Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Kammārāmata *****

 


Kammārāmata

KTC VI XII. Phẩm Các Kinh Không Nhiếp Trong Phẩm (117) Quán (1)
Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể trú quán thân trên thân. Thế nào là sáu? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận sáu pháp này, không thể trú quán thân.

AN 06 12. Sāmaññavaggo 117. Kāyānupassīsuttaṃ
‘‘Cha, bhikkhave, dhamme appahāya abhabbo kāye kāyānupassī viharituṃ. Katame cha? Kammārāmataṃ, bhassārāmataṃ, niddārāmataṃ, saṅgaṇikārāmataṃ, indriyesu aguttadvārataṃ, bhojane amattaññutaṃ. Ime kho, bhikkhave, cha dhamme appahāya abhabbo kāye kāyānupassī viharituṃ.

Cái quan trọng nhất đối với hành giả Tứ Niệm Xứ là cái gì? Đó là sống Chánh Niệm. Chẳng qua là lỡ mang cái thân này thì chúng ta phải ăn uống, tắm rửa, tiểu tiện, đi đứng, nằm ngồi, hít thở. Đó là những cái nhu cầu tối yếu, tối cần, tối thiểu. Có ba cái "tối", tối cần, tối yếu, tối thiểu. Thì bắt buộc chúng ta phải giữ nó lại. Nhưng mà trong lúc sống với nó thì phải thường trực chánh niệm, liên tục chánh niệm, luôn luôn chánh niệm, và chỉ chừng đó việc thôi. Hít thở vào ra, hít thở vào ra trong tỉnh thức. Quan sát cái thiện ác, buồn vui xảy đến trong cái tâm mình trong sự tỉnh thức. Đi đứng nằm ngồi, ăn uống nhai nuốt, im lặng nói cười, cũng trong tỉnh thức. Chừng đó chuyện, tuy là chuyện tối yếu, tối cần và tối thiểu, tuy nói là tối thiểu chớ thật ra nó đã lấy hết thời gian của chúng ta trong ngày.

Ấy vậy mà có những người họ lại cảm thấy mệt mỏi với cái chuyện chánh niệm. Họ lại nhân danh, viện cớ, nhân danh cái này cái kia, viện cớ này cớ nọ, để kiếm thêm chuyện để làm. Mà những chuyện này không thật sự cần thiết.

Tôi ví dụ như cái cốc của mình, phòng riêng của mình. Chuyện mà mình giữ sạch, giữ cho nó thông thoáng, nắng gió đầy đủ, đó là chuyện cần thiết. Nhưng vì cái chuyện đó nó không có mất nhiều thời gian cho chúng ta lắm nên chúng ta mới bày thêm ra. Nào là chưng dọn cái này cái kia, rồi cái lối đi thì phải là trồng hoa, trồng cỏ, xếp đá. Đúng ra, nếu mà để tránh rắn rít, cỏ dại có nhiều cách.Nhưng mà đằng này chúng ta làm quá cái mức cần thiết để cho nó qua tới cái mức trang hoàng, trưng bày, chưng diện thì cái đó được gọi là ưa thích công việc. Nhớ cái đó.

Cái việc mà mình cần làm đã lấy hết thời gian của mình. Cho nên đối với một hành giả, một cái người cầu giải thoát, người ta không phải làm biếng mà bởi vì họ quá quí cái thời gian để sống chánh niệm nên họ không kiếm thêm chuyện để làm nữa. Bởi vì nếu một hành giả thứ thiệt thì chuyện gì cũng giữ chánh niệm. Còn bây giờ mình đã có tám công việc, mười công việc để mà mình làm rồi, bây giờ kiếm thêm để chi? Một là mình phải sống thất niệm. Hai là tiếp tục làm cho chánh niệm nó mệt mỏi. Trong khi cái việc mà mình cần làm nhứt đó là nhu cầu thân xác, thí dụ như không tắm thì không được, không ăn là không được, không có xê dịch sinh hoạt trong bốn cái tư thế đi đứng nằm ngồi thì không được. Thì kẹt lắm mình mới sống với những sinh hoạt đó, những hoạt động đó. Chứ còn mà kiếm thêm công việc thì tự mình cái này khó nói lắm. Rất là khó nói. Tùy người. Có người thì đối với họ cái việc đó là việc dư, việc thừa nhưng mà với nhiều người họ thấy chuyện đó là chuyện quan trọng. Khó lắm. Rất khó định nghĩa thế nào là tham công tiếc việc.

Thôi thì ở đây mình chỉ có một định nghĩa quay về với kinh điển, đó là "Cái việc gì mà nó không thật sự tối cần, không làm cũng được." Cái gì mà không làm cũng được thì cái việc đó được gọi là việc dư, việc thừa.

Thí dụ như bây giờ mình chưng dọn trong phòng. Trong phòng mình giữ sạch, đó là chuyện bắt buộc phải làm, không làm không được. Giữ vệ sinh, vì bụi không tốt, đồ đạc chất cả đống cả đống, cái đó là không được, dứt khoát là không được. Những cái đó mình phải dẹp. Nhưng mà chưng dọn đây là bình bông, kia là một bức tượng, nọ là cái lọ, cái bình, thì những cái đó là không cần thiết. Bởi vì không có cũng được, thậm chí không có còn tốt nữa là khác. Cái định nghĩa gọn nhứt, những cái chuyện không cần thiết là những cái chuyện không làm cũng được. Miễn là mình bảo đảm được đời sống chánh niệm của mình không bị gián đoạn, không có bị ảnh hưởng. Còn cái chuyện gì mà không làm cũng được, chuyện đó gọi là chuyện thừa.

Khi mình thích mất thời gian, tốn công sức cho những chuyện không làm cũng được thì chúng ta lọt vào trường hợp gọi là Kammārāmata có nghĩa là tham công tiếc việc, thích kiếm chuyện để mà làm.

Tôi nhắc lại một lần nữa, nhiều người không thấy được cái hiện hữu này nó là khổ, không thấy hiện hữu này là gánh nặng. Nếu chúng ta nghe pháp thoại này mà chúng ta nghe không nổi, đừng có nói tới chuyện hành trì. Nghe không nổi vì thấy nó kỳ quá. Hồi đó giờ thói quen của tui là tui phải thế này thế kia, bây giờ tự nhiên tui hành thiền tui bị cấm tùm lum. Vấn đề không phải là cấm. Không ai cấm quí vị hết. Quí vị lõa lồ không mặc áo quần, quí vị đi bơ bơ ngoài đường hỏng ai cấm hết. Cảnh sát nó có bắt hay không thì tùy cảnh sát, chứ còn mà dân chúng cũng không ai làm gì mình hết, coi mình như đứa khùng vậy đó. Không ai có quyền ngăn cấm gì mình hết trơn. Không ai cấm. Nhưng cái vấn đề ở đây là mình sống trong một nhận thức rõ ràng là cái thân xác này nó là gánh nặng, là cục nợ. Nếu mà mình thường được sống trong nhận thức đó thì chúng ta không có kiếm thêm cái chuyện mà gọi là không cần thiết để chúng ta làm. Trừ phi! Trừ phi là chúng ta lén lén thấy rằng là nó hay hay, cáihiện hữu này nó có gì đó nó hay hay, vui vui thì chúng ta mới kiếm chuyện để chúng ta làm. Kammārāmata là như vậy.

Trích bài giảng KTC.6.117 Quán
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét