Thần Tượng
Có hai cách tu: tu NHÂN và tu QUẢ.
Tu nhân là mình lạy Phật để mình học cái gương lành của Phật, mình sống như Phật, mình ăn, mặc, ở như Phật, suy tư nói năng hành động như Phật. Thì lúc bây giờ đó là mình đang tu Nhân.
Còn đằng này tu quả là cứ vào chùa cầu quả thôi! Không bắt chước cái nhân lành của Phật mà cứ ngó mấy cái quả lành của Phật để mà mơ. Thí dụ như mơ thấy Phật có thần thông, có hảo tướng, có trí tuệ, có bao nhiêu cái hay ho mình đều mơ hết nhưng cái hạnh của Phật thì mình lại không ngó theo. Rồi từ đó nó mới dẫn tới cái chuyện ai cũng mơ mình có được trí tuệ như ngài Xá Lợi Phất nhưng mà không chịu học Đạo. Ai cũng mơ mình nhớ giỏi như ngài A Nan mà không chịu tu chánh niệm. Ai cũng mơ mình có thần thông như ngài Mục Kiền Liên nhưng mà không chịu tu thiền định. Ai cũng mơ mình dễ thương như ngài Purna Phú Lâu Na nhưng mà không chịu tu nhẫn. Quý vị thấy khổ chưa? Ai cũng mơ mình tài lộc tràn trề như ngài Si-va-li nhưng mà hạnh bố thí thì lại không có! Các vị nghĩ coi có vô lý không!
Ở đây tôi đang nói về phép niệm Phật, Pháp, Tăng thì niệm Phật là phải học theo, noi theo cái hạnh của Phật, cái nhân lành của Phật. Đó là mấy cái quan trọng. Cái quả lành của Phật để mình nhìn, mình lấy đó làm chỗ nhắm tới thôi, cái quan trọng là phải tu cái hạnh lành - cái nhân lành của Phật để mà mình bắt chước! Rồi niệm Pháp, không phải là mình cứ niệm bài kinh Ân đức Tam Bảo rồi mình cầu các quả lành. Không phải vậy! Niệm Pháp là ghi nhớ những lời dạy của Phật. Niệm Tăng là ghi nhận, tưởng nhớ đến các đoàn thể Thánh chúng. Ở đây tôi nhấn mạnh chữ "Thánh chúng". Cứ còn cái Phàm nó phiền lắm. Cái Phàm nhiều khi quý vị mến ông thầy nào đó nhưng mà lại bất mãn ông thầy khác. Khổ vậy đó, cái Tăng bảo mình nó không được trọn vẹn! Chưa kể ông thầy đó bữa nay mình thích, bữa kia mình không thích. Bữa nay mình nghe người ta khen, bữa khác mình nghe người ta chửi, thì cái lòng mình nó giao động. Bởi vì chúng ta biết trong Kinh Tăng chi và trong bộ Nhân Thiên Thiết trong A Tỳ Đàm của Kinh Tạng thì Đức Phật có nói một chuyện là chúng sanh trong đời luôn luôn sống hướng đến thần tượng. Ai cũng vậy hết!
Trường hợp một là nhắm tới vẻ ngoài của đối tượng đó, nhìn đối tượng trang nghiêm hảo tướng hoặc là đẹp đẽ, kiều diễm, tuấn tú, khôi vĩ. Mình mê, từ đó mình đi theo luôn, mình thờ phụng, mình thần tượng họ thì đó gọi là đánh giá người qua vẻ ngoài.
Loại thứ hai là tìm đến thần tượng thông qua tiếng tăm của đương sĩ. Nghĩa là mình cũng chẳng có màn Phật Pháp là gì hết, chẳng màn thiền định là gì … nhưng có điều mình là Phật tử mình nghe cái tiếng của Làng Mai bên Pháp, nghe nói tới hoà thượng Nhất Hạnh là nhân vật Phật Giáo số hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gây ảnh hưởng lớn cho giới trí thức Tây Phương. Nghe cái tiếng đó mình chịu quá. Rồi liếc mắt vô Làng Mai mình gặp toàn bác sĩ, kỹ sư, trùng trùng điệp điệp trong đó. Mình thấy bản thân hoà thượng là người có tiếng, học trò toàn là người trí thức, cái hoành tráng, bề thế của Làng Mai, mấy chục, mấy trăm mẫu đất bao la bát ngát. Tất cả những tiếng tăm đồn thổi về Làng Mai đã làm cho mình mê Làng Mai, mê Tăng thân, mê hoà thượng Nhất Hạnh. Như vậy mình đến với hoà thượng Nhất Hạnh không phải do vẻ ngoài mà do cái tiếng. Nhiều khi có ca sĩ, diễn viên đó mình không thích lắm nhưng do cái tiếng họ, lâu ngày mình thần tượng họ hồi nào không hay.
Loại thứ ba, trường hợp này hơi đặt biệt dành cho các đối tượng tinh thần nhiều hơn. Nghĩa là nhiều khi mình đến với vị tăng không phải vì hảo tướng mà thấy vị ấy có nếp sống thanh bần, bần tăng khổ sãi, kiên khem khổ hạnh, giản dị, nghèo khó … tự nhiên mình thấy cái mình thích.
Rồi trường hợp cuối cùng tức là mình đến với đối tượng đó xét qua khía cạnh Giáo Pháp. Nhân vật đó có gì để mình nghe hay không? Nhân vật đó có gì để mình nhìn, mình noi gương hay không? Lúc bấy giờ là mình dựa trên Chánh Pháp. Như vậy thì có bốn cách để mình tìm đến một thần tượng.
Trích bài giảng Nhân Quả
Kalama xin tri ân bạn trandinhphuloc ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét