Dấu ? Dấu !
Tôi năn nỉ các vị một chuyện, nghe giảng kinh tạng là phải có chú giải. Phải tập cho nó quen. Chứ còn mà để cho người ta nắm đầu người ta kéo, người ta lôi, người ta ban cho cái gì hưởng cái đó thì nó dễ bị khờ người lắm, nha.
Làm việc "không chu toàn" là sao?
Đây, "không chu toàn" trong đây ghi rõ là asakkaccakārī. Có nghĩa là thiếu trước hụt sau, cái cần sửa thì không sửa, cái cần thêm thì không thêm, cái cần bớt thì không bớt, cái đó gọi là không có chu toàn. "asakkaccakārī, na ādarakārī" là không nghiêm túc, có nghĩa là không có đúng mức là vậy đó. Cái cần thêm thì không thêm, cái cần bớt thì không biết bớt, cái cần sửa thì không biết sửa, thì trong đây Ngài Minh Châu dịch là "không chu toàn".
Làm việc "không lợi ích" là sao?
Ở trong chú giải mới nói thế này, đó là asappāyakārī. Có nghĩa là vầy: Trong đây có giải thích là "na upakārabhūta" có nghĩa là mình muốn làm việc gì thì cũng cần đến, cũng phải quan tâm đến những điều kiện hỗ trợ cho cái việc mình đang làm. Tôi nhắc lại, mình muốn làm việc gì thì mình phải biết quan tâm đến những điều kiện hỗ trợ cho công việc ấy. Bởi vì nếu không, mình muốn làm việc đó mà mình không biết những điều kiện hỗ trợ đôi khi mình lại đi chấp nhận những điều kiện đối lập, thì công việc đó muôn đời không có xong. Thí dụ như mình uống thuốc tiểu đường thì mình cũng phải biết là kiêng ăn ngọt. Đó! Là chỗ đó, phải biết là kiêng ăn ngọt.
Cho nên cái thứ năm là gì? Là làm việc chu toàn đây có nghĩa là phải biết cái gì cần thêm, cái gì cần bớt, cái gì cần chỉnh sửa.
Cái thứ sáu có nghĩa là biết cái gì cần thiết và không cần thiết.
Tôi nói không biết là bao nhiêu lần, cái sự khác biệt rất là lớn của một cái người có tu và không tu ở chỗ người không có tu chỉ biết cái gì mình thích mà thôi, chỉ quan tâm tới cái mình thích, còn thiện ác không quan trọng, miễn là "trẫm thích" thì được. Nhưng mà người có tu hành lại khác. Người có tu hành không quan tâm đến cái cảm xúc thích hay ghét mà chỉ quan tâm đến cái việc "Chuyện ấy có cần thiết không?"
Đó! Một trong những cách thu gọn Phật Pháp, 8 muôn 4 ngàn pháp môn, trong nhiều cách thu gọn, trong đó có một cách là tu bằng cái câu mà tôi vừa phát biểu. Đó là "Chuyện ấy có cần thiết không?".
Trong quý vị thế nào cũng có người nổi điên hỏi "Cái này ở đâu? Cái này ở đâu vậy?" Dạ thưa kinh Dvedhāvitakka. Nghe vậy mới sang chứ. Kinh Song tầm trong Trung bộ. Tức là hai đường lối suy tư, hai ngã rẽ tâm tư. Khi mà Ngài thành Phật rồi Ngài kể lại: Ngày xưa khi ta còn trong khổ hạnh lâm thì ta suy tư thế này "Toàn bộ đời sống của mình nó chỉ có về tinh thần nhiều hơn là về vật chất, như vậy cái mà ta quan tâm chính là cái tâm", đúng chưa? Vật chất sao cũng được nhưng quan trọng là cái tâm. Rồi làm gọn vấn đề: Có hai cách giải quyết vấn đề: một là mình rọi sáng những góc khuất và hai là mình chia nhỏ vấn đề ra để giải quyết. Quý vị còn nhớ hai cái này không? Hai cách để giải quyết vấn đề, một là rọi sáng những góc khuất và hai là mình chia nhỏ vấn đề ra.
Thì ở đây Ngài cũng vậy, chuyện đầu tiên Ngài nói rằng "Toàn bộ đạo nghiệp chỉ là giải quyết vấn đề tinh thần". Giải quyết bằng cách nào? Thì Ngài mới chia nhỏ ra. Chia nhỏ làm sao? Ngài nói rằng bây giờ ai cũng phải có cái ngã rẽ tâm tư hết. Một là những cái suy tư nào có lợi cho cái đạo nghiệp giải thoát và cái suy tư nào mà có hại cho đạo nghiệp giải thoát. Thì Ngài thấy có lợi thế nào? Là chánh tư duy có lợi cho đạo nghiệp giải thoát. Chánh tư duy là sao? Là không có bất mãn các trần, không đam mê trong các trần, đó gọi là chánh tư duy, gọi là ly dục tư duy. Vô sân tư duy và bất hại tư duy có nghĩa là không có ý chống phá bất cứ người hay vật nào ở đời, đó gọi là vô hại tư duy. Thì cái suy nghĩ hễ cái nào thuộc về chánh tư duy thì cái đó mới giúp cho đạo nghiệp. Còn cái nào mà nó đi ngược lại chánh tư duy thì nó là tà tư duy. Có nghĩa là còn đam mê, còn bất mãn, còn ý chống đối người và vật trên đời thì đó là tà tư duy. Tự Ngài sẽ biết suy tư cái đó.
Cho nên là toàn bộ đạo nghiệp của người tu hành gom gọn lại có một câu thôi, đó là một dấu hỏi. Toàn bộ đạo nghiệp của một người tu hành cầu giải thoát chỉ gom vào trong một dấu hỏi thôi. Đó là "Cái đó có cần thiết không?". Cái suy nghĩ ấy, bây giờ mình đang suy nghĩ, mấy ngày nay mình cứ suy nghĩ hoài, cuối cùng mình phải tự hỏi mình "Những cái mà mình đang bận tâm, đang nặng lòng, đang cực lòng ấy nó có đáng để mình bận tâm không?", "Nó có cần thiết không?". Những cái mình ghét, những cái mình thích cũng vậy, những cái mình bận tâm để ghét hay bận tâm để thích thì cũng phải được kết thúc bằng một dấu hỏi "Cái thích ấy có cần thiết không?", "Cái ghét ấy có cần thiết không?", "Cái câu nói mà mình muốn nói đó có cần thiết không?". Nếu không cần thiết đừng nói. Suy nghĩ không cần thiết thì hãy bỏ qua. Và "Cái hành động với việc làm ấy có cần thiết cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau, cho đạo nghiệp giải thoát hay không?". Nếu thấy là "Không!" thì phải có can đảm chấm than xuống dòng!
Hỏi cái gì? "Cái này có cần thiết không?". Rồi.
Dấu chấm than là gì? "Cần!", còn lại thì "Không!".
Toàn bộ đời tu của các vị sau khi buổi giảng này đóng lại, bà con chỉ mang hai cái dấu đó vào phòng, vào lòng. Vào phòng và vào lòng để mà tu với nó, chiêm nghiệm nó, thấm thía nó, tiêu hóa nó, gậm nhấm nó, biến nó thành máu tủy thịt xương của mình.
Đời tu chỉ là hai cái dấu thôi, một là dấu hỏi "Chuyện ấy có cần thiết không?". Và dấu chấm than để xuống dòng có nghĩa là không có dây dưa nữa. Đó là dấu chấm than thứ nhất "Cần!": Tiếp tục. Còn "Không cần!": Dẹp.
Đó là tu hành với một cái ngã rẽ tâm tư, gọi là ngã ba lòng là chỗ đó.
Người tu bây giờ, thí dụ các vị hỏi tôi chứ cái logo của đạo Phật là gì? Thì tôi nói là lá bồ đề, là y bát, là bát chánh đạo. Bây giờ mình thêm cái logo nữa, là gì ta? Các vị ra mua cái logo của xe Mercedes đem về treo, ai hỏi tại sao mà treo cái logo của Mercedes làm cái gì? Bởi vì tôi vừa nghe giảng trong bài kinh Song tầm. Có nghĩa là người tu nào cũng phải từng ngày, từng phút đang đứng trước cái ngã ba lòng. Ngã ba lòng là gì? Ngã ba lòng tức là lúc nào cũng đứng trước hai cái lối, hai cái dấu hỏi "Cần thiết không?" Đó! Lúc nào trong lòng mình cũng có cái dấu hỏi, tu là tu bằng hai cái dấu hỏi "Có cần thiết không?", về mình tự mình giải quyết vấn đề bằng dấu chấm than !
Như vậy, chính vì cuộc tu là đối diện với ngã ba lòng ấy nên cái logo của mình nên là cái logo của xe Mercedes. Ở đây các vị có ai còn nhớ cái logo của xe Mercedes không? Nếu có ai hỏi các vị tại sao treo ở đây? Các vị nói "Không! Đây không phải là Mercedes, Mẹc-xơ-đéc, mà nó là ngã ba lòng! Tu hành là đối diện với ngã ba lòng."
Trích bài giảng KTC.6.70 Thần Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét