Cha Mẹ
Lửa cha mẹ Ahunada.
Thì trong kinh nói thế này: dầu là thế giới có vận hành ở giai đoạn nào đi nữa, thì lúc mà có thánh hiền ra đời con người mới biết thánh hiền là cái gì. Người ta mới biết tôn trọng người có tu hành, tôn trọng người có đức hạnh. Nhưng mà sẽ có một lúc mà ác nhiều hơn thiện thì người ta sẽ không còn tôn trọng những giá trị đó nữa. Người ta đánh giá nhau qua sức mạnh, qua tiền bạc, qua nhan sắc, qua tiếng tăm, chứ còn chuyện mà đạo hạnh-đạo đức là vứt đi. Lúc đó người lành người thiện sẽ bị coi là ba trợn, kẻ mà chia sẻ kiến thức, vật chất cho người khác một cách miễn phí là bị coi là ba trợn. Người là phải khôn, làm cái gì cũng phải đổi ra hiện vật hiện kim mới được coi là khôn. Sẽ có một ngày thế giới này như vậy, người ta sẽ không còn khái niệm thiện ác nữa. Ai mà hy sinh, vị tha được xem là ngu. Như vậy, giá trị của thánh hiền chỉ được ghi nhận vào thời điểm con người có thiện, dầu là thiện nhiều hơn ác, thiện bằng ác. Để tôn trọng những giá trị tâm linh, những giá trị tinh thần phải là vào những thời điểm đó. Cái đó là nói về những giá trị được thiên hạ nhìn nhận, còn người có giá trị đó thì cực hiếm, chỉ có vào một thời điểm đặc biệt nào đó thôi.
Nhưng riêng cái tình cha nghĩa mẹ thì thời nào cũng vậy thôi, thưa quý vị. Dầu cho thế giới này có một ngày nó sống như một bầy thú thì lúc đó mẹ vẫn thương con, cha vẫn thương con, vì con thú vẫn làm chuyện đó mà. Cho nên, dầu cho thế giới này ở thời kỳ nào đi nữa, thời kỳ mà người ta không biết thánh hiền là gì, thời kỳ mà không có thánh hiền, hoặc là thời kỳ thánh hiền đầy ra đất thì lúc nào tình cha nghĩa mẹ lúc nào cũng thương con.
Thương là sao? Thương đây có hai:
Một là thương bằng ái: nghĩa là của mình, nó là của mình, nó là một phần xương thịt của mình, nó là bóng dáng là sự tiếp nối của mình, cho nên mình thương nó, mình rứt ruột sinh ra nó, mình làm trâu làm ngựa sinh ra nó, nó là cái tôi, nó là phiên bản của mình, cho nên mình thương nó. Cái thương đó là thương bằng ái.
Cái thương thứ hai là cái thương bằng tâm từ. Thương này là thương vô điều kiện, không cần nghĩ đến chuyện nó có hiếu thảo hay không, nó có giống được như mình hay không, mặt mũi nó ra làm sao, nó có tật nguyền như thế nào đi nào nữa, không cần thiết. Nó có đáng là phiên bản của mình hay không, không cần thiết. Nó có thương mình hay không, không cần thiết. Miễn là mình không thể cam tâm, nhẫn tâm đành lòng nhìn nó khổ. Thì cái thương này là cái thương bằng từ bi.
Cái thương do cái tâm ái luyến thì loài thú cũng có. Nhưng cái thương bằng cái tâm từ bi như vậy đó, cái thương mà có lý trí trong đó, thì chỉ có ở con người thôi. Như vậy, cha mẹ cùng lúc có hai tấm tình đối với con. Tôi không thích nói về cha mẹ là nói về mang nặng đẻ đau nhưng phải phân tích như vậy cho quý vị thấy sự vĩ đại của cha mẹ đối với con.
Cho nên cha mẹ là lửa, cha mẹ có thể sưởi ấm soi sáng cho con. Nhưng tấm lòng của cha mẹ khi mà con nó không đón nhận, khi ân đức cha mẹ mà bị con cái xúc phạm, thì ân đức cha mẹ càng nhiều, tấm lòng cha mẹ càng rộng sâu, thì sự xúc phạm của con tội nó càng nặng.
Trích bài giảng KTC 7. 43. Bảy Ngọn Lửa
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét