Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Hành Giả ***

 


Hành Giả

Pháp môn Tứ Niệm Xứ nghe cao siêu nhưng thực ra nếu phải có một định nghĩa thì mình định nghĩa ngắn gọn thế này: Pháp môn Tứ Niệm Xứ là phương cách kiểm soát và quan sát sáu căn. Hết. Mà tại sao phải quan sát? Là bởi vì tất cả mọi đau khổ của chúng ta đều bắt đầu bằng việc ta không có quan sát sáu trần, sáu căn. Tại sao mình phải quan sát nó, tại mình không có quan sát nó mình chỉ có khổ thôi. Trong kinh nói rất rõ: Một người không có Chánh Niệm, không có tu Tứ Niệm Xứ, họ giống hệt một cái bia để chỗ ngã tư vậy. Ai đi ngang qua quỡn thì cứ bắn thôi. Tại sao vậy? Khi anh không sống Chánh Niệm cái gì anh cũng bị phiền được hết. Trời nóng quá, phiền. Lạnh quá, phiền. Cái mùi ở đâu hôi quá, cũng phiền. Tiếng ồn quá, cũng phiền. Coi cái message trong phone, cũng phiền. Vô facebook, phiền. Email, phiền. Phiền tứ tung hết, như một cái bia cho đời nó bắn vậy. Sẽ có một ngày quý vị là hành giả, tự nhiên quý vị lượt bớt rất là nhiều những thứ không cần thiết.

Ngay bây giờ quý vị hỏi tôi "Cái gì không cần thiết hả Sư?" thì bà Cố tôi cũng trả lời không được. Bởi vì tùy người. Thì có người nói; "Tôi đâu có giao tiếp với ai nhiều, chỉ mười tám bà ở Bellaire thôi à." Khi mình là hành giả mình bớt bảy bà chỉ còn mười một bà thôi, và khi quý vị tu miên mật rồi thì không còn bà nào hết. Bà nào cũng thấy ghét hết trơn, bà nào cũng là của nợ hết trơn.

Rồi có những việc quý vị cần mà tôi chống là quý vị giết tôi luôn. Đó là khi mình là hành giả thứ thiệt mình không cần chưng dọn nhà cửa nhiều quá. Nhà gọn sạch, đơn giản là được rồi. Qúy vị không đồng ý. Quý vị nói "Tôi là đàn bà ở nhà phải có bông chứ. Cái đó sao cấm tôi? Tôi chưa nghe thầy bà nào cấm tôi vụ chưng bông hết. Tôi cúng bông cho Phật, rồi ông tới ông dạy học kêu tôi bỏ bông". OK, tùy! Nhưng mà hành giả thứ thiệt thì chỉ cái việc không làm không được họ mới làm thôi. Học Đạo làm ơn định nghĩa lại các từ từ đó giờ mình cho là mình hiểu, nhưng bây giờ định nghĩa lại hết.

Đủ là gì? Đủ là không thiếu không dư. Dư là phải bớt đi. Thiếu là phải thêm vào. Mình tu, là một hành giả thứ thiệt, người có học giáo lý, mình tự xét coi trong đời sống mình có những công việc gì thiếu nó không được thì làm còn có những cái mình thấy nó thiếu mà khỏe thì nên bỏ. Thí dụ quý vị hỏi tôi "Chưng bông cúng Phật có nên không?" Tôi nói thiệt, tôi thỉnh thoảng có chưng bông nhưng tôi không có coi cái chuyện chưng bông là việc tôi phải làm mỗi ngày. Quý vị tưởng tượng, đang đứng trong bếp muốn vô ngồi thiền một chút, tự nhiên chợt nhớ là chưa chưng bông! Thì có phải việc chưng bông đó là tào lao không? Cái việc chưa chưng bông và vô ngồi một chút cái nào hay hơn, có lợi hơn? Hoặc là hôm nay mình thấy con và bà xã đi vắng, nhà yên quá, mình muốn ngồi một chút theo dõi hơi thở, chợt nhớ hôm qua cô nào rủ lên chùa, hôm nay có lễ Vu Lan. Mà có biết Vu Lan là gì không? Bông hồng cài áo, kêu mấy cụ cao niên vô ngồi ... Thương cha nhớ mẹ mình có ba trăm sáu mươi lăm ngày không cớ gì phải Vu Lan mới nhớ. Mà đã bất hiếu rồi thì tám cái Vu Lan cũng bằng không. Mà đã có hiếu rồi thì dẹp cha cái Vu Lan đi vì ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng Vu Lan hết, cớ gì phải rằm tháng bảy? Còn cúng cô hồn, ngày nào chẳng có cô hồn? Trong kinh nói rằng không có lúc nào, không có nơi nào mà không có cô hồn hết. Cái thứ mà chết dần dần, học ba mớ chết làm cô hồn hết. Khỏi kiếm. Cần gì tới rằm tháng bảy mới kiếm cô hồn? Đầy đây nè. Cho nên khi đã có hiếu thì không mắc cái gì phải có Vu Lan. Thứ hai, bỏ thời gian đi ra cho cái việc hái bông là tôi thấy tào lao rồi. Rồi vì ông bà mình thích đẹp nên mình cắt xong đâu phải là ghim đại là xong. Phải mất thời gian ngắm nghía, tỉa tót, lật qua lật lại, ... Nếu đem so với mười lăm phút theo dõi hơi thở, tĩnh tâm cái nào lợi hơn? Từ từ quý vị hiểu. Và rồi cuối tuần, lâu rồi không nấu bún riêu, bánh canh, bún thang, nấu để mời bạn bè đến ăn. Cái đó rất là hay, rất là đẹp, nhưng nếu mình là một hành giả thì hình như mình không có quỡn. Thương lắm thì order vài hộp take-away về chia cho bạn bè cùng ăn rồi vô ngồi thiền. Tôi phải nói như vậy!

Rồi qúy vị có hỏi tôi "Nghe sao tu hành phải tinh tấn quá vậy. Tại sao phải tinh tấn? Sư nói vậy Sư có làm không? Sư dựa vào đâu mà Sư khuyên chúng tôi?". Tôi trả lời thế này: Chỉ cần nghĩ đến cái chết thì sẽ thấy chuyện đó nên hay không. Đó là câu nói mà tôi cho là quan trọng và nặng ký nhất. Đừng có bận tâm người nói có tu hay không mà anh hãy nhìn lại anh. Ở tuổi này anh nghĩ đến cái chết là vừa rồi đó.

Có một vài chuyện nó ám tôi. Các vị có biết cái chứng Phobia (hội chứng sợ hãi), tôi có một vài cái chứng Phobia. Tôi rất sợ bóng tối, tối mịt, tối mà không có một tia sáng nào. Thứ hai, tôi sợ chỗ chật. Bây giờ lâu quá tôi không có làm MRI tôi không biết sao, chứ trước thì chụp MRI là nó đưa mình vào một cái buồng ống, tôi sợ cái đó lắm, nó kì lắm, chẳng thà tôi nằm tôi trùm mền tôi không khó chịu. Tôi biết rằng tôi đang bị nhốt trong cái MRI tôi chịu không nổi. Lúc đó tôi mới giật mình, sau này vì một hoàn cảnh nào đó mình phải nằm trong một cái chỗ như vậy làm sao mình tu. Một ngày tôi thấy mấy cụ bảy tám chục tuổi mà không từng đi bệnh viện, không biết bác sĩ mổ xẻ là gì thì tôi cũng mừng dùm nhưng mà cũng một chút lo dùm là vì mấy người này không có chuẩn bị tâm lý. Tuổi trẻ tôi cũng có kinh nghiệm cái việc là nằm lên cái giường bệnh viện để đẩy vô trong phòng mổ. Có một vài lần có người đưa tôi đi, họ đưa đến chỗ nào đó rồi họ nói rằng "Tới đây thôi nha Sư!". Câu đó nghe nó đau tới óc luôn! Tôi không biết mấy người bồ bịch yêu nhau nó chia tay nó nói cái gì để nó khóc, chứ còn tôi nghe câu đó, với Phật pháp đầy mình, tôi giật mình. "Tụi con đưa Sư tới đây thôi nha Sư!". Nó nói xong là y tá đẩy khuất qua cái cửa. Tôi chỉ là mổ lấy sạn ra thôi. Nhưng tôi biết có nhiều trường hợp họ không chịu được thuốc mê, nó đi luôn, trường hợp đó hiếm lắm, nhưng biết đâu mình nằm trong số hiếm!

Phải nhớ một chỗ là: Ổng là ai không quan trọng mà điều ổng nói có xài được hay không, đó mới là cái quan trọng. Tôi chưa bao giờ đi mua đồ mà tôi điều tra cuộc đời của người bán đồ. Kì rồi tôi lạnh quá tôi đi kiếm cái áo ấm mà tôi chưa bao giờ hỏi "Cô có chồng chưa? Có con chưa? Có bệnh gì trong người không?". Nó quýnh trào máu. Tôi thấy cái áo đó tôi thích, cái giá đó chấp nhận được, tôi mua. Học Đạo cũng vậy, ông thầy ổng giảng mình nghe được mình nghe tiếp, còn không thì xác định đi về, chứ còn không cần phân vân, nghi hoặc ổng nói như vậy ổng có làm được như vậy không, chuyện đó là chuyện của ổng. Nhưng mà tôi phải nhắc chừng, tại sao chúng ta phải sống Chánh Niệm? Bởi vì chúng ta gần chết rồi! Không có một cái lằn mức nào, một ranh giới nào giữa già và trẻ, sống và chết. Lằn ranh giữa già và trẻ, khỏe và bệnh, sống và chết mỏng hơn sợi tóc. Nó mỏng hơi sợi tóc. Lằn ranh giữa sống và chết nó mỏng hơn sợi tóc.

Đức Phật ngài dạy "Khi khỏe phải nhớ đến lúc bệnh, khi trẻ phải nhớ đến lúc già, khi sống phải nghĩ đến lúc chết, khi vô sự phải nghĩ đến lúc hữu sự". Ngày tôi còn trẻ tôi rất sợ những ngày phải thức dậy thấy vô vị, tẻ nhạt, không biết đi đâu, về đâu, làm gì, gặp ai. Nhưng ở tuổi này, những sáng thức dậy thấy nó vô vị, tôi mừng vì nó là vô sự. Vô vị chính là vô sự. Và chúng ta phải biết cảm ơn những ngày vô sự, những ngày mà chúng ta không phải làm những cái chuyện mình không thích, không phải đi đến cái chỗ mình không thích, không phải gặp cái người mình không thích. Từ đó, đối với người Phật tử phải biết trân quý thời gian bởi vì thời gian vô sự không có nhiều lắm đâu, thưa quý vị! Tin tôi đi, thời gian vô sự không có nhiều lắm đâu. Vô sự là ngày mình được free 100%, tin tôi đi, hiếm lắm. Mà do mình có vô minh dày quá, cho nên mình sợ sự tĩnh lặng, sợ cái ngày ở không. Sợ tĩnh lặng là mình phải mở tivi, bốc cái phone gọi đầu này đầu kia, mình không yêu được sự tĩnh lặng. Cái hạnh phúc của con người là thứ hạnh phúc không thể chia sẻ. Không phải là ích kỉ nhưng mà nó là sự rốt ráo của hiện hữu. Mà bản chất rốt ráo của hiện hữu là gì? Là cô đơn. Các vị nhìn ra một vườn hoa thấy cả trăm bông hoa nhưng mỗi đứa nó tự lớn, tự nở và tự héo. Tôi chưa thấy đóa hoa nào nó gọi phone cho đóa hoa nào hết.

Ở đây từ Chùa tôi quẹo qua Chúa một chút. Chuyện Adam và Eva ăn trái táo cấm trong vườn, mà ái xúi họ ăn trái cấm vậy? Con rắn. Con rắn đó nó có cái tên gì còn nhớ không? Đừng nói tôi Chùa không biết chuyện Chúa. Con rắn đó nó có tên là Trí Khôn. Nguyên cái Thánh kinh Cựu Ước, hay nhất là chuyện Vườn Địa Đàng. Bên Chúa gọi là Trí Khôn, bên đạo Phật gọi là Thế Trí Biện Thông - trí tuệ phàm phu. Trí tuệ phàm phu chia làm nhiều cấp. Văn, Tư và Tu. Một là Văn, là kiến thức được học hỏi từ người này, người kia, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, sách vở báo chí, trường lớp, học đường, gọi là trí văn. Trí thứ hai gọi là trí Tư, là nghiền ngẫm, gậm nhấm, thấm thía và tiêu hóa với riêng mình. Còn trí Tu là cái trí của người tu thiền, đắc thiền, có thần thông. Ba cái trí này nếu mà ở phàm phu nó có một người bạn chí thân, tên là Tưởng. Tiếng Phạn gọi là sañña, tiếng Anh là chữ idea cộng concept mới dịch được chữ Tưởng trong đạo Phật. Nó rất là quan trọng. Toàn bộ nền văn minh, văn hóa của chúng ta đều là tưởng hết. Tại sao? Tại sao người Nhật họ thấy Kimono nó đẹp? Tại sao người Việt thấy áo dài tứ thân là đẹp? Tại sao người Huế họ thấy Mái Nhì Mái Đẩy là hay? Tạo sao Nam Bộ thấy Cải Lương là hay? Tại sao ngoài Bắc thấy Quan Họ, hát Xẩm là hay? Vì nó là văn hóa vùng miền. Nó lớn lên trong cái môi trường đó, môi trường đó đã tạo ra cái dòng âm nhạc đó, cái thanh âm đó, thế là nó lớn lên từ cái đó nó thấy cái đó hay. Lâu lâu mới thấy có một ông Bắc Kì hát cải lương. Hiếm lắm. Lâu lâu mới có một người Mỹ ăn nước mắm. Mà bây giờ Việt Nam biết ăn Pizza rồi. Toàn bộ nền văn minh của chúng ta đều đi ra từ cái tưởng hết. Do cái tưởng ta mới thấy cái này cái kia khác nhau. Hồi nãy tôi nói con rắn có tên là Trí Khôn nó mới bày cho hai người. Trước khi họ ăn họ không có phân biệt là nam nữ khác nhau. Và nếu nói theo kinh Phật, cái phân biệt đó nó không cần thiết. Mình thấy hai đứa con nít nó chơi với nhau rất là hồn nhiên, nó không có cái vụ nhớ nhung. Thậm chí có cái chuyện này có thiệt: thằng Tèo nó nói "Tao thích mày lắm, tao thích má mày, em mày lắm! Tao lớn lên tao lấy em mày làm vợ." Nó bắt chước người lớn nó nói vậy. Thằng Tí nó nói "Không có được. Nhà tao là không có lấy người ngoài. Nhà tao là bà con lấy nhau không à. Ông nội tao lấy bà nội tao, cậu tao lấy mợ tao, ba tao lấy má tao. Nói chung gia đình tao không có lấy người ngoài!". Nó hồn nhiên vậy đó, nó tưởng tượng là vừa đẻ ra ba má nó là một cặp rồi. Cái câu chuyện đó rất là sâu, sâu lắm. Trong đầu con nít rất là hồn nhiên. Người không biết Đạo tưởng mình hay nhưng mình chỉ là đứa con nít.

Có một điều, từ cái tập khí sanh tử nhiều đời do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, chúng ta có những cái phân biệt mà nó làm hư đi sự hồn nhiên của mình. Khi bắt đầu mình có phân biệt là lúc nào uống rượu loại gì, lúc ăn cái gì thì uống loại rượu nào, trang điểm thì cái bông tai này nó phải đi với cái gì, chứ không phải muốn đeo gì thì đeo. Ngay cả bữa đó mình đang mang đôi giày gì thì cầm túi xách gì. Còn tụi tôi trước sau có cái y với cái túi này thì thoải mái rồi. Còn bà con nữ thì không. Cái này nó phải đi với cái gì, đi đúng thì nó mới văn minh. Chưa kể, ở Âu Mỹ người ta quan trọng cái fashion rất là nhiều, hè năm 2020 cái tông màu nào, gam màu nào được coi là fashion. Có năm họ nặng về ren, có năm họ thích mỏng, có năm họ thích về chất liệu dày. Cái đó chính là Biến Thế Thể Chấp đều là Thế Trí Biện Thông hết. Chính cái đó nó làm cho thế giới này nó rối.

Trong khi đối với một hành giả thì không! Đối với hành giả là làm gì biết nấy. Khi anh làm gì biết nấy thì anh không còn thời gian để phân biệt nữa. Trời lạnh thì anh kiếm gì anh mặc vô thôi nhưng mà anh mặc một cách Chánh Niệm. Trời lạnh anh biết rằng đang lạnh, anh bước đi về cái tủ quần áo anh biết rõ là anh đang đi, anh mở cái tủ quần áo anh biết rõ rằng anh đang mở, anh nhìn cái áo anh biết anh đang nhìn, anh cầm cái áo anh biết anh đang cầm. Tôi biết tôi nói cái này nghe nó rất là dài, nhưng sự thật sống Chánh Niệm sẽ làm được như vậy. Đang lạnh biết là đang lạnh, muốn tìm cái áo biết là muốn, bước đi biết là đang bước đi, mở tủ quần áo biết rõ là đang mở, cầm cái áo biết là đang cầm, thay cái áo đang mặc ra biết rõ là đang cởi ra, mặc cái kia vào biết rõ là đang mặc cái kia vào. Cứ sinh hoạt bình thường nhưng toàn bộ bằng Chánh Niệm. Khi quý vị sống bằng Chánh Niệm như vậy quý vị không quan tâm cái áo đó hiệu gì vì cái hiệu đó nó không nằm trong Chánh Niệm.

Trích bài giảng Sống Chánh Niệm (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét