Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Mục Hỏi & Đáp: Quán niệm tham ái

 


HỎI

Quán niệm tham ái thì tu bằng cách nào?

ĐÁP

Rất đơn giản, các vị cứ đi đứng trong chánh niệm, làm ơn nhớ như vậy, thấy thích cái gì đó thì biết rằng đây là nhân sanh tử. Quán niệm đề mục nào cũng bắt đầu từ nền tảng chánh niệm. Quán vô thường, khổ, vô ngã, đoạn tận hay ly tham đều như thế cả.

* Sống chánh niệm và kịp thời nhận diện cái này là vô thường, khổ, vô ngã.

* Sống chánh niệm để kịp thời hiểu rằng chuyện quan trọng nhất ở đời chính là sự kết thúc là Khổ đế và Tập đế.

* Sống chánh niệm để hiểu rằng mọi khổ đều từ tham thích mà ra. Thích ít thì khổ ít, thích nhiều thì khổ nhiều, thích đến đâu thì khổ đến đấy, hết thích thì hết khổ.

Thay vì bà con đọc Chú nào mà không hiểu, thì bà con nên đọc những câu này : Sống chánh niệm để hiểu rằng mọi sự khổ đều từ tham ái, tham thích mà ra. Thích ít khổ ít, thích nhiều khổ nhiều, thích đến đâu khổ đến đấy, hết thích thì hết khổ.

Cứ thường xuyên suy niệm như vậy, và chính câu này nó linh hơn bùa Lỗ Ban. Lý do là tất thảy mọi đau khổ đều do ta chịu đựng cái mình không thích, cái không thích đi ra từ cái thích, mà thích chính là tham ái. Mình ngộ ra thì ra đạo Phật cốt lõi là vậy. Năm xưa dưới gốc bồ đề Đức Thích Tôn tức là đạo sư của chúng ta đã thành Phật là cũng từ thấy cái này, nhưng có một điều ngài được gọi là Phật là vì :

1- Ngài nhìn thấy ra những điều vừa nói.

2- Đủ sức trình bày diễn giảng giải thích cho người khác hiểu giống như ngài đã hiểu.

3- Ngoài cái biết về con đường thoát khổ, ngài còn biết vô số chuyện đời nhưng xét thấy không cần thiết nên Thế Tôn im lặng không nhắc đến.

Phật Độc Giác thì tự thấy nhưng không có khả năng giải thích.

Thinh văn thì trên phải có thầy mới hiểu, còn dưới muốn dạy cho học trò cũng phải dựa vào phương pháp giải thích phân tích của Đức Phật Tổ Chánh Đẳng Chánh Giác. Thinh văn như ngài Xá Lợi Phất mới có thể, chứ nếu không dựa vào cách phân tích của Đức Phật thì ngài Xá Lợi Phất tự ngài không có khả năng tự ngộ thì làm sao có khả năng đi diễn giải trình bày cho người khác nghe được. Cho nên thinh văn là học trò 100% của vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác ở hai điểm :

1. là nhờ Chánh Đẳng Giác mà thinh văn ngộ ra được Bốn Đế.

2. dựa vào Phật Chánh Đằng Giác mà vị thinh văn mới có thể trình bày Bốn Đế.



HỎI

Mình muốn đi cầu và mình đang bước đi thì mình niệm cái nào?

ĐÁP

Trong kinh Tika nói rất rõ, cái gì rõ ràng nhất đối với mình, thì mình ghi nhận, mình niệm cái đó.

- Nếu lúc đó cái cảm giác chột bụng nó mạnh quá, thì mình ghi nhận cảm giác đó, lúc đó mình đang tu Thọ quán niệm xứ.

- Nếu nó nhẹ nhàng chớm chớm thôi, lúc đó mình thấy bước đi của mình hình như nó nổi bật hơn, thì lúc đó mình ghi nhận bước đi, lúc đó mình tu tập Thân quán niệm xứ, đi biết là đi.

- Nếu lúc đó mình đang giận, hoặc đang vui chuyện gì đó, thì biết rõ đây là tâm tham, đây là tâm sân, như vậy lúc đó mình đang tu tập Tâm quán niệm xứ.

- Hoặc một cách chuyên nghiệp hơn mình biết đây là Dục triền cái, Sân triền cái, đó chính là Pháp quán niệm xứ.

- Đây là Hỷ Giác Chi, Định Giác Chi đang có mặt thì đó chính là Pháp quán niệm xứ.

Cái gì nổi bật thì ghi nhận cái đó, và hành giả suốt ngày chỉ làm việc ghi nhận thôi, cứ sinh hoạt bình thường.

Có nhiều người nghĩ rằng phải lừ đừ, chậm chậm, nhưng mà theo tôi biết trong chánh kinh, trong chánh tạng Trường Bộ và Trung Bộ, không hề có chỗ nào nói cái chuyện mà mình phải giảm tốc độ, nhưng trong đó có nói cái này :

- Phải liên tục và thường trực chánh niệm trong từng sinh hoạt lớn bé. Nếu mình thấy nó nhanh quá, thì mình chậm lại, mà chậm lại với tốc độ chấp nhận được, nhìn không có dị. Bởi vì nhanh quá thì dễ phóng dật, mà chậm quá thì dễ thất niệm. Có nghĩa là nó dễ bị xen kẽ bởi một suy nghĩ, phiền não nào đó, cũng kẹt lắm.

Cho nên đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ là họ chỉ có một việc làm duy nhất đó là quan sát, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng luôn luôn trong kiểm soát bằng chánh niệm, cái gì đang diễn ra.



HỎI

Đề mục của Tứ Niệm Xứ là cái gì?

ĐÁP

Dạ thưa, đề mục của Tứ Niệm Xứ là bất cứ cái gì mà anh quan sát nó, anh ghi nhận nó, anh kiểm soát nó bằng chánh niệm. Còn cái gì anh theo đuổi nó mà không phải bằng chánh niệm thì cái đó gọi là hướng ngoại.

Thí dụ như mình đi vệ sinh, mình biết rõ là mình đang đi vệ sinh, chuyện đó nó dơ, mất vệ sinh thiệt, nhưng đó chính là đề mục, và mình hoàn toàn có thể đắc đạo bằng đề mục mà mình đang biết rất rõ làm cái gì.

Trong khi đó, mình ngồi trước chánh điện thấy nó linh thiêng như vậy nhưng tâm lăng xăng là không tốt. Khi người ta đi vệ sinh trong toilet, mà mọi sự diễn ra bằng chánh niệm thì nó tốt hơn là ngồi trong chánh điện mà thất niệm.

Câu này tôi biết nhiều người chịu không nổi, nghĩ rằng tu là phải trang nghiêm sạch sẽ mới gọi là tu, còn trong toilet nó không sạch sẽ, làm sao mà tu? Nhưng thật ra không phải như vậy.

Ở đâu có niệm, có tuệ, có thiện pháp thì ở đó là đất Phật, ở đó là linh thiêng. Ở đâu mà có tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi thì ở đó là cõi sa đọa.

Trong kinh Tăng Chi Phật dạy :

Ở đâu mà có từ, bi, hỷ, xả, thì ở đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên.

Ở đâu có trí sanh diệt, quán vô ngã, thì ở đó chính là trụ xứ của thánh nhân.

Ở đâu mà có thập thiện thì ở đó là trú xứ của nhân thiên.

Ở đâu mà có tham sân si, thì ở đó là địa ngục, là cõi bàng sanh, ngạ quỷ, A tu la.

Ở đâu có lòng khát khao vật chất thì đó là chốn ngạ quỷ.

Ở đâu có lòng sân si, tị hiềm, mâu thuẫn, xung đột thì đó chính là cõi A tu la.

Ở đâu mà tham ăn, tham ngủ, u mê, không phân biệt phải quấy đó chính là cảnh giới bàng sanh.

Ở đâu mà cắm đầu trong máu lệ, đau khổ, ghen tuông, sợ hãi, không có lòng tìm ra lối thoát thì đó chính là cõi địa ngục.

Trong đạo Phật mình có hai cảnh giới :

1. Tục đế : là cảnh giới hiện tượng như con heo ở trong chuồng, con chim ở trong lồng, con cá ở dưới nước - đó là cảnh giới sa đọa hiện tượng.

2. Chân đế : là cảnh giới biểu tượng là tâm tham, sân, si - ở đâu có phiền não thì ở đó có sự sa đọa.

Tâm hướng ngoại là tâm thiếu nội tĩnh, lăng xăng, tâm thích rong ruổi, muốn chuyện này, thích chuyện kia, bất mãn, xung đột, mâu thuẫn chuyện nọ.

Trong khi Tứ Niệm Xứ, dầu là phàm hay thánh, hễ sống chánh niệm thì họ không muốn hành động. Bởi vì còn có ý thích hành động có nghĩa là còn quẩn quanh trong 3 hành, vô minh duyên hành. Chính vì có vô minh trong 4 Đế nó mới dẫn đến ba hành. Mà ba hành gom gọn chỉ có hai, đó là thiện hành và ác hành. Cho nên còn có ý thích trong hành động là còn tiếp tục gầy dựng dòng chảy duyên khởi.

Hành giả Tứ Niệm Xứ không thiết tha trong ác, thiện vì họ biết ác dẫn đến sa đọa và thiện dẫn đến nhân thiên. Cái nào cũng là sanh tử.

Vì vậy hành giả Tứ Niệm Xứ chỉ có quan sát và quan sát mà thôi.




HỎI

Con đảnh lễ Sư.

Con có một thắc mắc con nêu lên mong được Sư khai thị. Người học thiền theo kiểu mô pháp luân xa hiện nay. Khi ngồi thiền đầu lắc lư qua lại, đôi khi họ thấy hào quang hoặc thấy người quá cố trong gia đình. Họ dụng pháp thiền ấy lấy nhân điện để trị bịnh hay mở luân xa cho người khác. Như vậy có thật và đúng không? Con mong được Sư khai thị. Con tri ân Sư.

ĐÁP

Trước hết phải cẩn thận xác định mục đích mỗi hành động thì mới có thể nói là đúng hay sai:

- Nếu cầu giải thoát sinh tử thì pháp môn tu tập dứt khoát không thể nằm ngoài Bát Chánh Đạo, mà cụ thể là qua pháp môn Tứ Niệm Xứ. Phần này người hỏi phải tự tìm hiểu, vì biết quý vị như thế nào để nói cho đủ!

- Nếu chỉ nhắm đến mục đích chữa bệnh, dưỡng nhan, hay tìm cảm giác mạnh qua một ảo giác nào đó thì chúng tôi không có ý kiến. Phật pháp thì chỉ có một đường, nhưng thế gian pháp thì vô số. Sở thích mọi người biết nói sao cho hết. Chỉ xin nhớ rằng ta không còn nhiều thời gian, nên cẩn thận với những thứ vớ vẩn có hại cho thân tâm và cả đời sau kiếp khác. Xin chúc an lành.




HỎI

Con kính chào thầy ạ!

Kính Thầy! Thầy cho con hỏi phái Ahosi tu có đúng chánh Pháp không ạ? Tại con có nhiều bạn đang tu thiền vipassana lại qua đó tu.Họ cũng rủ con qua nữa. Con cảm ơn thầy ạ.

ĐÁP

Một người Phật tử đúng nghĩa phải lấy tinh thần Bát Chánh Đạo làm nền tảng tu tập. Bất cứ phương pháp hành trì nào không tương ứng với 37 phẩm Bồ Đề (nền tảng là Bát Chánh Đạo) thì đều không được xem là chánh pháp. Những lối hành trì do bất cứ ai đề xướng lại nằm ngoài Bát Chánh Đạo cũng chỉ là kinh nghiệm cá nhân, không phải Phật Pháp. Xin nhớ rằng đường lối tu tập theo Bát Chánh Đạo luôn có đặc điểm là chánh niệm và trí tuệ. Xin chúc an lành.






HỎI

Cận nhân tình là gì?

ĐÁP

Cận nhân tình là chữ ngày xưa Trang Tử hai nghìn năm trước ông thường dùng. Có nghĩa là cái gì nó gần gũi với đời sống thường ngày thì được gọi là cận nhân tình.Cận nhân tình không phải là kế bên người thân yêu.

* Khi Đức Phật ngài nói ngôn ngữ của mình thì ngài nói mình nên bố thí nhờ vậy con sẽ được an lạc, không còn sự nắm níu chấp thủ, con phải trì giới con sẽ có đạo hạnh thân khẩu, con phải tu tập thiền định thì con sẽ có được nội tâm ổn định, con phải phục vụ con phải thương lấy người khác, con phải thuyết pháp,con phải nghe pháp, con phải biết cung kính cúi đầu, con phải biết hồi hướng công đức. Khi ngài giảng như vậy thì đó là cách giảng cận nhân tình.

* Khi Đức Phật ngài nói đây hãy vào tha ma mộ địa nghĩa trang quan sát những tử thi, mỗi ngày phải quan sát dơ bẩn trong thân, theo dõi hơi thở ra vào, theo dõi các tư thế sinh hoạt đi đứng nằm ngồi. Đó là ngài dạy đạo giải thoát theo ngôn ngữ, theo khái niệm của đời sống thường nhật.

* Khi ngài nói rốt ráo lại khác, ngài nói thẳng, đây là tham, sân, si, nhãn thức, nhĩ thức, những gì mắt thấy đều là vô ngã, vô thường không đáng để ta thích hay ghét. Khi ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư mà lại để cho thích ghét có mặt có nghĩa là ta đang đầu tư nhân sanh tử. Có lúc ngài nói này các Tỳ Kheo cái gì là chánh tư duy, là tà tư duy phải thường xuyên quan sát. Thế nào là dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy thì hãy để nó qua một bên. Cái gì là ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy đó là chánh tư duy thì hãy phát triển tu tập nó nhờ vậy các ngươi sẽ thoát khổ, thì khi ngài nói như vậy đó là bằng ngôn ngữ rốt ráo, Ngài đang nói bằng ngôn ngữ của bậc chứng ngộ, nó hơi xa đời thường một tí.





HỎI

Có người họ đoán và nói với con muốn đắc được Sơ thiền chỉ cần mình bỏ hết tất cả bên ngoài vào trường thiền tu tập một thời gian mình có thể đắc Sơ thiền dễ dàng. Câu này con nghi ngờ không biết có đúng không, vậy xin sư từ bi hoan hỷ giải nghi giùm con. Con xin tri ân.

ĐÁP

Phải có ít nhất 6 điều kiện :

1- Ba-la-mật

2- Tái sinh bằng tâm trí tuệ

3- Người thầy hướng dẫn đúng theo kinh điển

4- Học trò hành đúng theo lời thầy

5- Sức khỏe ok

6- Thực phẩm, thời tiết, trú xứ thích hợp.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét