Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Trái Chín Thì Sẽ Rụng ***

 


Trái Chín Thì Sẽ Rụng

Người hạ căn, ít trí, phải gặp khổ khổ thì họ mới sợ.

Bậc trung thừa khi bị mất cái gì ngọt ngào là họ đã đi tu rồi.

Bậc đại trí thì họ chỉ cần thấy sự tẻ nhạt, vô nghĩa của đời sống là họ đã buông rồi.

Ba hạng Khổ:

Khổ Khổ: Là sự có mặt của những gì làm ta khó chịu về thân tâm. Thí dụ sự nóng nực. Thí dụ Lấy nhằm chồng vũ phu.

Hoại khổ: Sự vắng mặt của những gì làm cho ta dễ chịu. Thí dụ cái máy lạnh đang làm việc bỗng mất điện. Thí dụ phải sống xa cách người chồng dễ thương.

Hành khổ: Là sự lệ thuộc các điều kiện để có mặt. Bản thân sự lệ thuộc ấy là hành khổ. Điểm thứ 3 có ý nghĩa sâu nhất vì đây là mẹ của 2 cái khổ trước. Thí dụ sự có mặt trong xứ nóng là hành khổ. Thí dụ sinh ra làm thân gái.

Chúng sanh có ba hạng:

Hạ: Chạy theo cái mình thích. Cả đời trốn khổ tìm vui, bỏ đắng chạy theo ngọt. Chuyện xấu tốt không quan trọng. Chuyện ác nào cũng làm. Hạng này chết chỉ có đọa.

Trung: Có tí trình độ nên quan tâm đến hành thiện lánh ác. Cũng trốn khổ tìm vui nhưng không phải chuyện bậy nào cũng làm. Họ trốn khổ tìm vui bằng cách lánh ác hành thiện. Hạng này chết rồi thì đi lên. Mà sanh thiên rồi hưởng hết tuổi thọ, hết phước thì rớt trở xuống. Đi theo vòng tròn luân hồi.

Thượng: thấy được tất cả thiện ác, vui buồn đều vô ngã, vô thường nên chán. Họ vẫn lánh ác hành thiện nhưng không phải trốn khổ tìm vui mà là để không còn thiện ác buồn vui nữa.

Đôi khi tôi tự hỏi: "Có gì tẻ nhạt cho bằng sống cạnh một người không có gì để cho mình ghen? Ở gần một người mà không có lý do gì để sợ mất họ thì có lý do gì để tiếp tục ở với họ hay không?"

"Còn lấy một người mà về lúc nào cũng làm cho mình ghen và sợ mất thì quá khổ."

Vậy cả 2 đều là vô lý.

Ngay thân mình già bệnh khổ đủ thứ lo chưa xong, còn phải đi lo cho người khác. Nên bậc thượng trí khi nghe nói đến hôn nhân, đến sự có mặt ở đời là họ đã nổi da gà, ớn lên tới óc rồi. Còn người vô minh thì thật sự, thời gian hạnh phúc ngọt ngào mang lại cho nhau thì ít, chịu đựng nhau thì nhiều hơn. Chúng ta giống như những chiếc thuyền đi trên biển. Nếu không chở theo nước thì không có gì để uống, mà chở nước nhiều thì tàu chìm. Chúng ta như những người lính bị trọng thương, máu chảy ra như suối nên rất khát nước; nhưng nếu uống nước vào thì máu loãng sẽ chết, nên vừa uống vừa run. Đời sống này thì "There is no happiness; only resolution." Đời sống không có hạnh phúc mà chỉ là giải pháp. Đói quá có gì ăn, thấy ngon, đó là "resolution". Nóng quá bật quạt hay máy lạnh lên thấy mát, đó là "resolution". Vậy thì tất cả những gì mình gọi là hạnh phúc chỉ là "resolution", là giải pháp. Ngứa quá gãi được là hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó từ đâu ra? Từ ngứa

Bây giờ các vị chưa tu thiền nên chưa biết thân này là khổ. Mai này các vị tu thiền thì mới thấm thía lời tôi nói hôm nay. Ngồi yên lại, xếp bằng, nhắm mắt lại. Hít vô biết rõ là hít vô. Thở ra biết rõ là thở ra. Không điều khiển, chỉ theo dõi. Để hơi thở đi vào, khi có nhu cầu thì tự nhiên đẩy ra. Thở ra đến một lúc nào đó có nhu cầu thì tự động hít vô. Lúc đó mới thấy hơi thở này không phải là của mình, nó không màng chuyện mình muốn hay không. Khi ngủ mình vẫn thở mà. Đó là như cầu sinh học, nhu cầu tự nhhiên. Cái tôi muốn nói là chuyện khác.

Khi theo dõi hơi thở như vậy, chúng ta mới nảy ra một chuyện là: cái lưng, mươi, lăm, hai chục phút sau là bắt đầu nó đau. Hai cái đầu gối bắt đầu nó đau. Hai vai bắt đầu đau. Thắt lưng bắt đầu nó đau. Chưa hết, còn thêm một vụ nữa: Ngứa!

Hồi nào giờ không sao, bây giờ tâm lắng bắt đầu nghe ngứa hết chỗ này đến chỗ kia.

Lúc đó chúng ta phải nhận thức được rằng: Ngứa biết là ngứa. Muốn gãi biết là muốn gãi. Dễ chịu biết là dễ chịu. Lúc đó chúng ta mới thấy thì ra cái thân này nó nhiều vấn đề như thế. Không thể ngồi yên là lăng xăng như con khỉ. Tâm viên ý mã. Bản thân cái thân này đã là khổ. Sẽ bị cái gì chưa biết; chỉ biết là sự có mặt của nó đã là khổ.

Chuyện anh chàng bị xe đụng cán nát một chân, được lắp chân người chết vô. Tối ngủ khi ngứa gãi cái chân mới lắp, anh nghĩ đây là chân người chết nên sợ. Anh liền gặp thầy mình là thiền sư để xin giúp đỡ. Sư phụ mới hỏi: Trước khi bị mất chân thì là chân của ai. Nếu là của anh thì giờ nó đi đâu? Cho nên 2 chân, chẳng có cái nào là của anh hay của ai hết. Tối về cứ tự nhiên gãi.

Một vật nào đó trên đời, nếu chưa mất thì gọi là 'của'. Mất rồi thì gọi là 'cũ'. Chúng ta một đời khổ như trâu chỉ vì cái chữ 'của' . Vợ Của tôi, chồng Của tôi, đồng hồ Của tôi, nhà Của tôi, tài sản Của tôi. Chính vì chữ của đó là chúng ta đi tìm Ritchie, Channel, Prada,... Thật ra khi chưa mất là của. Khi bị mất, hư, trầy, xước thì chữ của đó phải xét lại. Đây là lý do Đức Phật nói hết mọi sự thật cho mình nghe để mình đừng nắm nữa. Vì một khi có ý nắm là bắt đầu khổ. Có ý muốn sở hữu là mình đã bắt đầu một cuộc chơi khờ dại. Tuyết để nguyên như vậy nhìn thì OK. Nếu hốt một đống đem về nhà thì sao? Không ai chơi ngu vậy hết. Cho nên hạnh phúc trên thế giới này để nguyên như vậy thì OK. Nhưng một khi có ý sở hữu thì nó không còn như vậy nữa, không như mình nghĩ nữa.

Quý vị cứ nhớ câu chuyện Khắc Chu cầu kiếm. Thanh kiếm bị rơi xuống sông mà anh đầy tớ lại khắc dấu ở mạn thuyền, chờ vào bờ mới nhảy xuống kiếm. Nghe câu chuyện ai cũng nói anh đầy tớ là ngu. Hhưng thật ra ai cũng ngu như anh đầy tớ ấy. Mình thích một người, một vật, mình cõng về. Thì cái mà mình cõng về ấy không còn như là cái mà mình mong và thích khi trước nữa. Cái làm mình xao xuyến buổi đầu và cái mình mang về là hai thứ khác nhau. Hôm qua, lúc mình thích người hay vật ấy, mình làmột1 con người khác. Hôm nay đã là một con người khác. Chúng ta luôn luôn đổi khác, luôn trở thành 1 con người mới. Vì nếu không đổi khác thì làm sao một đứa bé nằm nôi trở thành 1 ông cụ 90 được? Cho nên chúng ta mới leo từ 30 tuổi, đến 40 tuổi, đến 70 tuổi, đến 80 tuổi. Do vô minh mới sanh ra hành, là các nghiệp thiện ác.

Xin hãy nhớ thế này: Hôm nay còn họp mặt, học giáo lý vui vẻ, mai này không biết thế nào. Không biết lúc nào nằm co ro trong nhà già, trong một gian phòng vắng, tay chân muốn giở lên không được, ... Khả năng đó rất lớn, cực lớn. Lúc đó mới tiếc là không nghe Đạo sớm hơn.

Trong Kinh có một chữ rất thơ mộng gọi cho quả vị Tu Đà Hườn là dassana có nghĩa là Sơ ngộ. Là thấy lần đâu. Cả một dòng luân hồi thăm thẳm, sữa mẹ mà chúng ta uống nhiều hơn cả nước của bốn biển. Máu và nước mắt của chúng ta chảy ra nhiều hơn cả bốn biển. Trong suốt thời gian dài thăm thẳm ấy, chúng ta chưa có một lần, một cơ hội được biết mình là ai, mình từ đâu tới, mình sẽ đi về đâu và bây giờ mình nên làm gì. Đó là bốn câu hỏi. Để rồi một ngày khi chúng ta hội đủ duyên lành chúng ta chứng Thánh, lần đầu tiên chúng ta hiểu mình là ai, lần đầu tiên chạm mặt với bản chất thật của chính mình. Gọi là ngày Sơ ngộ. Trong Kinh nói bất cứ vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác nào, ngay trong ngày đầu tiên thành Đạo đều tự cảm hứng một bài kệ nội dung như sau:

Lang thang vạn kiếp luân hồi
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này
Ôi đời sống thật buồn thay
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về
Hỡi này anh thợ nhà kia
Rui mè kèo cột gãy lìa nát tan
Bao tham ái thảy điêu tàn
Tâm ta chứng đạt Niết Bàn thảnh thơi.

Khi các Ngài thành Phật thì cảm xúc đầu tiên : "Ồ, thì ra Ta hiểu rồi; thế giời này được cấu tạo ra sao; thân tâm này được cấu tạo ra sao. Đây sao - kia vậy, kia sao - đây vậy. Thì ra cái cấu trúc của thế giới này được dựng lên như vậy đó."

Do thích tùm lum nên mới có tùm lum. Do có tùm lum nên đổ vỡ gãy nát tùm lum. Có sanh thì có diệt. Mọi thứ do duyên mà có. Có rồi lại mất. Chính vì chúng ta không chấp nhận sự thật ấy nên chúng ta thấy có rồi chúng ta lại sợ mất. Khi hiểu được bản chất cuộc sống ấy là gì, mọi thứ do duyên mà có, có rồi lại mất, ta sẽ an nhiên nhìn thấy mọi sự bằng tâm thanh thản.

Có người hỏi Ngài Xá Lợi Phất: "Thấy Ngài ngồi trong rừng một mình im ru thế này, có người hỏi những người ngồi như Ngài có ham sống sợ chết không? Như người phàm thì có, còn Ngài thì sao?"

Ngài nói: "Ta không ham sống, mà cũng không muốn chết. Ta chỉ chờ duyên tới. Trái chín thì sẽ rụng."

Trích bài giảng Vòng Luân Hồi
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét