Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Niệm Hơi Thở *****



 Niệm Hơi Thở

Đề mục niệm hơi thở nói thoáng qua thì được chứ nói tới nơi thì phải 15 năm - tương đương thời gian nàng Kiều lưu lạc. Không đùa đâu, tôi mang nàng Kiều ra cho quý vị dễ nhớ thôi. Đề mục hơi thở này nếu nói và hành cho đến nơi đến chốn phải 15 năm. Vì Phật nói 7 năm, mà trong cái thời mạt pháp này mình nên gấp đôi lên thành 15 năm luôn.

Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt thôi. Đề mục này có thể là "Chỉ" hay là "Quán" tùy theo mình. Tu Chỉ (samatha) là tập trung tư tưởng một cách máy móc cho đến khi chứng các tầng thiền. Còn niệm hơi thở theo Quán (vipassana) thì linh động hơn. Lúc đầu biết hơi thở ra hay vào, sau đó là biết hơi thở vào dài, ra dài, vào ngắn, ra ngắn. Sau đó biết thêm mình đang thở bằng cảm thọ gì: khổ - lạc – ưu – hỷ - xả. Học biết rõ mình đang thở ra vào với tâm gì, thiện hay ác, ác là tâm gì, thiện là tâm gì. Như vậy chỉ qua hơi thở hành giả đã có thể tu đủ 4 niệm xứ. Cái này là trong kinh Trung Bộ và Trường Bộ.

Lúc đầu hành giả niệm hơi thở theo Thân quán thôi, biết là hơi thở ra hơi thở vào, ra ngắn vào ngắn, ra dài vào dài. Còn niệm hơi thở theo Thọ quán là sao? Biết rõ mình đang thở ra bằng thọ gì, biết rõ mình đang thở vào bằng sự thoải mái, hay sự vui vẻ, hay bằng sự khó chịu? Còn niệm hơi thở bằng Tâm quán là biết rõ mình đang thở ra bằng sự bực mình, thở ra bằng nỗi nhớ, thở vào bằng nỗi nhớ, thở ra bằng sự thù hận, thở vào bằng sự thù hận, thở ra bằng sự tiếc của, thở vào bằng sự tiếc của…

Có nghĩa là mình phải biết rõ, thiện là tâm gì, đây là thọ hỷ, đây là định, đây là trí tuệ này, đây là niệm… biết rõ. Ghi nhận tâm ác: đây là tâm sân này, là tâm tham, đây là tiếc nuối, đây là sợ hãi, biết rõ.

Buổi đầu hơi thở còn thô, tâm còn thô. Thô nghĩa là chánh niệm không khít khao, chặt chẽ. Nhưng càng về sau hơi thở càng lúc càng nhẹ, hơi thở sẽ theo tâm mà lắng yên dần, mỗi lúc nhẹ hơn nhưng không phải yếu hơn. Nếu yếu hơn nghĩa là chuyển từ thiền viện sang bệnh viện rồi! Có phân biệt được cái nhẹ và cái yếu không? Yếu là tay bắt cánh chuồn chuồn, ngó lên trần nhà, lấy hơi vô không được mà chỉ ra không hà, là phải chuyển viện. Còn nhẹ có nghĩa là lúc đầu tham sân si nó cứ xen vào, tâm mà động thì thân cũng thô, hơi thở rất nặng. Để ý khi sợ nhiều, giận nhiều, vui quá thì nhịp đập của tim tăng, hơi thở, huyết áp lên vun vút. Hễ tâm không có gì quá độ, không tham, giận, sợ, tức, ghen, tiếc của … Khi nó lắng thì hơi thở cũng nhẹ theo. Nó nhẹ đến một lúc nào đó hành giả cảm nhận nó như là không còn thở, nhưng mà mặc xác nó, mình cứ chú ý ngay lỗ mũi, biết rằng không thể nào có người đang sống mà không thở nữa. Nhớ vậy. Không có gì phải sợ hết. Có nhiều hành giả bối rối: "Sao kỳ vậy nè, sao niệm đến đây không thấy hơi thở nữa?" Đó là vì vị không có hiểu. Cứ nhớ là không bao giờ có một người còn đang sống mà không thở nữa. Cho nên thấy hơi thở mất, là do tâm mình đang vi tế nên tưởng là biến mất nhưng thật ra nó vẫn còn ở đó.

Như Ngài Xá Lợi Phất nói nó giống như tiếng chuông. Khi mới đánh thì tiếng vẫn còn lớn, mình vừa huýt gió, ngó trời ngó đất mà mình vẫn có thể nghe được tiếng chuông. Nhưng mà để nghe được cái dư âm, dư hưởng của một tiếng chuông mà nó đã được gõ từ lâu lắm rồi, những âm thanh còn sót lại là những âm ba đó, những âm hưởng còn lại khi tiếng chuông đã được đánh từ vài ba phút, thì để nghe được cái đuôi của tiếng chuông thì mình phải lắng tâm ghê lắm. Ở đây cũng vậy, để ghi nhận được cái tâm đã lắng yên thì mình cũng cần một nội tâm lắng yên.


Trong đêm mình muốn nghe một tiếng chân, hay tiếng động bên hè, tiếng đó chưa rõ lắm, thì mình phải lắng nghe bằng cả một sự yên tĩnh của toàn bộ thân tâm. Hơi thở cũng vậy. Ở đây tôi làm gọn thôi, chỉ nói sơ sơ cái kỹ thuật niệm hơi thở là vậy đó.

Tùy sự chú ý của mỗi người - ở môi, mũi, hay ở vùng rốn. Thiền Chỉ thì chỉ có một phát một. Có nghĩa là hơi thở ra biết là ra, hơi thở vào biết là vào. Không hề có một suy tư gì hết. Cứ bám vào đó mà đắc sơ, nhị, tam, tứ thiền. Thiền Quán thì khác. Buổi đầu hơi thở ra biết ra, vào biết vào, ra dài biết ra dài, vào dài biết vào dài, ra ngắn biết ra ngắn, vào ngắn biết vào ngắn … Rồi sau đó mới kết hợp với 4 niệm xứ. Theo dõi hơi thở là Thân Quán Niệm Xứ. Rồi biết rõ mình đang thở ra bằng cảm thọ gì. Đó là Thọ Quán Niệm Xứ. Biết rõ mình đang thở ra thở vào với tâm trạng gì. Đó là Tâm Quán Niệm Xứ. Biết rõ mình đang thở ra thở vào với sự có mặt của pháp nào 5 triền cái, 7 giác chi, bát chánh đạo. Biết rõ trong hơi thở này cái gì là 12 xứ, là 5 uẩn, là 4 đế. Đó là kết hợp Pháp Quán Niệm Xứ.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 020
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét