Tĩnh Giác Chi
Sẵn đây cho tôi nói cái chuyện rất dễ gây phiền lòng. Rất nhiều vị Phật tử không có biết A tỳ đàm là cái gì, cộng với sư phụ của họ cũng không có khích lệ họ học cái đó, cho nên họ nói rằng tu chỉ cần giữ giới rồi ngồi thiền thôi. Mà tôi nói thiệt không có học giáo lý thì biết cái gì? Ngay cả bố thí, trì giới người có học giáo lý họ hiểu khác. Còn mình nghe ba chớp ba nháng lơ tơ mơ mình hiểu khác. Nếu cứ chủ trương giữ giới hành thiền, nghe nó sang thiệt, học làm chi mất thời gian, thì rốt cuộc khi mà mình tiếp xúc kinh điển, tiếp xúc các pháp thoại cái đầu mình nó va vào một bức tường cực dầy. Đó là gì? Đó là mình chẳng hiểu kinh nói cái gì. Thí dụ như cái Tĩnh giác chi này.
Tĩnh giác chi này nếu mà bà con không có học A tỳ đàm thì tôi không biết là bà con hiểu cái cách gì nữa? Tĩnh giác chi là cái gì? Tĩnh giác chi chính là cái cặp Tâm sở Tịnh thân Tịnh tâm ở trong 19 Tâm sở Tịnh hảo. Bà con còn nhớ công thức đó không?
Thế giới này nó được cấu tạo bởi 2 công thức, đó là công thức tạo ra thiện và công thức tạo ra bất thiện, tức là từ cái thiện và cái ác.
Từ cái ác là sao? Là 1 Tâm thức + 13 + 14 thành tố tâm lý tiêu cực. Chính cái đó nó tạo ra tâm bất thiện rồi từ đó nó tạo ra vô số tội lỗi, dẫn đến các cõi đọa.
Còn thiện gồm 1 Tâm thức + 13 + 25 yếu tố tâm lý tích cực; gồm có từ bi, hỷ xả, bao dung, kham nhẫn, thiền định, trí tuệ, chánh niệm, v.v ... tất cả những hạnh lành dầu mình muốn thành Phật hay mình muốn đắc thiền hay mình muốn giữ giới, bố thí, tu thập thiện; tất thảy những công đức đó nó đều nằm gọn ở trong con số 25 này.
kāya: một đống, xác thâncitta: tâm,tinh thần,tư tưởngpassaddhi: yên tĩnhkāyapassaddhi: tĩnh thâncittapassaddhi: tĩnh tâm
Tĩnh giác chi này nó chính là Tâm sở Tịnh thân, Tịnh tâm nằm trong số 25. Cái cặp này có tác dụng gì? Cặp này có tác dụng là giải trừ tâm Hối và hỗ trợ Phỉ lạc trong thiền định. Thiền định có được từ Phỉ lạc. Cặp Tâm sở này có tác dụng, chức năng, nhiệm vụ là làm cho tâm mình lắng xuống. Đời sống của mỗi người dầu 100 tuổi hay là 70 tuổi hay bao nhiêu tuổi đi nữa nói cho rốt ráo kỳ cùng thì đời sống của chúng ta nó chỉ là từng giây phút hiện tại thôi. Có nghĩa là quá khứ là cái đã qua mất rồi, tương lai là cái chưa đến, chưa có, chưa xảy ra, chưa diễn ra, chưa từng tồn tại, chưa từng hiện hữu. Cái quá khứ hiện giờ nó cũng là con số không vì nó đã qua rồi, nó đã kết thúc, nó đã chấm dứt, nó đã thuộc về dĩ vãng rồi, nó không còn tiếp tục tồn tại nữa thì mình gọi là quá khứ.
Chúng ta có sống qua bao nhiêu năm đi nữa, có là ông hoàng bà chúa hay kẻ vô gia cư thì cuộc đời của chúng ta chỉ là từng giây phút hiện tại thôi. Quá khứ đã kết thúc, tương lai là cái chưa đến. Như vậy thì đời sống của mỗi người gồm có giây phút hiện tại nhưng "Tất cả chúng sinh phàm phu luôn luôn sống với những ám ảnh nặng nề từ quá khứ". Luôn luôn như vậy, vì sao? Vì chúng ta thường sống với tâm bất thiện nhiều hơn tâm thiện, cho nên mai này khi nhớ đến chuyện cũ thì đa phần chúng ta nhớ lại toàn chuyện tầm bậy, nhớ lại toàn những chuyện làm cho mình phiền lòng, đa phần, phần lớn là như vậy.
Một người mà không có khả năng ngồi yên để mà an lạc, để mà thiền định, để mà chuyên chú bất loạn thì đa phần là do một nỗi ám ảnh nào đó từ quá khứ. Mình giận một người nào đó, mình bực mình một cái chuyện nào đó, mình ray rứt với một kỷ niệm, một ấn tượng nào đó, một dấu ấn nào đó trong quá khứ mà nay nó vẫn chưa kịp nhạt nhòa, phai nhạt. Cứ ngồi xuống là bắt đầu nó lòi ra những người, những việc, những chuyện, những hình ảnh, những âm thanh, những mùi, những vị mà mình từng khó chịu ...
Mà Tĩnh giác chi này là gì? Cái chức năng đầu tiên và duy nhất của nó là nó giúp cho tôi giải trừ được những ám ảnh từ quá khứ, bởi vì quá khứ nó là cái đã diễn ra, đã xảy ra, đã từng có thật cho nên nó là phần rất quan trọng trong đời sống của tôi. Còn tương lai thì bao nhiêu cái trù hoạch, bao nhiêu kế sách, bao nhiêu cái toan tính, trù liệu là cho cái chưa có. Nhưng cái ám ảnh mãnh liệt đối với mỗi cá nhân là chuyện cũ, chuyện đã qua, những người mà mình đã gặp, những chuyện mà mình đã gặp. Nặng nề lắm.
Và khi mà anh dàn xếp được những ám ảnh từ quá khứ thì kết quả đương nhiên, hiển nhiên, mặc nhiên, cố nhiên là anh được an lạc. Anh ngồi đây anh chỉ biết có ở đây thôi, bao nhiêu chuyện cũ đẩy nó qua một bên. Là rác hết. Tất cả là những cọng rác trôi trên dòng nước tâm tưởng, cho nó đi qua. Cái bây giờ mình ở đây, mình chỉ biết có 2 chữ: Tại đây và Bây giờ. Không gian là Tại đây và thời gian là Bây giờ, chỉ có bây nhiêu đó thôi. Cái gì nó đang diễn ra ở đây đó là hơi thở vào ra, đó là những tâm trạng, những tình cảm, những cảm xúc nào đang diễn ra mình nhận diện được nó bằng Chánh niệm, bằng Trí tuệ.
Cái chuyện dọn bãi, dọn nền, giải phóng mặt bằng cho Trí tuệ và Chánh niệm làm việc ấy thì việc đó phải giao cho cái ông Tĩnh giác chi, chính ổng là người dọn nền để mình xây cất ngôi nhà Chánh niệm và Trí tuệ. Sau khi anh dọn xong những rác rưởi từ quá khứ thì chuyện thứ 2 mà anh làm là anh hỗ trợ cho thiền định, vì sao? Vì khi mà mình dẹp ba cái rác rưởi không cần thiết từ quá khứ nó đang đổ dồn về thì lúc đó tâm mình mới được an lạc, mới được Phỉ lạc.
Cho nên chuyện đầu tiên kêu mình tu thiền, thì đúng là mình phải tập trung Chánh niệm nếu tu thiền Quán và Định tâm nếu tu thiền Chỉ. Đúng vậy. Nhưng cái Định tâm buổi đầu nó chưa đủ làm mình an lạc, phải đến một lúc nào đó, với sự Định tâm ấy khiến cho những phiền não như là thích và ghét nó vắng mặt, thì khi mà nó vắng mặt thì mình mới có được sự an lạc. Sự vắng mặt của phiền não nó nhường chỗ cho tĩnh giác chi, chính tĩnh giác chi có mặt làm cho mình được an lạc. Và trên cái nền tảng an lạc ấy chúng ta mới rờ, chạm được tới các tầng thiền. Nhờ sự vắng mặt của những ám ảnh quá khứ cho nên chúng ta mới có thể chạm tay vào các tầng thiền chứng.
Còn bên thiền quán Vipassana khi Tĩnh giác chi có mặt nó giúp cho mình đủ tĩnh tâm, đủ lắng đọng để tiếp tục quan sát mọi thứ đang diễn ra, đang xảy ra, đang có mặt, đang hiện hữu, đang tồn tại.
Tĩnh giác chi nó quan trọng như vậy đó. Mà khổ ở chỗ là chúng ta không chịu học giáo lý, cứ đoán hưu đoán nai. Thí dụ như là mình cứ tra tự điển chữ tĩnh là yên tĩnh, đó là cách giải thích rất là gượng mà trong khi mình học A tỳ đàm mình nói thẳng Tĩnh giác chi đây là cặp Tâm sở tĩnh thân tĩnh tâm trong 19 Tâm sở Tịnh hảo. Cái chức năng, cái nhiệm vụ của nó là giàn xếp những cái ray rứt về quá khứ và hỗ trợ cho Phỉ lạc hiện tại để cho Thiền định có mặt. Đó là cách nói của A tỳ đàm. Còn cách nói mà tra tự điển tĩnh là yên tĩnh là chết rồi.
Tĩnh giác chi là sự vắng mặt của những ray rức, những nỗi ám ảnh không cần thiết từ quá khứ, tại sao nó quan trọng như vậy? Là bởi vì nó là những gì mình đã trải qua làm sao mà nó không quay về với mình được.
Trích bài giảng KTC.7.25 Tưởng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Tín (Saddhā)
Niệm (Sati)
Tàm (Hiri)
Quý (Ottappa)
Vô tham (Alobha)
Vô sân (Adosa)
Trung hòa (Tatramajjhattatā)
Tịnh thân (Kāyapassaddhi)
Tịnh tâm (Cittapassaddhi)
Khinh thân (Kāyalahutā)
Khinh tâm (Cittalahutā)
Nhu thân (Kāyamudutā)
Nhu tâm (Cittamudutā)
Thích thân (Kāyakammaññatā)
Thích tâm (Cittakammaññatā)
Thuần thân (Kāyapāguññatā)
Thuần tâm (Cittapāguññatā)
Chánh thân (Kāyujukatā)
Chánh tâm (Cittujukatā)
Tĩnh Tánh, Tĩnh Tâm (kāyapassaddhi, cittapassaddhi):
Trạng thái vắng lặng không rung động trong tâm và tâm sở.
Bất cứ tâm thiện nào cũng cần đến khía cạnh yên tĩnh, không bị quấy rối bởi phiền não. Hai tâm sở này đối lập lại lòng Hối Hận (kukkucca). Khi được tu tập một cách cố ý thì hai tâm sở này chính là Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhanga) trong Thất Giác Chi.
Hai tâm sở này giúp cho Hỷ (somanassa) và Lạc (sukha) của người tu thiền Chỉ tịnh được trở nên vi tế hơn. Và giúp cho Tấn Quyền (viriyindriya) được ổn cố không nông nổi bồng bột.
Đối với hành giả tu Tuệ Quán thì hai tâm sở này giúp họ có được cái nhìn già giặn trong cảnh Danh Sắc. Lúc này chúng được gọi là Tĩnh Giác Chi (passaddhi-sambojjhanga).
Trích Triết Học A Tỳ Đàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét