Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Cảnh giới tái sinh



Cảnh Giới Tái Sinh

Tuỳ thuộc vào hai điều kiện tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý mà các chúng sanh có không gian hiện hữu khác nhau trong một môi trường tương ứng với hai điều kiện ấy. Các cảnh giới tái sinh có thể kể vào các trường hợp sau:

  1. Người sống nhiều về thập ác thì phải sanh về 4 cảnh giới sa đoạ. Ở đây gọi là cảnh giới mà không gọi là cõi vì loài bàng sanh, ngạ quỹ, a tu la là ba trong bốn đoạ xứ không có cõi riêng. Chúng sống xen kẽ, rải rác trong địa ngục, cõi Người và cõi Tứ Thiên Vương.

  2. Người sống nhiều với thập thiện (Thiền ở đây chỉ đến cận định) thì sanh về các cõi nhân thiên dục giới. Càng ly dục thì càng lên cõi cao. Cho nên bát giới là điều kiện cần thiết để sanh về 4 cõi dục thiên cao này (Dạ ma, Đâu suất, Hoá lạc và Tự tại thiên). Hình thức hưởng dục ở các cõi cao thấp cũng thô tế khác nhau. Càng lên cao thì nỗi khổ niềm đau cũng vi tế theo.

Tứ Đại Thiên Vương là một cõi rất là tạp, nó hơn cõi người thôi chứ nó rất là tạp. Tứ Đại Thiên Vương có mấy ông nhà giàu ở trển, mấy ông phước nhiều, tuổi thọ họ lên tới 9 triệu năm nhân loại lận, mấy ông này có khả năng đắc đạo. Còn mấy ông nhà nghèo là ai? Là mấy ông dạ xoa, ngạ quỷ cao cấp.

Ngạ Quỷ cao cấp cũng có cung điện lâu đài. Do kiếp trước là những người vừa tu mà vừa có tội. Vừa tu mà vừa hại người, vừa tu vừa làm ác, vừa tu vừa hưởng thụ. Nhưng mà phải có tu nên nó chết nó sinh về trển. Và tùy cái nghiệp mỗi người. Thí dụ ba người đều sanh làm cái tội đó hết. Nhưng tôi thì đêm sướng ngày khổ, hoặc là ngày sướng đêm khổ. Còn Cô là tuần sướng tuần khổ. Còn bà này tháng sướng tháng khổ. Mà tại sao có cái vụ đó? Là tùy vào lúc mình sống kiếp người, cái khoảng cách giữa thiện và ác trong cõi người của mình nó càng khít, thì khi mình sinh vào cái cõi đó, cái khổ và cái sướng nó càng khít. Hiểu không? Tối tui tụng kinh, sáng tui đi câu cá, thì khi tui sanh vô đó, thì tui sáng khổ chiều sướng. Còn mấy vị tu hành đàng hoàng lắm, nhưng mà lâu lâu cuối tuần đi câu cá một lần. Thì cuối cùng sinh vô loại này. Tức là nó có tuần sướng, tuần khổ. Nói chung là nó tương ứng, quý vị hiểu chưa?

Việt Nam mình có chữ "nhặt" chữ "khoan". Độ nhặt và độ thưa của thiện ác nó quyết định độ khổ và độ sướng của cái kiếp sa đọa. Chính khoa học hôm nay cũng nhìn nhận cái này. Có những loài coi như là nó khổ suốt. Ví dụ nó ở trong cống suốt. Rồi có những loài lúc dơ lúc sạch. Có biết cái đó hông? Có những con nó không có khổ lắm, có những con nó khổ nhiều hơn. Ví dụ như nó sống trong cái môi trường đói khát triền miên, hoặc nó ở trong môi trường nhiệt độ rất là khắt nghiệt, rất là dễ chết. Tức là tùy vào mức thiện ác của mình mà nó nhặt nó thưa thế nào thì mình sanh vào cảnh giới mà khổ với lạc nó cũng nhặt nó thưa giống thế đó.

Cho nên cũng là ngạ quỷ mà ngạ quỷ cao cấp nó ở xen lẫn trong cõi người, nó ở xen lẫn trong cõi Tứ Thiên VƯơng, và nó xen lẫn trong địa ngục. Xen lẫn bằng cách nào? Là có những con ngạ quỷ nó khổ tại chỗ. Tức là nó có lâu đài nằm ở đó. Rồi, thí dụ, ban đêm nó sướng, ban đêm cái lâu đài nó hưởng thụ, còn ban ngày thì cái lâu đài đó chính là cái chỗ nó bị đốt. Đó là khổ tại chỗ. Còn khổ mà khổ ở xa thì sao? Tức là đến cái lúc nó khổ nó phải xuống địa ngục, nó phải chịu khổ ở địa ngục, rồi sau nó mới quay trở lên. Đó là khổ ở xa, nó bị đày ở xa. Tức là lúc chịu khổ nó phải xuống địa ngục để nó chịu khổ ở đó.

Có chuyện cái bà vợ cả. Đại khái bả là một trong hai bà. Thì bả sợ cái bà kia có con trai thì nguyên cái gia tài bà kia sẽ ăn hết. Nên mỗi khi bà kia bả mang bầu là bà này cho uống thuốc, mà uống thuốc bằng cách bả dụ ngon ngọt, cho ăn chè ăn cháo, ăn cho hư cái thai. Và cứ cho ăn chè ăn cháo để cứ hư thai liên tục như vậy. Thì cái bà bị mất con bả mới nghi. Đến bữa đó bả họp dòng họ nhà chồng lại bả nói: "Không có chuyện trùng hợp vậy được. Hễ tui có bầu là bà cả này bả chăm sóc tui. Bình thường bả đâu có thương, bả đâu có mến gì tui. Mà hễ tui có bầu là bả chăm sóc, mà chăm sóc là thai nó hư. Đã 4-5 lần." Thì bà cả mới thề: “Tui mà có làm như vậy mai mốt tui đời đời tui sinh ra tui ăn thịt con của tui.” Bả tưởng thề như vậy là cho nó qua. Mà do cái nghiệp giết con nít sau khi bả chết bả sanh vào loài rất lạ. Do bình thường bả cũng có bố thí làm phước tùm lum hết nhưng bả lại mang cái tội giết người nặng quá nên sau bả chết bả sanh ngộ lắm. Cứ một tuần bả làm tiên, một tuần bả làm ngạ quỷ. Mà hễ bả sinh con ra bao nhiêu lần là bả bị cơn đói hành dữ quá là bả phải ăn thịt con bả. Hễ bả sanh ra là bả phải ăn thịt con liền. Mà đứa con không phải chúng sanh nào hết, mà chỉ là cái hình thức nghiệp nó tạo ra vậy thôi. Hễ bả chuyển dạ bả sanh ra là tự nhiên bả đói quá và bả không ăn được cái gì khác hết, bả chỉ ăn thịt được đứa con đó thôi.

Rồi có một bà bả cũng làm bậy rồi bả thề: “Tui có làm chuyện đó, đời đời sanh ra bị chó xé, tức là chó ăn thịt.” Rồi bả chết bả sinh làm cái loài là đêm sướng ngày khổ. Lúc bả chịu khổ là xuất hiện nguyên bầy chó nó xé nát người rồi bả sanh trở lại. Thì đó là cái loại ngạ quỷ cao cấp.

Còn cái loại bàng sanh cao cấp là sao? Là rồng (kim xí điểu). Còn bàng sanh hạ cấp là những con mình gặp dưới đây: chó, heo, mèo, chuột, gà, vịt, ... Học cái này mới biết chúng sanh mà không có phật pháp nó u mê lắm. Những người đi thờ con rồng, thờ linh vật. Trong đạo mình gọi là thứ bị đọa mà lại đem đi thờ. Trong kinh nói có những vùng có những dọa xa chiếm ngự, làm mưa làm gió. Rồi người dân lập miếu thờ, bệnh họa tai nạn người ta cũng tới cầu cúng. Nhưng thật ra cái con mà mình thờ chính là con bị đọa. Cho nên, tùy thuộc vào tiền nghiệp, và khuynh hướng tâm lý mà chúng sanh có cảnh giới khác nhau.

Tại sao có cái tiền nghiệp? Mình phải hiểu chính là do cái nghiệp nó đẩy đến cảnh giới đó. Vậy sao có cái khuynh hướng tâm lý nữa? Là bởi vì do tiền nghiệp. Ví dụ 3 người mình phải đọa làm súc vật. Mà do khuynh hướng tâm lý của tôi rất nặng về ăn uống nên tôi sinh làm heo. Còn cô này nặng về tình dục, có phước ít, cô sinh làm con dê. Trong khi bà này cũng nặng về tình dục, nhưng có phước nhiều, bả sinh làm con chim sẻ. Dê và chim sẻ, hai con này nhu cầu tình dục rất cao. Chim sẻ gần như cứ cách giờ là nó có nhu cầu. Còn như con gà với con vịt thì nhu cầu con gà cao hơn con vịt. Gà mái đi mà gặp gà trống là nó có nhu cầu. Hiểu không? Nghĩa là do cái nghiệp mà mình sinh vào bàng sanh, nhưng khuynh hướng tâm lý mới đẩy mình vô cái khu đó.

Thí dụ, do có kiến thức chuyên môn điện toán nên tôi vào cái công ty đó, vì công ty đó là về điện toán. Nhưng do cái thích của tôi mà tôi làm bên kế toán, trưởng phòng nhân sự hay bảo vệ gác cổng. Thì tiền nghiệp đẩy vô đó, đẩy vô cái lớn. Nhưng chính cái tâm lý dắt mình vô cái chi tiết. Vì vậy khuynh hướng tâm lý rất là quan trọng.

Dù thích, dù ghét cái gì thì cái đó cộng với nghiệp thiện ác nó đẩy mình về một nơi.

Chứ mình cứ nhắm mắt mà nghĩ "bố thí là được giàu." Nói vậy là nói chung, nó còn có cái riêng nữa. Bố thí là được giàu, nhưng nó giàu kiểu nào?

Có người giàu bằng cách họ đi làm ăn buôn bán rất là may mắn, phước bố thí cho họ may mắn trong đường buôn bán, nhưng họ phải ra tay. Họ đi làm rẫy làm ruộng rất thành công nhưng họ phải đổ mồ hôi.

Còn có người may mắn họ hưởng thừa kế. Tức đẻ ra làm bọc điều liền, đẻ ra là ba má cậu dì lo hết á. Lớn lên nó đi học đại học về là công ty nó được tổ chức sẳn hết rồi, mình về là ngồi vô ghế Chủ tịch hồi đồng quản trị. Lâu lâu mình họp thì má ngồi một bên, ba ngồi kế bên. Rồi khi ba má chết rồi thì cái ghế mình ngồi quen rồi, cộng với kiến thức đại học nữa, lúc đó mình chỉ nhúc nhích ngón tay là mình đã điều hành công ty được rồi.

Còn có người bắt đầu từ zero, cho nên là mọi chuyện họ phải làm hết. Cũng số giàu nhưng họ giàu trong mồ hôi, còn có người họ giàu nhàn nhạ lắm. Như Hyundai, Samsung, hoặc bên Tàu gia đình của Lý Gia Thành. Hoặc ông Ho vua sòng bài ở Macao. Ổng đẻ ra một đống con, tụi nó sướng, từ nhỏ đã đi học cái trường nổi tiếng quốc tế rồi, trường Anh, trường Mỹ. Học xong họp hành cái gì là ngồi kế bên Bố. Bố điều hành hết, mình ngồi học kinh nghiệm. Còn có người nó đi lên từ con số zero như café Trung Nguyên, Dũng Lò Vôi ở Bình Dương.

Như vậy điều quan trọng phải nhớ là có 2 cái mà nó dẫn mình tới cảnh giới tái sanh. Một là tiền nghiệp dẫn ta vào cảnh giới lớn, hai là khuynh hướng tâm lý dẫn ta đi vào cái điều kiện nhỏ. Do điều kiện lớn tui qua Đức tui ở, nhưng do khuynh hướng tâm lý tôi lại ở Frankfurt, tui không ở Stuttgart. Tại sao vậy? Bởi vì do tiền nghiệp tui về Đức tui sống, mà do tại tui thích đẹp. Cũng dân Sài Gòn hết mà đứa nó ở Quận 1, quận 3 nó khác cái đứa ở quận 5, quận 8. Cùng vô một cái trung tâm thương mại ở quận 1 nó khác, trung tâm thương mại ở quận 5 nó khác.

Rồi thứ nhất là sống nhiều với thập ác thì sanh vào cảnh giới sa đọa. Thứ hai là sống nhiều với thập thiện thì sao? Chú ý thiền ở đây chỉ tới cận định. Vì trong thập thiện nó có thiền, bố thí, trì giới, tham thiền. Thì cái thiền trong thập thiện nó tới cận định thôi, phải ghi rõ cái đó. Cận định là cái trình độ mà sắp đắc. Nhớ cái đó. Thì sanh về các cõi nhân thiên dục giới. Càng ly dục thì càng lên cõi cao. Và bát giới là điều kiện cần thiết để sanh về 4 cõi dục thiên cao nhất là Dạ ma, Đâu suất, Hoá lạc và Tự tại thiên.

Tức là dục thiên có tất cả là 6 cõi: Tứ thiên vương, Đao Lợi, với 4 ông này. Nhưng 4 ông này mà Quý vị mà thông minh chút các vị sẽ đoán ra: càng ly dục thì lên càng cao, đúng không? Vậy cái ông Dạ Ma này là ly dục thấp nè. Tự tại là cái ranh giữa dục và sắc. Hình thức hưởng dục ở các cõi cao thấp cũng thô tế khác nhau. Càng lên cao thì nỗi khổ niềm đau cũng vi tế theo. Cái lạc nó cũng vi tế mà cái khổ nó cũng vi tế.

Ở đó nó cũng có cái nhà, mà cái nhà do phước tạo ra chứ không phải do mình thiết tha, mình chăm chút cửa sổ cho nó thành như vầy. Những cái hoa văn đường viền họa tiết đồ nó không có.

Càng ly dục chừng nào thì cái chỗ ở, môi trường sống nó càng đơn giản chừng đó, mà cái đơn giản đó không phải họ thiếu mà do họ không cần cái rắc rối.

Trên đó họ không có chữ viết, trên đó họ nói nhau bằng tâm, trên đó không có gì để lưu truyền. Giờ tui nói cái này bà con một là sốc hai là không chấp nhận được: Cái chữ viết, hay là điêu khắc gì đó là do là mình không có khả năng ghi nhớ, mình mới cần phải lưu trữ. Chứ những bậc Thánh với nhau, nhất là những bậc Thánh có thần thông, cái hiểu về thế giới của họ nó đơn giản lắm: "Mọi thứ đều do duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất." Phải sống chánh niệm để thấy rõ hai điều đó. Đó là toàn bộ kinh điển của bậc thánh. Toàn bộ kinh điển của bậc thánh họ sống có nhiêu đó thôi. Chứ không phải như mình mà tính 15, 18, 23 cái tâm này cộng với tâm sở nọ kia. Họ không có như vậy. Cái đó là cho mình dưới đây. Họ chỉ đơn giản: "Mọi thứ do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất đi." Ngay bây giờ cái chuyện mình cần phải làm là sống chánh niệm để mình phát hiện ra hai điều đó - cho đến bao giờ chứng thánh thì thôi. Mà chứng thánh rồi thì sống bằng thánh tâm thánh trí. Xong. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét