Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

TUỆ ***

 


TUỆ

Người không biết đạo họ cũng có tuệ có trí. Trí gồm có 3: văn, tư và tu.
-Trí văn: những kiến thức có được do nghe, học, đọc.
-Trí tư: khả năng trí tuệ có được từ suy tư, thấm thía, tiêu hóa, gặm nhấm.
-Trí tu: trí có được do tu tập Samatha và Vipassana.
.
Trí do tu tập Samatha là trí tuệ của người đắc định, đắc thần thông. Họ thấy biết được những chuyện mà người khác không biết được. Ví dụ như nói về lý nghiệp báo, chúng ta học đạo thì biết theo sách vở rằng làm ác chịu quả khổ, làm lành được quả vui, chứ còn cái biết đó không tới nơi tới chốn như người đắc thần thông. Người đắc được Túc mạng minh, Thiên nhãn thông hay Thiên nhĩ thông, họ biết rất rõ trong đời này ngoài những sinh vật mình thấy bằng mắt, sờ chạm được, thì còn có những loại khuất mày khuất mặt hay còn gọi là giới vô hình, sắc tế. Người có thần thông họ biết có kiếp trước kiếp sau, cái biết đó là do chính trí tuệ tu tập của họ. Với Sinh tử minh, họ biết được rằng người này hồi trước do bố thí nên đời này sanh ra giàu có đầy đủ, người này kiếp trước do ganh tị nên đời này sanh ra trong gia cảnh thấp kém bần hàn, người này do hiếu học siêng tìm hiểu nên đời sau sanh ra có trí huệ, người này thường hay giúp đỡ người khác nên sanh ra có kẻ hầu người hạ, kẻ ăn người ở giúp đỡ đủ điều v.v... Cái thấy đó của người đắc thần thông dĩ nhiên là chắc chắn rõ ràng cụ thể điển hình minh bạch hơn là cái biết của người không có tu tập mà chỉ biết bằng kiến thức.
.
Nếu không biết đạo, không biết Phật pháp thì trong Trí tu của họ không thể nào có được trí Tuệ quán. Nếu họ có tu tập thiền định thì họ chỉ được cái trí Samatha thôi.
.
Người không biết đạo thì trong cái gọi là trí văn (kiến thức) của họ không có giáo lý, họ chỉ biết chuyện đời thôi. Chính vì cái đầu của họ chỉ biết chuyện đời cho nên trí Tư của họ cũng chỉ quẩn quanh trong chuyện đời.
.
Với giáo lý Phật pháp, nếu buổi đầu mình chỉ có trí Văn thì đừng coi thường nó, vì trí Văn là nền tảng cho 2 trí sau. Có học rồi thì mới có dịp thấm thía, tiêu hóa. Có học giáo lý thì khi trau dồi trí Tu nó mới vững vàng. Một số thầy bà phán “học chi cho nhiều, kiếp người ngắn ngủi, thôi tập trung tu đi con, cho con một đề mục, ngồi xếp bằng đi con.” Nghe thì cũng hay đó, nhưng sẽ có một lúc quí vị ngộ ra một điều đó là kiến thức giáo lý mà ít quá thì coi như chúng ta gặp một tỉ vấn đề. Đang ngồi như vậy mà nó nảy ra chuyện này nảy ra chuyện kia, mình không biết đó là cái gì; hoặc ai hỏi cái gì là mình ngọng. Mình không biết đó là cái gì, rồi đâm ra hoang mang nghi hoặc. Đừng tưởng vô đạo là chỉ tập trung ngồi thiền. Bắt buộc phải có kiến thức giáo lý. Trong kinh nói rõ, một người biết đạo có giáo lý giống như người đi đường có kim chỉ nam, có la bàn, bản đồ, hải bàn. Phải có cái đó mình mới theo đó mà đi. Đi bằng chân của mình nhưng phải có bản đồ, nếu không có bản đồ thì lấy gì mà đi. Hôm nay cái biết đó chỉ là cái biết sách vở từ chương, chỉ là con mọt sách, nhưng ngày mai cái biết đó lại là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho chuyện suy tư và tu tập.
.
Rốt ráo của người tu thì cái trí tuệ phải ở mức 3 này mới được. Phải có một ngày anh thấy mọi thứ là vô thường bằng chính cái sự cảm nghiệm của anh, chứ không phải là anh thấy do trong kinh viết như vậy, do tăng ni nói như vậy.
.
Anh ngồi yên chánh niệm, làm gì biết nấy. Hít vô, thở ra biết rõ. Lúc đầu thấy không có gì ghê gớm, nhưng sẽ có một ngày ngộ ra nhiều chuyện rất là lạ. Ví dụ như mình thấy ồ thì ra toàn bộ đời sống của mình chỉ gồm có 2 phần là thân và tâm, mà thân của mình thì gồm vô số phân tử tế bào trong đó, chỉ cần một chút trở ngại là mình bị bệnh, mà trở ngại nhiều hơn nữa là mình chết. Còn tâm của mình, ồ thì ra nó chỉ là một nắm cát, nói gọn là chỗ tổng hợp của những thiện ác buồn vui. Còn nói rộng ra thì nó là biết bao nhiêu là tâm sở trong đó, thiếu cái này là nó thành tâm ác, dư cái kia là nó được tâm thiện v.v... Cái thấm thía này là cái thấm thía của hành giả chứ không phải cái biết đơn giản trên mặt giấy của người học đạo. Cái thấm thía này là của người hành đạo, liễu đạo. Trí này mới đủ sức giúp cho mình cắt đứt phiền não.
.
Trong đời sống bình thường, có những cái biết không đủ giúp cho mình đi đến đâu hết mà mình phải nâng cấp nó lên nó mới giúp cho mình làm được việc. Ví dụ như bà con nghe nói tôi nói xấu bà con, bà con giận lắm, bao nhiêu lời can gián đi nữa bất quá cái giận đó bớt đi một chút thôi, nhưng mà tới lúc bà con gặp tận mặt tôi, tôi phân tích cho bà con nghe, hoặc bà con phải coi lại clip bữa tôi nói chuyện đó, thấy là do họ hiểu lầm hoặc do họ độc mồm độc miệng thì mới hết giận. Chứ còn chuyện ai trấn an an ủi giải thích không đủ để mình hết giận, bởi nó chưa đủ để chạm vào tâm tưởng của mình bên trong. Ở đây cũng vậy, khi học đạo, mình biết mọi thứ vô ngã vô thường hoàn toàn do tăng ni nói, do kinh sách chép lại, chứ mình chưa thấm. Phải sống chánh niệm trong một thời gian thì mới thấm. Thời gian dài bao nhiêu thì tùy người. Có người chỉ một phút đắc La-Hán, có người phải mất một tháng, một năm, mười năm, bảy chục năm mới đắc; hay có người phải tu nhiều kiếp mới đắc. Kiến thức sách vở từ chương không đủ cho ta cắt đứt phiền não chứng ngộ thánh trí, nhưng nếu không có những cái đó thì biết lấy cái gì mà hành trì.
#New Dharma Readers

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét