Chùa to Phật lớn
Một hôm đó Đức Phật và Ngài Anan đi trên một bờ sông thì Đức Phật Ngài nhìn thấy một khúc gỗ trôi sông. Ngài mới hỏi Ngài Anan: “Anan ơi ngươi nghĩ sao, khúc gỗ này có ra tới biển không?” Thì Ngài Anan mới trả lời “Bạch Thế Tôn, không chắc lắm đâu. Bởi vì có thể trên hành trình ra biển nó bị người ta vớt, hoặc nó bị tấp vô bờ, hoặc nó bị nước xoáy rút vào đáy sông, hoặc là nó bị mục trên đường đi, và cuối cùng có thể nó bị vướng, bị mắc vào chỗ nào đó.” Đức Phật nói rằng “Cũng vậy mấy người hành đạo cũng có nhiều lý do để không đến được bờ giải thoát là do họ tấp vào bờ này, tấp vào bờ kia, trên đường đi bị cám dỗ. Khúc gỗ bị mắc cạn thì nó không đi xa. Người bị mắc cái tâm ngã mạn thì như khúc gỗ mắc cạn không trôi được.”
Bài kinh này hay lắm. Tức là khúc gỗ trên đường đi ra biển nó có nhiều lý do để không ra tới nổi, đúng không? Tấp vào bờ, hoặc là bị cuốn, bị xoáy vào đáy sông, hoặc là bị mục ruỗng trên đường, hoặc là bị người ta vớt, hoặc là bị mắc cạn thì trong nhiều lý do trong đó có mắc cạn, mắc cạn đây tượng trưng cho lòng ngã mạn.
Và các vị nên nhớ thế này. Cái câu này phải xâm nữa: "Giải thoát không chỉ nằm ở cái destination (điểm tới, mục đích) mà nó còn nằm trên cái journey (cuộc hành trình)." Tức là không phải đợi tới đích mới giải thoát, mà trên con đường đi, anh phải giải thoát trước. Có nghĩa là sao? Anh phải đi bằng cái kiểu đi của người buông bỏ thì anh mới có thể đến được cái chỗ giải thoát. Còn anh đi bằng cái tâm trạng của cái thằng đụng đâu cũng gánh, cũng vác, thì đến nơi rồi anh giải thoát cái gì?
Khi huynh trưởng của tăng già là Ngài Xá Lợi Phất viên tịch, thì Ngài Anan Ngài thương nhớ, Ngài khóc. Đức Phật Ngài hỏi Ngài Anan thế này “Anan ơi, Xá Lợi Phất khi ra đi có mang theo cái gì thuộc về tinh thần, vật chất hay không? Hay là tay trắng ra đi?” Thì Ngài Anan nói “Dạ tay trắng ra đi.” Đức Phật nói “Nếu mà bản thân Xá Lợi Phất mà phải buông hết mọi thứ để ra đi, thì Anan còn có gì để khóc?" Bởi vì mục đích cao nhất của Đạo Phật là buông bỏ.
Khi bà dì ruột của Đức Phật là bà Kiều Đàm Di Mẫu đến hỏi Phật “Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn không còn nữa thì sẽ có nhiều người họ mạo danh Thế Tôn rồi họ mạo nhận đây là lời Phật thì lúc đó hàng hậu tấn sẽ dựa vào đâu để biết đâu là lời Phật?” Ngài mới dạy rằng những điểm tựa mà người ta có thể dựa vào đó để xác định đâu là lời dạy của Như Lai, đó là:
- Con đường nào, cái pháp môn nào mà càng hành trì mà ta càng trở nên tinh tấn, không có biếng lười.
- Pháp môn nào mà người ta càng hành trì người ta càng thích sống một mình không có thích đám đông.
- Pháp môn nào càng hành trì người ta càng trở nên đơn giản, giản dị, dễ nuôi, không cầu kỳ, đòi hỏi tùm lum.
- Và đặc biệt cái pháp môn nào càng đi theo người ta càng có khả năng mở rộng bàn tay, buông hết mọi thứ.
Cái pháp môn nào càng đi theo mà nó ôm quá trời nhiều luôn là lộn rồi, có gì sai sai.
Sẵn đây tôi nói luôn cái chuyện này. Cái sai lầm lớn nhất của người tu Phật hôm nay mà tôi nói thẳng luôn là do các Phật tử. Họ là người đầu tiên khơi màu và châm ngọn lửa. Trong đầu các vị Phật tử không ít người cho rằng cái đạo nghệp quan trọng nhất của một vị tu sĩ chính là có cái chùa, mở một đạo tràng cho người ta tới họ tu. Cái suy nghĩ đó trên mặt nổi thì rất là đúng nhưng ở mặt chìm rất là đáng ngại. Là vì sao? Là chính vì cái suy nghĩ cho rằng cái đạo tràng là chỗ quan trọng, nó là cái cần có. Từ đó chúng ta nghĩ rằng cái đời tu một ông sư cái đạo nghiệp lớn nhất là trở thành trụ trì, đúng không? Mà khi làm trụ trì, quí vị thấy cái thời gian mà dành cho cái đạo nghiệp bản thân nó không có. Ăn rồi toàn là ngồi tiếp khách, ăn rồi là cân đong đo đếm, chi thu. Nhìn vào thì ông trụ trì đúng là sống cho đạo nhưng mà hơn ai hết, ổng phải tự kiểm, cái thời gian mà ổng dành cho ổng không có nhiều.
Đức Phật Ngài dạy rẳng đối với một người xuất gia chỉ có ba việc phải làm thôi: Học đạo, hành đạo và hoằng đạo. Và hôm nay, biết đâu ngày mai này tôi chết, tôi không còn nữa thì tôi mong rằng tiếng nói của tôi, tiếng gọi giữa sa mạc, giữa biển khơi, miễn là có người còn nghe.
Đó là: Phật giáo không cần ai bảo vệ mà Phật giáo chỉ cần được hiểu đúng, đó là câu thứ nhất.
Câu thứ hai: Thầy giỏi có thể tạo ra chùa, chứ chùa lớn không thể tạo ra thầy giỏi.
Trách nhiệm của Phật tử là phải hỗ trợ để đào tạo tăng tài, chứ không phải hỗ trợ để xây chùa lớn. Không có cái gì nó bậy cho bằng Phật giáo có tới hằng ngàn cái chùa lớn mà kiếm một ông thầy giỏi không ra. Một ông thầy để nói về giáo pháp kiếm không ra. Đó là đạo bị mạt, các vị biết không? Nếu tôi là cư sĩ, thà tôi nhìn thấy một ngôi chùa lá mà có 100 ông chân tu còn hơn là 100 cái ngôi chùa lớn mà không có được 1 ông chân tu. Tôi không có cần. Bởi vì khi mà tôi có vấn đề về đời sống, về tâm linh, cái tôi cần là ông thầy chùa giỏi chứ tôi không cần cái chùa lớn. Vậy mà hôm nay đa phần Phật tử cứ cắm đầu chổng mông là cúng dường đúc chuông, đúc tượng, cất chùa to lớn, hoành tráng, uy nghi, khí thế hừng hực cao ngút trời xanh, mà mình quên một chuyện rất là quan trọng: Khi anh đang vô sự thì anh cứ khoái tạo dựng lên một cái thứ Phật giáo hình thức. Nhưng khi anh hữu sự rồi thì anh rất cần đến một thứ Phật giáo nội dung.
Phật giáo không cần ai bảo vệ mà Phật giáo chỉ cần được hiểu đúng.Thầy giỏi có thể tạo ra chùa, chứ chùa lớn không thể tạo ra thầy giỏi.
Phật giáo nội dung là gì? Đó là những tăng ni, những người Phật tử có giáo lý, có thể ngồi lại chia xẻ cái tâm tư với mình, những thao thức, những trăn trở với mình. Phật giáo không phải là chùa to, Phật lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét