Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Thiện Ác và Tịnh Tâm

 Thiện Ác và Tịnh Tâm

Trong kinh có ba câu Phật ngôn, đó là:

Không làm các điều ác
Làm thiện các hạnh lành
Giữ gìn tâm trong sạch

Mình nghe mình tưởng là 3 cái này nó tách rời nhau. Nhưng không phải vậy. Chúng ta không có đi tu theo từng bước như vậy, mà phải nói thế này:


Cấp một, ba câu này được mình thực hiện như thế nào. Đây là trình độ kém cõi nhất.
Cấp hai, cũng ba điều này mà mình thực hiện khá hơn một chút.
Cấp ba, bước cuối cùng thì mình viên mãn đạo nghiệp, bỏ được tất cả ác và thành tựu tất cả thiện.


Các vị có nghe không? Tôi nhắc lại một lần nữa, không có phải tu bằng cách là không có làm các điều ác riêng rồi tiếp theo làm các việc lành. Không, hiểu như vậy là hiểu nghèo lắm. Bởi vì là các việc ác với các việc lành nó gắn liền với nhau, khi mà anh bỏ được một cái điều ác nào đó là anh thành tựu việc lành.

Tôi thí dụ như nghiệp bỏn xẻn, thì khi anh bỏ được nghiệp bỏn xẻn là anh thành tựu nghiệp bố thí. Khi anh bỏ được tánh ganh tỵ là anh thành tựu được tâm tùy hỷ. Khi anh bỏ được tâm sân hận là anh thành tựu được tâm từ bi. Nhớ cái đó.

Chớ còn mà ba cái câu đó anh cắt khúc ra, anh tưởng là không làm các điều ác là riêng, làm các điều lành là riêng. Không phải. Thí dụ như bây giờ anh nói với tôi anh giữ giới anh không có sát sanh, thì ngay trong cái lúc mà anh có cái ý anh không sát sanh là anh đã thành tựu được bao nhiêu cái hạnh lành trong đó rồi. Anh phải hiểu ngầm như vậy chứ anh đừng có tách riêng cái chuyện không sát sanh là riêng, công đức là riêng, không phải. Mà ngay trong cái lúc mà anh từ chối cái chuyện sát sanh, trong lúc anh từ chối đoạt mạng chúng sanh khác thì ngay lúc đó anh đã thành tựu công đức, tránh được cái ác mà anh cũng thành tựu cái nghiệp lành ngay cái lúc đó.

Khi mà anh niệm Phật, cái tâm anh chuyên chú vào ở trong cái đề mục thì lúc đó mình thấy tu thiền là làm lành. Ngay cái lúc chúng ta vừa làm lành nhưng cũng ngay cái lúc đó chúng ta chuyên tâm niệm Phật, thì lúc đó chúng ta cũng đã bỏ đi vô số cái tội lỗi. Bởi vì sao? Vì chuyên tâm mà, chuyên tâm niệm Phật thì coi như chúng ta không còn cái tâm để mà làm chuyện xấu khác. Như vậy thì lúc đó là mình thấy khi mà làm các hạnh lành là mình đã tránh các điều ác rồi. Và khi tránh các điều ác cũng có nghĩa là mình đang thực hiện các hạnh lành.

Cái thứ ba, giữ gìn tâm trong sạch, mình tưởng nó là bước thứ ba. Nhưng không phải vậy. Khi mà mình có ý tránh ác là lòng mình đã thanh tịnh, khi mà mình có ý thực hiện các hạnh lành là tâm mình đã thanh tịnh, nhưng có một điều nó thanh tịnh ở mức nào, đó là tùy cái chuyện anh tránh ác tới đâu.

Tôi nói lại một lần nữa, thí dụ như cái người sơ cơ không có học Phật Pháp thì đối với họ, họ hiểu cái ác là sát sanh, trộm cướp, đốt nhà, giết người, cướp của, lật lọng, lươn lẹo, lừa đảo, v.v... Đối với họ cái đó mới gọi là ác và họ chỉ tránh được mấy cái đó thôi. Nhưng mà ở mức độ cao hơn, thì cái ác không phải nó thô như vậy mới gọi là ác. Chỉ cần một câu nói, một suy nghĩ hại người cũng là ác, cũng là bất thiện.

Tiếng Việt nam mình nghe chữ ác nó nặng quá. Chữ "ác ôn côn đồ" thì cái đó nó nặng lắm, còn chữ ác trong kinh Phật Akusala có nghĩa là bất thiện thôi. Cho nên khi mà tùy vào mức độ anh lánh ác được bao nhiêu thì cái thiện của anh nó thành tựu được bấy nhiêu, tùy thuộc vào cái cách mà anh hành thiện được bao nhiêu thì cái ác mà anh lánh được cũng nhiều bấy nhiêu, và cũng tùy thuộc vào cái chuyện anh tránh ác và hành thiện ở mức độ nào mà cái tâm của anh cũng được thanh tịnh thêm chừng ấy; theo cái tỷ lệ thuận. Các vị có hiểu cái này không?

Tôi nhắc lại: Tùy mức độ anh tránh ác bao nhiêu mà anh thành tựu bao nhiêu cái hạnh lành. Tùy mức độ anh thực hiện hạnh lành bao nhiêu mà anh tránh được bao nhiêu cái ác. Rồi tùy cái mức độ anh tránh ác, tùy cái mức độ anh làm thiện mà cái tâm anh nó cũng thanh tịnh được bấy nhiêu. Thí dụ như một người không tu tập thiền định thì cái thiện của họ chỉ ở cái mức tránh mấy cái ác tào lao: sát sanh, trộm cắp, nói dóc, họ mới tránh được tới đó thôi. Nhưng mà cái vị đắc thiền họ tránh những cái ác mà mình không có lường được. Thí dụ như cái chuyện đầu tiên anh muốn đắc sơ thiền, anh phải tránh được cái chuyện đam mê trong 5 dục, cái đam mê đó là cái ác. Tiếp theo anh phải bỏ được 5 triền cái. Tới lúc đó anh mới đắc được sơ thiền, nhớ như vậy.

Cho nên là cái ác của người không có tu thiền là cái ác quá nặng, quá thô, quá dơ, quá bần, quá tồi, quá nặng nề. Nó khác cái chuyện mà lánh ác hành thiện của người đắc thiền; vì ở đó nó thuộc tâm linh, tinh thần thôi.

Kalama tri ân bạn elteetee chép bài KTC.6.105 Hữu Bhava


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét