Giảng Kinh
Nếu các vị nói mỗi bài kinh hiểu tới mức độ nào đó là đủ, như vậy thì làm sao có đệ nhất trí tuệ được? Đệ nhất trí tuệ là sao? Là một vấn đề giáo lý, một câu nói về giáo lý người ta có thể hiểu ra bao nhiêu cách để người ta phân tích, người ta diễn dịch, người ta liên tưởng, người ta hình dung, người ta dẫn giải, người ta quảng diễn nó. Chứ còn nếu nói rằng Phật Pháp có một cách hiểu thôi, như kiểu thí dụ truyện Kiều, thì tối đa mình đọc thấy cụ Đào Duy Anh, cụ Bùi Kỷ, ông Trương Vĩnh Ký là xong. Chỉ cần vài cụ là đã xong cái truyện Kiều. Nhưng kinh Phật không phải như vậy đâu quí vị, không phải đâu.
Cũng một câu kinh đó mà hiểu theo Tạng kinh nó khác hiểu theo Tạng A tỳ đàm. Cũng cái câu kinh đó mà mình hiểu theo cái cách hiểu của một hành giả thực chứng nó phải khác với cách của học giả học thuật, nghiên cứu, nó phải có khác chút chút trong đó. Cũng cái bài kinh đó mà cái vị thiền sư, vị hành giả mà giỏi họ giảng khác, còn một vị pháp sư mà chỉ tinh thông về lý thuyết họ sẽ nói khác. Tôi bảo đảm một ngàn phần trăm như vậy, trừ phi là các vị đó để cuốn kinh trước mặt rồi giải từng chữ, từng chữ. Nhưng mình nói vậy cũng không được, không là không mà. Bởi vì sao? Bởi vì giải thích nghĩa là giải thích như vậy thôi, chứ cái cách diễn giải của 2 vị không thể nào giống nhau một trăm phần trăm hết. Bởi vì cái căn cơ, cái nền tảng 2 vị không giống nhau. Một vị thì chuyên cái này, một vị thì chuyên cái kia, cho nên khi đem ra một bài kinh thì 2 vị có 2 cách quảng diễn khác nhau. Cái đó quý vị bắt buộc phải tin chuyện đó. Thí dụ như Ngài Hộ Pháp ở núi Dinh, khi mình đem một bài kinh ra hỏi Ngài thì chắc chắn là Ngài sẽ trả lời không giống như một vị pháp sư Tam tạng Miến Điện và cũng không giống mấy vị học giả chuyên gia về Tam tạng ở Tích Lan. Tôi dám bảo đảm không giống. Không phải là Ngài nói sai, mấy vị kia nói trật, không phải vậy. Nhưng mà cái độ sâu và độ rộng không giống nhau, những cái điểm xuyết trong 2 lời giảng không giống nhau, những cái hoa văn, những cái họa tiết trên đó không giống nhau.
Đây chính là lý do vì đâu Đức Phật Ngài dạy hãy giữ nguyên mà tu học đừng thêm bớt. Và ngày nào chúng tăng còn biết tôn trọng giáo pháp, tôn trọng giới luật thì lúc đó giáo pháp mới khá nổi. Chứ còn mỗi thế hệ ai muốn thêm bớt thì các vị tưởng tượng 26 thế kỷ trôi qua, hôm nay chúng ta còn lại được cái gì? Cứ mạnh thế hệ nào nấy bớt, mạnh ai nấy thêm thì còn cái gì nữa?
Trích bài giảng KTC.7.27 Bất Thối
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét