Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Chứng Thánh

 


Chứng Thánh

KTC 6. 2. 86. Chướng Ngại

Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu? Thành tựu nghiệp chướng, thành tựu phiền não chướng, thành tựu dị thục chướng, không có lòng tin, không có ước muốn, và ác tuệ. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

niyāmakammākilesāvipākā
nhất định nghiệp phiền não dị thục

AN 6. 2. 86. Āvaraṇasuttaṃ
‘‘Chahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato suṇantopi saddhammaṃ abhabbo niyāmaṃ okkamituṃ kusalesu dhammesu sammattaṃ. Katamehi chahi? Kammāvaraṇatāya samannāgato hoti, kilesāvaraṇatāya samannāgato hoti, vipākāvaraṇatāya samannāgato hoti, assaddho ca hoti, acchandiko ca, duppañño ca. Imehi kho, bhikkhave, chahi dhammehi samannāgato suṇantopi saddhammaṃ abhabbo niyāmaṃ okkamituṃ kusalesu dhammesu sammattaṃ.

Trong kinh 86 Đức Phật ngài dạy rằng là khi bị mắc vào 6 cái trở ngại này thì không thể nào chứng thánh được. Cái cách nói trong kinh "quyết định tánh trong chánh pháp" có nghĩa là chứng thánh, tối thiểu là tu đà hườn. Cái đầu tiên ở đây là trong bản tiếng Việt mình thấy để chữ "thành tựu". Nghe nó rất là khó hình dung bởi vì đây là nói đến cái chuyện không nên có. Chuyện không nên có mà lại dùng cái chữ "thành tựu" ở đây là hơi khó. Thôi thì bây giờ mình dùng ngôn ngữ bình thường. Tức là đây Đức Phật nói đến 6 cái trở ngại mà một người "mắc phải" mấy cái đó thì không thể nào chứng thánh được.

Cái trở ngại đầu tiên là bị ngăn trở bởi nghiệp chướng. Ở đây bà con người Việt chắc có nghe chữ nghiệp chướng này thường lắm: "Chuyện đó là chuyện nghiệp chướng. Khổ! Nghiệp chướng". Mình cứ nói "nghiệp chướng" không mà mình không hiểu nghiệp chướng theo như trong kinh nói. Đó là nghiệp chướng tôi phải chịu, tôi phải trả thôi. Ở đây có 6 cái trở ngại khiến cho một người không thể chứng thánh được, không thể nào đi xa trong Phật pháp được.

Trước khi nói xa hơn có lẽ tôi phải quẹo qua một chút. Có tất cả 4 hạng người đến với Phật pháp.

  1. ugghatitaññū Hạng đầu tiên chỉ nghe một câu đã đắc.

  2. vipacitaññū Hạng thứ hai nghe trọn một pháp thoại mới đắc.

  3. ​neyyo Hạng thứ ba phải hướng dẫn tu tập từng bước mới đắc.

  4. padaparamo Hạng thứ tư tối đa chỉ dừng lại ở chữ nghĩa bài vở.

Tổng cộng là 4 hạng người. Ở đây mình gọi là không đi xa trong Phật pháp là sao? Các vị cứ nhìn vô đó quý vị thấy.

Hạng thứ nhất là ugghatitannu. Như ngài Xá Lợi Phất hoặc nhiều người khác trong thời Đức Phật, nhiều vị thánh đặc biệt lắm, chỉ cần nghe có một câu thôi là họ chứng thánh.

Thí dụ như chuyện một vị quan đại thần, ổng đang đau buồn khủng khiếp vì người ái thiếp mới mất. Nhớ thương quá chịu không nổi, muốn điên lên được. Lúc đó Đức Phật Ngài thấy ổng như vậy thì Ngài chỉ đọc có 4 câu kệ:

"Thương yêu sanh lo sợ
Thương yêu sanh sầu muộn
Người không còn thương yêu
Không lo không sầu muộn."

Khi ông quan đại thần ổng nghe như vậy thì ổng lập tức đắc A La Hán liền tại chỗ! Trong khi mình nghe cái đó thì làm sao mình có thể đắc đạo được đây. Nhưng riêng ổng, ổng nghe được cái câu: "Do thương yêu sanh ra lo sợ, sinh ra sầu khổ. Không còn thương yêu nữa thì không còn lo âu sầu muộn." Ổng nghe như vậy lập tức ổng hiểu lý tứ đế và lý 12 duyên khởi. Thế là lập tức ổng chứng thánh. Cả 2 giáo lý cực kỳ sâu sắc đó là giáo lý nền tảng của Phật pháp. Giáo lý tứ đế và 12 duyên khởi nằm trong một bài kệ bốn câu đó thôi.

Cái hạng này gọi là hạng ugghatitannu. Hạng thứ nhất này chỉ nghe một câu thôi là đắc. Như ngài Xá Lợi Phất chỉ nghe một câu ngắn cực kỳ tối nghĩa mơ hồ: "Vạn pháp do duyên sinh, vạn pháp do duyên diệt." Đức Thế Tôn đã nói rõ duyên sinh và duyên diệt ấy. Ngài vừa nghe xong liền đắc.

Hoặc ngài Bahiya. "Này Bahiya, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ngửi, nếm, đụng chỉ là ngửi, nếm, đụng, suy tư chỉ là suy tư. Ở đây chỉ có sự có mặt của các căn và các trần chớ không có người nào nhận biết các căn các trần. Các căn trần là vô ngã. Mà các trần là vô ngã, các căn cũng là vô ngã. Đời sống chỉ là sự gặp gỡ của căn và trần thôi." Thì ngài nghe như vậy lập tức ngài tấp vô gốc cây bên lề đường ngài ngồi nhắm mắt trong vòng 3 giây ngài chứng A La Hán liền tức thì.

Cái hạng thứ hai là vipacitannu là người phải nghe cả bài pháp dài mới đắc. Nghe một bài pháp dài mới đắc cũng không có mệt mỏi gì với họ cho lắm. Bởi vì tôi cho một thời pháp tối đa là một tiếng đồng hồ là cùng, là họ đắc thôi. Nhưng không bằng hạng thứ nhất. Hạng thứ 2 phải nghe luôn thời pháp dài.

Cái hạng thứ 3 là hạng ​neyyo có nghĩa là hạng này phải được hướng dẫn, cạo đầu, đắp y, mang bát, đi đứng, nói năng, sinh hoạt chừng mực theo lề phép của sa môn. Hướng dẫn 1 ngày 2 ngày, 1 tuần 2 tuần, 1 tháng 2 tháng, một năm, nhiều năm. Từng bước từng bước vậy đó. Vạch rõ cái này nên, cái này không nên, cái này phải chỉnh sửa, cái này phải phát triển, cái này phải thêm cái này phải bớt. Một thời gian dài như cậy đó. Dĩ nhiên dài hay ngắn, dài bao nhiêu tùy người. Có người phải mất 3 tháng, 6 tháng, có người mất 1, 2 tháng, có người 5 năm, 10 năm, 50 hay 70 năm. Cái đó khó nói lắm. Nhưng vẫn phải xếp vào cái hạng neyyo. Có nghĩa là đối với hạng người này một thời pháp không đủ để họ đắc. Phải có hướng dẫn kìm kẹp. Cái chữ neyya đây nghĩa là cần có hướng dẫn kềm kẹp.

Cái hạng thứ tư là hạng kém nhất, padaparamo. "Paramo" là tối đa. "Pada" là chữ nghĩa, từ chương. Có nghĩa là hạng này tối đa chỉ dừng lại ở mức chữ nghĩa từ chương thôi, chứ hạng này không có tài nào mà đắc. Bây giờ có đem họ lên núi, đào hang nhét họ vào trong đó, ba lần lấp cửa hang lại, chờ 80 năm nữa cũng không đắc. Tới cỡ như vậy. Thì trường hợp thứ tư này được gọi là "không thể thành quyết định tánh trong thiện pháp". Hạng này là như vậy đó.

Quyết định tánh là sao? Ở đây quý vị nghe chữ "quyết định tánh" quý vị có thể thấy khó hiểu. Chỗ này cần phải giải thích. Chữ niyāma nghĩa là sao? niyāma ở đây có nghĩa là không có thể quay lui được nữa, không có thể tụt lùi được nữa. Như vậy điều đó chỉ có thể ở bậc thánh trở lên, từ tu đà hườn trở lên thôi. Còn như chúng ta, thiện pháp của chúng ta không thể nào là niyāmana. Bởi vì cái thiện pháp của chúng ta chưa tới cái mức là không thể quay lui. Chúng ta chưa tới, chưa đâu. Nó có nhiều lý do lắm. Thí dụ bây giờ có ai đó nó lấy cây nó gõ cái boong lên đầu mình. "Boong" một cái là mình khùng, là rồi. Phật pháp coi như là xong. Nó gõ một cái boong là coi như xong rồi. Bấy giờ quý vị ghét tôi, quý vị gõ cái boong là xong luôn nhé. Đó là khùng. Còn hai nữa là mình tắt thở một cái là qua cõi khác, qua kiếp khác mình trở thành Hồi giáo, Ấn giáo, Thiên chúa giáo gì đó là xong. Một là bị tâm thần, hai là chết, cái thứ 3 nữa là khi mình bị cám dỗ thử thách nào đó quá sức chịu đựng của mình thì mình có thể bỏ đạo. Nhớ như vậy. Phàm phu mình thấy ghê lắm. Chưa kể bản thân mình bữa nay mình thờ Phật, mình nói pháp, mình làm lung tung hết, tối về tự nhiên nó mắc cái chứng khùng chứng điên gì ai biết. Tức là nó nghĩ tầm bậy tầm bạ, hoang mang, nghi hoặc, rồi nó tự có những thắc mắc mà không giải quyết được. Thế là trong vòng 3 giây mắc phải một cái tà kiến nghiêm trọng nào đó là rồi, chỉ có trời biết thôi nghe. Nhớ nhé. Cho nên mình chưa đạt được niyāmana, tức là quyết định tánh trong thiện pháp. Có nghĩa là thiện pháp của mình nó chập chờn mở/tắt, on/off vậy đó. Ghê lắm. Thiện pháp phàm phu tin không được, không có tin được.

Trích bài giảng KTC.6.86 Chướng Ngại
Kalama xin tri ân bạn PhoNgheo ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét