BA NƠI CHỐN VỊ TỲ KHEO CẦN PHẢI NHỚ
Nếu bà con chỉ đọc mà không xem kinh, không được nghe giải thích thì thấy rất bình thường và nghĩ rằng, vua thì có ba chỗ cần nhớ, tỳ kheo thì cũng có ba chỗ vậy thôi. Thậm chí có người còn nói đời là phù du, cứ tu thôi chứ mắc gì phải nhớ chỗ. Vấn đề là không phải đơn giản như vậy. Ba chỗ vị tỳ kheo phải nhớ đó là chỗ mình xuất gia, chỗ mình nắm được giáo lý, và chỗ mình chứng thánh. Đây là ba chỗ quan trọng.
Nhưng nói vậy không phải là nhớ ba địa điểm mà là ba sự kiện. Phải hiểu rằng ở đây Đức Thế Tôn muốn nói đến ba sự kiện chứ không phải là nơi chốn, hễ nhớ đến sự kiện thì làm sao mình quên được nơi chốn, nhưng cách nói của Ngài rất là mềm. Nếu Ngài nói đây là ba sự kiện cần nhớ có lẽ là thính chúng trước mặt Ngài không ép-phê, bởi đó là những người rất nặng tình cảm, họ cần phải được nghe cái gì gần với tâm tư tình cảm của họ thì dễ nuốt hơn. Nói ba sự kiện thì khô quá, nhưng khi chuyển qua nơi chốn thì họ sẽ nghĩ Thế Tôn tuy là bậc đại giác nhưng cũng có tâm có tình quá, sống trọn vẹn thủy chung trước sau. Ngài muôn thuở là vậy nhưng đôi khi cũng phải cho người ta thấy. Chỗ này Ngài nói (mà nói theo kiểu của Trang Tử thì) rất là cận nhân tình. Một vị vua thì cần nhớ ba chỗ: chỗ được mẹ sinh ra, chỗ chính thức lên ngôi, chỗ thắng trận, và đối với một tỳ kheo cũng vậy.
Thứ nhất, suốt đời phải nhớ hoài chỗ mình xuất gia. Vì sao vậy? Trong Tăng Chi Bộ Kinh, pháp 10 chi có một bài kinh Đức Phật giảng như thế này:
Tỳ kheo mỗi ngày nên thường xuyên quán xét 10 điều sau đây: “Ta bây giờ hình dáng không giống như người đời, như vậy ta phải có hành xử cho giống người xuất gia. Đời sống của ta bây giờ phải lệ thuộc người khác miếng cơm manh áo mỗi ngày, ta phải làm sao để xứng đáng phần hỗ trợ đó, ngày đêm qua mau lẹ, trong từng phút trôi qua ta đã làm được gì cho mình cho đời. Vị tỳ kheo phải thường xuyên quán xét: những vật gì ta thương thích, ta không bỏ nó thì nó cũng bỏ ta mà đi trong một sớm mai hồng nào đó. Vị tỳ kheo phải thường xuyên quán xét những gì thiện ác do thân khẩu ý thực hiện sẽ trở thành di sản của ta mai này, không ai gánh được cho ta hết. Vị tỳ kheo phải suy tưởng rằng mai này trên giường chết nếu thầy bạn có cầm tay hỏi ta đã thành tựu được đạo nghiệp như thế nào thì lúc đó ta có phải tự thẹn với đời tu bê bối bề bộn của mình hay không.”
Nói đến sự kiện xuất gia là vị tỳ kheo phải lập tức nhớ đến bài kinh đó; nhớ ở nơi chốn nào, từ đâu mà mình được đắp cái y này, vì lý do nào mà ngày ấy ta đã chọn con đường này. Chính vì nhớ hoài chuyện đó, vị tỳ kheo không đánh mất bổn phận trách nhiệm với đời tu của mình; lòng luôn luôn đau đáu và canh cánh với đạo nghiệp của bản thân, chớ cái chỗ xuất gia đó đâu có gì đặc biệt mà nhớ. Cái quan trọng là nhớ được lý do vì đâu mà mình đã xuất gia, và từ ngày đó, trước mặt HT Bổn sư, hai vị Yết ma sư, trước mặt chúng tăng chứng minh mình đã phát thệ trở thành một tỳ kheo với 8 điều răn căn bản (4 điều phải tránh và 4 điều cần thực hiện). Liệu từ ngày ấy đến giờ mình đã có lần nào sơ thất làm bẩn lá y trên người mình chưa. Vì vậy, sự kiện thứ nhất mà vị tỳ kheo cần phải ghi nhớ là ta đã xuất gia với lý tưởng như thế nào, tại đâu, chuyện đó đương nhiên phải nhớ.
Thứ hai, vị tỳ kheo luôn nhớ được ở nơi chốn nào, ta được tiếp nhận, nhận ra giáo lý Bốn Đế. Bây giờ quí vị mới thấy tại sao, nhiều người giận tôi vì cứ nhắc Bốn Đế hoài, như con cá giận con thỏ vì cứ lấy cà rốt làm mồi câu. Bữa nay chính bài kinh này đã ‘cứu’ tôi, đã cho quý vị thấy Bốn Đế quan trọng như thế nào. Ở nơi chốn nào, vị tỳ kheo tự mình nhận thức ra bốn sự thật này: “Mọi thứ ở đời là khổ; thích cái gì cũng là thích trong khổ; thích trong khổ thì chỉ tạo ra khổ khác mà thôi; hết thích trong khổ thì không còn khổ nữa; sống bằng ba nhận thức trên chính là nội dung con đường thoát khổ”, dù chưa đắc gì hết, nơi chốn ấy vẫn là đáng để quí vị nhớ.
Tôi nhớ hoài, Châu Âu chính là mảnh đất mà tôi thấm thía vô cùng Bốn Sự Thật này, tôi cũng phải nói rõ, tôi không đủ minh triết trí huệ để nghĩ ra. Đó là trong thời điểm tôi đọc miên man miệt mài sách thiền của Miến Điện, tôi tổng kết lại là bốn sự thật đó, tôi không ngờ là Bốn Đế sâu thẳm như vậy. Hồi đó đến giờ biết Bốn Đế cao siêu nhưng chỉ biết như vẹt, sáo, nhồng, cưỡng vậy chứ đâu có biết nó gần với mình như vậy.
Thứ ba, vị tỳ kheo cần phải nhớ ở nơi chốn nào cái thấy biết của tỳ kheo về Bốn Đế đạt đến đỉnh để vị này chấm dứt phiền não. Tùy theo ba-la-mật của mình Tu-đà-hoàn chấm dứt thân kiến hoài nghi ganh tị bỏn xẻn; Tư-đà-hàm cũng y như vậy nhưng giảm nhẹ dục ái và sân; A-na-hàm dứt hẳn dục ái và sân; và vị A-la-hán thì dứt điểm toàn bộ triệt để tất cả phiền não. Vị La-Hán dù là sa-di bảy tuổi vẫn thanh tịnh y chang như vị Chánh Đẳng Giác. Vị này không còn phiền não nữa tuy nhiên cái biết của vị này có giới hạn. Bên PG Bắc Truyền cho rằng vị La-Hán đệ tử Thanh văn không thanh tịnh như vị Chánh Đẳng Giác. Điều này thì bên Nam Tông phủ nhận. Bên Nam Tông xác nhận một điều là phiền não như rác, phiền não như phẩn, dù đó là vị Chánh Đẳng Giác hay vị Thanh văn, chỉ cần dời mấy thứ đó ra thì không còn mùi phân nữa. Tuy nhiên, vị Chánh Đẳng Giác là một lâu đài mà dưới gốc bồ đề Ngài đã đem những phần đó ra khỏi lâu đài rồi, sau khi dẹp sạch phần bất tịnh đó đi thì lâu đài của Ngài cực kỳ hoành tráng, cao như núi. Trong khi đó vị Thanh văn chỉ là một túp lều thôi, nhưng túp lều này vừa được tẩy trần, vừa được làm vệ sinh cũng không còn gì dơ trong đó nữa. Nói về thanh tịnh, nói về sạch sẽ thì chỗ này chúng ta có thể khẳng định rằng sự sạch sẽ trong một chòi lá và sự sạch sẽ của một lâu đài hoàn toàn giống nhau. Làm vệ sinh tới nơi tới chốn thì nhà lớn nhà bé sạch hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, chòi lá thì làm sao có được những cái như bên trong tòa lâu đài được. Trong kinh nói thân tướng của ngài Xá Lợi Phất trang nghiêm như Phạm thiên, đẹp đến nỗi mà lần đó Đế Thích xuống hầu Phật, Đế Thích hỏi:
- Bạch Thế Tôn, đối với một vị vua, trên là cha, dưới là thái tử nhưng Thế Tôn là bậc Pháp vương thì dưới Thế Tôn là ai?
Đức Phật dạy cho Đế Thích:
- Này Thiên vương, vị tỳ kheo ngồi bên trái Như Lai có vầng trán như chiếc dĩa bằng vàng rực rỡ chói ngời đấy chính là Xá Lợi Phất, đây là con trai của Như Lai được sanh ra từ pháp, nếu nói một cách chính xác là vị này có thể vận chuyển bánh xe Pháp luân theo cách đã học được từ Như Lai.
Trí tuệ của ngài Xá Lợi Phất chỉ đứng sau Bậc đạo sư, sau chư Phật Độc Giác. Nhưng rồi thì sao? Nếu xét mọi thứ, riêng thời gian tu tập ba-la-mật thì ngài Xá Lợi Phất chỉ bằng 1/20 của Đức Thế Tôn; Đức Thế Tôn là 20 a-tăng-kỳ, 100 ngàn đại kiếp, ngài Xá Lợi Phất chỉ 1 a-tăng-kỳ. Về chất lượng thì trong 20 a-tăng-kỳ ấy Bồ tát Thích Ca Mâu Ni dù bố thí một cây tăm hay nhảy xuống hố cho cọp ăn đều nghĩ đến vô lượng chúng sanh, đều nghĩ đến chuyện trở thành Chánh Đẳng Giác hoàn tất Phật đạo, còn ngài Xá Lợi Phất thì trong khoảng thời gian 1/20 ấy không nghĩ ghê gớm như vậy, chỉ mong trở thành Đệ nhất trí tuệ trong Thanh văn là xong. Còn với Bồ tát Thích Ca Mâu Ni thì khác, trong 20 a-tăng-kỳ ấy từ chuyện nhặt một chiếc lá, quét một sân chùa, cho người ta một hột cơm, nhường cho người khác cả ngai vàng, tặng luôn hoàng hậu, nhảy xuống hố cho cọp ăn, vì gánh oan tình cho người khác mà chấp nhận bị đâm, chém, băm vằm. Tất cả những chuyện khó khăn ấy Ngài làm hết và cùng với một tâm nguyện trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác, cái gì cũng biết, đức lành nào cũng có. Như vậy, nếu so ra, đến ngài Xá Lợi Phất thân tướng trang nghiêm chói lòa như vậy, trí tuệ số 1 như vậy nhưng chỉ là một góc nhỏ của Thế Tôn, nói gì một vị sa-di La-Hán bảy tuổi, làm sao bì được. Tuy nhiên Thế Tôn và vị La-Hán bảy tuổi giống nhau ở điểm là cả hai đều hoàn toàn sạch sẽ, có điều, vị Thanh văn là căn chòi nhỏ sạch sẽ còn Ngài là lâu đài lớn sạch sẽ. Tôi nghĩ trong room quí vị hiểu ý của tôi, căn phòng sạch sẽ và cái đĩa sạch sẽ giống nhau một điểm là cả hai đều đã được diệt khuẩn, tẩy trùng, chỉ vậy thôi, giống nhau ở chỗ mình hoàn toàn có thể sử dụng nó là được rồi.
Tôi đang giảng về ba sự kiện một vị vua và một tỳ kheo cần phải nhớ. Ở đây rõ ràng là một bài kinh mang tính phương tiện rất cao. Ngài chỉ phương tiện thiện xảo, đem chuyện ông vua để nói về vị tỳ kheo và Ngài mượn cái gọi là nơi chốn để nói về cái gọi là sự kiện. Ngài muốn nhắm đến nội dung: xuất gia là con đường tốt nhất trong tam giới và chứng thánh trí là cứu cánh cao nhất trong tam giới. Tinh hoa, lõi cây của bài kinh này nằm ở chỗ đó.
- Xuất gia là con đường tốt nhất trong tam giới, dầu có về Phạm thiên đi nữa cũng không bằng mang thân nhân loại mà được xuất gia đắp y trong Phật pháp. Dĩ nhiên là phải tu hành ngon lành, tu hành ngon lành là ngon hơn về Phạm thiên nữa.
- Không quả vị nào trên đời này bì được với vị chứng nghiệm được Bốn Đế: thấy rõ rằng mọi thứ ở đời là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa, ba nhận thức ấy cộng lại chính là hành trình thoát khổ. Mỗi lần buồn vui gì trong đời cứ nhớ văng vẳng bên tai câu nói trên (“Mọi thứ ở đời là khổ… con đường thoát khổ”). Pháp môn Tứ Niệm Xứ là sống chậm với chánh niệm và trí tuệ để thấy rằng đây là danh, đây là sắc, đây là danh sắc vô thường, đây là danh sắc khổ và đây là danh sắc vô ngã. Như vậy có phải là sống bằng ba nhận thức kia cộng lại hay không? Đừng có tin tôi mà phải hiểu rằng tôi đã nói cái gì. Ngoài đời cũng vậy, thương ai thích ai, thích món đồ gì thì chuyện đầu tiên phải hiểu tại sao mình thích chứ không thể nhắm mắt nhắm mũi nói tôi thích mà không hiểu lý do. Nếu không thì rất nguy hiểm, đó là một ván bài liều, một cuộc cờ liều. Thương một người mà hiểu họ không nhiều, cắm đầu nghe theo một lời giảng thấy ngộ ngộ thích thích mà không hiểu tới nơi tới chốn là đại họa. Chuyện đó còn độc hơn là đứa con nít uống nhầm chai hóa chất. Bởi vì may ra còn súc ruột, súc ruột xong thì vô sự; nhưng về mặt tinh thần thì lại khác, khi ta bị tập nhiễm đầu độc thì chỉ có trời cứu. Người ta có thể súc ruột dễ dàng nhưng tẩy não là chuyện thiên nan vạn nan. Đây là lý do vì đâu Thế Tôn dạy rằng, cũng như một vị hoàng đế suốt đời phải nhớ ba địa điểm quan trọng nhất trong cuộc đời thì cũng vậy một tỳ kheo phải suốt đời nhớ đến ba sự kiện vì đâu ta đã xuất gia, lý tưởng gì. Nhớ đến chuyện đó là nhớ chỗ mình xuất gia, ngay ở chỗ nào ta nghiệm ra lý Bốn Đế mà xưa giờ ta chỉ học như vẹt sáo nhồng cưỡng.
Việc phải nhớ ở chỗ nào vị tỳ kheo đắp áo xuất gia thọ đại giới với sự chứng minh của chúng tăng tại sao lại quan trọng như vậy? Cách đây mấy hôm có người Phật tử đến chỗ Am Mây của tôi để xin quy y, tôi nói tôi không có tư cách để làm chuyện đó đâu, mặc dù người trao Tam quy cho quí vị có thể là một người cư sĩ. Tôi không làm lễ cho quí vị nhưng tôi nhắc quí vị một chuyện rất quan trọng sau đây: Tất thảy những tăng ni cư sĩ nào ngồi làm chứng cho mình thọ Tam quy, nếu truy ngược thời gian thì tất thảy họ đều có quan hệ mật thiết với Đức Phật, bởi họ đã quy y với ai, ai đã trao Tam quy cho họ, truy riết sẽ có một lúc đến được tới bàn chân Đức Phật. Lá y trên người vị tỳ kheo thiêng liêng như vậy, thiêng liêng là bởi vì lá y của thế hệ này được trao truyền bởi thế hệ tước, thế hệ trước được trao truyền bởi thế hệ trước nữa, cứ như vậy chúng ta có mối quan hệ tâm linh vô cùng chặt chẽ với Đức Phật và ta hoàn toàn có thể gọi là huyết thống tâm linh.
Về sinh lý chúng ta có quan hệ với ông cố, ông xơ...; sau này con cháu chắt chút chít… của chúng ta cũng có quan hệ huyết thống với chúng ta về mặt sinh học. Riêng về đời sống tâm linh, chúng ta cũng có mang trong người mình biết bao nhiêu là huyết thống tâm linh. Ví dụ, có người VN nào yêu truyện Kiều mà không biết Nguyễn Du, có người VN nào không biết Chinh Phụ Ngâm, không biết bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ xuân Hương, có người VN nào không biết Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão… đó là huyết thống tâm linh.
Về tinh thần cũng vậy, dù chúng ta là người VN, chúng ta chửi Tàu mỗi ngày vì chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng có người VN nào yêu tiếng Việt mà không ít nhiều mang nợ thơ Đường và từ Tống, có người VN nào không ít nhiều mang nợ ngài Huyền Trang, kể cả những người không biết gì hết. Công trình dịch kinh của các ngài Huyền Trang, Cưu Ma La Thập và Pháp Hiển đã đem lại cho tiếng TQ hàng ngàn từ vựng mới và những từ ngữ ấy hôm nay đã dùng rộng rãi trong cả đời sống dân gian và trong văn học, từ hàn lâm đến dân dã của TQ và dĩ nhiên không thiếu phần của Nhựt Bổn, Cao Ly và VN. Chúng ta cũng là những người âm thầm kế thừa di sản của những tiền nhân hoàn toàn là ngoại quốc ấy. Nói chi là trong Phật pháp này, một vị tỳ kheo trong ngày lễ thọ đại giới là vị ấy đang tiếp nối truyền thống tâm linh của đời xưa kiếp trước, từ chư Phật ba đời mười phương, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ngọn đuốc tiếp nối của Phật Ca Diếp, Phật Ca Diếp là ngọn đuốc tiếp nối của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni là ngọn đuốc tiếp nối của Phật Cù Lưu Tôn… của các vị Phật khác như Phật Tỳ Bà thi, Phật Nhiên Đăng.
Sự kiện thứ hai cũng chính là thứ ba mà Ngài cố ý xé rời ra để cho chúng ta thấy đó là hai sự kiện quan trọng:
- Ở nơi nào ta đã ngộ ra Bốn Đế -- ở đây khoan nói đến phàm hay thánh, dù chúng ta có là phàm đi nữa, giây phút nào chúng ta nhận ra Bốn sự thật thì giây phút đó dòng chảy luân hồi của chúng ta đã chận được ít nhiều, và người nào nhận ra bốn sự thật này thì người đó hoàn toàn không có khả năng luân hồi quá 80 a-tăng-kỳ, dù chỉ nhận qua trí Văn, trí Tư thôi chưa cần tới trí Tu, nhận ra bằng cả tâm khảm tâm tư của mình, thấm thía thật sự: Thì ra tôi hiểu rồi, từ hạt cát cho đến những thiên thể to như mặt trời, từ con ong cái kiến cho đến con cá nhà táng, từ kẻ ngủ dưới gầm cầu cho đến giáo hoàng hay tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tất thảy mọi hiện hữu đều là khổ. Nếu mọi thứ đều là khổ thì từ cái tăm đến túi xách LV mà tôi thích đều là thích trong khổ. Muốn hết khổ thì không thích nữa bởi còn thích thì còn đi đầu thai vào chỗ mình thích.
Khi ta sống với nhận thức trọn vẹn về ba Đế đầu (Khổ, Tập, Diệt) cũng có nghĩa là ta đang sống bằng Đế thứ tư, nghĩa là ta đang có mặt trên con đường thoát khổ. Cũng từ chỗ này, người nào nhận ra được Bốn Đế ở mức rốt ráo lúc nào thì cũng có nghĩa vị ấy không còn cơ hội, không còn lý do để thích và ghét 6 trần nữa. Vì sao? Vì khi nhận ra Bốn Đế, ta không có lý do để thích. Hễ không còn cái để thích thì cũng không có lý do để ghét. Khi không có lý do để ghét thì trước mắt ta không còn khổ, vì khổ là phải gánh cái mình ghét.
Thánh nhân cũng còn bệnh, thánh nhân cũng còn đau tại sao tôi nói hiểu Bốn Đế thì không còn khổ? Thứ nhất, họ không còn khổ sinh tử. Thứ hai, vị La-Hán chỉ còn khổ thân chứ không khổ tâm. Ngay cả chuyện mình có đâm chém ngài, ngài chỉ khổ thân chứ tâm của ngài vẫn thanh tịnh yên ổn và cái từ bi của ngài dành cho người đâm mình trước sau, không thay đổi. Mình có quỳ xuống hôn chân ngài hay đâm ngài lòi ruột thì tình cảm của ngài đối với mình trước sau không thay đổi. Tôi tin chuyện này vì ngài đã hiểu Bốn Đế, ngài hiểu ngài chỉ là bọt xà phòng, là bong bóng nước, đó là cái hiểu toàn triệt chứ không phải cái hiểu vay mượn. Thánh nhân thấy ra sự thật bằng chính thân chứng và thể nghiệm. Giống như mình biết chắc đây là mẹ mình dù bà có té ngã lên người làm cho mình bị đau mình cũng không giận, mình có hốt phân cho mẹ mình cũng không sân si vì biết đây là mẹ của mình. Mình thấy ông hàng xóm chết mà mình không bị sốc vì mình biết rõ đây là người dưng không mắc mớ gì với mình hết, ông ấy là thằng cha từng lấn đất giành rào của mình. Khi biết rõ mười mươi như vậy thì cái chết của ông hàng xóm không làm cho mình khổ, và khi biết rõ đây là mẹ của mình một trăm phần trăm thì mình có hốt phân của mẹ, có bị bà quất một roi, hay bà có ngã trên người mình, làm cho mình đau đớn mình cũng không giận. Mình thấy người con gái kia quá đẹp, mình chớm có chút tình trần, khi biết rõ đây là đứa cháu ruột lúc nó chào đời mình đã đi Mỹ thì mình không còn tà tâm với nó nữa. Đắc thánh cũng giống như vậy, một người đắc thánh thấy rõ mồn một mọi thứ lừng lững trước mặt, đây là danh, đây là sắc, đây là khổ, đây là Tập, đây là Diệt, đây là vô ngã, đây là vô thường, đây là lắp ráp, đây là ghép nối, đây là do duyên mà có, và có rồi sẽ do duyên mà mất, mọi thứ chớp nhoáng, không còn là line không còn là spot mà tất cả chỉ là dot, lâu nay u mê không thấy, bây giờ thấy rồi; như vậy có đâm ngài lòi ruột hay quỳ xuống hôn chân ngài thì ngài cũng chỉ thấy đây là bọt nước kia hôn chân bọt nước này.
#SưGiácNguyên_giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét