa trong bảy hạng thánh trong đó có hạng Tùy pháp hành hay hạng Kiến chí. Hai hạng này khi tu tập Tứ niệm xứ thì khía cạnh Vô ngã nó nổi bật vì mạnh về Trí, về Tuệ quyền. Rồi hạng Tùy tín hành và Tín giải thoát thì khi mà tu Tứ niệm xứ họ thấy khía cạnh Vô thường nổi bậc bởi vì Đức tin, Tín quyền của họ mạnh. Còn hạng Thân chứng Kayasakhi khi tu tập Tuệ quán họ thấy cái Khổ nổi bật bởi vì họ mạnh về Định.
Trên con đường dẫn vô ngôi nhà đó thì 3 người này chắc chắn là đi chung một hướng nhưng con đường có thể giống hoặc có thể khác nhưng cái hướng là phải giống nhau chứ đi sai hướng là chết. Còn cái chuyện ông đi xe đạp, ông đi honda gắn máy, ông đi bộ, ông đi xe lăn, ông bò lết, ông trườn bằng ngực thì cái chuyện đó tùy họ. Nhưng căn bản cái huớng phải đúng. Đi đến nơi, cái ông nào tiện thì đi vô cửa hông, cửa trước hay cửa sau là tùy mỗi cá nhân.
Trích bài giảng KTC.7.25 Bảy Pháp Tưởng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét