Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Tâm Thiện ******

 


Tâm Thiện

Thiện là gì? Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành. Bất thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác. Vui là 6 căn biết 6 trần như ý. Buồn khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại.

Hạng chúng sanh bất thiện nó sống bằng 12 cái tâm nhân bất thiện: 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si là 12. Mười hai tâm nhân bất thiện đó nó sẽ tạo ra 8 tâm quả bất thiện. Mà trong 8 tâm quả bất thiện nói gọn lại là 6 căn chuyên môn biết cách bất toại. Do anh sống trong 12 tâm bất thiện, cho nên ngay bất cứ lúc nào anh có 12 tâm bất thiện xuất hiện thì một cách kín đáo lặng lẽ âm thầm anh đã tạo ra 8 tâm quả bất thiện cho một kiếp sau mà lúc nào thì trời biết, tùy nó mạnh hay yếu.

Tâm bất thiện mạnh hay yếu tùy vào ba điều kiện:

  1. Đối tượng mình tạo nghiệp là đám đông hay cá nhân.

  2. Tâm trạng của mình lúc mà mình làm nó chủ ý hay vô tình, nó mạnh hay yếu, thiết tha hay hờ hững.

  3. Tác dụng của công việc đó mình làm vì mục đích gì.

Thí dụ: Tôi không thích đám đám đông Phật giáo này vì tôi là người không biết đạo nên mỗi lần nó tới ngồi thiền tôi bật nhạc lên lớn xíu. Nếu mà đám đông này tới vui chơi party, thì hành động tôi mở nhạc đó có tội nhẹ. Nhưng nếu mà đám đông này là học đạo, ngồi thiền là chết tôi.

Chỉ là một động tác rất là nhẹ, chỉnh volume thôi, là tôi đi địa ngục 18 kiếp. Mười tám kiếp là nói nghĩa bóng thôi chứ nó có thể là vô số kiếp. Bởi vì tôi phá đi cái cơ hội để người ta nghe đạo và hành đạo. Nếu cũng động tác này mà tôi chỉ vặn để tôi hay con tôi nghe nhạc thì khác, nhưng hôm nay tôi vặn để phá đám bên đấy thì lúc đó tôi nghĩ gì? Tôi thấy đông đông tôi tưởng đám Phật giáo đó là party phá cho vui thôi thì lúc đó ý tôi lại khác. Nhưng nếu mà tôi biết chính xác cái đám này nó đang mê hành thiền, nó đang learning Buddhism thì lúc đó tội nó khác. Cho nên tùy đối tượng đó là đám đông hay cá nhân, dụng tâm chủ ý là gì và tác dụng cùng hiệu quả, hậu quả của nó là gì.

Trong Kinh ghi rất rõ, cũng công sức đó, thời gian đó, tài sản vật chất đó bỏ ra, nếu mà ta nhắm tới đối tượng tập thể và nhất là ta nhắm đến tác dụng lâu bền thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Ví dụ xây dựng cầu, đường, đào giếng ... số người sử dụng 3 cái này nhiều hay ít? Và việc sử dụng nó là không có giới hạn biết tới kiếp nào mới hư, và số lượng người dùng nó không thể đếm kể. Thí dụ tôi chỉ bỏ ra 2000$ để đào cái giếng ở Miến Điện thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Bởi vì số người xài nó gồm có Tăng, Ni, Phật tử, cư sĩ, những người dùng giếng đó là những người học đạo, hành đạo và có lẽ là những người chứng đạo. Trong đó có những vì Bồ tát tương lai, vị Phật tương lai. Chúng ta không biết được trong chúng sanh ai sẽ thành Phật. Cho nên khi bỏ $2000 mà đào giếng chỉ nghĩ một chuyện là không có đại ca nào đi ngang đây mà không dùng cái giếng này. Vậy thì quả báo của $2000 này là không thể nghĩ bàn. Trong khi đó mình bỏ ra $50,000 đãi mấy chục người ăn yến sào, bào ngư, chỉ vài chục mâm nhậu là hết, và không đi đến đâu hết. Thì so với $2000 đào giếng kia là không thể nghĩ bàn.

Trích bài giảng Căn Bản Giáo Lý A Tỳ Đàm
Kalama xin tri ân bạn mslenhung ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét