Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Tái Sanh *******

 


Tái Sanh

Đời sống tâm thức của chúng sanh, nói gọn lại chỉ gồm có hai thứ thành tố là nhân và quả. Cái gọi là dòng tâm thức bao gồm vô số sát na tâm tiếp nối nhau, sanh rồi diệt. Ta có thể hình dung như dòng cát chảy xuống từ một đồng hồ cát. Cứ mỗi một sát na tâm tốt lành hay bất thiện, ngay sau khi xuất hiện sẽ kín đáo tạo ra hai thứ hậu quả gồm một tâm đầu thai và năm tâm đón nhận cảnh vật chất.

Ở một thời điểm tương lai nào đó bất định, ngay sau khi kết thúc một kiếp sống, tâm đầu thai ấy sẽ có mặt để đưa ta vào một cảnh giới tương ứng. Tâm tái tục hay tâm đầu thai ấy chỉ tồn tại trong một sát na tâm. Một sát na xét về thời gian vật lý thì khoảng một phần tỷ của giây. Sau sát na đầu thai thì thứ tâm này sẽ trở thành tâm hộ kiếp (bhavanga) tiếp nối nhau sanh diệt trong suốt kiếp sống với hai chức năng xen kẽ giữa các dòng tâm thức khách quan bao gồm lúc mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm.

Mỗi khi một trong sáu căn làm việc tiếp nhận ngoại cảnh thì dòng tâm thức diễn ra với sự hình thành của nhiều giai đoạn tâm lý. Mỗi giai đoạn như vậy bao gồm tối đa 17 sát na tâm và mỗi đợt 17 sát na này được gọi là một tâm lộ, cittavīthi. Đây là một trong những từ bắt buộc phải biết, tên thường dùng giống như chữ acid, oxy, hydro. Không thể nào mình sợ ngoại ngữ tới mức mà mấy chữ đó mình cũng không biết luôn thì coi như là quá kém, bắt buộc phải biết.

Trong mỗi chặp tâm như vậy nói đại khái thì chỉ gồm có hai thứ: tâm nhân và tâm quả. Tâm quả là các tâm làm việc đón nhận ngoại cảnh rồi đánh giá, phân loại. Sau giai đoạn đánh giá, phân loại ấy thì một loạt 7 sát na tâm nhân xuất hiện để cảm thụ trần cảnh vừa biết. Bảy sát na tâm này có thể là tâm lành hoặc tâm xấu. Tùy thuộc vào các điều kiện (tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống) hiện tại mà một chúng sanh đón nhận trần cảnh bằng tâm lành hay tâm xấu ở giai đoạn 7 sát na này.

Cứ mỗi lần mình tạo một sát na thiện ác xuất hiện thì sẽ kín đáo nó tạo ra 2 thứ hậu quả: một là tâm đầu thai, hai là các thứ tâm mà làm việc đón nhận ngoại trần. Nếu mà cái tâm mình là tâm thiện thì nó sẽ tạo ra tâm đầu thai đi về cõi vui, về lạc cảnh, còn nếu mà tâm này là tâm ác thì nó sẽ tạo ra tâm đầu thai đi về cõi đọa. Đó là gọi là quả tái sinh. Còn cái nữa là quả bình sinh. Tức là mỗi một tâm thiện ác khi mà nó xuất hiện thì nó sẽ kín đáo tạo một cái quả. Tại sao nói là nó "kín đáo"? Bởi vì ngay lúc đó mình không biết cái hậu quả mà nó sẽ gây ra nó nằm ở đâu,

Thí dụ bây giờ cô đang bực mình, cái hậu quả của tâm bực mình mình không biết nó nằm ở đâu. Nó giống như là cô trồng một cây mắt mèo vậy đó, cô trồng cái hột đó xuống thì mình biết rằng sau này ở đây có cây mắt mèo, nhưng mà hiện giờ cái hột chưa nảy mầm thì tôi cũng chẳng biết cái cây tương lai nó nằm ở đâu.

Hoặc có hai cái thí dụ mà tôi nói hoài. Lửa và cái hột quẹt. Khi bánh xe, rồi bùi nhùi, rồi xăng, rồi viên đá lửa, khi mà những thứ này nó chưa có hợp mặt đủ, mỗi đứa nằm rời rạc nhau, thì mình không biết lửa nó nằm ở đâu. Mà khi hội đủ duyên rồi thì nó sẽ có ngọn lửa. Hoặc giống như tiếng đàn trong cây đàn. Tiếng đàn không nằm trên ngón tay, không nằm trên dây đàn, không nằm trên thùng đàn, không nằm ở đâu hết, nhưng mà khi kiến thức âm nhạc, lòng muốn chơi nhạc, hai thứ (kiến thức và lòng muốn) cộng với tác động của ngón tay rồi ngón tay nó mới khều lên cái dây, thì bốn cái này cộng lại nó mới ra âm thanh.

Ở đây cũng vậy. Khi mà một tâm nó xuất hiện, bây giờ thí dụ là tâm thiện. Tân thiện đó đầu tiên nó sẽ tạo ra quả tái sanh cho một kiếp nào đó xa gần bất định. Tại sao có cái vụ xa gần bất định? Trong vòng luân hồi vô thủy nó dài lắm, mình tạo rất là nhiều nghiệp thiện và nghiệp ác. Thì khi tôi tạo nghiệp này, lẽ ra nó sẽ trổ quả ngay chỗ này nè, lẽ ra tâm thiện nó sẽ đưa tôi đi đầu thai cõi lành lúc này, nhưng mà nó có một điều là trước đây nó có vô số nghiệp khác, nó cũng đến chín muồi vào chỗ này, mà nó lại mạnh hơn cái nghiệp này. Nó mạnh hơn nên nó trổ lúc này. Ví dụ năm 1975 mình tạo cái nghiệp và nó trổ vào năm 87. Nhưng mà khổ nỗi năm 61 rồi 67 rồi 69 tôi cũng tạo quá trời nghiệp luôn thì cái năm 67 này nó cũng chín muồi vào đúng cái năm 87 luôn. Và cái năm 75 nó cũng sẽ có cái nghiệp chín mùi vào lúc này. Thì cái nghiệp nào nó nặng hay mạnh hơn nó giành nó trổ lúc đó. Đó là mới ví dụ có hai chớ thật ra nó có một tỷ lận. Thì đứa nào mạnh nhất nó sẽ lấn mấy đứa khác.

Cho nên một người kiếp này tu hành dữ dội luôn mà tới hồi chết chưa chắc sanh thiên. Tại vì sao? Vì cái kiếp này mình tu quá trời tu luôn nhưng mà tới lúc mình chết cái quả đó chưa tới lúc nó trổ. Nó giống như cây măng cụt, cây ớt, cây sầu riêng, mỗi cây nó có một thời hạn để nó ra quả khác nhau. Có những cái nghiệp ngắn hạn như cây ớt, nhưng có những loại nghiệp nó như là cây măng cụt, cây sầu riêng nó mất rất là nhiều thời gian để nó trổ. Cho nên khi mà năm 67, lẽ ra là năm 75 tôi tu quá trời tu luôn, thì năm 75 tôi được sinh thiên chớ gì. Không. Nó xui chỗ đó là cái nghiệp từ năm 67 nó nhằm ngay lúc này nó trổ quả, mà cái quả này là tâm bất thiện cho nên tôi bị đọa. Năm 75 tôi tu quá trời tu luôn mà đến năm 87 tôi vẫn bị đọa là vì tôi phải trả nghiệp trước đó nữa.

Trích bài giảng Tâm pháp A Tỳ Đàm
Kalama xin tri ân bạn hanthiphiyen2001 ghi chép

Tâm lộ (vīthi)

Tâm lộ chính là hành trình sinh diễn của tâm thức trong đời sống của chúng sinh. Được gọi là dòng tâm thức nhưng không phải là một cái gì đó liên tục không gián đoạn, mà cái gọi là dòng tâm thức ấy thực ra là một chuỗi dài ghép nối vô số sát-na (khaṇa) tâm. Thời gian tồn tại của mỗi sát-na tâm (cittakhaṇa) ngắn đến mức nằm ngoài mọi suy tưởng của phàm phu. Ta thử tính xem, mỗi giờ trung bình có bao nhiêu lần nháy mắt và mỗi lần nháy mắt dòng tâm thức khi đó có hơn một ngàn tỷ sát-na xuất hiện. Trong mỗi sát-na như vậy lại có ba giai đoạn Sanh (uppāda) - Trụ (thīti) - Diệt (bhaṅga) hẳn hoi.

Và tất cả vật chất được gọi theo A-tỳ-đàm là Sắc pháp thực ra cũng có thời gian sinh diệt mau chóng khó lường. Tốc độ sanh diệt của Sắc pháp, chẳng hạn các thành tố trong một sợi tóc, chỉ chậm hơn tâm pháp 17 lần mà thôi. Nếu ta chia thời gian tồn tại của mỗi nhóm sắc ra thành từng sát-na thì cứ 17 sát-na tâm diệt đi sẽ có một sát-na sắc biến mất. Nói vậy có nghĩa là những gì ta nhìn thấy được bằng mắt thường chỉ là những ảo tượng như vỏ ngoài của một gò mối với vô vàn những biến chuyển bên trong mà ta không biết.

Nói đến tiến trình sinh diễn của tâm pháp thì trước hết phải nhắc lại 6 loại tâm:

  1. 2 tâm Nhãn thức
  2. 2 tâm Nhĩ thức
  3. 2 tâm Tỷ thức
  4. 2 tâm Thiệt thức
  5. 2 tâm Thân thức
  6. 79 tâm Ý thức

Tiến trình hiện hữu của 5 thức đầu giống hệt nhau nên được gọi chung là tâm lộ Ngũ môn (đối tượng là 5 trần cảnh trực tiếp). Riêng cách xuất hiện của loại tâm thứ sáu, tức Ý thức thì khác hẳn nên chúng được gọi là tâm lộ Ý môn (đối tượng nhận thức là cảnh Ngũ gián tiếp và cảnh pháp thuần túy). Nói vậy có tất cả 6 loại tâm lộ:

  1. Lộ Nhãn môn (cakkhudvāravīthi hay cakkhu-viññāṇavīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc mắt ta ghi nhận một hình ảnh nào đó.
  2. Lộ Nhĩ môn (sotadvāravīthi hay sotaviññāṇavīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc tai ta ghi nhận một âm thanh nào đó.
  3. Lộ Tỷ môn (ghānadvāravīthi hay ghānaviññāṇa-vīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc mũi ta ghi nhận một thứ mùi nào đó.
  4. Lộ Thiệt môn (jivhādvāravīthi hay jivhāviññāṇa-vīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc lưỡi ta ghi nhận một thứ dịch vị nào đó.
  5. Lộ Thân môn (kāyadvāravīthi hay kāyaviññāṇa-vīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc thân ta ghi nhận một xúc chạm nào đó.
  6. Lộ Ý môn (manodvāravīthi hay monoviññāṇavīthi)
    Là diễn biến của tâm thức lúc tư tưởng ta đang suy nghĩ hay nhận biết một sự việc trừu tượng nào đó.

Nhân Sanh Các Tâm Lộ

  1. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Nhãn Môn (cakkhudvāravīthi):
    • Thần kinh thị giác (cakkhupasāda)
    • Có cái để nhìn (rūpārammaṇa)
    • Ánh sáng thích hợp (āloka)
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)
  2. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Nhĩ Môn (sotadvāravīthi):
    • Thần kinh thính giác (sotapasāda)
    • Có âm thanh nghe được (saddārammaṇa)
    • Khoảng trống (ākāsa), tức không bị cách âm.
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)
  3. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Tỷ Môn (ghānadvāravīthi):
    • Thần kinh khứu giác (ghānapasāda)
    • Có mùi để ngữi (gandhārammaṇa)
    • Không khí (vāyo)
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)
  4. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Thiệt Môn (jivhādvāravīthi):
    • Thần kinh vị giác (jivhāpasāda)
    • Có vị để nếm (rasārammaṇa)
    • Có dịch chất dẫn vị (āpo)
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)
  5. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Thân Môn (kāyadvāravīthi):
    • Thần kinh xúc giác (kāyapasāda)
    • Có gì đó để sờ chạm (phoṭṭhabbārammaṇa)
    • Vật chạm phải có ngại tướng rõ ràng (thaddhapaṭhavī)
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)
  6. Bốn điều kiện để xuất hiện Tâm Lộ Ý Môn (manodvāravīthi):
    • Phải có Ý môn tức 19 tâm Hữu Phần (manodvāra)
    • Phải có cảnh pháp (dhammārammaṇa)
    • Phải có Ý Vật (hadayavatthu)
    • Phải có sự chú ý (manasikāra)

Trong các điều kiện sinh khởi tâm lộ trên đây, hầu như cái gì cũng có thể được chấp nhận bởi khoa học hiện đại. Chỉ riêng điều kiện thứ tư là khó chứng minh nhất, nhưng chung quy ai cũng có thể hiểu ngầm rằng thiếu sự chú ý thì khó mà có được một nhận thức nào. Ta có thể chứng minh bằng một hình ảnh rất dễ thấy là khi một bà mẹ đi đón con ở chỗ đông người nếu thiếu sự chú ý thì đứa con có đi qua mặt bà mẹ cũng không nhìn thấy. Ta có thể gọi đó là tác dụng của sự chú ý.

Các loại cảnh theo mức độ (visayappavatti)

Có tất cả là 6 trường hợp đối tượng đậm nhạt khác nhau của tâm. Trong đó, đối với lộ Ngũ môn (tức lộ tâm lúc 5 giác quan vật chất làm việc) có 4 trường hợp:

a. Cảnh rất lớn (atimahantārammaṇa) tức đối tượng trần cảnh trong trường hợp cực rõ.
b. Cảnh lớn (mahantārammaṇa) là trường hợp 5 trần cảnh vừa đủ rõ ràng cho 5 giác quan ghi nhận dễ dàng.
c. Cảnh nhỏ (parittārammaṇa) là trường hợp 5 trần cảnh có chút mờ nhạt, không rõ ràng cho lắm.
d. Cảnh rất nhỏ (atiparittārammaṇa) là trường hợp 5 trần cảnh quá mơ hồ, như có như không.

Đối với lộ Ý (manodvāravīthi), tức trường hợp tâm thức biết cảnh trừu tượng phi vật chất thì có hai thứ đối tượng (nói ngắn gọn):

a. Cảnh rõ (vibhūtārammaṇa)
b. Cảnh không rõ (avibhūtārammaṇa)

Trích Triết Học A Tỳ Đàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét