Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Dhammacārī

 


Dhammacārī

Đời nó kỳ lắm qúi vị. Có nhều khi chuyện người thì sáng mà chuyện mình mình quáng, quáng đây là quáng gà. Mình mấy chục năm vùi đầu trong chén cơm manh áo mình không thấy nó là đau khổ, không thấy nó là dại khờ. Nhưng mình nhìn người khác mình thấy họ đã đủ ăn đủ mặc mà vẫn cắm đầu đi kiếm tiền, con thì không có thời giờ dạy, bố mẹ thì mình không có thời giờ chăm sóc, bản thân thì mình cũng không có thời giờ an lạc. Khi mình thấy một người như vậy là mình thấy họ như thế nào? Bản thân mình, khi mình ở trong cuộc như vậy thì mình thấy bình thường, thậm chí là mình không thấy luôn, không thấy đó là vấn đề. Nếu nói một cách thường thức, khi anh thích cái gì có nghĩa là anh chỉ đầu tư cái Khổ thôi. Còn nói hơi chuyên môn một tí, thì khi có cái thích nghĩa là mình đang đầu tư một cái tâm đầu thai để đi về cõi khác. Cứ mỗi lần anh có cái thích là anh đang đầu tư một cái tâm đầu thai, cứ như vậy. Nhưng tâm đầu thai chỉ là cái visa nhập cảnh thôi. Thí dụ như tôi thích này thích kia, ngay cái lúc tôi thích là tôi đã có cái visa nhập cảnh rồi để đầu thai chỗ này chỗ kia. Với cái visa đó, tôi bước vào cảnh giới nào đó. Ở đó tôi sống ra sao thì nó không nằm trong cái visa nữa, mà nó nằm ở cái phước hay cái tội mà tôi đã tạo trong quá khứ.

Cứ mỗi tâm đầu thai là nó được tạo ra từ một cái tâm phiền não đặc biệt là tham ái. Dầu tôi thích cái tăm xỉa răng hoặc là cái nhà, miễn là tôi thích thôi, là tự tôi đã tạo ra cái tâm đầu thai để đi về một cõi nào đó. Nếu mà cái thích đó là cái thiện coi như tôi đã đầu tư cái tâm đầu thai về cõi lành. Còn nếu cái thích tầm bậy, thích hưởng thụ, thích trác táng, thích sa đọa, cái thích tội lỗi, thì tôi đang đầu tư cái tâm đầu thai về cõi Khổ, thấp kém. Thấp kém là cái gì? Các vị cứ nhìn ra ngoài sân, ruồi, muỗi, kiến, chuột bọ, rắn rít, chó, trâu, heo, gà, chưa kể những loài mà mình không thấy. Các vị biết cái này mới thấy khiếp. Cái nhà cấp 4 mình chê nó nhỏ, chê nó xấu, chứ mình có biết được rằng là có vô số chủng loại chúng sinh phải sống chen chúc và chui rúc trong một khoảng tối ẩm ướt và hôi hám. Biết được cái đó mới sợ. Cái nhà cấp 4 mấy chục mét vuông là mình đã thấy nó chật rồi, mà trong khi đó có vô số chủng loại chúng sinh mà nó phải chen chúc và chui rúc trong một góc tối quanh năm, ẩm ướt và hôi hám. Những chúng sinh đó có những loại mình thấy bằng mắt được, nhưng cũng có những loại mình không thấy bằng mắt thường được mà phải thấy bằng kính hiển vi, hoặc phải thấy bằng thần thông, khiếp như vậy.

Trong khi đó lúc làm người mình không chịu học giáo lý mình đâu có ngờ được. Sẵn đây tôi nói luôn, chúng ta sung sướng quá cho nên chúng ta không có thời giờ nghĩ về tâm linh, về đời sống tinh thần. Sung sướng quá, thành đạt, quyền lực, tiếng tăm quá cũng không có thời giờ để mình nghĩ tới đời sống tâm linh mặc dù nó vô cùng cần thiết. Ngược lại, khổ quá cũng không có thời giờ để mà đặt vấn đề đời sống tinh thần. Bản thân nghèo khổ, bệnh hoạn cũng làm cho mình không có thời giờ để nghĩ về đời sống tâm linh. Rồi thứ ba, do một cái tình cảm mù quáng nào đó mà chúng ta lià bỏ đời sống tâm linh. Tình cảm ở đây là nghĩa rộng. Người Việt Nam ăn mắm kho mà Tiếng Việt không rành, có người hiểu tình cảm trai gái gọi là tình cảm. Mà tình cảm đây là emotion, là cảm giác, cảm xúc của mình, nói chung là tình cảm chứ không hẳn là tình cảm trai gái, nam nữ. Chữ tình cảm đây bao gồm luôn cả cái ghét, cái thương.

Cho nên cái thứ nhất Khổ quá không có thời giờ để quan tâm đời sống tinh thần. Thứ 2, sướng quá cũng không có thời giờ để quan tâm đời sống tinh thần. Thứ 3, do tình cảm tôi thích ai đó quá, tôi cứ tập trung cho cái người đó, cái vật đó, cái việc đó thôi, không có thời giờ dành cho cái khác. Tôi thích chơi tem, tôi thích chơi kiểng hoặc là tôi mến một cái bà ma sơ nào đó, tôi mến một cái bà sư cô nào đó, tôi mến một ông thầy nào đó, thì tôi không cần quan tâm cái quan điểm, tư tưởng của ổng, của bả mà tôi chỉ vì mến nên tôi cứ lui tới hoài, còn phần ngoài ra dẹp. Hoặc là do ghét, do tôi bất mãn với Phật giáo nói chung tôi không có cảm tình với Phật giáo, hoặc do tôi bất mãn một ngôi chùa nào đó, do tôi bất mãn cá nhân một tăng ni Phật tử nào đó cho nên bây giờ nghe nói tới chùa là tôi đã không chịu nỗi, tôi ghét lắm. Như vậy các vị thấy không, chỉ riêng tình cảm là có 2, một do mình thích cái gì quá mình tập trung cái đó mình làm lơ cái khác, còn không nữa vì mình ghét cái gì đó mà mình không có quan tâm đến nó mặc dù cái đó là cần thiết.

Đấy là lý do tôi quẹo để tôi giảng thêm. “Tại sao mà mình không có chịu quan tâm tới cái này? Tại sao mà ngày nào ổng cứ giảng ra rả 4 đế mà cái đó có gì đâu mà quan trọng?” Không quan trọng sao được? Nó quan trọng hơn sự nghiệp vật chất của các vị nữa. Vì sao? Vì cái thế giới này, cái địa cầu này, cái xã hội, cái đất nước này, cái nền văn minh này nó chính là những gì mà anh nhận xét, đánh giá, nhìn thấy. Thí dụ một ông tiến sĩ nhìn cái thế giới này khác với người không biết chữ. Một người đàn bà thích phấn son uỷ mị thì họ nhìn thế giới này khác với người đàn ông. Người đàn ông mà nặng về tình cảm không giống người đàn ông nặng về lý tính. Người đàn ông giỏi về lý tính thì họ lại không giống người đàn ông nặng về tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên thế giới này nó ra sao tùy thuộc vào cảm nhận của mình.

Trong khi đó nếu mình không có học Phật Pháp thì khả năng cảm nhận ấy có vấn đề.

Tôi biết nhiều người nghĩ rằng tôi đang chiêu dụ, chiêu hồi, chiêu mộ, tôi đang dụ khị, tôi đang nhồi sọ, tẩy não để đem các vị về với chùa, với Phật. Sai. Tôi chỉ mở ra cho các vị một vấn đề thôi: Đó là thế giới này nó là cái gì hoàn toàn do khả năng nhận thức của chúng ta.

Có người nghèo quá toàn bộ thế giới này đối với họ chỉ là một mâm cơm mà tương đối là ngon miệng thôi. Sáng trưa chiều tối họ chỉ ước mơ có mâm cơ ngon miệng bên cạnh người thân của mình. Tại sao tôi nói chữ ngon miệng? Thương lắm. Có những gia đình mà chỉ có mấy món rau luộc, nước chấm, ăn lây lất quanh năm vì họ không có tiền để cải thiện bữa ăn. Cho nên có những người cái thế giới này đối với họ chỉ là cái mâm cơm thôi. Có lúc cái thế giới này đối với chúng ta chỉ là một người thân đang bệnh quặt quẹo ở trên giường, bởi vì lúc đó mình không còn lo chuyện gì hết mà chỉ tập trung cho người bệnh đang nằm lắt lẻo trên giường thôi. Có một số người thế giới này đối với họ chỉ là quẩn quanh mấy món nữ trang, mỹ phẩm, dầu thơm, khăn choàng, đồng hồ, mắt kính. Có những người thế giới này đối với họ chỉ là bù lon, con tán thôi. Có người thế giới này đối với họ chỉ là một miếng rẫy, miếng ruộng thôi. Có người thế giới này đối với họ là một quyển kinh, một chuỗi tràng hạt, một cái mõ, một cái am tranh mái lá trên rừng sâu. Đối với họ chỉ bây nhiêu đó ngoài ra họ không biết gì hết.

Tôi nhắc lại một lần nữa, thế giới này nó là cái gì tùy thuộc vào khả năng nhận thức và khả năng đón nhận của chúng ta. Chúng ta đón nhận được bao nhiêu và đón nhận kiểu nào? Cho nên đừng có tưởng là diện tích của trái đất bao nhiêu đó thì đối với ai cũng vậy. Sai. Có người họ không màng tới cái đường biên giới biển đảo đất liền của đất nước họ không màng, mà họ chỉ bận tâm tới cái hàng rào của họ giáp với ông hàng xóm thôi. Dễ sợ như vậy.

Cho nên mình phải học giáo lý. Mình có học giáo lý, mình có nghiền ngẫm giáo lý để mình có một hành trang để mình cảm nhận, nhận thức thế giới này cho nó khác đi. Khi mà anh nhìn thế giới khác đi thì anh sẽ có một hướng sống, anh có những giải pháp khả dĩ gọi là xài được để cho anh mỗi ngày một khá hơn. Khá đây là gì? Khá đây là anh an lạc hơn, anh có khả năng thanh thản thoải mái tự tại hơn, là khá vậy đó. Chứ đạo Phật không có hứa làm cho mình giàu hơn, khỏe hơn, đẹp hơn, tiếng tăm, quyền lực hơn. Đạo Phật không có hứa ba cái vụ tào lao đó.

Đạo Phật chỉ có hứa với mình chuyện này: Sống y như là chánh pháp, sống y như Phật dạy thì mình sẽ khá hơn về những cái này: về cái tầm nhìn, về cái nhận thức và về cái cảm xúc an lạc. Cái đó đạo Phật bảo đảm mình điều đó. Bởi vì chánh pháp luôn luôn hộ trì, bảo vệ người sống theo pháp, hành theo pháp. Trong kinh có nói:

Dhammo have rakkhati dhammacārī
(Đạo Pháp hộ trì người hành Đạo)

Tôi tin điều đó như là tôi tin tôi có 10 ngón tay vậy. Chính chánh pháp dạy cho mình thấy mọi thứ là mù sương để mình buông. Có ai nắm được sương bao giờ? Chính chánh pháp dạy rằng con chỉ được bảo vệ tốt nhất khi con sống với tình thương bảo vệ người khác. Chính chánh pháp dạy mình điều đó. Con sẽ có tất cả khi con không nắm cái gì trong tay hết. Thứ hai, con sẽ được an toàn khi con lo bảo vệ người khác, con biết nghĩ về người khác. Chính chánh pháp dạy mình những điều đó, chính chánh pháp dạy mình trí tuệ, dạy mình từ bi.

Và tôi nghĩ rằng một người sống với trí tuệ và từ bi thì người này không có một lý do gì mà đau khổ hết. Có thể là người này đang bệnh, có thể là người này đang già yếu, đang nghèo khổ, đúng, nhưng mà mấy cái đó là mấy cái vẻ ngoài thôi. Chứ còn đời sống nội tâm của một người mà có từ bi, có trí tuệ thì tôi e là họ cười rách miệng luôn, sung sướng tới óc luôn.

Trích bài giảng KTC.7.4 Tư Lương
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét