Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Chánh niệm



LUÔN LUÔN Ý THỨC RÕ MÌNH ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NÀO

Không có Chánh Niệm thì anh đừng hòng nói với tôi là anh thực hành lời Phật, bởi vì tất cả bi kịch của thế giới, từ khủng bố cho đến bạo lực xã hội, cho đến chính trị, gia đình, tất cả mâu thuẩn cá nhân, những xung đột về tôn giáo tất thảy đi ra từ cái gì ? Mình nói gọn là từ phiền não, nói một cách khác là từ thất niệm, là những người mà hành động không biết mình làm gì, nói gì và nghĩ gì. Chính cái chỗ này là tất cả bi kịch nhân gian.

Trong kinh Đức Phật Ngài nói : Có nhiều cách giải quyết xung đột, mà trong đó có một cách biết lúc nào nên nói và không nên nói, biết nói kiểu nào, biết thời điểm đối thoại. When, là nói lúc nào ? How, là nói kiểu nào ? Và để thực hiện được chuyện này là anh phải có Mindfulness tức Chánh Niệm, chứ còn đằng này mình nói như thích chứ không phải như mình cần. Sự vun xới giữa người với người nói chung, và trong gia đình với nhau nó đòi hỏi rất nhiều thứ, đó là khả năng tỉnh thức. 

Đôi khi người Việt mình cũng chịu khó sai chính tả một chút, đó là chiếc nhẫn mình trao nhau trong ngày cưới nó không phải là ring, nhẫn là patience là kiên nhẫn. Tôi trao cho chiếc nhẫn không phải là wedding ring, nhẫn cưới, mà là patience, là kiên nhẫn. Khi mà mình chấp nhận đi vào đời nhau là mình phải gồng gánh nhau ghê lắm, nếu hai vợ chồng mà nhớ cái câu là “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa suốt đời nào khê “. Luôn luôn ý thức rõ mình đang ở trong tình trạng nào. 

Trong kinh nói thế này: Niệm là sự cẩn trọng của người cầm ngọn đèn không để cho vấp té. 

Sư Toại Khanh

(Chép lại bài giảng của Sư)

Tham Và Sân ***

 


Tham Và Sân 

Đời sống chỉ là những chọn lựa. Chúng ta có thể mất cả 30 ngày trong một tháng cho những tục sự như chuyện nhà, chuyện làm ăn hay xã hội. Chúng ta cũng có thể dành thời giờ cho những công phu tu tập để cứu mình ra khỏi biển khổ. Có một chuyện đơn giản nhưng ít ai ngờ được là thời gian 24 giờ một ngày đêm ta luôn phải vật lộn với 2 thứ phiền não là Tham và Sân, ngoài ra không còn gì nữa. 

Niềm vui khi gặp chuyện như ý là Tham, sự khó chịu bực bội khi gặp chuyện bất toại là Sân. Hai thứ phiền não này luôn bị tác động bởi Vô Minh. Do u mê nên ta không mấy khi chịu nhớ rằng cái chết đang nằm lù lù trước mặt mình từng phút. Vì quên nghĩ đến cái chết nên ta luôn có đầy đầu những trù hoạch, kế sách, toan tính cho tương lai như là mình sẽ sống hoài không chết. Và ta cũng biết rồi đó, có mấy ai ở đời có thể sống và làm việc đúng như mọi lo toan của mình đâu. 

Có người là Phật tử, dĩ nhiên cũng biết nghĩ đến đời sau kiếp khác, nhưng bên cạnh vài ba ngày Bát quan trai có đính kèm vài giờ nghe pháp hay tọa thiền cho mình vững bụng, rồi thì hơn 20 ngày còn lại hầu như chỉ sống cho người khác chớ không phải cho mình. 

Thuở sinh thời, thiền sư Mogok thường lưu ý các đệ tử hãy cảnh giác với nếp sống hướng ngoại, mà thường khi ta hay tô vẽ chúng bằng những mỹ từ hay ho như Trách Nhiệm, Bổn Phận với người này kẻ nọ. Một khi không có đời sống nội hướng, lãng quên việc tu tập của bản thân thì chúng ta chỉ có đau khổ mà thôi. 

Cái bi kịch lớn nhất của hầu hết Phật tử, bất kể tăng tục, là không có khả năng tự giác và như vậy cũng là không có khả năng sống an lạc. Biết Phật Pháp mà không thể sống an lạc thì rõ ràng cái biết đó đã có vấn đề. Sống kiểu đó là hoang phí kiếp người. 

Tác Phẩm: KNTQ1 

Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Mỗi người đều có nghiệp riêng


 

MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ NGHIỆP RIÊNG

-Không có kẻ thù nào mà có thể tấn công chúng ta ngoại trừ cái ác nghiệp của chúng ta.
-Một người tạo nghiệp ác khi tái sinh nơi đâu, thì nghiệp ác đó nó chực sẵn như kẻ thù chờ hại mình.
-Một người tạo nghiệp lành dầu tái sanh ở đâu, nghiệp thiện chờ sẵn mình như người thân đón kẻ xa mới về.
-Không có kẻ thù nào mà độc hại cho bằng ác nghiệp của mỗi người.
-Không có tình thân nào, tình bạn nào, tình thân quyến nào mà ngon lành hơn thiện nghiệp của mình đã tạo.
-Dẫu ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phạm Thiên, Ma Vương cũng không thể hại chúng ta nếu mà chúng ta không phải lúc trả nghiệp xấu.
-Dẫu một người mẹ thương con cách mấy, thì cũng không thể lo cho con bằng thiện nghiệp của người con đó.
Trong Kinh Pháp Cú có câu là :
"Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác nơi tự thân"
Mình muốn trốn khổ tìm vui thì mình phải có từ bi hỷ xả, chánh niệm, trí tụê, thiền định, kham nhẫn. Trốn khổ tìm vui thì phải sống bằng tâm lý này thì được gọi đó là thiện.
Hành giả phải biết rõ :
-Tất cả buồn khổ đời này là quả xấu đời trước.
-Tất cả hạnh phúc an lạc đời này là quả lành từ đời trước.
-Tất cả thiện tâm từ đời này là nhân vui cho kiếp sau.
-Tất cả ác tâm đời này là nhân xấu cho kiếp sau.
Những nhận thức như vậy đó được gọi là nhận thức về nghiệp lý. Hành giả biết rõ ràng mỗi người đều có nghiệp riêng.
Sư Toại Khanh
(Chép lại bài giảng của Sư)

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Niệm Hơi Thở *****



 Niệm Hơi Thở

Đề mục niệm hơi thở nói thoáng qua thì được chứ nói tới nơi thì phải 15 năm - tương đương thời gian nàng Kiều lưu lạc. Không đùa đâu, tôi mang nàng Kiều ra cho quý vị dễ nhớ thôi. Đề mục hơi thở này nếu nói và hành cho đến nơi đến chốn phải 15 năm. Vì Phật nói 7 năm, mà trong cái thời mạt pháp này mình nên gấp đôi lên thành 15 năm luôn.

Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt thôi. Đề mục này có thể là "Chỉ" hay là "Quán" tùy theo mình. Tu Chỉ (samatha) là tập trung tư tưởng một cách máy móc cho đến khi chứng các tầng thiền. Còn niệm hơi thở theo Quán (vipassana) thì linh động hơn. Lúc đầu biết hơi thở ra hay vào, sau đó là biết hơi thở vào dài, ra dài, vào ngắn, ra ngắn. Sau đó biết thêm mình đang thở bằng cảm thọ gì: khổ - lạc – ưu – hỷ - xả. Học biết rõ mình đang thở ra vào với tâm gì, thiện hay ác, ác là tâm gì, thiện là tâm gì. Như vậy chỉ qua hơi thở hành giả đã có thể tu đủ 4 niệm xứ. Cái này là trong kinh Trung Bộ và Trường Bộ.

Lúc đầu hành giả niệm hơi thở theo Thân quán thôi, biết là hơi thở ra hơi thở vào, ra ngắn vào ngắn, ra dài vào dài. Còn niệm hơi thở theo Thọ quán là sao? Biết rõ mình đang thở ra bằng thọ gì, biết rõ mình đang thở vào bằng sự thoải mái, hay sự vui vẻ, hay bằng sự khó chịu? Còn niệm hơi thở bằng Tâm quán là biết rõ mình đang thở ra bằng sự bực mình, thở ra bằng nỗi nhớ, thở vào bằng nỗi nhớ, thở ra bằng sự thù hận, thở vào bằng sự thù hận, thở ra bằng sự tiếc của, thở vào bằng sự tiếc của…

Có nghĩa là mình phải biết rõ, thiện là tâm gì, đây là thọ hỷ, đây là định, đây là trí tuệ này, đây là niệm… biết rõ. Ghi nhận tâm ác: đây là tâm sân này, là tâm tham, đây là tiếc nuối, đây là sợ hãi, biết rõ.

Buổi đầu hơi thở còn thô, tâm còn thô. Thô nghĩa là chánh niệm không khít khao, chặt chẽ. Nhưng càng về sau hơi thở càng lúc càng nhẹ, hơi thở sẽ theo tâm mà lắng yên dần, mỗi lúc nhẹ hơn nhưng không phải yếu hơn. Nếu yếu hơn nghĩa là chuyển từ thiền viện sang bệnh viện rồi! Có phân biệt được cái nhẹ và cái yếu không? Yếu là tay bắt cánh chuồn chuồn, ngó lên trần nhà, lấy hơi vô không được mà chỉ ra không hà, là phải chuyển viện. Còn nhẹ có nghĩa là lúc đầu tham sân si nó cứ xen vào, tâm mà động thì thân cũng thô, hơi thở rất nặng. Để ý khi sợ nhiều, giận nhiều, vui quá thì nhịp đập của tim tăng, hơi thở, huyết áp lên vun vút. Hễ tâm không có gì quá độ, không tham, giận, sợ, tức, ghen, tiếc của … Khi nó lắng thì hơi thở cũng nhẹ theo. Nó nhẹ đến một lúc nào đó hành giả cảm nhận nó như là không còn thở, nhưng mà mặc xác nó, mình cứ chú ý ngay lỗ mũi, biết rằng không thể nào có người đang sống mà không thở nữa. Nhớ vậy. Không có gì phải sợ hết. Có nhiều hành giả bối rối: "Sao kỳ vậy nè, sao niệm đến đây không thấy hơi thở nữa?" Đó là vì vị không có hiểu. Cứ nhớ là không bao giờ có một người còn đang sống mà không thở nữa. Cho nên thấy hơi thở mất, là do tâm mình đang vi tế nên tưởng là biến mất nhưng thật ra nó vẫn còn ở đó.

Như Ngài Xá Lợi Phất nói nó giống như tiếng chuông. Khi mới đánh thì tiếng vẫn còn lớn, mình vừa huýt gió, ngó trời ngó đất mà mình vẫn có thể nghe được tiếng chuông. Nhưng mà để nghe được cái dư âm, dư hưởng của một tiếng chuông mà nó đã được gõ từ lâu lắm rồi, những âm thanh còn sót lại là những âm ba đó, những âm hưởng còn lại khi tiếng chuông đã được đánh từ vài ba phút, thì để nghe được cái đuôi của tiếng chuông thì mình phải lắng tâm ghê lắm. Ở đây cũng vậy, để ghi nhận được cái tâm đã lắng yên thì mình cũng cần một nội tâm lắng yên.


Trong đêm mình muốn nghe một tiếng chân, hay tiếng động bên hè, tiếng đó chưa rõ lắm, thì mình phải lắng nghe bằng cả một sự yên tĩnh của toàn bộ thân tâm. Hơi thở cũng vậy. Ở đây tôi làm gọn thôi, chỉ nói sơ sơ cái kỹ thuật niệm hơi thở là vậy đó.

Tùy sự chú ý của mỗi người - ở môi, mũi, hay ở vùng rốn. Thiền Chỉ thì chỉ có một phát một. Có nghĩa là hơi thở ra biết là ra, hơi thở vào biết là vào. Không hề có một suy tư gì hết. Cứ bám vào đó mà đắc sơ, nhị, tam, tứ thiền. Thiền Quán thì khác. Buổi đầu hơi thở ra biết ra, vào biết vào, ra dài biết ra dài, vào dài biết vào dài, ra ngắn biết ra ngắn, vào ngắn biết vào ngắn … Rồi sau đó mới kết hợp với 4 niệm xứ. Theo dõi hơi thở là Thân Quán Niệm Xứ. Rồi biết rõ mình đang thở ra bằng cảm thọ gì. Đó là Thọ Quán Niệm Xứ. Biết rõ mình đang thở ra thở vào với tâm trạng gì. Đó là Tâm Quán Niệm Xứ. Biết rõ mình đang thở ra thở vào với sự có mặt của pháp nào 5 triền cái, 7 giác chi, bát chánh đạo. Biết rõ trong hơi thở này cái gì là 12 xứ, là 5 uẩn, là 4 đế. Đó là kết hợp Pháp Quán Niệm Xứ.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 020
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Thiếu Định

 


Thiếu Định

cetaso vikkhepo
cetaso (citta): tâm
vikkhepo (uddhacca): lăng xăng, không yên

Cái vấn đề lớn của phàm phu là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì chuyện đầu tiên là anh phải bôn ba, miệt mài trong 6 trần. Chưa hết, người thiếu định không biết tìm hiểu kỹ. Biết là người thiếu định là biết tên này chìm sâu trong 5 dục, bảo đảm. Bởi vì khi ly dục thì định nó sẽ mạnh. Mà cái tên nào thiếu định là biết tên này chìm sâu trong dục. Có hai cách chìm sâu:

  1. Chìm sâu trong những thứ mình ghét
  2. Chìm sâu trong những thứ mình thích.
Thích và ghét trong 5 dục là vậy.

Và các vị tưởng tượng ra toàn bộ đời sống này, nếu bỏ thích và ghét thì còn cái gì nữa? Hết rồi. Đời sống này chỉ có khổ, vui, thích, ghét. Đấy, mà chính thiện, ác, buồn, vui nó nuôi dưỡng lẫn nhau. Chính cái thiện nó đem lại cho mình cái mình thích, nó đem lại niềm vui thân, tâm. Còn cái ác, nó đem lại cho mình cái khổ thân, khổ tâm. Cho nên đời sống này nếu mà nói nhân quả thì nó chỉ gồm có thiện, ác, buồn, vui.

Còn nếu nói về 6 trần, thì chỉ có ngọt với đắng. Chúng ta có là con chó, con heo, con mèo, con chuột, hay là con người, mệnh phụ, phu nhân, tướng lãnh, công hầu, ăn mày, du đãng, kỷ nữ, tiểu thương, tất cả đều quẩn quanh ở trong thiện, ác, buồn, vui. Mà vô phúc thay cho kẻ nào sống suốt một ngày chỉ cắm đầu chạy theo 6 trần. Cho nên chúng sanh trong đời chia làm 3 hạng:

  1. Vùi đầu trong 5 trần, sống đam mê trong 5 dục. Gọi là chúng sanh dục giới.
  2. Ly dục và sống nhiều về thiền định, tập trung tinh thần, chứng đắc các tầng thiền định, chết rồi bỏ cõi dục sanh về cõi phạm thiên sắc và vô sắc.
  3. Chán cả thiện ác lẫn buồn vui, thấy buồn vui nào cũng vô ngã, vô thường và thiện ác nào cũng là nhân sanh tử. Hạng này tu tập tuệ quán tứ niệm xứ để không còn sanh tử nữa.
Và tôi quay lại cái nội dung kinh là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì chuyện đầu tiên là anh khổ vì 5 dục. Thứ hai, là anh không có nền tảng cho tuệ học. Nhớ nhé, khi mà anh thiếu định là anh không bỏ được cái khổ trong 5 dục và anh không có được nền tảng tốt cho tuệ học, tức là con đường giải thoát. Cái thiếu định nó lớn chuyện như vậy, nó lớn lắm chớ hỏng phải không.

Mà định là cái gì? Định là gom tâm. Hồi nãy bắt đầu buổi giảng tôi đã nói rồi. Nắng, ánh nắng mặt trời bình thường mình để nó lan tràn, khuếch tán cái năng lượng đó không có xài được chuyện gì hết. Nhưng mà nếu có cái kính hội tụ, mình gom ánh nắng đó lại, nó có thể tạo ra lửa, và với những tấm pin mặt trời người ta có thể biến ánh nắng thành điện. Còn nước cũng vậy, cứ để nó chảy lan man, lan man tràn bờ thì không có giá trị gì hết, nhưng mà khi dựng đập thủy điện lên, thì người ta có thể dùng sức mạnh của nước người ta tạo ra điện.

Tâm mình y chang như vậy. Cứ để nó lăng xăng, lăng xăng trong 6 trần, nó yếu, nó hỏng làm khỉ mốc gì hết. Nhưng khi mà mình tập trung nó lại bằng các đề mục: niệm "đất, đất, đất,... ", niệm "nước, nước, nước,..."; niệm "lửa, lửa, lửa,..."; niệm "gió, gió, gió,..."; "xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng,..." - quan sát cái thở ra, thở vào v v.... (Xin đọc phần định trong Thanh tịnh đạo, cái phần này tôi giảng 8 năm cũng chưa có hết); khi mà mình sống tập trung tinh thần, tập trung tư tưởng trong các đề mục như vậy, nó có mấy cái lợi:

  1. Mình không còn bị khổ trong cái chuyện bôn ba trong 6 trần vật chất.
  2. Mình kiến lập được cái gọi là nền tảng cho tuệ học.
Có nghĩa là sao? Cái ngọn nến mà để gió lất phất, lất phất, nó cứ lung linh, ánh sáng nó không có đủ mạnh. Nhưng mà nếu ổn định không để gió thổi thì cái ánh sáng đó nó lan tỏa ra tốt hơn, đúng không? Ở đây cũng vậy, nếu mà thiếu định, ngọn đèn trí tuệ của mình, một là nó tắt; còn hai nữa, nếu mà nó có, nó leo lét, leo lét, cái này nó không khá. Phải ổn định ngọn lửa, ổn định ánh sáng, thì cái ánh sáng đó nó mới phát huy ra được.

Ở đây, nếu mà anh thiếu định, cái tuệ anh làm việc không được. Anh muốn thấy được cái bản chất của cái thân tâm này là vô ngã, vô thường và do duyên mà có, anh muốn thấy những cái chuyện đó một cách đúng mức, thì anh phải có định. Định làm nền thì tuệ mới làm việc được. Quí vị có thấy người ta lấy mũi khoan để dùi trên ván không? Cái chuyện đầu tiên là anh phải ổn định cái tấm ván, ổn định cái vật mà anh muốn khoan, tiếp theo là anh phải ổn định cái mũi khoan. Ổn định cái mũi khoan, rồi ổn định cái vật mà anh muốn khoan. Ổn định hai thứ này, anh mới khoan đúng chỗ và đúng mức mà anh muốn. Còn không là nó cứ mà cà trầy cà trật. Hoặc là ở đây ai là bác sĩ, ai thường chích tĩnh mạch thì các vị biết. Có nhiều y tá rất dở, nó lụi cả buổi, máu me tùm lum hết, mà nó không có chích được. Trong khi cái chuyện đầu tiên là nó phải cột ở đây trước cái đã, nó mới xác định được là nó sẽ lụi vô chỗ nào, là một phát một là nó phải thành. Còn đằng này nó không biết mạch ở đâu, nó cứ mò mẫm, mò mẫm, rồi nó chọt, nó bấy hầy hết trơn. Cho nên cái định nó quan trọng, thiếu định là coi như chết dịch luôn.

Cho nên ở đây có 3 cái điều gọi là trợ lực cho đạo nghiệp. Cái thứ nhứt đó là cái gì? Đó là khó dạy. Thứ hai là bạn xấu. Thứ ba là thiếu định.

Trích Kinh Tăng Chi VI. IX 115 Ác Ngôn

Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập. Để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Dovacassatāsuttaṃ

Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Dovacassatā, pāpamittatā, cetaso vikkhepo.

Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Dovacassatāya pahānāya sovacassatā bhāvetabbā, pāpamittatāya pahānāya kalyāṇamittatā bhāvetabbā, cetaso vikkhepassa pahānāya ānāpānassati bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā.

Hard to Admonish

Mendicants, there are these three things. What three? Being hard to admonish, bad friendship, and a distracted mind. These are the three things.

To give up these three things you should develop three things. What three? You should develop being easy to admonish to give up being hard to admonish, good friendship to give up bad friendship, and mindfulness of breathing to give up a distracted mind. These are the three things you should develop to give up those three things.

Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.112 Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


24 Duyên theo A Tỳ Đàm

 


24 Duyên theo A Tỳ Đàm

paṭṭhāna

Bộ cuối cùng trong 7 bộ A-tỳ-đàm có dung lượng lớn nhất trong cả Tạng bàn về 24 cách quan hệ giữa Danh Sắc với nhau. Đây là cách phân tích rốt ráo nhất về sự hiện hữu của tất cả hữu vi.

  1. Nhân Duyên hetupaccaya: Gồm 6 nhân thiện và bất thiện trong mối tương quan với các tâm sở và sắc tâm, sắc nghiệp. 6 nhân được ví dụ như gốc rễ của một cội cây.

  2. Cảnh Duyên ārammaṇapaccaya: Là mối quan hệ giữa 6 cảnh đối với tâm và tâm sở. 6 Cảnh ở đây được ví dụ như cây gậy của người tàn tật.

  3. Trưởng Duyên adhipatipaccaya: Là mối quan hệ giữa Tứ Trưởng đối với các pháp đồng sanh, giống như quan hệ của một ông vua hay ông chủ đối với những người dưới quyền. Từ duyên gốc là Trưởng duyên, nếu phân tích thêm thì ta còn có 2 duyên nhánh là Cảnh Trưởng duyên (giúp bằng cách làm đối tượng lớn) và Câu Sanh Trưởng duyên (giúp bằng cách cùng xuất hiện và giữ vai trò chủ đạo).

  4. Vô Gián Duyên anantarapaccaya: Là khía cạnh tiếp nối nhau không gián đoạn của Danh pháp trước và sau. Chính sự tương tục triền miên này là bộ mặt Vô thường, Vô Ngã của pháp hữu vi. Mối quan hệ này được ví dụ bằng hình ảnh một vị thái tử kế thừa ngai vàng của vua cha.

  5. Đẳng Vô Gián Duyên samanantarapaccaya: Giống hệt như Vô Gián duyên. Kinh nói Phật giảng thêm duyên này vì nhắm đến những vị trời chưa kịp hiểu Vô Gián duyên.

  6. Câu Sanh Duyên sahajātapaccaya: Là sự quan hệ giữa những thứ Danh Sắc phải đồng thời xuất hiện chung nhau mới có mặt được. Hình ảnh ví dụ là ngọn lửa mồi và ánh sáng của một ngọn đèn dầu.

  7. Hỗ Tương Duyên aññamaññapaccaya: Là mối quan hệ giữa các pháp với nhau qua mô hình cái này phải tựa vào cái kia như một cái vạc ba chân: Chân nào cũng tuyệt đối quan trọng đối với hai chân còn lại.

  8. Y Chỉ Duyên nissayapaccaya: Là mối quan hệ giữa các pháp với nhau trong trường hợp A giúp B bằnh cách làm chỗ dựa. Hình ảnh ví dụ là một người qua sông phải nhờ con thuyền hay mặt đất đối với các loài sinh vật trên cạn.

  9. Cận Y Duyên upanisayapaccaya: Là sự tiếp sức lẫn nhau giữa các pháp như mưa đối với cây cỏ hay cha mẹ đối với con cái.

  10. Tiền Sanh Duyên purejātapaccaya: Là sự hỗ trợ giữa các pháp với nhau bằng cách có trước để làm nền tảng. Như mặt trăng và mặt trời đối với các sinh vật trên hành tinh.

  11. Hậu Sanh Duyên pacchājātapaccaya: Là trường hợp các pháp hỗ trợ nhau bằng cách xuất hiện muộn hơn. Hình ảnh ví dụ là một chú kên kên con. Theo luật thiên nhiên, kên kên mẹ không mớm mồi cho con, nên sau khi nở ra, có hình hài rồi, kên kên con phải tự tìm thức ăn. Cơn đói của kên kên con là Hậu Sanh duyên cho hình hài của nó.

  12. Trùng Dụng Duyên āsevanapaccaya: Là trường hợp các pháp giúp nhau bằng cách lập lại nhiều lần tác dụng của mình. Đây cũng là chuyện thường thấy trong thiên nhiên. Nói rốt ráo thì chi pháp của duyên này thuộc về nội tâm chúng sinh (giai đoạn Đổng lực) nhưng khía cạnh trùng dụng thì ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong đời sống thường nhật. Như việc người ta phải đọc lại đôi lần để hiểu một đoạn văn khó, hay như một cái chuông gió, một dòng nước suối…chỉ có thể làm được việc khi chúng tái hiện nhiều lần cách vận động cũ.

  13. Nghiệp Duyên kammapaccaya: Là trường hợp tâm sở Tư tác động lên các pháp cùng sanh hay sanh sau mình. Kể cả trường hợp tiền nghiệp quá khứ (tâm sở Tư trong nghiệp thiện ác kiếp xưa) đối với 5 uẩn bây giờ cũng là trường hợp Nghiệp duyên.

  14. Dị Thục Duyên vipākapaccaya: Quả báo phải do nhân trước mà có, và nhân trước phải có quả sau mới được định danh (gọi tên). Như để gọi đó là nhân dục giới hay đáo đại thì phải xem quả của nó là gì. Khi các pháp giúp nhau trong vai trò một quả báo dị thục thì được gọi là Quả duyên.

  15. Vật Thực Duyên āhārapaccaya: Mối quan hệ giữa các pháp với nhau khi A giúp B trong vai trò dưỡng tố, ở đây là một trong Tứ Thực.

  16. Quyền Duyên indriyapaccaya: Là sự trợ giúp của một trong 22 Quyền đối với các pháp khác, như sự hỗ trợ của các vị bộ trưởng trong các ngành.

  17. Thiền Na Duyên jhānapaccaya: Là sự trợ giúp của 7 chi thiền (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định, Ưu, Xả) đối với các pháp khác, Danh hoặc Sắc. Chi thiền ở đây gồm cả thiện lẫn ác.

  18. Đồ Đạo Duyên maggapaccaya: Là sự trợ giúp của 12 chi đạo (8 chánh đạo và tà kiến, tà định, tà cần, tà tư duy) đối với Danh Sắc thích ứng.

  19. Tương Ưng Duyên sampayuttapaccaya: Là trường hợp Danh pháp hỗ trợ nhau bằng cách đan xen hoà quyện vào nhau. Cách hỗ trợ này không thể kể Sắc pháp. Duyên này được ví dụ bằng hình ảnh của các thứ dịch chất trong một chiếc lọ.

  20. Bất Tương Ưng Duyên vippayuttapaccaya: Là trường hợp các pháp hỗ trợ nhau mà vẫn giữ riêng vị thế độc lập. Duyên này được ví dụ như các món nữ trang trong một chiếc hộp, hay từng thứ linh kiện trong một cổ máy.

  21. Hiện Hữu Duyên atthipaccaya: Là trường hợp các pháp giúp nhau bằng cách cùng có mặt như bà mẹ đối với đứa bé.

  22. Vô Hữu Duyên natthipaccaya: Là trường hợp các pháp giúp nhau bằng sự vắng mặt của mình, khoa học hiện đại gọi đó là luật Phủ Định, cái này phải mất đi để nhường chỗ cho cái khác.

  23. Lý Khứ Duyên vigatapaccaya: Là trường hợp các pháp giúp nhau bằng cách rời nhau, giống hệt như trường hợp Vô Hữu duyên.

  24. Bất Ly Duyên avigatapaccaya: Là trường hợp các pháp giúp nhau bằng cách không rời nhau, giống hệt trường hợp Hiện Hữu duyên.

Kinh nói chỉ có Phật trí Toàn Giác mới có thể trình bày rốt ráo giáo lý Duyên Hệ này và chỉ có giáo lý Duyên Hệ mới là bản chất tận cùng của thế giới và điều thú vị là lâu nay nhiều thế hệ tăng tục Miến Điện vẫn xem bài tụng 24 Duyên là mật chú để trừ tà, xua đuổi mãnh thú hay ngăn chận thiên tai rất hiệu quả.

Trích Triết học A Tỳ Đàm

Mở bài Kinh Niệm Xứ



 Mở bài Kinh Niệm Xứ

  1. Vô Thường và Vô Ngã
  2. Nhân và Quả
  3. Khổ và Thất Niệm

Bên Phật giáo Nam Tông thì Kinh Niệm Xứ là cốt lõi của Phật pháp, là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Có người hỏi rằng tại sao chỉ có mấy bài Tứ Niệm Xứ thôi? Có hai bài nổi tiếng là kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ và kinh Niệm Xứ trong Trung Bộ, chỉ có hai bài đó. Nếu pháp môn Tứ Niệm Xứ là quan trọng thì sao chỉ có hai bài thôi? Tôi xin trả lời ngay: Khi nêu đích danh Tứ Niệm Xứ thì trong kinh chỉ có hai bài. Tứ Niệm Xứ được phân tích giải thích đầy đủ chỉ trong hai bài. Nhưng Tứ Niệm Xứ được nhắc tới và tinh thần Tứ Niệm Xứ được bàn bạc khắp nơi trong cả ba Tạng, Kinh, Luật và A Tỳ Đàm. Bất cứ chỗ nào Đức Thế Tôn nói về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 4 đế, thì chỗ đó Đức Thế Tôn đang nói về pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Trong khi đó, chỗ này chúng tôi phải xin lỗi trước, tôi rất là ngạc nhiên và cũng là một sự chạnh lòng, là 95% người Việt Nam và người Tàu khi tìm đến Phật pháp thì rõ ràng do thiếu duyên nên họ cứ bị nhồi nhét tuyên truyền cái pháp môn Tịnh độ, niệm Lục tự Di đà, niệm kinh Bạch y thần chú Quan Thế Âm. Nếu các vị bỏ chút thời gian đọc kinh điển tìm trong toàn bộ Hán Tạng bài kinh nào nhắc tới tên gọi A Di Đà thì sẽ thấy là đã hiếm. Còn kinh nào nhắc tới pháp môn tập trung réo gọi một người nào đó để cầu giải thoát thì tôi dám khẳng định là ngoại trừ kinh Vô Lượng Thọ thì không có một chỗ nào trong ba tạng mà kêu gọi cái tinh thần tu tập bằng cái kiểu đó; nghĩa là réo gọi ai đó để cầu giải thoát. Tôi e rằng không có. Quý vị không tin chúng tôi thì có thể tìm hỏi những vị danh tăng bên Bắc tông coi có đúng vậy không, nói với họ là có ông bên Nam tông ổng nói vậy.

Chúng tôi có xin lỗi trước vì chúng tôi không hề có ý bài xích nhưng xin bà con phật tử Việt Nam lưu ý giùm điểm đó. Nếu quả thật pháp môn Tịnh độ mà quan trọng như vậy, hữu ích, lợi lạc như vậy thì ít ra cái tinh thần của pháp môn đó phải được phổ biến bàn bạc khắp nơi trong kinh điển, chứ có đâu mà chỉ được nhắc đến trong một bài kinh nhỏ xíu cực kỳ ngắn ngủi và ngoài bài kinh đó ra thì khi tìm chỗ nào trong kinh điển mà nhắc lại cái tinh thần tu tập kiểu đó thì sẽ không thấy nữa.

Kinh Tứ Niệm Xứ lại khác. Ngoài hai bài nêu đích danh và phân tích sâu rộng về Tứ Niệm Xứ thì chúng ta thấy tinh thần pháp môn Tứ Niệm Xứ được bàn bạc, phảng phất, lảng vảng, khắp nơi trong cả ba kinh tạng.

Xin xác nhận thêm một chuyện nữa là bản thân chúng tôi, người đang hầu chuyện cùng quý vị, chúng tôi không phải là hành giả chuyên nghiệp, chứ đừng nói gì là thiền sư, cũng không phải là pháp sư tam tạng, đừng nói gì là thánh nhân. Có vị sẽ hỏi: Cái gì ông cũng nói không hết thì ông dựa vào cái gì, căn cứ trên cái gì để mà ông tin Phật? Thì tôi xin thưa bằng cái phàm phu của tôi, tôi tin Phật qua các điểm sau đây:

  1. Vô Thường và Vô Ngã: Phật dạy cái gì ở đời này đều là vô thường. Trong cái kém cỏi của mình, tôi thấy hình như đúng. Quý vị có thể nói với tôi là vàng ngọc kim cương quý hiếm là lâu bền, không bị oxy hóa gì gì, tôi không cần biết. Tôi chỉ biết rằng khoa học đã xác nhận là sẽ có một ngày cái trái đất này nó không còn nữa, sẽ có một ngày ngay cả mặt trời nó cũng sẽ không còn nữa, và trước mắt là sẽ có một ngày cái cục thịt mấy chục kilo này của tôi đây nó cũng sẽ không còn nữa. Thì ba cái đó là đủ để mình tin Đức Phật nói đúng, cái gì cũng là vô thường. Và hễ nó vô thường là nó không thật sự của tôi. Tôi đâu muốn có mất mát, chia ly, hư hao, băng hoại. Tôi không thích những chuyện đó nhưng mà nó vẫn theo duyên mà nó chuyển ra, xảy ra và theo duyên nó mất. Từ chỗ tôi tin cái lý vô thường tôi tin cái lý vô ngã. Mọi chuyện theo duyên mà có, có rồi thì tùy duyên mà mất.

  2. Nhân và Quả: Phật dạy rằng mình phải chịu trách nhiệm những gì mình nói, mình làm, mình suy tư. Ở đây tôi nhắc lại tôi là một người phàm dốt nát, tôi nói thật, chứ không vì khiêm tốn. Cái biết của mình nó chẳng là cái gì trong trời đất này. Tôi đem cái khờ ngu của tôi để tôi hiểu lời Phật dạy về lý nhân quả. Nếu mình làm chuyện xấu, chuyện bậy, chuyện ác thì mình sẽ bị khổ, bị rắc rối. Còn khi mình làm chuyện lành, chuyện tốt, chuyện thiện thì chắc chắn là mình được vui, được an lạc. Bằng kiểm nghiệm bản thân, tôi thấy hình như đúng, tôi tin chuyện này. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

  3. Khổ và Thất Niệm: Phật dạy rằng cái khổ của thế giới do Khổ Quả nhưng không đáng kể bằng Khổ Nhân. Khổ Quả là thế này: Do quả bỏn xẻn mà tôi nghèo, do quả sát sanh mà tôi bệnh, do quả nói xấu người ta mà giờ tôi bị người ta chửi. Đó là khổ quả. Nhưng còn cái khổ nhân là thế này. Khi một bậc thánh bị chửi, bị đói thì ngài không có khổ như người phàm. Khi người phàm bị đói, bị đánh, bị bịnh, bị chửi, nó thấy khổ, nó khổ nhiều hơn bậc thánh. Vì sao? Vì cái Nhân phiền não vẫn còn. Bị đánh, bị chửi, bị đói, bị bịnh, là cái quả xấu, Quả khổ, tuy cũng thấy ớn thiệt, Đức Phật cũng gặp phải nạn này nạn kia, nhưng cái Quả khổ nó làm khổ ít hơn là cái Nhân. Vì chúng sanh mình còn phiền não cho nên mình đón nhận cái Quả khổ bằng cái Nhân phiền não. Đức Phật xác định là cái khổ ở đời là do phiền não. Và cái phiền não đến từ đâu? Cái tham, sân, si đến từ đâu? Quý vị có thể nói là do vô minh gì gì, nhưng ở đây tôi nói trong tinh thần Tứ Niệm Xứ, thì phiền não là do Thất Niệm. Trong một phút giây nào mà anh sống thất niệm là chắc chắn anh khổ. Quý vị dắt lại cho tôi hai người, thằng Tèo và thằng Tí. Thằng Tèo thì đẹp trai, mạnh khỏe, học giỏi, đào hoa, làm ăn may mắn suông sẻ, nhưng nó sống thất niệm. Còn thằng Tí chỉ có một sào đất, trồng trọt hoa màu kiếm sống lây lất nhưng nó có lối sống của Phật tử thứ thiệt, một hành giả Tứ Niệm Xứ thứ thiệt. Trong thâm tâm tôi thì tôi tin chắc là thằng Tí nó sống an lạc. Và sống thất niệm như thằng Tèo thì tôi dám khẳng định là nó sẽ không thể sống an lạc.

Một người tin Phật, thờ Phật, tu Phật, học Phật, theo Phật bắt buộc phải biết ba điều trên đây. Khi mình tin và biết ba cái này, thì liếc mắt vô kinh Niệm Xứ là sẽ thấy mình nằm trong đó. Kinh Tứ Niệm Xứ là kinh xác nhận ba điểm này.

Trên đời này không có cái gì để mình bám víu vào được, không có cái gì mình nhờ cậy được; bởi vì cái giống gì nó cũng vô thường hết. Nó có đó rồi nó bỏ nó đi. Ngay cả một vị thánh có tất cả những pháp thánh, thành tựu trí tuệ đức hạnh đủ thứ nhưng rồi một ngày cái danh cái sắc của ngài nó cũng bỏ lại hết mà đi. Đó là thánh nhân còn vậy thì nói chi là ba cái thứ tào lao của đám phàm phu. Ba cái thứ tiếng tăm, sức khỏe, quyền lực, quen biết quan hệ xã hội, tùm lum ... sẽ có một ngày nó bỏ đi hết sạch.

Pháp môn Tứ Niệm Xứ chính là cái phao nổi để cái đám đang sắp chết đuối chúng ta bám vào đó mà sống.

Quý vị là xuất gia hay tại gia, già hay trẻ, khỏe hay bịnh thì tôi không cần biết tôi chỉ nhắc quý vị câu này:

Phúc thay cho kẻ nào có niềm tin, có trí tuệ để được sống chánh niệm.
Bất hạnh thay cho kẻ không có đủ niềm tin và trí tuệ để phải sống thất niệm.

Có nhiều người có lẽ vì thiếu phước hoặc là duyên đưa tới mà họ có thắc mắc thế này: Mình tu là phải nghĩ tưởng tới Phật, réo gọi Bồ tát, thờ cúng cái gì đó linh thiêng, cao siêu. Chứ tu cái gì mà cứ quẩn quanh ba cái hơi thở ra vô, ra vô. Tu kiểu đó có gì đâu mà hay? Còn Chánh niệm thì là gì? Làm gì biết nấy, buồn vui tốt xấu hiểu rõ - thì cũng có gì là hay? Tu là phải tiếp xúc với cái gì nó cao siêu thiêng liêng chứ còn ba cái tu tập gì long móng lăn da, nghe thấy gớm rồi. Còn hơi thở của mình nó ra vô thây kệ nó, nó có cái gì mà mình phải dòm, phải quan sát nó? Mình tu là mình phải để cái đầu mình nó hướng đến cái gì cao siêu.

Tôi xin thưa với bà con câu này mà tôi đã nhắc lại cả ngàn lần:

"Đường vào rừng và đường ra khỏi rừng chỉ là một. Cái quan trọng là cái mặt của mình nó hướng về đâu, cái mắt của mình nó nhìn về đâu."

Cho nên các vị cứ nói tu là réo gọi Phật, Bồ tát tùm lum thì tôi xin thưa: Những vị đó họ cao siêu lắm, đừng có đụng tới họ. Họ không có mắc mớ gì tới cái chuyện tu hành của mình. Vì người ta đã đạt được, đắc xong cái chuyện của người ta rồi. Cái chuyện mà Đức Phật là Toàn Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác là chuyện của ngài. Người ta là ông vua còn mình là ăn mày, chẳng mắc mớ gì mình. Cái mắc mớ duy nhất tới mình là Ngài nói cái gì. Xin nhớ là Ngài đã thành Phật, Ngài niết bàn rồi. Cái chuyện Ngài thành thì mình được cái gì trong cái thành đó? Cái quan trọng nhất là Ngài dạy mình cái gì thì cái đó mới là quan trọng, cái đó mới là cái mắc mớ tới mình.

Một thí dụ nữa là quý vị có là tỷ phú thì chuyện đó đối với tôi không quan trọng mà cái quan trọng là quý vị cho tôi được cái gì. Cái đó đối với tôi mới là quan trọng. Trên thế giới này có biết bao nhiêu tỷ phú mà mình trong đây có ăn chia được cái gì đâu? Chuyện người ta là tỷ phú là chuyện của người ta. Cái quan trọng là người ta cho mình được cái gì. Cho ở đây có thể có hai: Một là cho hiện kim hiện vật; Hai là cho kinh nghiệm, lời khuyên, gương sống, cách thức làm ăn để mình có ngày mình được giàu gần bằng họ. Thì cái thứ hai đó nó mới là quan trọng.

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Mùi Thơm Của Trái Mít

 Mùi Thơm Của Trái Mít

Hôm trước đi sang Myanmar tôi có mua một trái mít khi ghé qua Mandalay. Thì khi ăn trái mít tôi mới nhận ra được một chuyện rất thú vị nhưng lại ngậm ngùi. Trái mít nó cũng giống như con người vậy. Khi nó còn non, chưa có mùi thơm, gai chưa nở, nhìn không bắt mắt thì tuổi thọ của nó còn dài. Nhưng khi trái mít bắt đầu nở gai, có mùi thơm, thì cũng là lúc nó sắp sửa lìa cành, người ta không hái nó thì nó cũng tự rụng. Bởi vì cái mà mình gọi là mùi thơm của trái mít thật ra là tử khí, là mùi của cái nguồn sắp chết. Con người nhận thấy tử khí khi đến gần người lìa đời. Những loài chim kên kên quạ có khả năng ngửi thấy mùi tử khí của người sắp chết từ xa và trên cao.

Câu chuyện và kinh nghiệm về trái mít nó làm tôi nhớ đến kiếp người. Cho đến khi một người có một chút địa vị, danh phận, sự nghiệp, giàu sang, con cái thành đạt, mua nhà, cháu chắt ngoan, dễ thương, có thể ngồi hưởng thì cũng đã quá 50 rồi. Cho nên có thể gọi cái sự thành công của con người chính là cái mùi tử khí.

Có một câu chuyện rất là sâu sắc mà tôi muốn kể cho quý vị nghe hôm nay:

Có một anh kia rất là nghèo, cả đời làm thuê mướn cho người ta, rất cơ cực. Anh ta đã 50 tuôi rồi mà đời vẫn không khá. Một hôm anh đi ngang chỗ ông thầy bói nổi tiếng nhất trong khu vực, tiền quẻ rất cao. Anh tự nhiên thấy cao hứng vì lý do gì đó, anh móc hết bao nhiêu tiền trong túi anh có vào đặt quẻ. Anh nói rằng anh rất nghèo, lâu nay không nghĩ hay tin gì chuyên bói toán, nhưng hôm nay anh ngẫu hứng xin một quẻ về hâu vân của anh ta. Anh kể lể là đời anh rất là khổ cực, làm sao cho bớt khổ.

"Con nay đã hơn 50 mà sao nghèo cực quá, cơm không được bữa nào ngon như ý, áo quần thô sơ tiên đâu mua đó, tết nhất không có bánh mứt như người ta, giỗ lễ ông bà thì sơ sài, ... . Đây là toàn bộ số tiền con kiếm được hôm nay, xin thầy gieo quẻ giúp con. Đời con quá khồ, khổ vì nghèo. Thầy làm sao giúp cho con chuyển cái số phận nghèo này ..."

Ông thầy bói xem chỉ tay và hỏi chi tiết tên họ ngày giờ sinh năm tháng đẻ của anh ta, của cả cha mẹ anh ta. Hỏi xong thì ông thầy bói mới phán thế này:

"Câu nhờ tôi bói về cuộc đời của cậu, một phần câu muốn biết cái hậu vận của cậu có bớt khổ hay không. Thôi thì như vầy, tôi sẽ tận lực giúp cậu bớt khổ, nhưng còn chuyện cậu có bớt khổ hay không thì 50 phần trăm là do sức của tôi còn 50 phần trăm là sức của cậu. Cậu nghe cho kỹ đây. Số của cậu không có tệ. Trong vòng năm tới mười lăm năm, cậu sẽ thành đại phú hào, giàu nứt vố đổ vách, giàu có nhất trong khu này, nhưng có một điều - số của cậu nghèo thì thọ mà giàu thì yểu. Cái mạng này tôi cãi không được. Nếu cậu muốn thì tôi chìu. Nếu nghèo thì cậu sống đến chín chục, nhưng nếu khi giàu thì tôi không chắc cậu sống dược bao lâu, muốn đi lúc nào là đi thôi, cứ qưỡn là đi."

Anh nhà nghèo kia suy nghĩ thì thấy mình đang quá nghèo, mà năm mười năm nữa trở thành giàu có thì cũng được.

Theo các quý vị ở đây, nếu các quý vị ở trong trường hợp của anh ta, quý vị có muốn giàu không? Tôi nghe có vị nói là "Có, muốn giàu".

Nhưng mà trong câu chuyện thì lại là không. Anh ta nghèo quá, muốn đổi đời, nhưng đêm về nằm một mình ngó lên vách, anh ta ngồi dậy nghĩ: "Thà nghèo, bữa đói bữa no, mà sống tới chín chục. Chứ còn giàu nứt đố đổ vách mà được có mấy ngày thì giàu với ai? Giàu để làm gì?"

Thế là kể từ hôm đó anh ta yêu cái nghèo của anh hơn bao giờ hết. Tôi cũng vậy. Nếu tôi ở hoàn cảnh của anh ta, tôi cũng thà tôi nghèo mà sống tới chín chục, tuy không biết sống để làm gì.

Tây có một câu rất phổ biến: "Ai cũng muốn sống lâu nhưng ai cũng sợ già" - Rất kỳ cục nhưng đó là sự thật.

Thế rồi sau một năm, hai năm, đến năm thứ ba thì anh nhà nghèo kia mới làm một mâm lễ vật, rượu trà, mứt bánh phong phú, thật to, thật đầy đủ đem đến quỳ lạy trả lễ cho ông thầy bói. Ông thầy bói cầm quạt phe phẩy, nhìn mâm quả rất to, rất quý, và nhìn anh nhà nghèo tay lấm chân bùn, áo rách trước rách sau, quần ông cao ống thấp, hỏi: "Sao rồi, bộ trúng mánh rồi hả? Tại sao đến trả lễ cho tôi?"

Anh ta trả lời thế này: "Thưa thầy, con vẫn nghèo, mà giờ còn nghèo hơn xưa nữa thầy ơi."

"Vậy sao anh phải tới cảm ơn tôi?"

"Dạ vì ngày trước con thấy nghèo là nghèo. Nhưng hôm nay con thấy nghèo nó đồng nghĩa với trường thọ. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, là trước kia mỗi khi tết nhất giỗ lễ mà nhà không có gì con tủi lắm, con lén ra sau nhà ngồi khóc. Nhưng bây giờ lại khác, thầy biết không, mỗi bữa ăn mà thiếu cái này cái kia, con vui lăm. Vì con nghĩ cho mày nghèo nát luôn, miễn sống lâu là được rồi ..."

Câu chuyện thâm thúy là chỗ đó.

Muốn trồng Hoa phải làm Cỏ

 Muốn trồng Hoa phải làm Cỏ

KTC 6. 12. 121. Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?
Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học pháp vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp này cần phải tu tập.

dassanāsavanālābhāsikkhāpāricariyāanussatā
thấynghelợi đắchuấn họcphục vụtùy niệm

AN 6. 12. 140. ‘‘Rāgassa, bhikkhave, abhiññāya cha dhammā bhāvetabbā. Katame cha?
Dassanānuttariyaṃ, savanānuttariyaṃ, lābhānuttariyaṃ, sikkhānuttariyaṃ, pāricariyānuttariyaṃ, anussatānuttariyaṃ. Rāgassa, bhikkhave, abhiññāya ime cha dhammā bhāvetabbā’’

Cái đầu tiên là thấy vô thượng tức là cặp mắt thấy được hiền thánh. Chúng ta phải tâm niệm như thế nào, bởi đây Ngài xài chữ tu tập, chúng ta phải tu tập như thế nào mà để đời đời sanh ra gặp thánh hiền biết liền; nghe được chánh pháp là biết liền, hiểu liền; mà nếu ngon cái nữa, hành trì liền, đắc chứng liền.

Nhưng mà cái bước đầu tiên là mở banh con mắt u mê của mình ra, mình gặp thánh hiền mình biết đây là thánh hiền. Khi đã thấy thánh hiền thì mình làm sao mình lượm được mớ thánh hiền mình bỏ túi, cái thấy đó mới là cái thấy vô thượng.

Tôi nói hoài: Mỗi giây mỗi phút chớ không phải là mỗi ngày mỗi giờ - mỗi giây, mỗi phút - anh thích cái gì, anh ghét cái gì, anh quan tâm cái gì, anh nặng lòng cho cái gì rất quan trọng. Chính cái đó, chính cái mà anh ghét, chính cái mà anh thích, chính cái mà anh quan tâm, cái mà anh nặng lòng, chính những cái đó nó mới dìu dắt anh, nó mới xô đẩy anh trôi về một cái phương trời nào đó trong cái tam thiên đại thiên thế giới này, trong một cái góc xó xỉnh nào trong cái cuộc đời này. Anh tiếp tục làm công hầu khanh tướng, kỹ nông công thương, nam phụ lão ấu, bàng sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngục là tùy cái chuyện mà anh thích cái gì, anh ghét cái gì. Bởi vì chính cái thích và cái ghét, chính cái mà anh nặng lòng, chính cái mà anh quan tâm nó mới dẫn đến hành động của anh. Và hành động đó chính là nghiệp. Rồi nghiệp nó đẫn đến tái sanh cảnh giới để anh đi về. Nhớ nha.

Bây giờ anh muốn gặp hiền thánh thì anh phải dọn cái lòng của anh làm sao mà hiền thánh chỉ đặt chân lên đó là có chỗ đứng trong lòng của anh. Còn đằng này trong lòng của anh nó toàn là gai góc, miểng chai, lựu đạn không thì hiền thánh nào mà đặt chân lên đó được? Anh tưởng tượng. Có biết bao nhiêu là người trong đây cũng mang tiếng là nghe pháp, giảng kinh, chép kinh tùm lum hết nhưng mà cuối cùng cái phần vật chất trong lòng mình nó còn được bao nhiêu? Mình muốn rước thánh hiền về với lòng mình, mình phải có chỗ cho người ta đứng, có chỗ cho người ta ngồi chớ. Mình muốn hoa nó nở trong vườn của mình, thì mình phải dọn nó làm sao chứ toàn là cỏ dại, gai góc không thì làm sao hoa nó mọc được? Anh phải dọn đất làm sao tôi không biết, miễn là anh dọn làm sao đó mà hoa nó có chỗ để nó mọc. Anh dọn cái con mắt của anh làm sao đó mà nó có chỗ để mai mốt nó còn nhìn hiền thánh. Chứ còn không anh phải nhìn hiền thánh bằng cái con mắt mà coi như là tỵ hiềm, ghen ghét thì chết rồi.

Cho nên thấy vô thượng là như vậy. Thấy được đối tượng xứng đáng bằng một cái nhận thức tương xứng. Rất là khó. Thì đó là thấy vô thượng.

Nghe vô thượng cũng vậy, cũng cứ vậy mà hiểu. Trong cái vòng sinh tử lỗ tai này nghe biết bao nhiêu, nghe tiếng người ta hát, người ta ca, nghe tiếng người nói, trâu rống, chó sủa, gà kêu, mễnh tát, nghe hết, nghe đủ thứ âm thanh. Nhưng mà nghe được cái gì mà nó thay đổi được con người của mình, nó thay đổi được đời sống của mình từ xấu thành tốt, từ đau khổ qua an lạc, từ thấp lên cao, từ hướng hạ sang hướng thượng, từ thụt lùi sang tiến bộ.

Anh nghe kiểu gì? Có biết bao nhiêu chuyện để anh nghe, anh nghe nhạc, anh nghe người ta chửi lộn, anh nghe cái tiếng trời gầm, anh nghe tiếng nước chảy, thác đỗ, gió thổi .v.v. Biết bao nhiêu âm thanh để anh nghe. Nhưng anh nghe cái gì mà nó thay đổi được con người của anh? Chỉ là nghe lời của thánh hiền, nghe lời của người lành, nghe lời của minh sư thiện hữu. Thì cái nghe đó, cái âm thanh đó, cái tiếng động đó nó mới được gọi là vô thượng vì nó giúp được anh. Còn bao nhiêu cái thứ âm thanh mà nó không giúp được gì cho anh hết, thì anh có nghe rách cái màng nhĩ cũng không được gì.

Trích bài giảng ngày 26.06.2019 KTC.6.121 Tham
Kalama xin tri ân đạo hữu elteetee ghi chép

Mahākassapa (Maha Ca-Diếp)

 


Mahākassapa

Nói đến Ngài MahàKassapa (Maha Ca-Diếp) thì có cái chuyện đặc biệt phải kể.

Cách đây 100 ngàn đại kiếp thì Ngài là một người cư sĩ, thỉnh Đức Phật Padumuttara và Chư Tăng về nhà cúng dường. Thì hôm đó khi Đức Phật và Chư Tăng đang ngồi trong nhà ông thì ông thấy có một Tỳ-kheo ôm bát đi ngoài đường. Ông mới cho người chạy ra thỉnh Ngài vào luôn. Ngài này tướng hảo quang minh, chói ngời mô phạm, đạo cốt tiên phong, đẹp lắm! Nhưng mà khi ra mời thì Ngài từ chối, Ngài nói là:

- Ta chỉ nhận thức ăn trong bát, chứ ta không có vào ngồi ăn bên trong nhà như vậy.

Ông này nghe như vậy thì ông để bát. Xong rồi là Ngài đi. Ông cư sĩ này mới vô hỏi Đức Phật vì sao mà có chuyện đó. Vì sao vị đó không chịu vào đây ngồi dùng chung với Thế Tôn và Chư Tăng mà lại đi kiểu đó? Trong Chú Giải nói rằng Đức Phật lúc đó Ngài cố ý. Cái chuyện vị kia và cả Đức Phật lúc đó đều là do sự sắp đặt hết! Ngài cố ý cho ông thấy vì Ngài biết cái ông cư sĩ này sẽ mê cái hình ảnh đó. Chứ còn cả Đức Phật lẫn cái vị kia đều A-la-hán hết, có ai mà muốn ăn uống gì ba cái vụ kính bái của người ta đâu! Nhưng mà tại vì muốn giúp ông này.

Đức Phật Padumuttara Ngài mới giải thích thế này:

- Như Lai và Chúng Tỳ-kheo thì có thể dùng ngọ ở trong mái che hay ăn trong bát ở ngoài rừng, ngoài bụi cũng được, tùy duyên. Nhưng riêng những vị hạnh đầu đà như vị đó thì người ta chỉ có ăn trong bình bát thôi, đói no, ngon dở, nóng lạnh, hẩm hiu, thì có bao nhiêu đó thôi!

Rồi Ngài mới liên tục Ngài nói Như Lai và Chúng Tỳ-kheo có thể ở trong nhà có mái che, có lợp, có lót, có vách, có phênh, có cửa, có nẻo đàng hoàng, nhưng những Tỳ-kheo như ngươi mới thấy đó, là chỉ có ngoài rừng, ngoài bụi, hang động, gốc cây mà thôi. Như Lai và Chúng Tỳ-kheo, ai may Y sẵn cúng thì nhận cũng được nhưng mà vị Tỳ-kheo hồi nãy thì không, phải tự mình đi lượm. Rồi Ngài nói một hơi về 13 Pháp Đầu Đà.

Ông cư sĩ này ông nghe ông mê quá mê. Từ cái khuynh hướng tâm lý mà ông hết cái để mê, ông lại đi mê cái kiểu tu mà "đoạn trường tân thanh" như vậy mới mệt chứ! Ông cúng dường xong, ông nguyện:

- Mai mốt đời sau con nguyện trở thành một vị Tỳ-kheo giống y chang như vậy trong đời tương lai.

Thế là sau nhiều kiếp luân hồi, thì Ngài đi qua kiếp này kiếp kia, lúc siêu, lúc đọa. Có cái vụ này mới quan trọng: Qua nhiều kiếp luân hồi, lúc siêu, lúc đọa, cũng làm chó heo mèo vịt, làm trùn, làm dế, rồi tùm lum hết, rồi cuối cùng trở lên làm người, đại khái vậy.

Sẵn đây chúng tôi nói luôn là Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, sau khi được thọ ký thì dầu có sa đọa cũng không sanh làm loài nào nhỏ hơn cái nắm tay. Thinh Văn thì bất định nhưng riêng Bồ Tát Chánh Đẳng Chánh Giác thì sau khi mà được thọ ký dầu có sa đọa cũng không có sanh làm loài nào mà nhỏ hơn cái nắm tay. Độ lớn thì không giới hạn, nhưng mà nhỏ thì không nhỏ dưới cái nắm tay. Vì sao? Vì do cái phước ba-la-mật nâng đỡ. Khi làm cái loài nhỏ quá, cái não trạng của nó có vấn đề. Thí dụ như làm con tôm, con nghêu sò ốc hến, làm con ruồi, con muỗi, .... mang tiếng là chúng sanh mà cái đầu của nó như cục đất vậy đó! Thì do cái phước của Ngài nâng đỡ, dầu có bị đọa cũng không có làm cái loài mà trong Kinh kêu là muội lược như vậy. Do cái phước ba-la-mật nó nâng đỡ. Người có phước ba-la-mật nâng đỡ dầu có bị đọa cũng khác người ta một chút. Phải nhớ ở chỗ này. Cũng giống như người đẹp, dầu có lấm lem lọt xuống hầm phân thì cũng là đẹp.

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng dưới sình cũng xinh!

Thì ở đây có kiếp Ngài làm con này, kiếp làm con kia, mãi cho đến đời Phật Vipassì (Phật Tỳ-ba-thi). Nhắc lại, vị Phật đầu tiên Ngài gặp để nguyện là Phật Padumuttara, vị này là cách nay 100 ngàn đại kiếp. Tất cả Đại Thinh Văn của Thế Tôn đều được vị này thọ ký. Vì sao vị này phải có mặt cách Đức Phật mình tới 100 ngàn đại kiếp? Vì cái thời gian đó là thời gian bắt buộc để cho tất cả những vị Đại Thanh Văn đệ nhất này, đệ nhất kia, họ có đủ thời gian để họ nguyện. Sau khi Ngài Ca-diếp Ngài gặp Phật này xong rồi luân hồi không biết bao nhiêu kiếp, cho đến đời Phật Tỳ-bà-thi (Vipassì) cách đây là 91 đại kiếp thì Ngài Ca-diếp lúc đó Ngài sanh làm một ông Bà-la-môn nghèo. Nghèo coi như là không có cục đất chọi chim, không có miếng đất cắm dùi. Nghèo lắm. Hai vợ chồng chỉ có một miếng vải choàng thôi. Ở dưới thì lấy bắt chước như Trần Minh khố chuối, quấn tầm bậy tầm bạ. Nhưng phần trên khi đi ra ngoài muốn có mặt mũi với người ta, thì hai vợ chồng có cái áo choàng thôi. Lúc đó thiên hạ thái bình, chúng sanh an cư lạc nghiệp, ngủ không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai lượm. Chúng sanh sống đúng như là nằm trâu thổi sáo, mơ đời Thuấn Nghêu, cái thời an bình vậy đó!

Tuy thái bình thịnh trị nhưng mà theo thông lệ xã hội thì đàn ông đi đêm ok còn đàn bà đi đêm thì nó hơi kỳ. Đàn bà con gái con lứa mà đêm hôm lầm lầm lũi lũi thui thủi bước đi trên đường hoang vắng thì cũng kỳ. Cho nên lúc đó những phật tử đi nghe Pháp ban đêm thường là nam. Còn ban ngày thì nữ muốn đi thì đi. Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy để cho bà con đừng có thấy lạ. Ngài Ca-diếp kiếp này sanh vào làm một ông Bà-la-môn nghèo lắm, mà hai vợ chồng chỉ có cái áo choàng thôi,

Trong cái kiếp này Ngài nghèo lắm mà Ngài đi nghe Pháp thì Ngài thích quá. Ngài mới suy nghĩ hoài: "Thiệt tình thấy người ta cúng dường ham quá. Mình thì gia tài có mỗi cái khăn này. Mình đàn ông con trai mình không có choàng thì không sao, chứ còn bà xã của mình sao? Bây giờ cúng dường cái khăn thì khi bả đi chùa bả không có cái gì quấn coi sao được?"

Ngài cứ do dự do dự mãi cho đến nửa đêm thì Ngài quyết định cắn răng Ngài cúng. Ngài càng nhìn Phật là Ngài càng thương càng quý nên Ngài cúng cho Phật. Ngài thấy tắm khăn choàng của mình cũ quá, Ngài không biết Phật có thề dùng nó cho việc gì nên Ngài xếp và để phía trước chỗ Phật ngồi để Phật lau chân. Chỉ vậy thôi!

Trong Kinh nói ông vua đệ tử ruột của Đức Phật, cỡ như ông Cấp-cô-độc vậy đó, đêm đó ông đi nghe Pháp. Ổng nhìn thấy cái miếng vải chùi chân phía trước Đức Phật nó sáng chói lòa! Ông mới ngạc nhiên lắm:

- Bạch Thế Tôn, cái miếng vải này bằng cái chất liệu gì mà đặc biệt quá?

Đức Phật Ngài dạy rằng:

- Bình thường thôi, không có gì đặc biệt hết Đại vương à. Nó chói lòa là vì cái tín tâm của cái người cúng dường đó thôi!

Thì ông vua nghe ông lạ lắm:

- Bạch Thế Tôn, chúng con cũng cúng dường, cũng tín tâm thuần cốt, chúng con cũng thương Phật, quý Phật, kính Phật, trọng Tăng, mà tại sao không có được cái hiện tượng này?

Đức Phật nói:

- Các ngươi cúng dường nhiều thiệt, nhưng mà tính ra cái ông này Đạo Tâm của ông nó thuần cốt, nó đặc biệt lắm. Có thể nó đặc biệt hơn. Gia tài người ta chỉ có một cái mà người ta đã hy hiến trọn vẹn không giữ lại!

Ông vua nghe như vậy ông thương quá, ông mới đem cúng, ông đem tặng lại cho ông này những miếng vải choàng mà trị giá hàng ngàn đồng vàng. Thì ông nhà nghèo này mới suy nghĩ: Tại sao mình nghèo? Là tại vì mình không có bố thí. Bây giờ gia tài mình có một tấm để choàng mà mình cũng cúng làm phước. Bây giờ lại có được nhiều, thì tại sao mình không làm phước tiếp? Ông mới bèn đem cúng tiếp cho Phật. Vua cho bao nhiêu ông đem cúng hết cho Phật chỉ giữ lại 2 cái cho ông với vợ ông thôi! Chưa hết. Cái tích nó dài dữ lắm. Rồi hết cái kiếp đó ông về trời, rồi ông lọt xuống. Cũng đọa nữa! Đi vòng vòng vòng vòng làm vua, làm tướng, ăn mày, ăn cướp, thầy chùa, du đãng, đủ thứ, rồi trùn dế cào cào, trâu heo chó ngựa, đi vòng vòng vòng vòng. Đã gọi là luân hồi mà. Quý vị biết cái đó mới thấy xanh mặt!

Cuối cùng trong vòng luân hồi, trong đây tôi kể vắn tắt là nhiều kiếp và rất nhiều kiếp, Ngài Ca-diếp có duyên đặc biệt với các Đức Phật Độc Giác. Tức là những lần mà không có gặp Chánh Đẳng Chánh Giác, thì Ngài cứ gặp Đức Phật Độc Giác rất là thường. Độc Giác nghĩa là tự ngộ mà không có đệ tử. Mà vì sao ông hay gặp họ? Vì cái tâm! Cái tâm mình lành nên hễ trên đời có Hiền Thánh là mình có cơ hội gặp.

Khi ta có tâm lành thì tự nhiên không có Chánh Đẳng Chánh Giác thì cũng gặp được Độc Giác, mà không có Độc Giác cũng gặp Đạo Sĩ chân tu. Còn người không có lòng cầu Hiền, thì 8 ngàn vị A-la-hán có đứng trước mặt mình cũng như đui mù không thấy được. Người có lòng cầu Hiền, cầu Thánh thì trên đời này hễ có Thánh, có Hiền là tự dưng, một là Thánh Hiền họ sẽ thấy căn cơ của mình họ tới họ cho mình gặp. Còn hai nữa duyên cũng đẩy đưa để cho mình tới mình gặp mấy vị đó. Cái chỗ này nó vô cùng và vô cùng quan trọng. Rất là quan trọng. Có được cái lòng cầu Hiền không phải dễ đâu.

Có một người con gái kiếp xưa cách đây 100 ngàn đại kiếp, khi nàng nghe Ngài Ca-diếp được thọ ký sau này thành đệ nhất đầu đà nàng đem lòng thương quý và từ đó hễ có dịp luân hồi là họ gặp nhau, là sáp vô nhau; có lúc làm bạn, có lúc làm chị em, có lúc làm vợ chồng, có lúc làm mẹ con, mà cứ như vậy suốt mùa thu sanh tử. Đến cái kiếp cuối cùng thì chàng và nàng đều sanh về cõi Phạm Thiên. Rồi từ Phạm Thiên do duyên lành thúc đẩy cả hai đều sanh xuống cõi người, và gặp được Giáo Pháp, xuất gia, đắc La-hán hết.

Chuyện đời của Ngài Ca-diếp dài lắm. Khi trên Phạm Thiên Ngài xuống thì vì Ngài ở trên đó lâu quá cho nên cái lòng của Ngài ly dục. Ngài gặp nữ sắc Ngài không có cảm giác. Ăn ngon mặc đẹp cũng kông có cảm giác. Nói chung là 5 dục đã không có cảm giác mà còn thấy ớn, thấy mệt. Gia đình Ngài là đại thế gia, trang trại rộng đến mức không thể đi bộ mà chỉ có thể cỡi ngựa phóng ào ào để coi người ta làm sao rồi quay trở về, gác chân lên nằm nghỉ ngơi, không có đi tà tà được vì rộng lắm!

Một bữa trưa Ngài thấy nắng chang chang mà sao thấy mấy con trùn nó nóng quá nó chun lên mặt đất, nó bò quằn bò quại, rồi kiến bu, rồi mấy con chim tới mổ ăn, con chim lớn rượt con chim nhỏ, ... Tất cả những hình ảnh đó, trời thì nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại, rồi gặp sâu bọ giòi trùn dế chim chóc rượt nhau, rồi tiếng người làm công kêu gọi nhau ơi ới, cả một không gian âm thanh ánh sáng hỗn độn mà mõi mệt, khiến cho Ngài chạnh lòng. Ngài nghĩ: "Trời đất! Nếu mà quả thật cuộc sanh tử này chỉ có chừng này thôi, thì cuộc đời này có gì đáng sống nữa hả trời! Mình là đại gia phú hào mà mình thấy còn mệt mõi, thì huống gì những người khố rách áo ôm, giật gấu vá vai, không đủ ăn, không đủ mặc thì họ còn khổ cỡ nào nữa!" Ngài nghĩ như vậy, Ngài ngán quá! Ngài mới trở về gác tay lên trán nằm trằn trọc thao thức không yên. Gia đình mới ra hỏi Ngài: "Bây giờ con lớn con lấy vợ đi chứ!" Ngài nói "Con không muốn." Gia đình ép, khóc, năn nỉ. Cuối cùng Ngài bèn cho thợ đúc một bức tượng vàng do chính Ngài vẽ kiểu, với những nét đẹp thiên kiều bá mị, lộng lẫy kiêu sa, mà Ngài nghĩ rằng trên đời này không thể nào mà có người con gái nào đẹp hơn vậy. Xưa nay đẹp cỡ đó là bất khả. Gọi là đẹp như mơ, xinh như mộng, đẹp như tiên. Ba cái - mơ, mộng và tiên - thì mấy cái này làm gì có trong cái nhận thức nhân gian.

Nhưng mà người ta không ngờ rằng gia đình cho người cầm bức tượng đó đi vòng vòng thiên hạ. Cuối cùng đã tìm ra một người con gái đẹp y chang như cái bức tượng vàng đó, mà dĩ nhiên là còn đẹp hơn nữa: đường nét thì giống, nhưng mà màu da ngon lành hơn. Mà lạ lắm. Do duyên xưa nó thúc giục nên người con gái đó chính là cái người hồng nhan tri kỷ mà đã đi theo Ngài suốt 100 ngàn đại kiếp. Khi nghe nói tới thanh niên Pipphali thì tự nhiên nàng chạnh lòng xúc động. Trước đó nàng gặp đàn ông thì chỉ là coi như phường phàm phu không đáng cho sờ vạt áo. Vậy mà hôm đó chỉ nghe nói đến tên Pipphali, nàng có một chút xao động - cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Trên đường đi về nhà chồng, nàng âm thầm viết một lá thư gửi cho Ngài, nàng nói thế này: "Túc hạ nhã giám. Duyên bèo nước tương phùng gặp nhau trở thành nghĩa tào khang. Không biết mặt nhau mà bây giờ lại về sống với nhau. Nhưng nói thiệt, lòng của thiếp chỉ muốn buông bỏ hết mọi sự. Còn đi đâu về đâu thì chưa biết. Nhưng còn chuyện mà sống kiểu nhi nữ tình trường thì ôi thôi nó ngán ngẫm quá. Nếu mà Ngài có lòng thương thì cưới nhau cho hai họ vui vẻ rồi mỗi đứa về ngủ một giường. Sau đó Ngài muốn lấy thê lấy thiếp bao nhiêu em cũng không có ý kiến!"

Nhưng không ngờ cái lá thư đó chưa kịp đi thì nàng bèn nhận một lá nội dung y chang như vậy: "Tiểu thư nhã giám. Tại hạ là vốn dĩ không mê cái đường tình ái lăng nhăng. Chẳng qua vì vui lòng cha mẹ, cho nên tại hạ mới lấy vợ. Nhưng mà lấy nhau rồi, về làm ơn cho em ngủ riêng một mình."

Hai lá thư đó chạm nhau trên đường và cả hai người đã nhận lá thư cùng một lúc. Họ vui lắm! Thế là tri kỷ đã gặp tri âm rồi. Đêm động phòng hai người để một cái chuỗi hoa tươi nằm giữa và dặn rằng chuỗi hoa này là biên giới, là chủ quyền biển đảo được xác định ngay trên cái chuỗi hoa này. Sáng mai hoa héo phía nào là phía đó dở. Cứ như vậy mà cái chuỗi hoa để giữa không bị héo. Và cứ vậy, tân lang tân nương sống với nhau được mấy hôm thì cuối cùng họ bàn với nhau thế này: Sống mà kiểu này nó mệt quá! Đi tu cho rồi!

Họ mới mặc áo nâu sòng rời nhà ra đi. Trong Kinh nói Ngài Ca-diếp có 7 tướng đại nhân. Ngài Rahula thì có 32, còn riêng Ngài Ca-diếp có 7 tướng. Ông Bà-la-môn Bàvari có 3 tướng. Một lúc nào đó mình sẽ học tới mấy cái đó: tướng lưỡi dài rộng, tướng duỗi thẳng tay rờ gối, tướng mã âm tàng, đại khái có tất cả là 7 tướng. Thì Ngài đẹp lắm! Mà bà cũng đẹp lộng lẫy. Trên đường đi tuy hai người ăn mặc áo tu mà người ta cứ xì xào: "Trời đất ơi! Có lộn không? Đẹp như vầy, trẻ như vầy, mà tại sao bỏ hết đi tu vậy trời?" Khi Ngài nghe như vậy Ngài thấy không xong, hai người mới bàn với nhau, rồi chia tay, ai gặp Đạo Giải Thoát trước thì sẽ về tìm cái người còn lại! Thì khi hai vị chia tay nhau ngay chỗ ngã ba với một lời dặn dò giống như là Ngài Mục-kiền-liên Ngài dặn Ngài Xá-lợi-phất vậy: "Thôi thì mỗi người đi một hướng, ai tìm được Đạo Giải Thoát trước thì trở về tìm người kia."

Khi hai vợ chồng Ngài Ca-diếp chia tay nhau thì cái Đại Địa này nó rung động, nó cảm kính, gọi là chiêu cảm. Cả trái đất rung động. Thì lúc đó Đức Thế Tôn ở trong Chùa Trúc Lâm Veluvana, Ngài bằng thiên nhĩ Ngài nghe được cái sự dao động trong lòng đất. Ngài nghe cái địa chấn như vậy, Ngài mới suy nghĩ nhanh liền: Vì sao có chuyện này? Ngài biết đó là cuộc chia tay của hai bậc gọi là Đại Sĩ.

Thế là Đức Thế Tôn lập tức có mặt ở chỗ ven rừng mà Ngài Ca-diếp sắp sửa đang hướng tới. Ngài Ca-diếp vừa đến ven rừng thì Ngài nhìn thấy có một nhân vật 32 hảo tướng, 6 màu hào quang chói lòa, đang ngồi ở đó. Ngài chưa gặp Phật bao giờ, chưa hề nghe gì về Phật bao giờ, vừa nhìn thấy là Ngài đến Ngài quỳ xuống và lấy cái trán dập xuống dưới chân Thế Tôn và có một câu lễ bái như thế này:

- Thế Tôn là Đạo Sư của con và con là đệ tử của Thế Tôn.

Tại sao tôi chịu khó tôi kể kỹ chuyện của Ngài Ca-diếp? Bởi vì không có Ngài là tụi mình bây giờ là đi hốt rác hết rồi! Bởi vì Ngài là cái người tổ chức kiết tập Phật Ngôn lần thứ nhất. Chính Ngài là người đã san định lại cơ đồ hồng phù đại lược của Phật Giáo!

Chuyện Ngài Ca-diếp có liên quan đến một chuyện mà Phật tử Việt Nam bắt buộc phải biết. Tôi đã nói nhiều về cái chuyện Đại hiếu Mục-liên. Đó là một sự tráo đổi giữa Ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên; giữa Nam Tông và Bắc truyền.

Bữa nay tôi kể cái chuyện Ngài Ca-diếp được gọi là phó chúc, được gọi là trao cho Chánh Pháp nhãn Tạng như thế nào trong Kinh Điển Nam Tông. Thì nó như thế này. Trước cái ngày mà Thế Tôn gặp Ngài Ca-diếp, Thế Tôn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài xét thấy rằng Chư Phật ba đời đều có tối thiểu một lần đi lượm vải cũ, vải dơ, để về tự tay mình giặt rồi làm Lá Y để mặc. Ngài xét thấy Chư Phật ba đời đều có một lần như vậy. Nên hôm đó đích thân Ngài vào trong rừng, chỗ người ta liệng xác người chết. Ngài thấy có một cái xác của một cô đầy tớ gái - cô nữ tỳ- chết rồi. Người nhà mới lấy miếng vải trắng quấn xác đem vô liệng trong rừng. Đích thân Thế Tôn Ngài lấy cái miếng vải đó Ngài ra suối Ngài giặt. Trong Kinh nói khi Thế Tôn Ngài ra suối Ngài giặt như vậy đó, nhiều cái chuyện đặc biệt nó đã xảy ra. Tôi kể ra đây bà con nói phong thần tôi dẹp luôn khỏi kể! Tôi chỉ kể rằng khi mà Ngài ra suối giặt vải như vậy thì Đại Địa chấn động 9 lần! Rồi Ngài về Ngài mới đưa cho Ngài Anan nhuộm, cắt, may thành Lá Y để Ngài mặc. Ngài mặc Y đó trong cái bữa Ngài gặp Ngài Ca-diếp

Khi gặp Ngài Ca-diếp, Đức Phật Ngài có khen thế này:

- Lá Y của Ca-diếp đẹp quá!

Không đẹp sao được? Ngài Ca-diếp là đại gia, đi tu nhưng cũng mặc toàn là silk, khăn choàng cũng là Hermes, LV, chứ đâu có xài cái đồ mà tào lao như mình.

Ngài Ca-diếp Ngài mới nói:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì lòng đại bi mà đổi Y với con, con sẽ mặc Y của Thế Tôn và Thế Tôn sẽ mặc Y của con.

Thì Đức Phật mới dạy thế này:

- Ca-diếp có biết rằng Lá Y của Như Lai đang mặc này không có ai cũng mặc được. Đây là cái Lá Y mà do chính Ta đã nhặt vải về, rồi để Anan may nhuộm cho Như Lai, nhưng mà Ca-diếp thì được!

Ngài nói như vậy là bắt đầu hai Thầy Trò có cuộc trao đổi Y. Mà tại sao có cuôc trao đổi kỳ lạ như vậy? Vì Ngài biết cái người trước mặt Ngài là ai. Ngài biết đây sẽ là Đệ Nhất Tôn Giả Đầu Đà. Là vị sẽ cầm cái lá cờ Ly Dục Tôn của Chư Phật ba đời mười phương.

Cho nên mới có cái chuyện đổi Y đó. Chứ không phải là trao truyền y bát, phó chúc Chánh Pháp nhãn Tạng như Bắc tông nói đâu. Lịch sử thiền tông họ kể nghe thơ mộng, nhưng mà không phải vậy. Chuyện ở đây là như vậy đó! Chuyện cái vị kế thừa tinh thần Ly Dục Tôn.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 007
Kalama xin tri ân bạn sumanaduong ghi chép

Một tiểu-kiếp có 16.678.000 năm
Hai mươi tiểu-kiếp là một trung-kiếp. Trung-kiếp có 333.560.000 năm
Bốn trung-kiếp hợp thành một đại-kiếp. Đại-kiếp có 1.334.240.000 năm

Lựa Chọn

 Lựa Chọn

Chúng ta khi chưa biết đạo thì ỷ vào nhan sắc, tiền bạc, tài sản, quan hệ xã hội, bằng cấp, học thức. Biết đạo rồi thấy mấy cái đó là phù du thì chuyển qua chấp mấy thứ khác. "Tôi giữ giới nhiều hơn, tôi học đạo nhiều hơn, tôi hành thiền nhiều hơn, ... ". Cái "tôi" kia từ bằng đồng chuyển sang bằng vàng. Dầu bằng vàng hay bằng đồng cái nào nó cũng xiềng mình hết. Ngày xưa mình tự xiềng mình bằng một sợi dây xích rất rẻ tiền, sắc tình tài danh lợi, bây giờ mình biết đạo rồi, biết ngũ uẩn giai không, chỉ có Phật pháp là thứ thiệt thôi. Khi mình nghĩ vậy là mình chết rồi.

Phật pháp chỉ là thuốc chữa bệnh chứ không là cái gì ghê gớm như mình nghĩ. Xét trên quan hệ đẳng lập thì Phật và ma tương đương nhau, không ai cao hơn hết. Anh muốn đi ra thì anh thờ Phật, anh muốn đi vào thì anh thờ ma.

Tại sao mình thờ Phật? Là vì mình đã chán, đã oải cái việc có mặt trên đời này rồi. Chớ nếu mà anh vẫn muốn tiếp tục làm thân trâu ngựa trong cái cõi ta bà này thì anh nên thờ ma, chứ thờ Phật có ngày anh niết bàn.

Cho nên tùy vào mục đích, tùy vào cái destination mình là ai, mình muốn là cái gì thì mình sẽ chọn chuyến tàu nào. Không có cái chuyện mình về Melbourne, về Perth, về Adelaide là thông minh, mà về Sydney là ngu, không phải. Vấn đề là anh về Sydney để làm cái gì. Thì từ khi anh chọn destination là cái gì anh mới chọn chuyến bay, chọn chuyến tàu, chọn chuyến xe, chọn người đồng hành, chọn người dẫn đạo, hiểu không? Vấn đề ở đây, không phải đứa nào khôn, đứa nào ngu mà là sự lựa chọn. Vì đời sống là sự lựa chọn. Tại sao trong một rừng người không lấy thằng A, thằng B mà đi lấy thằng C? Không lấy con E mà lấy con F? Ở đây không có khôn, ngu mà đó chỉ là sự lựa chọn.

Và tùy vào cái vốn liếng, hành trang của mỗi người mà chúng ta chọn đích đến khác nhau và từ đó hành trình cũng khác nhau, chưa hết, kiểu đi cũng khác nhau. Cho nên cái chuyện đầu tiên là mình học về thân. Có nghĩa là mình học rõ về vật chất, bản chất của thế giới chỉ là vậy thôi.

Trích bài giảng tại Sydney tháng 3 năm 2019
Vài nét tiêu biểu về chúng sanh và vũ trụ
Kalama xin tri ân bạn linh_lotus ghi chép