Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Thực nghiệm *****

 Thực nghiệm

Vô Thường, Khổ và Vô Ngã là ba đặc điểm của vạn hữu mà cũng là ba khía cạnh độc đáo được nhắc đến thường xuyên trong Phật Pháp. Hiểu nôm na thì Vô Thường có nghĩa là không bền vững, nhưng hiểu rốt ráo hơn thì nó chính là trạng thái tiếp nối để tồn tại của mọi thứ trên đời. Có hiểu như vậy thì ta có thể hiểu chính xác chữ Khổ trong Phật Pháp. Khổ ở đây không chỉ đơn giản là định nghĩa nghèo nàn rằng đó là những gì khiến thân tâm ta khó chịu mà nó còn phải được hiểu là từ đồng nghĩa với Vô Thường. Chỉ riêng Đức Phật mới phân tích cái gọi là đau khổ thành ba trường hợp (sự có mặt của cái gây khó chịu, sự vắng mặt của cái làm dễ chịu và sự lệ thuộc các điều kiện để có mặt). Khi đặc tính Vô Thường và Khổ được hiểu sâu rộng như vậy thì ta mới hiểu được thế nào là Vô Ngã. Ở đây không có gì là tồn tại độc lập, tất cả chỉ là một chuỗi dài tiếp nối của các hiện tượng Danh Sắc (tâm và vật) với sự hỗ trợ của vô số điều kiện mà thuật ngữ Phật Pháp gọi là Duyên (Paccaya). Nếu mọi sự được hiểu rốt ráo như vậy thì lúc nào nhìn ra đặc tính Vô Thường, Khổ hay Vô Ngã cũng là lúc ta thấy cả ba.

Tuy nói ba thứ là một nhưng với người sơ cơ thì đặc tính Vô Thường vẫn là khía cạnh phải dược lưu ý đầu tiên vì mọi thứ ở đời, khoan nói đến sướng khổ, đẹp xấu, cái nào cũng có mặt bằng cách thế chỗ cho cái khác. Hãy nhớ rằng cái biết qua kinh sách dứt khoát không đủ để ta giác ngộ giải thoát. Ngày nào mà cái biết sách vở còn đó thì cái biết thực chứng không thể có được. Chỉ xuyên qua sự thực chứng thì ta mới có thể hiểu được đặc tính Vô Thường của vạn vật đúng như là Đức Phật đã dạy. Ngay cả trong thời Đức Phật, và bây giờ cũng vậy, kiến thức học hỏi từ người khác luôn là quan trọng nhưng chỉ có nó thì không thể nào chứng thánh.

Người dốt mà có thực nghiệm vẫn có thể hy vọng giải thoát, nhưng người giỏi mà thiếu thực nghiệm muôn đời không thể giác ngộ.

Trích Linh hồn Phật Pháp qua Pháp môn Chỉ Quán
Kinh Nghiệm Tuệ Quán (Tập 2)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét