Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Tôn ti trật tự

 


Tôn ti trật tự

Một vị tỳ kheo phải biết tôn kính các vị cao niên lạp trưởng. Cái này rất là quan trọng. Người ta đi trước mình, người ta ăn cơm chùa nhiều hơn mình, cho nên dĩ nhiên người ta có những cái thấm thía, những trải nghiệm hơn mình. Ở trong Tiếng Pali có một chữ rất là hay Rattaññu, tức là kỳ cựu. Là sao? Trong Pali gọi là Bahu rattiyo janatiti. Bahu rattiyo có nghĩa là nhiều đêm, janatiti là biết. Bahu rattiyo janatiti nếu dịch thẳng ra không giải thích gì hết, chữ Rattaññu có nghĩa là kỳ cựu, là cái vị trưởng lão. Còn nếu chẻ chữ giải thích theo cái kiểu chiết tự thì Rattaññu là người đã trải qua nhiều đêm đời. Nếu mà dịch một cách lãng mạng và thơ mộng, trữ tình hơn thì Rattaññu là người đã trải qua nhiều đêm thao thức trăn trở hơn mình. Thí dụ như người mà tuổi thọ của họ bằng mình, họ chỉ có hơn mình mấy tháng thôi thì ít ra họ cũng có hơn mình mấy tháng thao thức chuyện đời, chuyện đạo. Đó là cách nói của người Ấn xưa. Về đời, anh lớn hơn tôi là bởi vì anh có nhiều đêm thao thức hơn tôi, anh có nhiều đêm trăn trở trằn trọc hơn tôi. Nếu về tay nghề, tôi với anh cùng là họa sĩ nhưng mà anh có nhiều đêm thao thức trước bản vẽ hơn như vậy thì anh là đàn anh của tôi. Trong đạo, anh có nhiều đêm không ngủ để anh thiền định, anh suy tư giáo pháp, như vậy anh là đàn anh của tôi. Cho nên họ lấy cái chuẩn là đêm Rattaññu, Bahu rattiyo janatiti. Rattaññu có nghĩa là cái người trải qua nhiều đêm đời thì được gọi là kỳ cựu.

Ở đây cũng vậy, ngày nào chúng tăng biết tôn trọng những vị từng trải, những vị tu lâu thì ngày đó tăng chúng còn được cường thịnh, cái này rất là quan trọng. Chỉ sợ đến một ngày mà giá trị tăng chúng không còn được dựa trên những giá trị như là đạo hạnh, giới luật, mà sẽ có một ngày mà giá trị tăng chúng được gọi là qui định, được chuẩn hóa trên những tiêu chí rất đời như chùa ai lớn, đệ tử ai đông, vị nào có khả năng tài chánh mạnh, vị nào có tiếng nói với xã hội. Kinh nói sẽ có một ngày như vậy. Trong chú giải tiểu bộ chỗ nói về 16 niềm đại mộng có nói sẽ có một ngày mà trong tăng chúng giáo pháp này những vị chơn tăng không có tiếng nói bằng những vị tăng hướng ngoại. Những vị có tiếng nói nhất trong giáo pháp không phải là những vị chơn tăng, không phải những vị uyên bác, những vị giới hạnh, những vị thiền định, những vị đức độ, mà là những vị mạnh về tiếng tăm, mạnh về tài chánh, mạnh về đệ tử, mạnh về ảnh hưởng xã hội.

Cho nên ngày nào mà tăng chúng còn biết tôn trọng những chuẩn mực, những giá trị tâm linh tinh thần thông qua việc tôn kính các vị tu trưởng lão thì ngày ấy giáo pháp này mới có cơ may mà đi về phía trước và leo được lên cao.

Ở trong một cái đám đông nào mà mình thấy nó có tôn ti, có trật tự chút ít thì mình biết đám đông đó có giáo dục, có một tí bài bản. Còn đám đông nào mình thấy rằng lớn bé cá mè một lứa, không ai nể ai hết thì nói thật đám đông đó không có giáo dục, đám đông đó là đám đông ô hợp. Tôi nói hơi nặng nhưng mà không có chữ khác cho nên đành phải xài cái chữ đó. Ô hợp lắm. Dầu đó là một cái đám tù, dầu đó là một đám lính, dầu đó là cái đám sinh viên, dầu đó là cái đám lao động, đám thợ hồ, đám thợ nề, đám thợ nail, đám bồi bàn bưng bê, đám tu sĩ không tóc, tôi không biết dầu đó là đám nào, tôi chỉ biết hễ là một đám mà trong đó có tôn ti thì đám đó có giáo dục. Còn một cái đám không có tôn ti trên dưới, cái đám mà những giá trị, những chuẩn mực đánh giá lẫn nhau lại dựa trên những cái tầm phàm, những cái vật chất, những cái rất đỗi phàm tục thì cái đám đông, tổ chức, đoàn thể ấy xài không có vô, ngửi không có vào.

Cho nên cái chỗ này rất là quan trọng, quan trọng lắm quí vị. Có nhiều cái chuyện mình thấy nó nhỏ nhỏ nhưng nó quan trọng lắm. Tới nhà ai đó mà mình thấy thằng em mà nó cũng biết nể mặt thằng anh thì biết gia đình đó khá. Còn gia đình mà mình vô thấy coi bộ con cái mà nó nói chuyện với anh em cha mẹ mà nó phang thẳng tay thì mình thấy cái gia đình đó là mình thấy ớn. Mình sắp kiếm vợ, kiếm chồng ở cái gia đình đó mình thấy vậy mình cũng nên bỏ dép mà chạy. Tôi khuyên bà con trong đây ai mà muốn lập gia đình mà tới cái chỗ thấy người trong nhà không có trên, không có dưới, không có thủ, không có dĩ gì hết thì nên gọi là bỏ dép mà chạy bởi vì vô trong đó rồi sớm muộn gì cũng banh xác. Nhớ nha.

Trích bài giảng KTC.7.27 Bất Thối
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét