Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Hòn Sỏi Và Núi Hy Mã

 


Hòn Sỏi Và Núi Hy Mã

Duyên sinh là cái hành trình sinh tử của phàm phu với một chuỗi mắt xích nhân-quả ghép nối nhau; bốn thứ: Nhân–Quả, Thiện–Ác. Nhân lành tạo quả lành, nhân xấu tạo quả xấu. Nhân lành đưa chúng sanh đi về cõi vui, vui đến mấy rồi cũng vô thường. Nhân xấu đưa chúng sanh về cõi khổ, và khổ đến mấy cũng vô thường. Dòng luân hồi là sự tiếp nối nhau của những thứ vô thường ấy.

Nhân vô thường là sao? Là lúc mình làm nhân ác, có lúc mình làm nhân thiện. Mà nhân nó vô thường thì quả nó cũng vô thường. Có lúc thì khổ, có lúc thì vui. Đâu có cái khổ nào nó còn hoài, cũng đâu có cái vui nào nó còn hoài. Đâu có cái thiện nào nó có hoài, cũng đâu có cái ác nào nó có hoài. Ví dụ như mình thấy vị đó là vị Phạm thiên tu thiền, rồi tinh tấn, chết sanh về Phạm thiên. Thì hồi ổng ở dưới cõi người, ổng đi tu được một thời gian, đắc thiền, ổng đi về trời. Nhưng đâu cứ được sanh ra làm thiện hoài. Ngay cả các vị Bồ Tát trước khi thành Phật tổ cũng có kiếp này kiếp khác; chớ không phải kiếp nào Ngài sanh ra ngài cũng tu hành ngút ngàn. Cho nên sống trong cõi đời này thì nhân vô thường thì quả nó cũng vô thường. Chính vì nhân quả vô thường cho nên trong đời sống này có lúc mình thiện, có lúc mình ác, có lúc mình vui, có lúc mình buồn.

Còn Duyên hệ là những cách thức mà các mắt xích Duyên sinh kết nối nhau.

Ví dụ: Con cái phải nhờ cha mẹ mà có mặt ở đời rồi lớn khôn. Đó là Duyên sinh. Cha mẹ đã hỗ trợ cho con cái về các khía cạnh thể chất di truyền, bú mớm cơm áo, y tế, học hành, ... Những khía cạnh này tạm hiểu là Duyên hệ. Cha mẹ giúp tôi đó là Duyên sinh nhưng mà giúp bằng kiểu nào đó là Duyên hệ.

Duyên sinh là do có các Thiện – Ác mới có mặt của mình ở đời. Những Thiện – Ác đó nó quan hệ với nhau như thế nào thì đó là Duyên hệ. Duyên hệ là giải thích rõ cái mối quan hệ giữa các duyên.

Duyên sinh cho mình biết vì đâu mình có mặt ở đời. Còn Duyên hệ là nói rộng ra là mình có mặt ở đời theo cái cách nào. Chứ còn hiểu một cái Duyên sinh không thì nó hẹp lắm. Ví dụ: Cái cô đó giúp tôi nhiều lắm. Đó là mới Duyên sinh thôi. Rồi người ta mới hỏi là "Giúp là giúp ra sao?" Thì đó là Duyên hệ. Và tại sao phải có cái phần Duyên hệ? Là tại vì nếu chỉ biết riêng cái Duyên sinh thì không đủ. Khi biết cả Duyên hệ thì mới thấm thía thế nào là vô ngã. Thứ nhất, họ biết rằng cái đồng hồ này là đồ lắp ráp. Đó là Duyên sinh. Rồi còn Duyên hệ là họ cho mình biết cái đồng hồ hoạt động bằng cách nào. Thí dụ nếu không có pin là nó sẽ không chạy được.

Trong mười hai duyên nếu các vị đọc kỹ sẽ thấy một cái duyên luôn luôn có mặt. Đó là Thường cận y duyên. Cái này rất là quan trọng. Tôi nói thiệt chậm: Bất cứ một cái tốt xấu nào diễn ra trong tâm thức của mình đều để lại một dấu ấn, nhạt hay đậm. Thì cái dấu ấn ấy được Đức Phật gọi là Thường Cận y duyên. Nếu mà cái ác cái thiện đó xuất hiện nhiều lần thì nó để lại một dấu ấn rất là sâu đậm. Nếu mà cái thiện cái ác chỉ thoáng qua thì nó để lại dấu ấn rất là nhạt nhòa. Điều này không có gì đặc biệt hết.

Pakatūpanissayapaccayo Thường Cận Y Duyên:
Mãnh lực trợ giúp bằng cách thường làm cho thành tập quán.
Siêu Lý Học - Sư Giác Chánh

Trước đây trong đời Phật Ca–Diếp, tức là Phật cuối cùng trước Phật Thích Ca, có hai ông bà này là hai người phật tử nhà quê trong cái chùa quê. Rồi ngày ngày vô chùa tụng kinh họ nghe câu kinh "Thân này được cấu tạo bởi hai thứ danh sắc. Thân này được cấu tạo bởi năm thứ uẩn. Thân này được cấu tạo bởi mười hai xứ. Thân này được cấu tạo bởi mười tám giới" Họ đọc mà họ không hiểu lắm. Họ chỉ hiểu lan man là đồ ráp thôi. Thân này là đồ ráp. Họ không hiểu năm uẩn là cái gì, họ chỉ hiểu đó là nhiều cái món đồ phụ tùng cộng lại. Họ dốt đến như vậy. Nhưng không ngờ là cái đọc đó nó trở thành cái ấn tượng. Tới khi họ gặp vị Phật Chánh đẳng giác, Ngài nhắc lại cho họ nghe: Chữ "Tỳ kheo" ở đây có nghĩa là người hiểu được cái cấu trúc, cái thiết kế của tấm thân này." Khi họ nghe Ngài nói như vậy thì cái ấn tượng xưa nó bèn sống dậy. Lúc ấy họ lập tức hiểu: Đồ này là đồ ráp. Thiện Ác Buồn Vui cũng đều là đồ ráp. Mình thích những cái này là thích đồ ráp. Khi họ hiểu vậy là họ đã hiểu được Tứ đế rồi. Khiếp như vậy.

Hoặc là chuyện Ngài Xá Lợi Phất. Chuyện về Ngài dài kể mệt lắm. Ngài từng theo ngoại đạo để Ngài cầu đạo giải thoát. Rồi một hôm Ngài gặp Ngài A Xả Bà Thệ (Assaji) Ngài thấy Ngài Assaji có cái phong phạm đẹp quá. A–la–hán mà. Ngài quý quá. Ngài cứ mon men mon men đi theo. Lúc Ngài Assaji dừng lại, tức là khi đi bát đầy rồi kiếm gốc cây ngồi xuống ăn trưa, Ngài Xá Lợi Phất mới mon men lại gần. Ngài lấy nước dâng cho. Ăn thì phải có nước chứ. Rồi Ngài hỏi: "Ngài học đạo, Ngài tu với sư phụ là ai? Con đi theo Ngài một quãng đường, con thấy từng bước chân, từng ánh mắt của ngài không phải của người bình thường. Con nghĩ Ngài có cái gì đó hơn người. Sư phụ của Ngài ở đâu? Xin Ngài dạy lại cho con cái mà Ngài đã học." (Phật tử đọc được cái chỗ này mới thấy hoan hỷ) Thì Ngài Assaji khiêm tốn nói: "Ta mới tu thôi."

Thì Ngài Xá Lợi Phất mới nói: "Nếu mới tu thì Ngài cũng phải cho con một câu nào đó để cho con biết Ngài đã tu. Vì sao Ngài đi tu? Ngài thấy cái gì mà Ngài mới đi tu? Con muốn biết cái khúc đó thôi. Con không cần Ngài giảng cả ngàn trang." Ngài Assaji nói: "Nếu muốn nghe gọn gọn thì nghe đây:

Vạn pháp do Duyên sinh.
Vạn pháp do Duyên diệt.

Bậc Thầy của ta, Sư phụ của ta đã nói rõ cái Duyên sinh và Duyên diệt ấy."


Ye dhammā, hetuppabhavā
tesam hetum tathāgato
Āha tesañ ca yo nirodho
evam vādī mahā samano.

Ngài Xá Lợi Phất nghe như vậy xong, với cái chiều dày tu tập ba la mật một a tăng kỳ, Ngài thấy bốn đế và mười hai duyên khởi nó chạy dọc trước mắt Ngài. Ngài đắc Tu đà hườn liền. Ngài đắc xong rồi, cái câu đầu tiên Ngài nói là: "Bậc Đạo sư của chúng ta đang ở đâu ?"

Trước đây là Ngài xài "Your" Master Bây giờ Ngài hỏi "Our" Master. Có hiểu hai cái này khác nhau không? Kinh khủng không ? Trong bản Pali thì trước đó ngài hỏi là "Tumha kam satthā", là Thầy của Ngài còn bây giờ là "Amha kam satthā" Thầy của Chúng ta. Còn trong bản Anh là khi nãy Ngài hỏi là "Your Master" giờ Ngài hỏi là "Our Master". Chỉ nghe xong có một câu là chuyển từ "Your" qua "Our" liền. Có nghĩa là cùng là con một nhà. Khiếp lắm! Gớm lắm ! Tức là vị Tư Đà Hườn ngộ lắm. Họ vừa hiểu được là: Mọi thứ ở đời là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ. Ngay trong cái khoảnh khắc đó, khi mà họ đắc cái đó xong thì cái ấn tượng đầu tiên của họ là gì? Là họ chỉ muốn về chết cho Đức Phật thôi. Vì sao vậy ? Vì ơn đó lớn quá.

Các vị biết, một người đắc Tu Đa Hườn cảm giác đầu tiên của họ là họ hất xuống khỏi vai họ một ngọn núi. Các vị nghĩ có lẽ là tôi nói thêm. Không đâu. Tôi tặng quý vị đoạn kinh (Tương Ưng) này:

Có một buổi chiều đó, Đức Phật ngài ngồi trước mặt chư tăng, Ngài nhặt lên một hạt sỏi. Ngài hỏi : "Này các tỳ kheo, bảy hòn sỏi như thế này so với dãy núi Himalaya, cái nào nhiều?" Chư tăng mới nói "Bạch Thế Tôn, làm sao so được! Bảy hòn sỏi làm sao mà so với một cái dãy Himalaya?" Thì Đức Phật Ngài dạy: "Những cái gì mà vị Tu Đà Hườn đã giải quyết xong nó nhiều như cái Himalaya (kéo dài từ Nepal cho tới Tây Tạng) và trong khi những vấn đề vị ấy còn phải giải quyết chỉ là bảy hòn sỏi thôi." Tức là còn lại bảy kiếp. Như vậy thì cái ví dụ tôi nói là đắc Tu đà hườn cảm giác như hất được cái núi xuống khỏi vai không phải là nói quá đâu. Hình như nói chưa tới mức nữa là khác.

Trích bài giảng Duyên Hệ và Duyên Sinh
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét