Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Giữ 5 giới để sống an nhiên



GIỮ NĂM GIỚI ĐỂ SỐNG AN NHIÊN

Một gia đình mà người cư sĩ thành tựu được năm giới thì bản thân người ấy có được một cuộc sống an toàn không sợ hãi:
- An toàn trong hiện tại và an toàn trong kiếp sau.
- An toàn trong đời sống và an toàn trước cái chết.
Nếu mình không đào sâu tán rộng thì với bài kinh này sẽ có người hiểu lầm nói là ‘tôi biết rồi’. Nhưng thưa quí vị, ở đây có một vấn đề rất là quan trọng mà tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là, người Phật tử nào tối thiểu cũng có tam quy và ngũ giới, nhưng nhớ giùm là không phạm giới chưa hẳn là giữ giới. Có nhiều người sanh ra trong một bối cảnh gia đình bối cảnh xã hội, văn hóa giáo dục không có tiện để làm chuyện sát sanh trộm cắp v.v... Khi biết đạo rồi họ thấy mấy cái giới đó dễ quá, họ tưởng là họ không phạm, như vậy không có đúng.
Năm giới gồm:
1. Không sát sanh
Không thể hiểu theo cái nghĩa là không giết là giữ giới sát sanh. Những người lớn lên trong thế giới Âu Mỹ, hoặc trong gia đình có của ăn của để thì cơ hội nào để họ sát sanh đây? Nhỏ thì trong vòng tay của cha mẹ ông bà đâu có phải mò cua bắt ốc, đâu có cơ hội mà giết các loại trùn dế muỗi mòng. Lớn lên thì ăn học đàng hoàng, ra làm kỹ sư bác sĩ có gia đình sung sướng hưởng thụ thì cơ hội nào để sát sanh. Cá tôm, heo bò, gà vịt toàn là do người ta làm; về nhà là có kẻ dọn ra cho ăn. Như vậy không gọi là giữ giới.
Không sát sanh nghĩa là có một ý thức sâu sắc rõ ràng vì đâu mình không giết, điều này mới quan trọng. Bởi mình biết rất rõ muôn loài lớn bé đều tham sống sợ chết. Không nỗi kinh hoàng nào trên đời này lớn bằng nỗi sợ chết. Đó là mối âu lo lớn nhất trong đời sống chúng sanh. Mình biết như vậy nên mình không có gieo rắc sự sợ hãi cho người khác bằng các tấn công, bạo lực, bạo hành. Không giết đã đành, mà làm cho người ta đau về thể xác, khổ về tinh thần cũng không nên. Cho nên, không làm khổ người khác về tinh thần lẫn vật chất đó chính là hạnh tu của người biết Phật pháp. Giữ giới sát sanh là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tánh mạng của chúng sanh khác.
2. Không trộm cắp
Cứ nghĩ rằng tôi không lấy của ai thì là tôi giữ giới. Điều đó không hẳn. Tôi đã nói, mình lớn lên trong một bối cảnh gia đình xã hội đặc thù nào đó mình cũng đâu có làm chuyện này. Chẳng hạn như bên Thụy Sĩ đất nước tôi đang ở, có rất nhiều nông trại người ta đem nông sản ra bày ra trong một cái chòi lá. Họ có để bảng giá, cà tím bao nhiêu, cà chua bao nhiêu, khoai tây, bắp đậu giá bao nhiêu. Có cái thùng. Mình nhìn giá biểu đó, thích thì mua, tự mình cân rồi bỏ tiền vào trong thùng đó. Phải chuẩn bị bạc lẻ để trả chứ không ai thối cho mình đâu. Một đất nước như vậy thì người dân đâu có cơ hội ăn cắp. Nhưng nói như vậy không hẳn là người dân Thụy Sĩ được gọi là người giữ giới trộm cắp. Giữ giới trộm cắp ở đây là mình có một ý thức rõ ràng, vì đâu mình không lấy của phi nghĩa, vì đâu mà mình không lấy món vật chất chưa được cho. Bởi vì không cần tới pháp luật, thứ nhất, chỉ nói tới đạo đức làm người, ai cũng có cái quyền tư hữu, ai cũng muốn tài sản vật chất của mình không bị sứt mẻ, không bị mất mát. Ai cũng sợ mất mát, ai cũng muốn mình được toàn vẹn mọi thứ. Người khác lấy của mình, mình đâu có chịu, vậy tại sao mình lại lấy của người khác. Lý do thứ hai, trong tinh thần rốt ráo nhất của người biết đạo thì cái của mình là mình đã không nên tham đắm, nói gì cái của người khác. Một người luôn luôn sống trong ý thức mọi thứ phù du, luôn luôn sống trong ý thức rằng giá trị tinh thần niềm vui tâm linh lớn hơn việc sở hữu vật chất thì thấy chuyện sang đoạt chiếm hữu của phi nghĩa là điều đương nhiên phải tránh. Mình đâu có thể ăn đời ở kiếp với số vật chất mình lừa đảo lật lọng của người ta. Vài trăm ngàn, vài triệu đô la lấy xong rồi cả đời trốn chui trốn nhủi không dám nhìn mặt ai hết. Trời đất bao la mà cứ sống như chuột chù, như giun dế thì có đáng hay không. Hiểu được như vậy thì mình luôn luôn sống trong ý thức rõ ràng mình không có sang đoạt của ai hết. Hôm nay mình gieo nhân nào thì mai kia mình bị cái quả y chang như vậy. Hôm nay mình sang đoạt chiếm hữu của người khác thì mai kia sanh ra một là nghèo khó hai là những thứ mình có được cũng dễ dàng mất mát (do thiên tai, nhân họa, chiến tranh hay trộm cướp). Có những người giàu có nhưng không giữ được của. Nói theo trong kinh là do tiền nghiệp đã không giữ giới trộm cướp nên đời sau sanh ra thì một là không có tài sản, hai là nhờ phước bố thí mà có được tài sản nhưng giữ không được. Có nhiều ngõ để rò rỉ thất thoát lắm. Cuối năm 2017, có hai người quen của tôi cũng tương đối có của ăn của để. Trước Tết vài hôm thì cả hai đều bị mất một số tiền rất lớn, vài trăm ngàn đô. Một người thì bạn bè lừa gạt, người kia thì do chơi stock, bitcoin gì đó. Tiền bạc mà muốn đội nón ra đi thì nhiều cớ lắm. Vợ chồng con cái người thân bệnh hoạn, hoặc họ hoang phí bài bạc hút chích gì đó thì mọi thứ đội nón đi hết. Hiểu như vậy mình mới sợ. Tinh thần cao nhất của Phật pháp đó là của mình hợp pháp mà mình còn không nên chìm đắm thì nói gì là dòm ngó của người khác
3. Giới tà dâm.
Vì nhu cầu tình cảm, tình dục mà chúng ta đi tìm đến những đối tượng ngoài luồng. Nên nhớ rằng con người khác con thú ở chỗ sự chừng mực và biết chuyện. Biết cái gì nên hay không nên, chỗ nào là ranh giới phải dừng lại. Xã hội nào cũng tán thán tôn vinh chế độ một vợ một chồng. Và những tình cảm ngoài luồng tuyệt đại đa số là có kết cục không đẹp.
Trong Kinh định nghĩa tà dâm là quan hệ tình dục với những đối tượng xã hội lên án, ví dụ người đã có gia đình; hoặc người đang được gia đình, pháp luật bảo vệ như trẻ vị thành niên; hoặc có bạn bè thân thuộc muốn gìn giữ nó mà mình tìm cách chiếm hữu. Định nghĩa tà dâm hơi rộng như vậy chứ không phải chỉ đơn giản là dây dưa với vợ hay chồng người khác. Tất cả là 21 hạng không thể đụng chạm tới, gom gọn lại hai là: người đã có gia đình, và người đang được giám hộ bởi đoàn thể hay cá nhân nào đó.
Mình cứ nghĩ người ta thương mình, mình thương lại, hai đứa dắt nhau vô bụi, miễn sao chồng họ không biết, vợ họ không hay, thì trái đất vẫn hòa bình đâu có gì đâu. Nhưng không được, vì nếu thế giới này, hành tinh này mà mọi người tha hồ thích với ai thì đến với người đó thì chúng ta không còn niềm tin trong gia đình nữa. Cứ hở ra là sợ mất vợ mất chồng. Ai có máu ghen thì mới hiểu, mới thấy những người nghiêm túc trong tình cảm là đáng quý.
Giới tà dâm là một lằn ranh, vạch kẽ để phân biệt người và thú. Con thú không phân biệt được gì nên và không nên. Chỉ có con người mới biết rằng tài sản vật chất có quyền tư hữu và tình cảm con người cũng có tư hữu, không được xâm phạm của ai.
4. Giới nói dối.
Không nói dối chưa chắc là giữ giới. Bởi nhiều khi không có điều kiện nói dối.
Mình không muốn ai lừa dối mình thì mình cũng đừng lừa dối ai. Đại phúc và hữu hạnh thay cho kẻ nào được sống giữa những người mà mình có thể tin cậy được. Bất cứ nơi nào mà người với người không tin được nhau thì xã hội đó đoàn thể đó xem như vất đi.
Năm giới là giềng mối duy trì nền tảng đạo đức xã hội và trên nền tảng đạo đức ấy con người có thể tương thân tương ái tương kính lẫn nhau. Không tin được nhau thì còn gì để nói với nhau nữa.
Trong Kinh nói cái gì cũng có chu kỳ, cây cỏ hoa lá cũng có mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân thì cây cỏ xum xuê tốt tươi, mùa thu thì bắt đầu vàng úa, mùa hạ rụng rơi, mùa đông lạnh lẽo. Tùy mùa mà loài nào sống được loài nào chết đi. Đời sống của con người cũng có mùa. Có những thời điểm chúng sanh đặc biệt nổi trội về tâm linh. Chẳng hạn như thời Đức Phật, những người tu hành đạo đức, chứng đắc, thánh nhân nhiều như nấm sau mưa. Trong khi đó có những thời kỳ mà chúng sanh nổi trội về văn minh vật chất, chẳng hạn như thời này, cách nhau một đại dương mà có thể vừa nói chuyện vừa nhìn mặt nhau, người kia rót trà người bên này có thể thấy làn khói lượn lờ bay trên chén, có thể quan sát nhau từng đường tơ sợi tóc, chúng ta có thể di chuyển trong không gian với tốc độ ngàn cây số một giờ. Tùy chu kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái thiện và cũng tùy chu kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái ác. Có những thời kỳ họ trội về tham, có những thời kỳ họ trội về sân. Xuân hạ thu đông trong thiên nhiên như thế nào thì tâm tình tâm thức của chúng sanh cũng có chu kỳ như vậy. Có những thời kỳ chúng sanh sung mãn về đạo đức thì cả hành tinh không có ai biết nói dối. Nói dối khi đó là một khái niệm trừu tượng. Có lúc cả hành tinh này sống trong bối cảnh ‘cộng sản’ tuyệt hảo. Thời đó người ta chỉ kiếm ăn khi cần và không có khái niệm tích chứa, sở hữu, dành dụm và từ đó không có nhu cầu sang đoạt lừa đảo; không có kẻ nằm nhà mát ăn bát vàng, kẻ làm quần quật, không có gian thương đầu cơ, lừa lọc. Thời đó người có thể tin người, người có thể quý người, người có thể thương người. Còn thời này, muốn quý nhau cũng khó, muốn thương nhau cũng khó và muốn tin nhau càng khó. Tùy vào chu kỳ biến đổi trong thiên nhiên và chu kỳ biến đổi tâm thức của chúng sanh mà thế giới này mỗi giai đoạn có điểm đặc thù như vậy đó.
Điều rốt ráo nhất trong giới nói dối là muốn giải thoát sinh tử muốn chứng Thánh thì anh phải thấy được 4 sự thật. Thấy được sự thật là vấn đề quan trọng cốt yếu từ phàm sang thánh. Muốn thấy được sự thật thì ngay thuở còn phàm anh phải biết yêu sự thật. Có yêu sự thật thì trong ngôn ngữ hay hành động mới không có dối trá, lừa đảo, lươn lẹo, lật lọng. Một người có hàm dưỡng thì chuyện lừa đảo lật lọng là cả vấn đề, còn với người thiếu hàm dưỡng thì chuyện nói dối rất dễ dàng đơn giản và thậm chí là lối thoát cho họ trong nhiều tình huống. Còn với người có hàm dưỡng thì chuyện nói dối là cả một cực hình, kẹt lắm, khó khăn lắm
5. Giới uống rượu.
Kể từ khi tia nắng mặt trời đầu tiên rọi vào thân thể khi chúng ta ra đời vừa lọt lòng mẹ cho đến khi ta vào áo quan đậy nắp lại thì trong chuỗi thời gian ấy chúng ta liên tục và thường trực đối diện với bao nhiêu là bất trắc. Để đối phó, để sinh tồn trong một thế giới đầy những bất trắc thì chúng ta phải thường xuyên tỉnh táo. Đằng này chúng ta lại chối bỏ khả năng tỉnh táo ấy để chìm sâu trong nghiện ngập nào đó làm mê man thần trí. Đó là chúng ta quay lưng lại với quyền lợi làm người của mình. Con người khác con thú ở chỗ là khả năng tỉnh thức.
Đời sống của chúng ta là một chuỗi năm tháng đối diện với bất trắc, bất trắc do con người, do thiên nhiên, và do bản thân. Để sống trong thế giới đầy bất trắc ấy chúng ta phải thường trực tỉnh thức để sống cảnh giác, phòng vệ. Ấy vậy mà chúng ta nhìn thấy những người say, những người ngáo đá. Cái cột điện cao thế mà dám leo lên trên, nóc nhà trơn tuột mà dám đứng nhảy múa. Một người say rượu thì như một con thú vậy, không biết nguy hiểm, không biết mắc cỡ hay sĩ diện, không biết cái gì là đẹp là xấu, là thiện là ác, là nên hay không nên hết.
Cho nên, điều thứ năm này, Đức Phật dạy, ngay cả khi chư Phật chưa ra đời, những người hiền trí ở đời cũng tôn trọng năm nguyên tắc chuẩn mực đạo đức này: không giết, không trộm, không dâm dục, không dối trá, không say sưa nghiện ngập. Đây là năm tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cho một cá nhân, một xã hội, một đất nước. Năm giới phải được thiết lập trên nền tảng ý thức, được khởi đi từ ý thức thì mới gọi là năm giới. Nếu một người cư sĩ thành tựu năm giới trên một nền tảng ý thức như chúng tôi vừa nói nãy giờ, thì giới đó mới được gọi là giới hoàn bị. Còn không làm, không vi phạm nhưng thiếu ý thức trong năm tiêu chuẩn đạo đức ấy thì giới của mình vẫn chưa được xem là hoàn hảo.
Đức Phật dạy rằng trong một gia đình cư sĩ mà người cư sĩ thành tựu được năm giới thì ngay trong hiện tại trong thế giới loài người, trong xã hội mà chúng ta đang có mặt, chúng ta không có âu lo, mà còn được sự tín nhiệm thương quý; đồng thời nếu mình có đột ngột ra đi thì chỉ cần nhớ một điều thôi, mình đã sống đẹp quá, mình sống có chuẩn mực, mình sống có nguyên tắc, kiểu sống của mình không phải là kiểu sống của một chúng sanh thấp kém, vì vậy chỗ về của mình dứt khoát phải là chỗ cao cấp rồi. Người cư sĩ nhớ chừng ấy thôi là xuôi tay nhắm mắt có thể cười được. Mình nhớ mình đã sống ra sao là được rồi, tự nhiên đi mình thấy thanh thản, dầu cho mình không có thần thông, mình không biết rõ lắm về thiên đường địa ngục, kiếp trước kiếp sau, nhưng tối thiểu mình nghĩ nếu có một cõi lành thì cõi lành ấy phải dành cho những người có đạo đức về đó. Đó là niềm tin của người có giới.
Chính vì vậy Phật dạy người cư sĩ có năm giới thì sống không có sợ hãi, luôn sống với sự bằng an trong tâm hồn.

#SƯGiácNguyên (giảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét