Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Ví Dụ Cụt Chân ****

 


Ví Dụ Cụt Chân

Thánh nhân La Hán gồm có nhiều hạng.

Có vị là chỉ chấm dứt phiền não thôi, không còn tham sân si, không còn sanh tử nữa, hết dầu hết củi thì lửa tắt chỉ vậy thôi, hết phiền não. Gọi là Thuần Quán La Hán.

Trường hợp hai gọi là Tam Minh La Hán. Nghĩa là cái vị này bên cạnh việc chấm dứt tất cả phiền não, thì vị này có được 2 khả năng đó là nhớ được cái nhân sanh tử và quả sanh tử. Nhớ được cái quả sanh tử thì được là Túc Mạng Minh. Trong khi hạng A La Hán đầu tiên thì không nhớ được cái này, chỉ biết thôi, chỉ biết là chúng sanh ở đời làm ác thì bị khổ làm lành thì được vui và không còn thiện ác thì không còn tái sinh, hết ác hết thiện thì không còn khổ vui, nghĩa là chấm dứt sinh tử. Nhưng mà cái hạng thứ 2 thì không chỉ biết thôi mà còn nhớ nữa, nhớ được cái nhân sanh tử, cái quả sanh tử. Nhớ được cái quả sanh tử là sao? Là nhớ được kiếp trước của mình, của người khác, mình từng làm vua ở đâu, tuổi thọ, mặt mũi bao nhiêu chi tiết lớn bé trong đời sống, kiếp nào làm chó làm heo, kiếp nào đi địa ngục, kiếp nào làm ruồi muỗi nhớ hết. Dĩ nhiên, trong một cái giới hạn nào đó thôi. Có vị thì nhớ trăm ngàn kiếp, có vị thì nhớ hai trăm ngàn, ba trăm ngàn, có vị nhớ vài ngàn kiếp, có vị nhớ nhiều đại kiếp, có vị nhớ được cả a tăng kỳ nữa. Đó là do tu nhiều tu ít. Nhưng cái chuyện đầu tiên là nhớ được cái quả luân hồi. Còn nhớ được cái nhân sinh tử có nghĩa là nhớ được là ồ kiếp đó mình nhớ cái phước gì đó mà mình mới sanh làm ông vua, kiếp kia mình vì cái nghiệp gì đó mà mình làm con chó con heo, rồi trong khi làm chó làm heo thì thấy có kiếp con heo đó sống hết tuổi, con heo mới vừa chớm chớm heo sữa là bị giết, còn có con phải đủ tạ mới bị giết, rồi bị giết kiểu gì, giết ở đâu trong bối cảnh như thế nào, nhớ hết, nhớ tại sao, nhớ mình tạo nghiệp gì. Thì trường hợp đó được gọi là nhớ cái nhân sanh tử.

Nhớ được cái quả sanh tử được gọi là Túc Mạng Minh, nhớ được cái nhân sanh tử được gọi là Sanh Tử Minh, sau khi thấy nhớ được hai cái đó thì cộng với cái trí La Hán. Trí La Hán gọi là cái trí chấm dứt phiền não lậu hoặc, cái trí đó được gọi là Lậu Tận Minh.

Hạng La Hán đầu tiên Thuần Quán La Hán chỉ có được cái Lậu Tận Minh thôi, nhưng mà La Hán Tam Minh thì thêm hai Minh nữa là Sanh Tử Minh (nhớ nhân sanh tử) và Túc Mạng Minh (nhớ quả sanh tử).

Hạng La Hán thứ 3 là Lục Thông La Hán, vị này bên cạnh chuyện chấm dứt phiền não, bên cạnh chuyện nhớ được nhân sanh tử và quả sanh tử thì vị này còn có khả năng đặc biệt khác. Ví dụ như: vị đó có thể có khả năng biến hóa nhiều thứ gọi là Biến Hóa Thông, vị đó muốn có nhà, muốn hiện ra một con đường, muốn một cái hồ nước, muốn biến hiện ra con trâu con cọp gì cũng được, đi mây về gió, cái đó gọi là Biến Hóa Thông.

Thông thứ 2 là Tha Tâm Thông. Vị này có thể hiểu được tâm của người khác dầu ở xa hay là ở gần thì vị đó chỉ cần nghĩ đến ai là biết được cái tâm của người đó. Thiên Nhãn Thông là cái khả năng có thể thấy được những xa, những cái nhỏ nhất những cái xa nhất mà mắt thường không có thấy gọi là Thiên Nhãn Thông. Thiên Nhĩ Thông là nghe được tất cả mọi tần số âm thanh dù xa dù gần mà người thường nghe không được, tất cả mọi tần số âm thanh thấp nhất cỡ nào, cao nhất cỡ nào, xa cỡ nào người đó cũng nghe được. Biến Hóa Thông, Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông ... Đó là những khả năng của một vị chứng Lục Thông La Hán.

Nhưng tại sao chứng La Hán rồi mà lại có vị kiểu này vị kiểu khác? Là do cái kiểu tu. Kiểu tu là sao?

Ví dụ như hôm nay mình cũng có cái tâm cầu giải thoát, cái tâm chán sợ sanh tử nhưng mà cái kiểu tu chỉ chuyên tu Tứ Niệm Xứ thôi, không có lo cái gì khác. Thì mai mốt chỉ chứng Thuần Quán La Hán, chỉ hết phiền não rồi thôi, không thêm bớt gì hết. Còn nếu bây giờ mà mình có quan tâm các chuyện khác như là trau dồi kiến thức giáo lý, rồi tu tập thêm Samatha thiền chỉ, tu mấy cái đề mục như là đất nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng rồi cộng với lời nguyện nữa. Nguyện là đời sau tôi sẽ đắc đạo với quả vị lục thông. Nhớ cái đó! Phải có lời nguyện nữa. Chứ còn không là như mình thấy: Có nhiều người bây giờ chỉ có tu Tứ Niệm Xứ mà không màn giáo lý. Cái ngữ "không màn giáo lý" này mới là lớn chuyện. Không màn giáo lý tức là chỉ học có chút ít đủ để tu thôi. Rồi cũng không có thiết gì chuyện bố thí phục vụ. Chê luôn việc làm từ thiện. Chê là mấy cái đó mất thời gian. Thì cũng đúng. Theo cách nói rốt ráo của người cầu đạo giải thoát thì nó đúng là mất thời gian thiệt. Nhưng mà bên cạnh nó có một sự thật mà mình phải đồng ý.

Tôi ví dụ có hai người bắt đầu chuyến đi dã ngoại cắm trại. Người thứ nhất chủ trương là gọn nhẹ. Có thể nói là lúc sửa soạn hành lý thì cái anh gọn nhẹ là thấy sướng rồi, còn anh kia ảnh cụ bị lụm thụm, luộm thuộm, mình thấy mình mệt. Nhưng mà trong lúc va chạm thực tế thì mình thấy có những cái khác. Như anh đơn giản thì lúc chuẩn bị ảnh chuẩn bị nhanh đã đành, mà lúc đang đi bộ, đang đi leo núi thì cái anh mà hành lý ít thì ảnh đi cũng nhanh, sướng thân, không có nặng. Nhưng mà tới nơi, tới chỗ hạ trại căng lều thì coi chừng ảnh bị thiếu tùm lum. Còn anh kia thì giữa rừng ảnh có cái máy pha cà phê, có lò ga, bếp cồn, có đồ ăn khô; giữa rừng mà sáng sớm ảnh có thể nướng bánh mì ăn với mứt trái cây; giữa rừng mà ảnh có trà nóng, cà phê loại xịn ảnh uống. Còn cái anh đơn giản thì đúng lúc sửa soạn thì khỏe lắm, lúc đi cũng khỏe lắm. Nhưng mà lúc trụ lại tới nơi rồi thì khi đó mình mới thấy hai anh khác nhau. Quí vị hỏi kiểu nào tốt thì tôi đâu có nói được. Bởi vì tùy lựa chọn của mình thôi.

Hạng thứ 4 là hạng Vô Ngại Giải La Hán. Vị này khi đắc La Hán rồi có được 4 khả năng trí tuệ đặc biệt các vị khác không có được. Một trong 4 khả năng đó là Pháp Vô Ngại Giải.

Pháp Vô Ngại Giải có hai: Một là nhìn đâu cũng thấy Phật Pháp, nhìn cái gì cũng nói pháp được hết. Thấy cái lá nó rụng xuống thì người đó có thể nói một ngàn pháp thoại liên hệ tới chiếc lá. Thấy một người đang cười đang khóc thì người đó có thể nói một ngàn pháp thoại liên quan đến tiếng cười tiếng khóc. Nhìn đâu cũng thấy Pháp hết, bất cứ cái gì người đó cũng phân tích theo pháp được hết. Hai là nhìn nhân mà thấy quả, nhìn cái này biết từ đâu nó ra.

Chỗ này nhiều vị La Hán thấy nhanh, có vị chậm, có vị thì ... zero. Vị "zero" này diệt trừ phiền não rồi, và trong đời sống thì vị này nhìn chuyện gì thì biết nó từ đâu nó ra hoặc là biết cái này sẽ dẫn tới cái gì, nhưng vị đó chỉ biết một cách rất là căn bản: "Làm ác thì bị khổ, làm thiện thì được sướng, hết ác hết thiện thì không còn sướng khổ, hết chỗ đầu thai, chấm dứt sanh tử." Chỉ hiểu như vậy thôi. Chỉ cầu đạo giải thoát và chỉ hiểu bấy nhiêu đó; gom lại 3-4 dòng là xong. Nhưng vị La Hán Vô Ngại Giải lại khác. Vị này gặp bất cứ chuyện gì thì chỉ cần nhìn nhân biết quả, nhìn quả biết nhân, giải quyết vấn đề rất nhanh. Có những vị A La Hán có những khả năng đặc biệt là cái vấn đề khó cỡ nào, khó giải thích cỡ nào vị ấy cũng mau chóng tìm ra ví dụ tuyệt vời để cho người ta hiểu. Điển hình là các ngài Kumara Kassapa, ngài Katyayana, ngài Sāriputta. Những vị này có khả năng đặc biệt. Ngài Kassapa là vô địch về việc tìm ví dụ rất nhanh. Cái chuyện mà lựa ví dụ để giải thích cho người ta là không phải dễ đâu quí vị. Có những ví dụ 10 điểm, có những ví dụ chỉ 3 điểm - 4 điểm thôi. Cái ví dụ mà càng sát sao, khít khao vấn đề thì nó mới khó chứ còn ví dụ mà nó gượng gượng thì không khó mấy.

Tôi nhớ có một vị pháp sư có tiếng đã cho ví dụ mà nó hơi khập khiễng. Có người hỏi: Mình tu hành để sanh về cõi thiên đàng hay là cõi tây phương cực lạc thì có chỗ mô tả rất kỹ. Ví dụ như cực lạc của Phật giáo Bắc truyền họ mô tả kỹ lắm. Thiên đàng của Hồi giáo người ta cũng tả kỹ lắm. Trên thiên đàng của thánh Ala thì có thảm cỏ xanh, mây trắng, nắng vàng. Rồi mỗi một người đàn ông trên đó có 47 cô tiên nữ. Trên đó có những dòng sông toàn là rượu thôi, uống đã luôn, uống chỉ đủ say say lân lân thôi, chứ không xỉn mù mịt khói lửa như dưới đây. Cả đời chỉ sung sướng hàng vô số năm không có chết mà đời đời lúc nào cũng có 47 người con gái đẹp lộng lẫy hầu hạ. Rồi thiên đàng của Cơ-đốc cũng một bầy chim, hươu nai, rồi mây trắng nắng vàng, các thiên thần áo trắng, rồi bồ câu v.v... Rồi cõi cực lạc của Phật giáo Bắc truyền, trong kinh A Di Đà Vô Lượng Thọ giải thích thấy đã lắm. Nhưng riêng cái Niết Bàn của Nam Truyền thì tả rằng giống như ngọn đèn tắt, không còn sanh tử nữa. Thì cái Niết Bàn trong kinh điển Pali rất là mơ hồ. Vậy làm sao mình tưởng tượng hình dung ra Niết Bàn là cái gì? Rồi làm sao mình biết vị A La Hán an lạc cỡ nào để mà mình hướng tới tu hành?

Thì cái vị giảng sư này cho ví dụ thế này: Có nhiều khi mình không cần chạm tới cái đó mình cũng biết, mình cũng có thể hình dung ra được. Ví dụ như bà con chưa bị cụt chân nhưng bà con có thể hình dung ra cụt chân nó khổ cỡ nào! Mình nghe cái ví dụ, đọc cái ví dụ đó, tuy mình biết vị đó muốn nói cái gì, nhưng mà cho cái ví dụ đó nó hơi kỳ kỳ. Tức là vị đó nói là: Không có cần phải đắc A La Hán, mình chỉ cần hình dung là không còn phiền não, biết chắc là mình không còn sa đọa nữa, không còn luân hồi nữa, cảm giác chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi mình đã hình dung ra cái sướng của nó rồi. Không còn thích, không còn ghét, không còn sợ, không còn giận là sướng rồi. Dầu mình chưa có đắc A La Hán nhưng mà mình có thể hình dung được. Nhưng mà cho ví dụ như vậy rất là gượng.

Trích bài giảng KTC.7.39 Vô Ngại Giải
Kalama xin tri ân bạn buithithuthuy85 ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét