Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Sự khiêm cung



SỰ KHIÊM CUNG

“Gāravo ca nivāto ca”, điều kiết tường thứ hai trong câu kệ này là “nivāto ca” sự khiêm cung. Sự khiêm cung là gì?
Sự khiêm cung được dịch từ Pāli là “Nivāta". Từ ngữ Nivāta này, nếu dịch một cách xác thực thì được dịch là "gió ở bên ngoài" hoặc “không có gió". (ni+vāta “wind-down” without wind, sheltered from the wind).
Tại đây, với lời nói rằng "không có gió” hoặc "gió ở bên ngoài có liên quan với sự khiêm cung như thế nào? Chú giải giải thích sự so sánh đó như thế này: nếu chúng ta hít thật nhiều không khí vào bên trong cơ thể thì thường làm cho bụng phồng lên, ví như quả bóng bay được vì lẽ nó được bơm không khí vào, và quả thật quả bóng sẽ bị bể vỡ nếu như nó được bơm thật nhiều không khí vào. Điều này là câu chuyện nói về gió phía bên ngoài. Còn gió phía bên trong đó là gió ở trong Tâm của chúng ta. Nếu có thật nhiều gió thì sẽ làm cho Tâm cộc cằn, thô lỗ bướng bỉnh, kiêu mạn, ưa thích hống hách lấn át người khác, và đó là điều không tốt. Do đó, cần phải lấy gió phía bên trong ra ngoài mới sẽ tốt đẹp. Gió bên trong đó là ngã mạn kiến chấp. Chính ngã mạn kiến chấp này mà Ngài đã so sánh với gió. Với người không có ngã mạn kiến chấp thì Ngài gọi theo từ ngữ Pāli là Nivāta được dịch là "Không còn có gió" hoặc "Gió ở bên ngoài" và dịch theo Chú Giải là Sự khiêm cung.
Theo Chú giải, Ngài giải thích ý nghĩa của sự khiêm cung là sự việc làm cho người có tâm mềm mỏng nhún nhường, là sự việc làm cho người hành xử một cách khiêm tốn. Người diệt trừ ngã mạn và sự thô lỗ, (được ví như mảnh vải để lau chân, như bò bị người bẻ sừng, như rắn độc bị nhổ răng), thì thường có lời nói ngọt ngào, dễ nghe. Với người như vậy, Ngài gọi là có sự khiêm cung.
Tóm lại, sự khiêm cung là sự việc làm cho Thân, Khẩu, Ý mềm mỏng nhún nhường, không có ngã mạn kiến chấp, không còn thô lỗ kiêu mạn, không cống cao tự phụ lấn át người khác.
So sánh sự tôn kính với sự khiêm cung, nếu chỉ nhật xét về dáng dấp bên ngoài thì sẽ thấy tương tự không có điều chi sai biệt, nhưng quả thật là có sự khác biệt với nhau. Do đó Đức Phật thuyết tách ly ra và không kết hợp thành một điều kiết tường. Sự tôn kính là có tâm nhận thức rõ biết trong cái hay của người và vật rồi khởi lên sự tôn kính quý trọng. Còn sự khiêm cung là việc nghĩ tưởng đến cái hay của tự mình rồi khởi tâm nhún nhường, hạ mình, không cống cao ngã mạn, ngạo nghễ.
-Tu tập đối với sự khiêm cung:
Phải nhận thấy chính những sự ương ngạnh, kiêu căng, hoặc sự ngạo mạn tự phụ, kết hợp với cả sự bướng bỉnh kiêu ngạo, chung lại tất cả không có một việc thiện nào, đều phát xuất từ nơi Ngã Mạn, là sự Ngã Chấp và Tà Kiến, là việc thấy sai chấp lầm, Thân Kiến, nghĩ rằng ta đây thù thắng cao quý hơn người, vượt trội hơn người, luôn cả trong lãnh vực chủng tộc, dòng giống cho đến tài sản của cải và kiến thức, khiến cho phát sanh sự thô lỗ, tự phụ, kiêu căng, dương dương tự đắc, khinh thường người khác. Sự thô lỗ, tự phụ, kiệu căng, tự đắc, khinh người v.v... là điều bất tường hoặc là điều xấu xa ti liệt của đời sống, làm cho đời sống bị suy sụp không có sự thăng tiến. Bởi vì người có sự thô lỗ, kiêu căng tự phụ thường sẽ không được đón nhận sự chỉ dẫn dạy bảo ở nơi người khác, không được đón nhận những sự tốt đẹp ở nơi người khác và sẽ rất khó thực hiện những việc tốt. Với sự Ngã mạn và Kiến chấp nghĩ rằng ta đây đã có điều hay, điều giỏi rồi thì sẽ chặt đứt tất cả những cơ hội, chặt đứt con đường phát triển thăng tiến của đời sống.
-Kiết tường từ sự khiêm cung hạ mình:
Sự khiêm cung hạ mình làm thành kiết tường đối với đời sống, vì đó làm nhân cho ta được đón nhận những lời khuyên bảo tốt đẹp từ nơi người khác, để được tiến hóa và sẽ làm cho phát sanh quả phước báu, là sự an vui, sự tiến hóa trong đời sống. Người có sự khiêm cung hạ mình sẽ được sự yêu thương quý trọng của tất cả mọi người. Càng khiêm cung hạ mình nhiều bao nhiêu thì sẽ được đón nhận sự tôn kính quý trọng nhiều bấy nhiêu. Càng khiêm cung thì càng có giá trị và hãy nhìn vào bông lúa, bông lúa nào có hạt no tròn thì bông của nó sẽ trĩu oằn xuống, khác với loại bông có hạt lúa lép, không được tròn đủ thì sẽ đứng thẳng và sẽ làm chỗ bất toại nguyện của nhà nông. Hoặc hãy nhìn vào một loại cây nào khác lấy làm kiểu mẫu, bất kỳ cây nào có lá và được sai trái thì cành của nó sẽ trĩu xuống. Những đàn chim đông đảo sẽ đua nhau đến nương vào cây, còn với cây nào đứng lặng chết khô, không lá và không trái quả thì sẽ không làm chỗ nương nhờ của bầy chim. Chúng ta cũng giống như vậy, người nào có sự tự phụ kiêu mạn thì người đó sẽ phải đón nhận sự ác cảm và không một ai muốn thân cận kết giao. Người nào có sự khiêm cung hạ mình thì người đó sẽ trở thành chỗ yêu thương hảo cảm của tất cả mọi người. Dù là người trong gia đình, trong chỗ làm việc, người hay trong cộng đồng, tất cả đều muốn thân cận kết giao. Một khi trở thành chỗ thương yêu quý trọng và tín cẩn của người thì lúc bấy giờ, danh thơm tiếng tốt và công ăn việc làm nối bước đi theo sau. Có sự khiêm cung hạ mình mới làm thành kiết tường là như vậy.
(Kinh Kiết Tường, Sư Sán Nhiên giảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét