Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Năm điều suy tư giúp người tu hành thêm tinh tấn



NĂM ĐIỀU SUY TƯ GIÚP NGƯỜI TU HÀNH THÊM TINH TẤN

Mình muốn tinh tấn mà thiếu đề tài suy tư, thiếu lý thuyết, thiếu phương pháp, thiếu cẩm nang thì ráng một hồi thế nào cũng sụm. Phật biết điều này nên Phật dạy 5 điều suy tư mà một người muốn tinh tấn siêng năng thì phải thường xuyên xem nó như lá bùa hộ mệnh để trong túi. Khi nào sắp oải, sắp chán, sắp buông, sắp sụm thì móc ra.
1. Niềm tin đúng đắn nơi Đức Phật.
Phải hiểu rõ các đức lành tiêu biểu của Phật như:
-Tự ngài giác ngộ không thầy.
-Bậc thầy của tất cả chúng sinh.
-Là người có thể tiếp dẫn kẻ hữu duyên
-Ngài có vô lượng phương tiện để gợi ý cho người hữu duyên được đắc pháp.
Cứ nghĩ chừng đó là thấy sung sướng rồi nếu mình hiểu Phật pháp đến mức suy nghĩ về Ngài có những đức lành tiêu biểu trên. Ngài là tự giác ngộ không thầy, là bậc thầy của chúng sanh, là người tiếp dẫn kẻ hữu duyên. Tiếp dẫn ở đây không phải hiểu theo nghĩa là Tiếp Dẫn đạo sư A di đà Phật phóng quang, rồi có tràng phan bảo cái cùng với thánh chúng rước vong mình về cõi Tây Phương. Tiếp dẫn ở đây có nghĩa là dắt dìu đó. Chứ đừng đi đồn nói tôi nói Phật Thích Ca là Tiếp Dẫn đạo sư là không có nghe
2. Phật là người ít bịnh.
Ngoại trừ bốn lần trọng bệnh được kể trong kinh, Ngài rất hiếm khi bị se mình ươn yếu. Mỗi ngày Ngài ăn đồ của bá gia, khi thì đồ nóng, khi đồ lạnh, đồ chiên đồ xào Ngài dùng thanh thản không sao hết. Thần thông đầy người nhưng Phật đi bộ là chủ yếu suốt 45 năm hoằng đạo. Một người có thể lực trung bình đã không kham nổi như vậy rồi, nhưng Phật thì kham được. Bốn lần trọng bệnh của Phật nổi bật là trong kinh nói Ngài bị chứng đau lưng suốt đời vì nghiệp quá khứ. Trước khi viên tịch ba tháng, có một buổi chiều đó sau khi xả định, Ngài thấy cái lưng đau ngài nghĩ rằng cái nghiệp đến đây đã mãn rồi, thôi thì từ đây cho đến ngày ta viên tịch bệnh này đừng bao giờ tái phát nữa. Thế Tôn chú nguyện như vậy và lập tức kể từ ấy Ngài không bị đau lưng nữa. Chứng thứ hai là có lần đó Thế Tôn gặp khó khăn trong đường bài tiết. Ngài có nói với ông Jīvaka danh y. Ông này quí Phật quá đi. Ông quí đến mức nghĩ rằng Thế Tôn một ngày chỉ ăn có một bữa mà bây giờ để Thế Tôn phải đưa vật gì vào miệng mà nuốt, đối với ông chuyện đó ông không muốn. Ông thương quí Phật không có bến bờ nào mà kể xiết.
Quí vị trong room này toàn là nghe mấy ông thầy tả về Phật chứ quí vị không nghiên cứu nên không biết tại sao trên đời này có kẻ quí Phật đến như vậy. Chẳng hạn như trong kinh nói nhiều lần và rất nhiều lần Thế Tôn nhìn hội chúng tỳ kheo ngồi trước mặt Ngài đang im lặng, Ngài suy nghĩ như sau: “Nếu ta không phải là người mở lời, thì chúng tỳ kheo này dầu có phải im lặng suốt một đại kiếp bốn lần thành trụ hoại không của vũ trụ thì họ cũng sẽ im lặng vì lòng tôn kính Như Lai.” Ông Jīvaka thương kính Phật quá cỡ, ông không thể nghĩ được chuyện đưa cho Ngài một chén thuốc đắng để Ngài uống. Ông không cam tâm, ông không đành lòng. Cuối cùng ông nghĩ ra một cách, đó là ông làm thuốc tán. Ông là danh y mà, ông làm loại thuốc tán thiệt là mịn, rắc vào trong hoa sen. Chính tay ông lựa cái hoa ok nhất, sạch sẽ nhất, chính ông quan sát kiểm chứng xong xuôi cái hoa hái từ hồ sen. Ông rắc loại thuốc đó lên rồi dâng cho Phật. Ông nói Thế Tôn chỉ việc cầm hoa sen này mà ngửi thôi thì tự nhiên là Thế Tôn sẽ được thông đường bài tiết.
Từ chuyện đó mà nảy ra chuyện đi đâu mình cũng thấy đó là chuyện Phật cầm bông sen. Người ta diễn dịch nào là Phật cầm bông sen bên Linh Thứu, nhìn đại chúng mỉm cười, không ai hiểu ý Thế Tôn. Riêng Tôn Giả Ca Diếp mỉm cười và Phật bèn “trao truyền chánh pháp nhãn tạng”... Chứ còn bên Nam Tông chỉ có chuyện Phật cầm hoa sen ngửi để chữa bệnh bài tiết (bệnh bón). Còn chuyện việc Phật trao y cho ngài Ca Diếp là như vầy: Ngài biết đây là người sẽ trì hạnh đầu đà suốt đời và sẽ là tấm gương sáng gương lành cho tứ chúng mai hậu, cho nên Ngài khen lá y ngài Ca Diếp đang mặc là y tốt. Rồi ngài Ca Diếp dâng y đó cho Đức Phật, và Đức Phật nói thế này: “Y của ta là y thô nhặt từ ngoài chỗ liệng xác, Ca Diếp không ngại thì lấy mặc”. Lá y do một vị Chánh Đẳng Chánh Giác đích thân tự tay nhặt đó về vò giặt, rồi Đệ nhất thị giả Ānanda đem đi nhuộm cắt thì quí vị tưởng tượng lá y đó ‘lớn chuyện’ cỡ nào. Ngài Ca Diếp không còn lý do nào mà không trân quí vô bờ đối với lá y đó. Ngài nhận y và phát nguyện: “Từ nay cho đến lúc con không còn thở nữa, con chỉ xài loại y này thôi. Lá y Thế Tôn trao cho con có mục nát đi nữa thì con cũng tìm một loại y lượm từ tha ma mộ địa để con mặc, chứ con không mặc của tín thí cúng dường may sẵn”. Từ chuyện đó mà qua cái chuyện Đức Phật trao y bát nhưng thôi không bàn nhiều về chuyện đó.
Trong kinh nói buổi trưa nào Ngài cũng dưỡng sức bằng cách nhập định. Có hai loại định Ngài hay nhập. Một là Quả định, Ngài an trú vào tâm quả La-Hán suốt một giờ, hai giờ, ba giờ, tùy tâm Ngài muốn. Hai là Ngài trú vào không tướng giải thoát, nghĩa là an trú vào trong đề mục niệm xứ. Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào, ở đây chỉ có bốn đại, ở đây chỉ có ý thức, ở đây không hề có một người, một chúng sanh thọ giả nào hết. Đó gọi là không tánh giải thoát, Ngài thường an trú vào hai cái này. Có một buổi chiều trước khi viên tịch, sau khi Ngài xả định xong lập tức Ngài nhận ra có một cơn bạo bệnh đang diễn ra trong cơ thể của Ngài, và Ngài biết chắc chắn mười mươi với chứng bệnh này ở người bình thường là chết ngay lập tức. Ngài biết nếu bây giờ Ngài không dùng thiền định kềm lại là Ngài phải viên tịch. Cho nên Thế Tôn suy nghĩ rất nhanh, Ngài suy nghĩ: “Ta không thể đi ngay bây giờ”. Và Ngài lập tức dùng thiền định kềm lại, tiếp tục trụ thế thêm vài tháng nữa. Đó là trọng bệnh lần 3.
Lần thứ tư là Ngài bị kiết lị nặng nề trước khi xả bỏ thọ hành – tức viên tịch. Xả bỏ thọ hành (ayusankhara avassaji) nghĩa là xả bỏ mạng sống, không còn có ý tiếp tục sinh tồn nữa. Do vì với lòng tôn kính Thế Tôn, với chư Phật nói chung, chuyện ‘qua đời’, ‘từ trần’, ‘khuất núi’, ‘quá vãng’ được dùng bằng từ rất sang đó là ‘ayusankhara avassaji’, xả bỏ mạng sống. Giống như ngoài đời vua mất người ta kêu là ‘băng hà’. Mỗi lần ông vua kêu mấy cung tần vô hầu thì kêu là ‘triệu hạnh’, mỗi lần vua tắt đèn sụp mùng với ai thì gọi là ‘lâm hạnh’, còn khi vua ăn thì gọi là ‘ngự thiện’. Giống như trong ngôn ngữ Thái Lan có ba dòng ngôn ngữ: 1. Dòng ngôn ngữ bình dân, dùng cho lê dân bá tánh ở ngoài xài. Loại này bất chấp văn tự, xài tiếng lóng tha hồ. Dân ngành cá, dân tiểu thương, dân làm ruộng mỗi giới có tiếng lóng riêng. 2. Dòng ngôn ngữ sử dụng trong văn chương sách vở, đặc biệt là kinh điển dùng trong giới tu sĩ và dân trí thức. Người bình dân nghe cũng hiểu mà chỉ hiểu lõm bõm. 3. Dòng ngôn ngữ dành riêng cho giới hoàng gia. Ví dụ chữ ‘đôi dép’ hay ‘cái dù’ nếu là của vua thì thêm tiền tố ‘phrá’ ở đằng trước.
Ngoài bốn lần trọng bệnh này, chính Ngài cũng nhìn nhận là ngài ít bệnh.
3. Phật là người trung thực
Phật là người trung thực nhất đời, nói sao làm vậy, trước mặt muôn người, hay về rừng núi một mình cũng chỉ có một cách sinh hoạt duy nhất.
4. Phật là người tinh tấn
Phật là người suốt đời tinh tấn dù không còn gì để thành tựu nữa, vẫn luôn sống năng động như một hành giả thượng thừa.
Mỗi lần mình lười tinh tấn thì mình phải nghĩ rằng Ngài là người khỏe mạnh như vậy mà Ngài còn tinh tấn, trong khimình èo uột như thế này mà không tinh tấn tu tập thì tệ quá. Trong kinh nói trừ những ngày mưa lớn, còn nếu chỉ mưa lâm râm, Thế Tôn cũng vẫn phải duy trì thông lệ là đi kinh hành ở ngoài trời mỗi đêm. Kinh hành và ngồi thiền ở ngoài ‘abbhokasa’ (ngoài trời trống).
Hành giả thượng thừa là hành giả nơi sơn lam chướng khí ma thiêng nước độc, đói không có ăn, lạnh không có mặc, ngủ không chỗ nằm, mưa nắng không có mái che. Thế Tôn y chang như vậy. Thế Tôn là một vị tinh tấn không ngừng. Buổi sáng nào ngài cũng đi khất thực, buổi chiều thuyết pháp cho tứ chúng, buổi tối nói chuyện riêng nhắc nhở chư tăng, khuya gặp gỡ trả lời chư thiên phạm thiên. Trời rạng sáng Ngài dùng Phật trí soi rọi vô lượng vũ trụ xem hôm nay ai là người đủ duyên lành để Ngài gặp mặt. (Năm bổn phận mỗi ngày của chư Phật: 1. Pubbaṇhe piṇḍapātañca. 2. Sāyaṇhe dhammadesanaṁ. 3. Padose bhikkhu ovādaṁ. 4. Aḍḍharatte devapañhanaṁ. 5. Paccusseva gate kale bhabbābhabbe vilokanaṁ)
Đối tượng để Ngài gặp mặt gồm có hai: (1) Người chứng đạo kiếp này. (2) Người sẽ nhờ hôm nay mà có thêm duyên phước. Ngài biết hôm nay Ngài gặp người đó, Ngài nói họ sẽ đắc cái này, cái kia; hoặc vài tháng, vài năm nữa họ cũng sẽ đắc; đó gọi là đắc đạo kiếp này. Còn hạng thứ hai là Ngài biết rằng cái người hôm nay Ngài gặp sẽ là một vị Phật tương lai, một vị Phật Độc Giác tương lai, một vị Thinh Văn tương lai. Hôm nay nếu họ gặp được Ngài là coi như Ngài đã đẩy một bàn tay tiếp sức để họ đi về phía trước nhanh hơn. Với lòng đại bi của Phật đối với chúng sanh như mẹ với con – con một - Phật thương ai cũng như người mẹ thương đứa con một (con duy nhất: ekaputta). Câu “…7.Mātā yathā niyaṃ puttamāyusā ekaputtamanurakkhe…” trong bài kinh Từ Bi, có chữ ‘ekaputta’, nghĩa là mình phải thương chúng sanh như là người mẹ thương đứa con một -- đứa con duy nhất vậy đó.
5. Phật là người trí tuệ.
Phật là người có trí tuệ rốt ráo về tánh sanh diệt của vạn hữu. Cái gì cần làm thì làm nhưng luôn hiểu, cái gì cũng không còn hoài (tánh sanh diệt).
Nếu trong room này mà được điều thứ 5 cũng đủ là một hành giả thượng thừa, cũng đủ là một người Phật tử thượng thừa, cũng đủ hoàn tất đạo nghiệp giải thoát. Tức là luôn luôn ý thức rất rõ tính tùy duyên sanh diệt của mọi thứ ở đời. Tuy nhiên, biết mọi thứ không bền nhưng chuyện cần làm thì phải làm. Chứ không phải thấy cái gì mong manh rồi không thèm làm. Vậy là sai, đó không phải là thái độ của người hiểu chuyện. Người hiểu chuyện thật sự -- một bậc thánh -- thì đặc biệt chỗ này: thấy nó là phù du, nhưng chuyện cần làm thì vẫn làm. Thấy ai cần độ thì độ, ai cần gặp thì gặp, chuyện nên nói thì nói, chuyện nên làm thì làm, cái cần bận tâm thì cũng bận tâm -- Rồi là xong.
Lúc Phật gần viên tịch thì ngài Ca Diếp cũng già. Trong kinh nói- rất - rõ, lần đó lúc Đức Phật gần tịch, ngài Ca Diếp về lạy Phật. Đức Phật có dạy rằng: “Năm nay Ca Diếp đã lớn tuổi, Ca Diếp về sống với Như Lai, đừng có khổ cực trên núi rừng nữa”.
Ngài Ca Diếp quỳ lạy Phật: “Bạch Thế Tôn con còn đi bộ được, ống chân con còn mạnh con còn đi khất thực được. Con muốn dùng sức tàn của cái thân già này làm gương lành cho kẻ hậu học đời sau. Từng bước chân khất thực của con còn giúp được cho bao nhiêu người khác nữa nên tạm thời con chưa muốn về bên cạnh Thế Tôn. Chuyện Thế Tôn gọi con thì Thế Tôn biết con sẽ làm gì”. (Kinh Tương Ưng phần giảng về ngài Ca Diếp). Đặc biệt lắm. Các bậc thánh là phải như vậy. Hiểu đời là phù du sương khói nhưng chuyện cần làm thì phải làm, như một người mẹ già biết mình sống không còn bao lâu nữa nhưng chuyện cần phải làm cho con thì mẹ vẫn làm.
Còn mình lại khác, nếu không có tình với người, với vật, với cảnh thì khi sắp đi rồi mình mặc kệ hết, mình xả rác một đống rồi bỏ đi. Đó là kiểu hạ nhân. Còn bậc thượng nhân thì sống như người mẹ với con. Một người mẹ già biết sắp mất nhưng còn quét được cái sân thì cũng quét cho con, nhóm được một bếp lửa cho con thì cũng nhóm, biết lát nữa đây mình đi rồi nhưng hễ làm được gì cho con thì cũng làm. Lòng Phật đối với đời là như vậy đó.
Suy tư năm điều này khiến cho hành giả thêm bội phần tinh tấn.
#SưGiácNguyên
Nguồn: New Dharma Readers

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét