Tưởng
Cái biết có 3:
- biết bằng thức: tức là biết qua sáu giác quan.
- biết bằng tưởng: dục tưởng, thiền tưởng, quán tưởng.
- biết bằng trí: văn, tư, tu.
Cái biết của Thức là cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, ... Nó chỉ chụp hình chứ không có đánh giá gì hết.
Nhưng mà cái biết của Tưởng là gì? Sau khi con mắt nó chụp hình xong, nó đưa vô trong cái bộ chip ở bên trong, nó nói: "Đây là cái tô." Khi mà nó nói "Đây là cái tô." thì đó lại là cái biết của Tưởng uẩn. Còn cái biết của Thức uẩn là chỉ chụp hình thôi chứ nó chưa có thể định danh, định hình vật đó là cái gì. Nó đưa vô trong, cái trong mới nói "Đây là cái tô." Mà ai dạy cho nó biết đây là cái tô ? Cha mẹ, xã hội, gia đình, học đường, kiến thức sách vở. Chính những cái nguồn đó nó dạy cho mình biết đó là cái tô chứ không phải cái dĩa, không phải là cái chén.
Các vị có biết rằng, trong thế giới ngôn ngữ, cái ngôn ngữ nào, đất nước nào, dân tộc nào nó giỏi về âm nhạc thì những từ vựng về âm thanh của họ rất là nhiều, rất phong phú, thí dụ như tiếng Ý. Họ có giọng nam trầm nữ trầm nam cao nữ cao. Ba cái mà "tenor", "soprano". Những cái ngôn ngữ khác nó không có phong phú như vậy. Và ở đất nước nào mà hội họa phát triển thì từ vựng về màu sắc nó rất là phong phú. Chỉ riêng màu trắng không là nó có trăm cái màu trắng. Ngay cả tiếng Việt mình thấy màu trắng cũng có rất nhiều màu trắng. Tiếng Anh thì cái màu xanh mình thấy nào là aqua, blue, green rất là nhiều. Thì đất nước nào dân tộc nào mà nó giỏi về hội họa là từ vừng về màu sắc của nó rất là giàu. Đúng không? Vậy Tưởng uẩn là gì? Là sự chồng chất bởi những kiến thức như vậy đó. Ví dụ, mình nói màu trắng, thì cái người nào họ biết nhiều về hội họa thì khái niệm về màu trắng của họ rất là giàu. Mà người giỏi về âm nhạc, giỏi về nhạc lý đó thì họ có rất là nhiều khái niệm, kiến thức về cái gọi là âm thanh. Đó được gọi là Tưởng uẩn. Còn với người nấu ăn thì kiến thức của người nấu ăn về món ăn nó phong phú hơn người bình thường rất là nhiều. Họ có thể nói chuyện với nhau mà mình nghe mình có thể không hiểu đó. Hoặc dân thợ bạc nó có cái ngôn ngữ riêng của đồ bạc vì khái niệm gắn liền với từ ngữ. Người mà ngôn ngữ giàu là họ biết được nhiều thứ. Mà mỗi cái biết là một cái concept (khái niệm), một cái idea (ý tưởng). Chính cái concept, cái idea nó cho phép từ ngữ họ trở nên phong phú. Những người họ ấm a ấm ớ, ngôn ngữ họ nghèo thì con concept họ ít. Cho nên cái Tưởng uẩn là cái nôi đẻ ra nền văn minh của nhân loại. Mình cứ tưởng văn minh nhân loại là khảo cổ, hội họa, kiến trúc, tùm lum, mình nghĩ nó ghê gớm. Nhưng thật ra nó là thế giới của Tưởng uẩn.
Cái này phải ghi thêm. Tưởng uẩn nó có ba: Dục tưởng, Thiền tưởng và Quán tưởng.
Dục tưởng là gì? Là những cái biết của mình về thế giới vật chất, về âm thanh, màu sắc, hình dáng, ánh sáng, dài ngắn, về không gian, về thời gian, đó được gọi là dục tưởng. Dục tưởng là những hồi ức của mình về thế giới vật chất. Người sống trong cõi dục thì họ ghi nhận thế giới này qua sáu căn. Và từ đó, thế giới trong mắt của người sống trong mười giới nó có thiên hình vạn trạng, gồm có : nam nữ, đực cái, trống mái, sông núi, kênh rạch, đại dương. Rồi trời đất, trăng sao, hoa lá, ... tùm lum hết. Và chính vì nó đa đoan như vậy cho nên người hưởng dục nó bị chia trí không có tập trung.
Còn cái người ly dục tu thiền thì thế giới của họ chỉ có còn mười thứ thôi. Các vị thử tưởng tượng: một bên thế giới có vô số thứ để biết, mà biết ở đây là gồm có thích và ghét. Một bên thì nó có vô số thứ để nó thích và ghét. Một bên nó chỉ có mười thứ thôi. Các vị tưởng tưởng coi cái mức tập trung của ở đó nó như thế nào. Một bên là số 10 còn một bên là countless, unlimited. Các vị nghĩ coi nó khác nhau cỡ nào. Quá nhiều. Chỉ cần một tỷ mà so với số mười là thấy dễ sợ rồi. Còn đàng này là vô số mà so với mười thì các vị nghĩ. Cho nên đối với người không có tu thiền, mở mắt ra là nhà cửa, nam nữ, xe cộ, tùm lum. Còn với người tu thiền thì thế giới này nó chỉ có mười thứ thôi. Đó là: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, hư không và ánh sáng. Nó biết có mười thứ đó thôi. Nó ăn rồi nó cứ "đất, đất, đất... " nó niệm tới lúc mà nó nhắm mắt lại nó cũng thấy "đất". Và khi nó đắc thiền bằng đề mục đất nó nhìn cái dòng sông nó nói "mình đi trên đó đi." Vậy là cái chỗ đó thành con đường cho nó đi. Là vì sao ? Vì qua một thời gian dài tu thiền, cái tâm của họ biến mọi thứ thành đất như họ muốn.
Buổi đầu khi mình còn chưa tập thiền cái đầu nó còn lăng xăng, còn bị chia trí, bị phân tâm bởi rất là nhiều thứ. Ví dụ như mình còn có cái để thích, trong cái thích có vô số thứ. Mà hễ có vô số thứ để thích thì có vô số thứ để ghét đúng không? Các vị tưởng tượng sẽ thấy nó chia trí dữ lắm. Các vị không có tu thiền các vị không có biết chứ cái đầu của quý vị bị chia cho đủ thứ chuyện. Vô ngồi mới biết là nó nhớ tùm lum. Thử đi thì biết. Tại sao hành giả dưới nhiều hình thức khi ngồi thiền một lúc nghe cơ thể nó đau đớn giống như bị chẻ xương? Vì đó là lúc họ đang là con người mới. Chánh niệm và trí tuệ nó đang biến thành con người mới. Có cái giai đoạn mà đau như đau đẻ vậy. Có người họ đau họ thấy cái bắp như cái khăn mà bị ai đó vắt, có người họ đau như cái xương bị chẻ, có người họ tả cái đau giống như ai lấy kim mà chọt vô cái khớp mà gõ vậy. Đau đến mức như vậy. Nhưng mà thật ra cái đó là ảo, không thật. Và phải qua được giai đoạn đó. Từ đó về sau ngồi phê luôn. Ngồi không có biết mệt. Mà phải qua được cái giai đoạn Quỷ môn quan, Giai đoạn thập tử nhất sinh đó rồi mới khá. Nói vậy nhưng không phải ai cũng phải trải qua những giai đoạn như vậy. Có nhiều người họ nhanh lắm. Họ chỉ nghe Phật nói một câu họ là đắc mà không cần ngồi xếp bằng. Tùy vào cách tu ba la mật. Lúc tu có thể đắc lâu hay mau, khó hay dễ.
Đối với người tu thiền thì thế giới chỉ còn có 10 thứ thôi. Chính vì vậy, khả năng tập trung của họ rất cao. Và nhờ khả năng tập trung ấy cho nên họ thấy những thứ mình không thấy được, họ nghe được những thứ mà mình không nghe được. Khả năng thấy được đó gọi là Thiên nhãn. Khả năng nghe được thứ người thường không nghe được gọi là Thiên nhĩ. Khả năng hiểu được tâm người gọi là Tha tâm thông. Khả năng nhớ được kiếp trước gọi là Túc mạng thông. Khả năng hiểu được nghiệp quả tuần hoàn thì gọi là Sanh tử thông. Khả năng mà biến hóa dời non lấp biển hô mưa gọi gió thì gọi là Biến hóa thông. Những khả năng đó không có gì khó hiểu hết bởi vì thân và tâm họ đã làm một. Bước đầu, thân tâm là một. Bước tiếp theo Trời Đất với họ là một, muốn có núi là có núi, muốn có sông là có sông. Thì đó là thiền tưởng.
Quán tưởng là gì? Quán tưởng là Tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ trong buổi đầu thì gọi là Quán tưởng. Mình đắc Đạo bằng trí chứ không đắc bằng Tưởng, nhưng buổi đầu phải tu bằng tưởng trước. Là sao? Đang đi biết là đang đi. Thật ra trong A tỳ đàm không hề có "đi" mà chỉ có sự chuyển động của bốn đại thôi. Nhưng buổi đầu tu Tứ niệm xứ cái đầu nó đơ không hiểu bốn đại là cái khỉ gì cho nên mình cứ niệm "đang đi biết đang là đi, đang ăn biết là đang ăn." Rồi quán thể trược biết đây là tóc lông móng răng da thịt gân xương tủy thận tim gan mật đàm mủ máu mồ hôi phẫn nước tiểu ... thì buổi đầu mình phải dựa vào những cái đó, tức là những thứ đồ giả. Nhưng mà đến một ngày nào đó, trí tuệ chánh niệm nó chín muồi thì lúc bấy giờ mình "bốc hơi". Mình không nhìn nó là tóc lông móng nữa mà lúc đó mình thấy rằn. ở đây chỉ có "danh và sắc" thôi. Cái vật chất mà mình đang nhìn là "sắc", mà cái đang nhìn nó là "danh". Danh sắc này do duyên mà có, có rồi phải mất. Đắc quả ngay chỗ đó! Danh sắc này là Khổ đế. Và cái thấy được nó là vô ngã vô thường chính là Đạo đế. Thấy được như vậy là chứng đến Đế. Đó là nói trên nguyên tắc vậy thôi chứ người đắc nó không phải như vậy. Nhưng phải nói để biết nó là cái gì. Chứ bà con cứ mơ hồ "đắc là cái gì?" Nhưng mà cái thấy của người đắc, dĩ nhiên, nó khác. Nó không phải sanh bằng nhưng nó không có chỏi lại cái giáo lý và lý thuyết mà mình đã học. Tôi đã nói như khi mình sử dụng bản đồ. Con đường đó mình chưa có đi qua nhưng mình cứ men men theo bản đồ mình thấy chỗ đó cong cong quẹo quẹo, chỗ đó có cái ngã ba rồi tới ngã tư. Ngã tư này quẹo phải, ngã tư này quẹo trái. Chỉ thấy làn mực nó vẽ vậy thôi. Nhưng mà bước ra ngoài đời mình mới thấy cái con đường nó có cái ngã ba mà nó có cái quán cafe starbucks, có mall, có walmart, ... Trên bản đồ nó không có vẽ vậy. Thì đây cũng vậy. Trên mặt lý thuyết thì ta thấy quán tưởng là gì? Là cái buổi đầu là mình phải xài bằng thế giới tục đế chế định.
Ở đây tui nói cầu may chứ bà con mà hiểu được là tui chết liền. Thế giới nó có hai cách nhìn: nhìn từ góc độ chân đế và tục đế. Góc độ tục đế là mình nhìn vỏ ngoài của sự vật. Ví dụ như mình nói đó là một đống đất, thì đó là cái nhìn tục đế. Nhưng mà với cái nhìn chân đế thì mình biết đó là cái gò mối, trong đó gồm có rất nhiều con mối. Tôi đang ví dụ thôi. Mai mốt đi đâu mà nói "Sư Giác nguyên nói cái đống đất là tục đế và cái gò mối là chân đế!!!" là thấy bà nội tôi. Cái nhìn bên ngoài thì gọi là tục đế. Thí dụ mình nói "đây là ly nước" - thì đó là tục đế. Mà mình nói "đây là ly H2O" - thì là chân đế. Bây giờ mà ra tiệm nước nói cho một ly "H2O" nó có biết đường nó bán không? Thế là đành phải kêu ly "nước". Thì buổi đầu mình tu mình đâu có thấy "tứ đại" gì đâu. Nói người ta nói ba xạo, không có. Tôi thù nhất là Hành giả tu ba mớ mà nói là "quán chiếu". Quán mền quán mùng thì có chứ ở đó mà quán chiếu. Biết cái khỉ gì mà nói dóc!
Không có quán gì hết. Học giáo lý dùm cho tôi. Rồi sống chánh niệm. Đối với tôi, tu học chỉ là hai cái đó thôi. Nếu anh tu thiền chỉ thì anh vẫn phải học giáo lý, rồi anh tập trung tu thiền chỉ samatha. Nếu anh tu thiền quán, anh vẫn học giáo lý rồi sống chánh niệm. Không có việc thứ ba để làm. Học giáo lý và tu thiền chỉ, hoặc học giáo lý để mà tu thiền quán. Mà tu thiền chỉ là gì? Là tập trung vào hơi thở, niệm niệm hoặc là xanh vàng đỏ trắng xanh xanh xanh đỏ đỏ đỏ trắng trắng trắng đất đất đất nước nước nước. Đó là thiền chỉ. Còn thiền quán là làm gì biết nấy. Chớ đừng có quán chiếu. Không biết gì hết thì lấy đâu mà quán? Nhưng mà sẽ có một ngày, trên cái nền tảng của chánh niệm tự nhiên nó bừng ra những điều mà trước đây ta chưa có thấy. Còn chưa gì hết mà ta bày đặt quán chiếu thì cái ta thấy là cái tào lao và muôn đời sống trong cái Tưởng. Tin tôi đi. Tôi không phải là hành giả, không phải là thiền sư, nhưng mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì tôi đang nói về Vipassana cho bà con trên toàn cầu đang nghe tôi nói. Những bài học mà tôi phổ biến rộng rãi trên thế giới và có rất nhiều chư tăng tôn túc cũng coi kinh. Thì tôi nói bà con đừng có quán chiếu quán mùng gì hết. Làm ơn học giáo lý căn bản dùm cho tôi, rồi sau đó sống chánh niệm. Bà con cứ "làm gì biết nấy" thì tự nhiên nó bật nó sáng ra.
Tôi nói thí dụ thế này. Muốn biết mẹ thương mình cỡ nào thì học cho giỏi, lấy chồng, sanh con thì lúc đó thì tự nhiên biết mẹ cực với mình cỡ nào. Chứ ngồi mà tưởng tượng, chỗ ráo con nằm chỗ ướt mẹ, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, rồi cù lao mang nặng đẻ đau, cứ tưởng tượng là mình không có thương mẹ nổi. Nhưng cứ học cho giỏi, biết chữ, biết đọc, biết viết, rồi biết cái cộng trừ nhân chia, rồi học hết trung học cho tôi. Rồi lấy chồng, rồi đẻ con, rồi chăm con khi nó mới lòi ra."À! làm mẹ là cực như thế này". Chứ khi còn mặc áo trắng, còn thắt nơ tím, tóc dài, ôm cái cặp, mà cứ ngồi nghĩ "Tình mẹ là sao?" Là ... luôn luôn sai!
Làm ơn học giáo lý. Rồi sống chánh niệm. Đừng làm thêm gì nữa hết. Nhưng mà phải học giáo lý. Không học giáo lý thì không biết bốn đế là gì. Nội mấy chữ căn bản thôi: Thiện là gì? Ác là gì? Nhân là gì? Quả là gì? Hạnh phúc là gì? Đau khổ là gì? Mấy cái này mà không biết thì Tứ đế, Duyên khởi cũng không biết. Bát chánh đạo kêu ra hỏi thì nói ấm a ấm ớ. Cái thứ như này là dốt như tận cùng. Mà tôi nói thì giận. Rồi tới hồi vô thiền là lại "quán". Tôi thù cái đó dữ lắm. Tôi thù cái này nữa này. Đi qua học thầy bà gì bên Thái về, cái mặt đen thui thấy gớm. Rồi thầy dạy: "Đang đi biết là Sắc đi hay là Danh đi, ngồi biết là Sắc ngồi hay Danh ngồi." Họ tưởng cái đó là hay, họ tưởng cái đó là rốt ráo, mà thật ra họ vẫn bị kẹt trong cái chế định. Vì cái Sắc và Danh vẫn là tục đế! Mà cứ tưởng vậy là cao siêu. Rồi còn họ hiểu Chánh niệm có nghĩa là làm gì biết nấy, không được sơ sẩy, thất thoát. Cho nên là họ phải làm chậm để niệm cho đủ, không sót sát na nào. Múc miếng cơm lên sợ nó rớt "chánh niệm". Cơm rớt không lo mà lo rớt "chánh niệm". Trời ơi! Các vị về Shwe Oo Min có thấy nó ăn mà phát ghét luôn. Nó đi giống như nó mới xuất viện. Tôi thấy tu tôi quý lắm, nhưng mà tu cái kiểu đó tôi ghét quá đi. Tôi kể hoài cái chuyện là một cái bà bả hiểu lầm lời thầy. Thầy nói thế này "Đang đi kinh hành mà thất niệm thì mình niệm lại từ đầu." Thì bả nghe như vậy bả đang đi bả bị thất niệm bả đi ... thụt lùi. Bả lùi lại cái chỗ hồi nãy bà thất niệm, rồi bắt đầu bả mới niệm. Nhiều hành giả đi chung với bả thấy lạ quá, mà không dám hỏi. Cuối cùng mới cử ra một bà dạn nhất tới hỏi. "Bồ ơi Bồ, Bồ cho tui hỏi chứ Bồ tu kiểu gì ngộ quá." Thì bả mới nghiêm mặt: "Cô quên lời thầy rồi sao? Khi mình tu chánh niệm mà bị thất niệm là mình làm lại từ đầu. Mình thất niệm ở đâu là mình lùi lại cái chỗ mà mình thất niệm để mình niệm lại từ đầu."
Trích bài giảng Giáo lý Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét