Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Bưởi Witchy

 


Bưởi Witchy

Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà chúng ta mỗi lúc một đi xa hơn. Tiền nghiệp là nghiệp quá khứ, nghiệp thiện ác nó mới đưa tôi kiếp này sanh ra kiếp tôi làm người Lào hay là người Việt. Khuynh hướng tâm lý là tôi thích ăn ngon, mặc đẹp, đi chùa hay thích ngồi thiền, thích học giáo lý. Còn môi trường sống là tuy tôi là người Lào, tôi thích học giáo lý nhưng xui ở chỗ tôi đang sống ở Pakistan cho nên cái cơ hội tôi tiếp xúc Phật pháp là không có nhiều. Đã vậy vì tôi là gái tôi phải đi lấy chồng mà lấy trúng chồng Hồi giáo, mỗi ngày nó bắt tôi cầu nguyện năm lần... Hồi đầu tôi cũng bị sốc lắm nhưng từ từ tôi cũng thấy quen. Trước hết là vì thương con, vì hạnh phúc gia đình. Thứ hai, chồng tôi quá thương tôi rồi từ từ mình theo đó.

Những người Phật tử lơ tơ mơ không học giáo lý, hồi đầu cũng có thương Phật, nhưng thương kiểu tưởng tượng nhiều hơn. Các vị có biết có hai kiểu thương mẹ: thương do tin và thương do hiểu. Thương do hiểu là từ nhỏ lớn lên mình sống chung với mẹ, mẹ đối xử mình ra sao mình biết rất rõ, mẹ để lại cho mình bao nhiêu ân tình và kỷ niệm. Mai này mẹ chết mình rất là thương mẹ, tiếp tục thương mẹ. Còn thương do tin là khác. Thí dụ vì một cái điều kiện nào đó mình xa mẹ từ bé. Đến năm mình bốn mươi tuổi, một ngày kia có một người dắt một bà già tới nói đây là má của mình. Bằng chứng đầy đủ, bà ngoại xác nhận luôn "đây là má của con bị thất lạc". Thì mình tin, mình cũng thương. Nhưng mà niềm thương đó là do tin vì mình quá thương ngoại, quá tin ngoại, nên ngoại nói thì mình tin.

Ở đây cũng vậy. Không học giáo lý thì cái tấm lòng của mình đối với Phật là hoàn toàn dựa vào Thầy chùa. Thầy chùa cho nhiêu nhận nhiêu. Mà nó ác ở chỗ vầy: ông thầy A khác ông thầy B, kiến thức ông A khác kiến thức ông B, cảm nhận ông A khác cảm nhận ông B, cách diễn đạt ông A khác cách diễn đạt ông B. Kiến thức, cảm nhận, diễn đạt của hai ông khác nhau. Rồi mình đụng ông A mình tin Phật theo ông A, mình tin ông B sẽ tin Phật theo ông B. Thấy rụng rời chưa. Tôi nhắc lại một lần nữa Đức Phật không cần mình tin Ngài mà Ngài muốn mình hiểu Ngài, để mình được tốt hơn. Vấn đề là trên con đường tìm Đạo, cái ông Thầy hoặc người bạn mình gặp, cái nhận thức, kiến thức, diễn đạt của ông này không giống ông kia. Chính vì vậy mỗi ông khi giảng, viết lách đều để lại một cái dấu ấn cá nhân trong đó. Mình không có vững nên mình mới đi theo cái lối mòn đó nên nó mới nảy sinh một cái tệ nạn sau đây trong thời Mạt Pháp. Đó là "thờ Tổ mà quên thờ Phật." Đó là một cái thảm họa, thảm trạng. Kinh điển bao la không thèm đọc mà cứ tin Sư phụ thôi "Sư phụ nói thế." Mình nói thật luôn Sư phụ làm sao bì bằng ngài Xá Lợi Phất? Hay ngài Anan? Mình liếc mắt trong kinh những bài giảng của ngài Xá lợi Phất, ngài Anan thì mình làm lơ, mà đi tin Sư phụ của mình. Mình biết ngài Anan, ngài Xá Lợi Phất đã không bằng Đức Phật thì mình nghĩ sao mà mình chìm sâu theo Sư phụ của mình. Nói vậy không có nghĩa là tôi kêu quý vị phủ nhận Sư phụ của quý vị. Tôi chỉ nhắc chừng. Đừng có để mình rơi vào tình huống thờ Tổ mà quên Phật. Nó rất là nguy hiểm, nguy hiểm ở chỗ là mình chạy theo ông Thầy, Thầy trao gì mình nhận cái đó. Tây nó một câu rất là hay là "Đừng học đi với người cà thọt" ... Ở Việt Nam có một số địa phương họ không đọc được chữ "r" mà họ đọc thành chữ "d". "Tôi nói cho ông nghe, ông phải phát âm một cách 'dõ dàng', chính xác". Ngay cái chữ 'dõ dàng' nó đã không chính xác rồi. Bây giờ mình lớn mình mới hiểu, thì ra mỗi ông thầy, mỗi tác giả sách đều để lại ít nhiều dấu ấn cá nhân của họ lên trên bài giảng, cuốn sách đó. Ta phải bình tĩnh gạn đục khơi trong, cái nào cần lấy thì lấy, cần nuốt thì nuốt, cần phun ra thì phun. Ăn thanh mà phải nhả hột thì chỉ có chết! Bà con mình bị cái bệnh thờ Thầy là thờ chết bỏ, nhất là bị tiêm nhiễm cái tinh thần "nghi ngờ là trọng tội". Cho nên cái ớn nhất trên đời này là chúng ta phải đón nhận cái gì đó mà qua lăng kính của người khác. Các vị có biết pha cà phê phin không? Cà phê nó thơm bằng trời mà cái phin nó dính dầu xanh thì pha ra nó là cà phê dầu xanh. Cách đây mấy bữa người ta cho tôi một trái bưởi, cái vỏ nó mỏng lét mà nó ngon thiệt là ngon. Có một cô Phật tử cổ tới thăm thấy mấy Sư đang gọt, cổ nói "để con gọt dùm cho". Tôi nhìn thấy bộ móng tay sơn là tôi thấy ghét rồi. Tại vì móng tay sơn mà bị dơ mình nhìn mình không có thấy, để nó trong suốt nó dơ mình mới thấy. Tôi ớn muốn chết luôn. Bả lột bưởi xong một hồi bả đem ra mới. Mấy ông Sư ăn có một miếng rồi bỏ bởi miếng nào cũng có mùi nước hoa Witchy hết trơn. Tôi mời một ông ăn, ổng để xuống. Tôi mời ông thứ hai ổng cũng để xuống. Đến tôi tôi cũng để xuống luôn. Witchy nó thơm là thơm ở chỗ khác, chứ không thể thơm trong thức ăn. Cho nên, cà phê thơm bằng trời nhưng cái phin nó có mùi kì kì là xong, bưởi ngon mà pha với mùi nước hoa là xong. Phật pháp hay bao nhiêu mà thông qua mấy Thầy là coi như Phật pháp dính dầu xanh. Cho nên mình phải cẩn thận, học Đạo là mình phải biết gạn đục khơi trong. 
Có cái gia đình bên Cali, con trai con dâu đi làm về, bà má bả khóc "Thôi tao về xứ. Ở đây muốn bồng cháu nội, cháu ngoại, mà tụi nó hỏng có cho". Đứa con gái nó nói "Cháu của má nó phải thương má chứ? Má về xứ má ở với ai? Để con vô hỏi tụi nó sao tụi nó không thích má. Không có đâu, chắc má hiểu lầm!" Cổ vô hỏi xong cổ đi ra cổ nói "Con biết rồi. Tụi nó nói tụi nó thương má lắm nhưng tụi nó ghét cái mùi dầu xanh thôi à". Bả xức nồng nặc. Chưa hết. Con nít nó ra ngoài sân chơi, nó ho vài ba tiếng là bả đem nó vô bả cạo gió, rồi bả bôi dầu tùm lum hết. Con nít nó không có thích mấy cái đó. Bả cưng cháu, bả đem thằng nhỏ vô, trên thoa dưới bóp dầu xanh. Thằng nhỏ chịu đâu có nổi.

Bà con thấy tôi giảng mà tôi giỡn. Không phải giỡn, tôi làm cho bà con tỉnh để cho bà con thấy cái chấp của bà con là ruồi bu. Nó ruồi đến mức mà tôi đem ra tôi đùa. Nhiều cái bà con cho là quan trọng thực ra nó không là gì hết, chỉ là ruồi thôi.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Lục Căn
Kalama xin tri ân bạn ghi hongha7711 chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét