Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Chuyện Đề-bà-đạt-đa

 


Chuyện Đề-bà-đạt-đa

Có một vị tỳ kheo kia đến hỏi ngài Anan "Có phải Thế Tôn dốc lòng trù rủa Đề-bà-đạt-đa không?" Trù rủa là sao? Trù rủa là con người ta đang ngon lành vậy mà Ngài lại nói con người ta đoạ địa ngục. Chữ dốc lòng này là ác ý trù rủa. Ngài Anan thưa lại với đức Phật câu chuyện đó. Đức Phật có câu trả lời ngài Anan: "Này Anan! Tỳ kheo mà nói với ngươi đó là người mới tu hay tu lâu mà không có trí tuệ. Một người như ta làm sao có thể trù rủa người khác nói chi là dốc lòng để mà trù rủa người khác. Này Anan, trước đây khi mà ta tuyên bố rằng Đề-bà-đạt-đa sẽ bị đoạ là ta đã có cơ sở, có căn cứ. Ta thấy ở con người đó không còn có thể cứu vãn được nên ta mới nói như vậy. Và ta nói như vậy không phải vì để trù rủa ai hết."

Ngài vì lòng đại bi trong nhiều kiếp quá khứ đã cứu mạng Đề-bà-đạt-đa, mặc dầu lúc đó Đề-bà-đạt-đa đang là kẻ thù của ngài đó, kẻ thù đoạt mạng chứ không phải kẻ thù nhẹ nhẹ đâu. Rất nhiều kiếp Đề-bà-đạt-đa là kẻ thù đoạt mạng mà ngài còn hy sinh mạng sống để cứu Đề-bà-đạt-đa, nói gì là kiếp cuối cùng này, khi ngài đã thành vị Phật, thưa quý vị. Tôi nói điều này trong đây nhiều vị không có tin, nghĩ trên đời này làm gì còn người tốt như vậy. Xin thưa có như vậy. Tôi tin. Tại sao tôi tin? Bởi vì qua sử mình thấy có thánh Gandhi, có bà Teresa. Đọc kỹ lại về thánh Gandhi, đọc kỹ lại về ngài Huyền Trang mình mới thấy. Và nếu mình đọc con người mà mình không tin thì mình đọc cái khác vô tri mình tin. Tại sao có kim cương? Nó phải trải qua thờ gian bao lâu đó, có thể là hàng triệu năm, trong một nhiệt độ như thế nào đó, trong một tầng áp suất như thế nào đó, mới thành viên kim cương. Thì con người cái nhân cách cũng vậy. Cái nhân cách của con người đó cũng là một quá trình trui rèn đào luyện. Ai có khả năng trui rèn để trở thành kim cương, cẩm thạch, còn không có khả năng trui rèn thì thành thứ tào lao. Hôm trước đi Miến Điện chúng tôi có đến thăm xem fossil museum. Fossil là hoá thạch. Chúng ta có dịp sẽ thấy rất là nhiều những thứ bộ hoá thạch cực kỳ đẹp, phải nói cực đẹp, đẹp lắm. Nhìn thấy từng cái thớ gỗ, cái vân gỗ rõ ràng sắc nét, không nghi ngờ gì hết, không sai chạy được. Nhưng nó nặng như đá, nó cứng như đá và đương nhiên bấy giờ nó là đá. Nhưng nó phải trải qua một thời gian như thế nào đó, điều kiện như thế nào đó nó mới trở thành cái vật thể phi thường như vậy, đặc biệt như vậy, quý hiếm như vậy, đáng ao ước như vậy. Thì cái nhân cách của một vị Phật cũng vậy thôi.

Trong thời gian sơ phát tâm đến thời gian chứng quả thì ngài Xá lợi phất, ngài Mục kiền liên phải mất một trăm ngàn đại kiếp. Trăm ngàn đây là con số lẻ. Riêng vị Phật độc giác thì phải mất hai a tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Mà ông Đề-bà-đạt-đa đã tu hai a tăng kỳ rồi đó, quý vị biết không. Tu gấp đôi ngài Xá lợi phất! Nhưng mà vì sao ổng bị đọa? Ổng chỉ một chút tị hiềm với bồ tát Thích Cả Mâu Ni. Chỉ một tị hiềm thôi. Trong quá khứ ổng từng oan trái với Ngài trong một lần làm ăn. Trong một lần làm ăn ổng hiểu lầm ngài, ổng tưởng ngài là người gian tham. Nhưng thật ra ổng hiểu lầm 100%. Chuyện này không kể không được.

Chuyện là Đề-bà-đạt-đa với Bồ tát đi mua đồ cũ, đi buôn đồng nát, tức là mua bán ve chai. Ổng đi đằng trước Ngài hơi khá xa. Ổng đi riêng, Ngài đi riêng. Ổng đi ngang cái nhà đó, thấy hai bà cháu kia, nhà nghèo xơ xác, đem cái mâm bằng đồng ra bán để kiếm được vài lít gạo. Ổng nhìn cái mâm, ổng gõ gõ, lấy móng tay cạo cạo, ổng biết cái mâm này bằng vàng. Nhưng ổng tham, lòng ổng xấu quá. Một là ông nên nói thiệt, hai là ít ra ổng phải trả khá khá chút. Đằng này ổng hỏi hai bà cháu muốn bán cái này bao nhiêu, thì hai bà cháu đưa ra số tiền, ổng bảo mắc quá không đáng giá với cái mâm. (Tôi tin cái điều đó, ở đời nhiều người xấu lắm, xấu tồi tệ, xấu hèn hạ, xấu gọi là hết bút mực để tả. Có cái loại người đó.) Thì ông này quá tệ, tệ hơn vợ thằng Đậu tập 5 nữa. Coi như là ổng nói đủ điều rồi bỏ đi, hy vọng làm màu như vậy, để lát nữa trở lại thay vì hai bà cháu đòi 5 đồng, mình trả chừng đồng bạc thôi, cho nó rẻ.

Lúc ổng đi thì Bồ tát Thích Ca vừa đi tới. Ngài cũng là người bạn đồng phường với ổng. Phường không phải là phường xã mà là cùng nghề buôn bán đồng nát như ổng. Ngài tấp vô ngài cũng rao "Ớ mua ve chai đồng cắc, bạc cắc, cầu giao điện, bàn ủi, đồ hư, ..." vậy đó. Hai bà cháu nghe vậy mới đem cái mâm ra. Bồ tát gõ gõ, cạo cạo móng tay lên, Bồ tát sững sốt người. Bồ tát mới bảo: "Cụ ơi! Cái mâm này bằng vàng! Cháu nói thiệt chứ, hết trơn trong người của cháu, quần áo, tiền bạc, tiền lớn, tiền nhỏ, luôn 2 cái gánh ve chai, này đưa hết cho cụ cũng không có đủ đó." Bà này bả nghe cái bã nói "Trời ơi, đói quá không có gạo ăn, bây giờ nghe vậy mừng quá. Thôi bây giờ cậu cứ đưa hết cái cậu có là được rồi. Tui mừng lắm, một phần tui thương cậu thật thà, chứ đâu như thằng cha mới hồi nãy. Chả nói cái này 3 xu 4 đồng 5 hào hà." Bồ tát nghe như vậy, Bồ tát dốc hết, đưa hết, chỉ chừa lại một bồ đồ trên người thôi. Bồ tát lúc đó đổi đời luôn, về bỏ nghề ve chai luôn, nguyên cái mâm vàng mà, lên ghế đại gia ngồi, coi như đổi đời hẳn. Bồ tát ôm cái mâm đi. Bồ tát đi ra bến sông và Ngài lên đò.

Rồi thì Đề-bà-đạt-đa, ổng đi một vòng, ổng quay lại kiếm hai bà cháu, nói: "Thôi tui nghĩ kỹ rồi. Hai bà cháu cứ đưa cái mâm ra đây đi, bao nhiêu tôi cũng mua. Kệ, tội nghiệp thương quá, người già, trẻ con cơ nhỡ, thiệt là cơ hàn đáng thương." Thì bà già bã nghe như vậy bã oải ổng lắm, bã nói: "Tui nghĩ ông gian lắm, ông biết nó là mâm vàng mà ông không chịu nói ra, ông trả mắc trả rẻ. Cái ông sau ổng thiệt thà lắm, ổng nói thiệt cho tui biết cái mâm này là mâm bằng vàng, ổng nói bây giờ ổng có đưa hết cho tôi những gì ổng có cũng không đáng nữa. Người ta buôn bán phải như vậy chứ." Bà già làm nguyên cho ổng một bài moral.

Ổng nghe xong, ổng liệng hết đồ xuống, ổng tất tả chạy ra bến đò. Tại ổng biết Bồ tát đi về hướng đó. Ổng ra tới nơi thì đò đã ra nửa sông. Ổng kêu ơi ớ, Ổng kêu trong cơn tuyệt vọng. Chứ còn nó vô lý lắm. Nó vô lý là vì sao? Kêu lại để làm gì? Anh buôn đồng nát, tôi cũng buôn đồng nát. Bây giờ anh mua được món đồ đó, mà tôi mua hụt thì tôi chịu thôi chứ. Nhưng tại vì ổng tiếc của quá, mặc dù ổng biết kêu lại không biết để làm gì, mà ổng cứ kêu. Kêu lại để làm gì? Bồ tát đâu có giật mối của ổng đâu? Bồ tát cũng hiểu cái chuyện như vậy. Cho nên ngay chỗ bến sông Đề-bà-đạt-đa đã thề: "Nếu còn kiếp sau thì nhà ngươi đi đến đâu ta cũng không tha. Cái mối này lớn, quá mi đã phỏng tay trên của ta. Đời đời kiếp kiếp còn có tái sanh thì mi đi đến đâu ta cũng không tha."

Chỉ vì cái mâm đó thôi quý vị mà đời đời sanh ra gặp Bồ tát là ổng không ưa. Có một kiếp luân hồi nọ, Bồ tát làm con của ổng, là một vị hoàng tử, ổng làm vua. Ổng vừa nhìn Bồ tát, ổng vừa nhìn hoàng hậu bồng Bồ tát là ổng kêu người đến giết liền. Ổng ghét quá ghét đi. Có chỗ này tôi phải làm cái nhân chứng sống cho bà con thấy.

Có một vài người ngộ lắm. Trong thời gian tôi đi dạy học, tôi vừa chớm thấy cái mặt của họ là tôi đã thấy ghét rồi. Nó kỳ như vậy đó, nó lạ lắm. Mặc dù họ không có ăn cái gì của mình hết, họ không chọc ghẹo gì mình, mà mình vẫn thấy ghét. Họ mở miệng là mình thấy ghét. Và ngược lại với tôi cũng vậy. Họ nhìn thấy cái mặt tôi là họ đã ghét. Ở đây Phật dạy rằng, hãy tu như thế nào đừng để mình trở thành một đối tượng vô phương cứu chữa. Đây, nguyên bài kinh chỉ có câu đó thôi. Hãy tu như thế nào đừng để mình trở thành một người vô phương cứu chữa. Chỉ vậy thôi. Và một chuyện nữa, đừng có lấy cái bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử. Ông Đề-bà-đạt-đa chuốc khổ gánh nạn chỉ vì ổng đem cái lòng dạ chật hẹp của ổng mà ổng nhận xét, ổng quan sát Bồ tát. Đây là một điều rất bậy. Nếu mà huệ căn của chúng ta, cái túc duyên của chúng ta quá mỏng, nó không đủ để thành thánh thì ít ra chúng ta cũng nên nhớ một điều đó là: Chính mình là người chịu trách nhiệm toàn bộ những gì mình nói, làm và suy tư.

Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân.

Không có kẻ thù nào nó ghê gớm, nó rùng rợn, nó khủng khiếp cho bằng cái bất thiện của chính bản thân mình. Kinh pháp cú dạy: "Kẻ làm các việc ác, đời đời sanh ra bị ác nghiệp xưa chực chờ như kẻ thù rình rập sẵn." Gớm như vậy đó. "Kẻ làm các hạnh lành đời đời sanh ra được phước báo chờ đón như người thân chờ đón người thân đi xa trở về." Đây là như vậy. Tôi thích hai câu đó. Hai câu đó rất là quan trọng. Mình sống làm sao mà vừa lọt lòng mẹ là coi như bao nhiêu cái xui rủi bất hạnh nó chực chờ, nó đổ ập xuống đầu mình. Sống ác quá mà. Nhưng mình sống như thế nào mà để cho khi vừa lọt lòng mẹ là bao nhiêu cái may mắn nó chực chờ mình.

Trích bài giảng KTC.6.60 Hatthisariputta
Kalama xin tri ân bạn Phố Nghèo ghi chép


Trích đoạn Kinh Tăng Chi - Anguttara Nikaya - Chương VI. Ðại Phẩm (VIII) (62) Lời Cảm Hứng Hòa thượng Thích Minh Châu dịch ViệtTôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, với một số đông Tỷ-kheo, con đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Rồi bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo đi đến con, sau khi đến thưa với con: "Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn giả Ananda, để tuyên bố về Devadatta như sau: 'Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được' hay có phải nhờ một Thiên nhân? "

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời Tỷ-kheo ấy: "Thưa Hiền giả, thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố".

- Này Ananda, hoặc Tỷ-kheo ấy là vị tân nhập, xuất gia chưa được bao lâu, hay vị ấy là Tỷ-kheo trưởng lão ngu si, không thông minh. Làm sao khi ta đã tuyên bố một chiều, ở đây lại có thể có trường hợp thứ hai được? Ta không thể thấy về một người nào khác, này Ananda, sau khi tập trung tất cả tâm, Ta đã tuyên bố như vậy, trừ với Devadatta! Cho đến khi nào, này Ananda, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được". Cho đến khi nào, này Ananda, Ta không thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Davadatta, cho nên Ta đã tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được". Ví như, này Ananda, một hố phân cao hơn đầu người, đầy cả phân, và một người rơi vào hố phân cho đến cả đầu. Rồi một người khác đi đến, muốn lợi ích, muốn hạnh phúc, muốn người ấy an ổn khỏi các khổ ách, muốn kéo người ấy ra khỏi hố phân ấy. Người này đi vòng quanh hố phân và không thấy cho đến một điểm nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở người ấy mà không bị dính phân, để có thể nắm lấy chỗ ấy và kéo lên. Cũng vậy, này Ananda, cho đến khi nào, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được". Nếu thầy muốn nghe, này Ananda, Như Lai sẽ phân tích về căn trí của con người.

- Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thiên Thệ, để Thế Tôn phân tích các căn trí của con người, sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét