Xe và Phụ Tùng Xe
Đây là một loạt kinh mà tôi dứt khoát sống chết phải đem bỏ vào trong cái quyển Thiền Môn Nhật Tụng Kalama.
Vị Tu Đà Huờn không thể quay lại cái quan điểm cho rằng:
Ở đây các vị nghe các vị có hơi nhức đầu phải không? Nhưng mà nó thế này:
Cái đầu tiên là vị Tu Đà Huờn không thể quay lại với cái quan điểm cho rằng khổ lạc do tự mình làm ra. Là sao?
Cái này Phật tử mình 99% là dính sạch, dính ngay chỗ này: "Hôm nay tôi bị khổ tại vì hồi kiếp xưa tôi vụng tu.", "Bây giờ tôi bị nghèo do kiếp xưa tôi không có bố thí.", "Kiếp này tôi bệnh tật, yểu thọ là tại do kiếp xưa tôi sát sanh, thích hành hạ người khác." Mình nghe mình thấy rõ ràng là chánh kiến. Nhưng mà không phải vậy. Nó là tà đó!
Tà chỗ nào? Không có "cái tôi" nào hết. Không có cái chuyện mà "Hôm nay TÔI nghèo là do kiếp xưa TÔI không bố thí". Nó lớn chuyện chỗ đó. Không hề có một "cái tôi" ở đây mà phải hiểu như thế này:
Do kiếp xưa cái 5 uẩn này nè, ở kiếp xưa nó quá nhiều tâm bỏn xẻn đi, nó không có muốn trao ra. Cho nên do 5 uẩn quá khứ mà bất thiện như vậy đó nó mới tạo ra 5 uẩn hiện tại đói nghèo, thiếu thốn vật chất. Nhớ nha. Cái năm uẩn hiện tại nó là quả được tạo ra từ 5 uẩn quá khứ nhưng nó không phải là 5 uẩn quá khứ. Không hề có một "cái tôi" nó đi từ kiếp này sang kiếp khác. Các vị có hiểu chỗ này không? Năm uẩn này nó được tạo ra từ 5 uẩn quá khứ nhưng nó không phải là 5 uẩn quá khứ. Tôi ví dụ: trái xoài đem trồng xuống nó ra cây xoài rồi trên cây xoài đó nó lại có trái xoài nữa thì cái trái xoài trước và trái xoài sau nó chỉ là "similar not the same". Các vị hiểu câu này không? "Similar not the same" có nghĩa là nó giống cái kia nhưng mà nó không phải là cái kia. Cái này phải học thuộc lòng. Cái này phải xâm lên trán mà phải xâm bằng sữa con so để bình thường nó chìm khi nào nóng nực hoặc nổi giận nó mới ửng lên cho mình thấy. "Similar not the same" có nghĩa là hồi xưa tôi làm con chó, do một cái nghiệp nào đó bây giờ tôi sanh ra tôi làm con chó nữa, thì cái con chó bây giờ nó là cái quả báo do cái đời sống của con chó trước tạo ra nhưng mà nó không phải là con chó cũ. Các vị nghe kịp chưa? Nó giống như trái xoài vậy đó, tức là nó giống nhưng không phải là cái kia. "Similar not the same." Đó! "similar": giống thôi, nhưng "not the same": nó không phải là cái kia.
Cho nên vị Tu Đà Huờn không còn quay lại cái quan điểm bậy bạ đó nữa. Không còn quay lại cái quan điểm cho rằng TÔI tạo nghiệp thiện ác quá khứ nên TÔI phải chịu quả khổ hoặc hưởng quả vui. Không có, không có quan điểm đó. Không có cái chuyện mà cho rằng TÔI làm cái này, TÔI làm cái kia cho nên TÔI hưởng cái này, TÔI chịu cái nọ.
Thứ nhất là tự TÔI là không, mấy cái sau cứ theo vậy mà hiểu.
Mình cũng không thể nói là do người khác làm. Thí dụ như mình hiểu như thế này, mình hiểu là: Đúng rồi, không có cái TÔI nào hết nhưng mà có cái này: Là hồi trước có một cái thằng nó làm bất thiện rồi cái thân bất thiện đó nó tạo ra cho cái thằng này nè hưởng cũng không được. Tự mình làm tự mình hưởng tức là hiểu sai. Nhưng mà mình cho rằng kiếp trước có một thằng A, thằng B gì đó nó làm rồi bây giờ có thằng C, thằng F này nè nó hưởng; hiểu như vậy cũng không được. Phải hiểu trước sau, phải giữ vững lập trường. Đó là: Quá khứ tiền kiếp chỉ là một khối 5 uẩn liên tục sanh diệt và ở đó có các thiện ác cũng liên tục sanh diệt. Chính các thiện ác sanh diệt liên tục đó nó mới tạo ra ngũ uẩn bây giờ cũng buồn vui liên tục. Chính vì quá khứ lúc thiện lúc ác cho nên kiếp này là lúc buồn lúc vui. Phải hiểu như vậy.
Nhưng mà đại khái là không có một cái NGƯỜI nào hết. Không hề có TÔI mà cũng không hề có người nào hết. Mà tất cả chỉ là một cái dòng chảy của 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), của 6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý), của 6 trần (sắc, thanh, khí, vị, xúc, pháp), nó xoay vần giữa mấy thứ đó thôi. Chứ ở đây không có người nào hết. Ở đây có nhiều người trong các vị sẽ thắc mắc "Ủa, cái đó quan trọng dữ vậy sao?". Quan trọng chứ.
Tôi nói đi nói lại hoài. Đó là khi mình hiểu rõ cái cấu trúc của một món đồ thì cảm giác của mình đối với nó khác, rất là khác so với lúc mình mù tịt về nó. Tôi nhắc lại, cũng cùng món đồ đó nhưng mà khi ta hiểu rõ cái cơ cấu, cái cấu trúc, cái tổ chức của cái món đồ đó thì cái cảm giác của ta đối với món đồ đó hoàn toàn khác so với cái trường hợp ta mù tịt về nó.
Ở đây cũng vậy, một cái vị Tu Đà Huờn khi mà họ thấu suốt cái cấu tạo, cái cơ cấu, cái tổ chức của cái gọi là thân và tâm này thì họ nhìn về nó khác đi nhiều lắm. Họ không còn dệt mộng nó nữa, họ không ngồi mơ mộng, họ không ngồi để mà tưởng tượng viễn vông về nó như là những cái khái niệm mắt biếc hồ thu, suối tóc đen huyền, rồi bờ môi mọng, rồi nào làn da trắng như phấn trắng bông bưởi, rồi gót sen, gót khỉ mốc gì đó là vị Tu Đà Huờn không còn nữa. Bởi vì họ biết mấy cái đó toàn là mấy cái hư ngữ giả trá do cái đám phàm phu u mê nó nghĩ ra thôi. Chứ còn bây giờ thử hỏi nó đẹp bằng trời mà quất cho nó một cái sẹo xéo vầy nè là coi cái mặt nó ớn lắm, các vị thấy không? Đừng có tạt a xít nó ác lắm. Chỉ cần một cái sẹo mà nó dài nó cắt ngang là nhìn cái mặt thấy nó giang hồ rồi. Nó đẹp bằng trời mà quất cái thẹo này là mình thấy nó xuống tinh thần dữ lắm. Rồi trong cơ thể mình chỗ nào mình thấy là hấp dẫn nhất quất cho một cái thẹo, quất cho một cái đốm lang ben hay đốm hắc lào hay lác ướt, lác khô, hay là dời làm cho nó một về như cỡ này là bắt đầu nó xuống tinh thần liền. Vị Tu Đà Huờn hiểu rất rõ cái đó, hiểu rất rõ. Chỉ cần một cái vết nám mà nó nằm ngay cái vị trí quan trọng rồi là nhìn nó xuống tinh thần dữ lắm. Lúc đó bao nhiêu mộng mơ đều tang hoang hết trơn hết trọi. Đây là lý do vì đâu mà mấy cái viện thẩm mỹ nó mới ăn nên làm ra. Bởi vì nó chỉ cần nó làm sao mà nó che được những cái khuyết điểm để cho người đời tiếp tục mộng mơ trên chính cái hình hài mà gọi là trời ơi đó, là nó hốt bạc.
Cho nên ở đây cái chuyện đầu tiên là vị Tu Đà Huờn không có còn nhìn cái thế giới này bằng cái quan niệm ngã chấp là có một cái thằng tôi, thằng ta, có một ông A, bà B nào, không có. Mà vị Tu Đà Huờn luôn luôn nhìn về thế giới này bằng một cái nhìn thấu suốt rằng mọi thứ là một dòng chảy tương tục miên viễn bất tuyệt, của những đơn vị pháp giới phù du rất đỗi là mong manh. Thấy đó rồi mất đó - chớp nhoáng trong từng phút. Có như vậy thì vị đó mới có một thái độ sống rất là bình tĩnh, rất là bình thản, không giống như mình. Mình thì mình ê a mình tụng kinh tùm lum nhưng mà mình chỉ là những con két chùa thôi. Két chùa là sao? Con két chùa có nghĩa là nó đọc kinh ào ào, nhưng mà nó gặp cái chuyện mà nó sốc lên rồi là nó chịu không nổi.
Vị Tu Đà Huờn thì không. Người đắc quả Tu Đà Huờn trở lên thì vị đó không còn quay lui lại cái quan điểm ngã chấp. Tức là không có còn nghĩ rằng là tôi làm hay là người khác làm. Không có, không còn nữa. Không còn nhìn thế giới này qua cái quan niệm ngã chấp. Vị Tu Đà Huờn luôn luôn nhớ cái điều này: Không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng, không hề có đống phụ tùng trong một chiếc xe. Trong các vị thế nào cũng có người nói "Ủa, cái này hình như ổng nói chứ không phải trong kinh". Thế nào cũng có tên nghĩ như vậy. Thì thôi tôi tặng cho các vị cái này. Làm ơn vô Google đánh chữ: "Tỳ kheo ni Vajira và ác ma", còn Tiếng Anh là "Vajira and Mara". Các vị sẽ thấy cái câu tôi vừa nói: Không hề có đống phụ tùng trong một chiếc xe, không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng.
Dĩ nhiên chiếc xe hồi xưa là xe ngựa, xe bò chớ không phải xe 4 bánh chạy bằng động cơ xăng của mình bây giờ. Nhưng mà dầu xe nào đi nữa nó cũng có nhắm cái ý nghĩa đó. Là cái xe nó là khối tổng hợp được lắp ráp bởi các món phụ tùng rời rạc, dầu đó là cái thùng, cái phần sau của một chiếc xe ngựa hay là xe bò, xe tứ mã, song mã hay là lục mã gì hỏng cần biết, nhưng mà chỉ cần biết đó là một cái phương tiện được lắp ráp bởi các thứ phụ tùng rời rạc.
Nhưng mà cũng cái đống đó bây giờ ráp ngược trở lại cho nó thành chiếc xe hoàn chỉnh đi, thì người ta sẽ nói là "Thằng Tèo nó ngồi bên chiếc xe" chứ không còn ai nói "Thằng Tèo nó ngồi bên đống phụ tùng" nữa hết. Là vì sao? Là vì chiếc xe nó được lắp ráp bởi đống phụ tùng, lắp ráp từ cái đống phụ tùng và cái đống phụ tùng nó được tháo ra từ chiếc xe.
Cho nên tháo rời nó ra thì cái cũ không còn nữa, lúc bấy giờ nó trở thành một cái mới. Nhớ cái đó đó, cái đó là cái quan trọng phải nhớ.
Trích bài giảng KTC.6.93 Hành
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Ở tại Sàvatthi. Tỷ-kheo-ni Vajirà vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.
Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Vajirà đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày, đi sâu vào rừng Andha và ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.
Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Vajirà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Vajirà:
Do ai, hữu tình này,
Ðược sanh, được tạo tác?
Người tạo hữu tình này,
Hiện nay ở tại đâu?
Từ đâu hữu tình sanh?
Ði đâu hữu tình diệt?
Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"
Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà lại suy nghĩ: "Chính là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ này".
Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà biết được: "Ðây là Ác ma", liền trả lời Ác ma với bài kệ:
Sao Ông lại nói hoài,
Ðến hai chữ chúng sanh?
Phải chăng, này Ác ma,
Ông rơi vào tà kiến?
Ðây quy tụ các hành,
Chúng sanh được hình thành,
Như bộ phận quy tụ,
Tên xe được nói lên.
Cũng vậy, uẩn quy tụ,
Thông tục gọi chúng sanh.
Chỉ có khổ được sanh,
Khổ tồn tại, khổ diệt,
Ngoài khổ, không gì sanh,
Ngoài khổ không gì diệt.
Rồi Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Vajirà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.Saṃyuttanikāyo Sagāthāvaggo 10. Vajirāsuttaṃ 171. Sāvatthinidānaṃ.
Atha kho vajirā bhikkhunī pubbaṇhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya sāvatthiṃ piṇḍāya pāvisi. Sāvatthiyaṃ piṇḍāya caritvā pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkantā yena andhavanaṃ tenupasaṅkami divāvihārāya. Andhavanaṃ ajjhogāhetvā aññatarasmiṃ rukkhamūle divāvihāraṃ nisīdi. Atha kho māro pāpimā vajirāya bhikkhuniyā bhayaṃ chambhitattaṃ lomahaṃsaṃ uppādetukāmo samādhimhā cāvetukāmo yena vajirā bhikkhunī tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā vajiraṃ bhikkhuniṃ gāthāya ajjhabhāsi –
‘‘Kenāyaṃ pakato satto, kuvaṃ sattassa kārako; Kuvaṃ satto samuppanno, kuvaṃ satto nirujjhatī’’ti.
Atha kho vajirāya bhikkhuniyā etadahosi – ‘‘ko nu khvāyaṃ manusso vā amanusso vā gāthaṃ bhāsatī’’ti?
Atha kho vajirāya bhikkhuniyā etadahosi – ‘‘māro kho ayaṃ pāpimā mama bhayaṃ chambhitattaṃ lomahaṃsaṃ uppādetukāmo samādhimhā cāvetukāmo gāthaṃ bhāsatī’’ti.
Atha kho vajirā bhikkhunī ‘‘māro ayaṃ pāpimā’’ iti viditvā, māraṃ pāpimantaṃ gāthāhi paccabhāsi –
‘‘Kiṃ nu sattoti paccesi, māra diṭṭhigataṃ nu te; Suddhasaṅkhārapuñjoyaṃ, nayidha sattupalabbhati.
‘‘Yathā hi aṅgasambhārā, hoti saddo ratho iti; Evaṃ khandhesu santesu, hoti sattoti sammuti.
‘‘Dukkhameva hi sambhoti, dukkhaṃ tiṭṭhati veti ca; Nāññatra dukkhā sambhoti, nāññaṃ dukkhā nirujjhatī’’ti.
Atha kho māro pāpimā ‘‘jānāti maṃ vajirā bhikkhunī’’ti dukkhī dummano tatthevantaradhāyīti.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét