Dấu Chân Bò
KTC 5. 17. Phẩm Hiềm Hận 162
... 12. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
13. - Ví như, này các Hiền giả, ít nước trong dấu chân của con bò. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy suy nghĩ như sau: "Một ít nước này trong dấu chân con bò, nếu ta uống với núm tay hay với cái chén, ta sẽ làm nước ấy dao động và di động, khiến nước không thể uống được. Vậy ta hãy gieo mình xuống với cả bốn thân phần uống nước rồi ra đi". Rồi người ấy gieo mình xuống với cả bốn thân phần, uống nước rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, với tâm thỉnh thoảng được mở rộng và tịnh tín; những cái gì thuộc thân hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc tâm thỉnh thoảng được rộng mở và sáng suốt, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử. ...
Trong kinh Ngài Xá Lợi Phất có nói rằng tất cả chúng sanh trong đời này, không có ai là dễ ghét mà chỉ có hai hạng: dễ thương và đáng thương. Kinh nào nói? Dạ thưa, trong Tăng Chi Bộ Kinh. Ngài nói có những người như hồ nước trong vắt, tinh khiết. Đó là những Bậc Chí Thiện. Mình gặp được họ, mình nhìn họ, mình bắt chước họ mình tu cũng được nhiều lợi ích. Nhưng cũng có những người mà cái thiện của họ không đủ lớn như là một cái hồ mà chỉ là một vũng nước. Thì mình chỉ có thể dùng hai tay bụm lấy phần nước trong, tinh khiết mình mới khai thác được cái hay của họ. Ngài cũng nói có những người tệ quá, cái thiện của họ quá ít, không đủ đưa hai bàn tay để vốc mà mình chỉ dùng một tay vớt nhẹ, được bao nhiêu thì húp. Và Ngài cũng nói rằng có những người mà cái thiện của họ cực ít, tựa như nước đọng trong dấu chân bò. Dấu chân bò thì nhỏ trong khi mình quá khát nước. Vậy thì mình phải làm sao để lấy nước trong dấu chân bò? Trong kinh nói rất rõ là mình phải đưa hai tay, kề miệng sát vào dấu chân đó mà húp nhẹ. Dĩ nhiên, hình ảnh nước đọng trong dấu chân bò là chỉ những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Mình phải nhớ thế này: con ma nào cũng có một tương lai và ông thánh nào cũng có một quá khứ. Đó là một câu nói của Tây.* Kẻ ác nào cũng có một tương lai, biết đâu sau này nó khác. Mà ông thánh nào cũng có một quá khứ. Nghĩ như vậy, quý vị mới có thể thanh thản, thong dong đi vào chốn chợ đời, trần ai khoai củ này. Nói đến cái thiện, cái bất thiện và chuyện tu hành phải nói cho bằng hết để mình biết mình ở chỗ nào trong cuộc tu này. Đừng có tưởng có mặt ở chùa, có pháp danh, có làm lễ quy y Phật tử là đủ rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình là đại thí chủ là được rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình tham dự nhiều lớp giáo lý là đủ rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình đã đi hành hương ở Ấn Độ tám lần rồi là mình ngon. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình đã tu thiền ở Miến Điện vài khóa là đủ rồi. Sai. Mà hãy nhớ rằng tu cái gì thì mình đắc cái đó. Mình gieo cái gì thì mình gặt cái đó. Mà tu ngoài da thì mình được toàn những cái ngoài da. Tui xin nhắc lại để quý vị khỏi quên. Mình tu cái gì mà người ta thấy được gọi là tu ngoài da. Còn mình tu cái nào mà người ta không thấy thì gọi là tu trong ruột. Nhờ mình tu cái trong ruột thì sau này mình được những cái trong ruột, những cái mà người ta không thấy và mình cũng không cần người ta thấy. Tu thứ thiệt là không màng người ta biết tới mình nữa.
Trong kinh kể về các tỳ kheo hạnh đầu đà. Tỳ kheo đầu đà gồm nhiều hạng. Hạng thứ nhất là làm thiện, làm lành thuần túy để cầu danh lợi. Hạng thứ hai là cũng có lý tưởng nhưng còn mong người khác biết. Còn hạng thứ ba, thậm chí không thấy an lạc khi được người khác biết, thậm chí không thấy thoải mái khi người khác biết về mình nhiều quá. Ví dụ, tôi nói về hạnh khất thực. Hạng đầu tiên, vị đó sống hạnh khất thực để mà được nhiều người khác biết tới, cúng dường nhiều hơn. Hạng thứ hai là cũng muốn tu thanh bần, đơn giản, tri túc nhưng mà còn dính mắc ở chỗ nào dễ dàng để khất thực, chỗ nào còn có người biết tới mình. Không phải vì danh lợi mà khi người khác không biết tới mình, lòng mình không được yên. Nhưng hạng đầu đà thứ ba, ngay lúc mà phát hiện ra mình bắt đầu nổi tiếng thì lòng mình không còn an lạc, thoải mái. Muốn tìm đến một nơi để sống vô danh. Niềm vui của hạng đầu đà thứ ba đã thoát ra khỏi những niềm vui thường tình rồi. Tự mình biết riêng mình nó đã lắm. Còn niềm vui mà để thiên hạ ban phát, niềm vui khi có người biết mình, khi có người khen mình, nể phục mình thì niềm vui đó chưa cao.
Rồi đời sống chánh niệm cũng vậy. Khi là hành giả, người ta ngại tiếp xúc nói chuyện. Vì đối với hành giả thứ thiệt, thời gian là họ sống chánh niệm 100%.
Chỉ có con nít mới thích xoa đầu khen ngoan. Người học đạo mà còn mong thiên hạ xoa đầu khen giỏi là chưa khá. Còn mong người khác xoa đầu khen ngoan thì mình hãy còn là em bé. Còn mong người khác biết đến mình là người như thế nào thì mình còn non lắm. Còn lên tới bậc Thượng Thừa thì lời khen và lời chê là như nhau. Khi mình được người ta khen thì mình phải suy nghĩ như thế này: nó khen được là nó chửi được. Sáng khen chiều chửi xưa nay chuyện thường. Đời nó khốn vậy đó. Người hiểu đạo rốt ráo sẽ hiểu rằng không có gì ngu xuẩn bằng đam mê trong món quà của thiên hạ nó ban phát cho mình.
Trích bài giảng Cái Gì và Tại Sao
Kalama xin tri ân bạn MaiNgocVu511 ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét