TRONG GIÁO PHÁP CỦA NHƯ LAI, ĐỂ ĐƯỢC GỌI LÀ MỘT NGƯỜI CÓ NĂNG LỰC BẬC ĐẠI NHÂN THÌ PHẢI HỘI ĐỦ BỐN ĐIỀU KIỆN GÌ ?
Có một ông vào gặp Phật ông nói :
-Theo cách nghĩ của con một người có năng lực có tài thì phải hội đủ 4 điều kiện này : (1) học thức (2) nhớ giỏi (3) có chuyên môn (4) thông tuệ. Nếu con nói sai thì Thế Tôn điều chỉnh.
Đức Phật trả lời :
-Ý nghĩ của ngươi không có gì khen hay chê, tầm tầm được không sai nhưng cái này quan trọng : Ở ngoài đời nghĩ như ngươi là một người có năng lực hội đủ 4 cái đó, nhưng trong giáo pháp của ta để được gọi là một người có năng lực bậc đại nhân thì phải hội đủ 4 điều kiện này :
-Sống có ý tưởng lợi tha
-Chánh tư duy, lìa tà tư duy
-Khả năng chứng đắc thiền định
-Thành tựu thánh trí La-Hán.
Dĩ nhiên là tuỳ đề tài, tùy đối tượng Đức Phật nói ra sao. Ở đây Đức Phật Ngài dạy một vị Tỷ Kheo mà được xem là tròn trịa nhất thì phải là người có đời sống một, là lợi tha, hai, là chánh tư duy. Chúng ta xem kinh Song Tầm Trung Bộ dvedhavitakkasutta. Có nhiều lúc Ngài dạy con đường giải thoát chỉ qua bát chánh đạo, một ngã chánh tư duy. Chánh Tư Duy là :
-Ly dục tư duy : là không thích gì, không để mình chạy theo bất cứ cái suy nghĩ nào mà đam mê thích thú trong bất cứ cái gì, không có chạy theo cảnh, sắc, khí, vị, xúc, pháp nào mà làm cho mình đam mê.
-Vô sân tư duy: không bất mãn cái gì, không có lục trần cảnh nào mà mình bất mãn.
-Bất hại tư duy : không hề có ý làm tổn thương đập đổ xúc phạm chống phá bất cứ người hay vật.
Nếu mình có học giáo lý thì mình thấy cả ba cái này là bao gồm toàn bộ Phật pháp. Ly dục tư duy tức là tâm sở vô tham ; vô sân tư duy là tâm sở vô sân ; bất hại tư duy là tâm sở bi mẫn. Tổng cộng là 3 tâm sở, cộng lại đây là chánh tư duy.
Pháp tu thì bao la nhưng tại sao gom lại ba cái này, xin thưa ! Nghe thì đơn giản nhưng để thành tựu 3 chánh tư duy thì ta phải tu tập tất cả 37 pháp bồ đề. Trong Kinh Song Tầm Ngài nói khi Ngài còn là Bồ Tát trong rừng khổ hạnh Ngài suy nghĩ thế này : toàn bộ thế giới này nó chỉ đi ra từ tư tưởng của chúng sanh, mà tất cả cái mà gọi là tư tưởng ấy chỉ gồm 2 nhánh đó là tư tưởng thiện và tư tùởng bất thiện. Toàn bộ vô lượng vũ trụ và tất cả chúng sanh nó đi ra từ cái gọi là tâm, đó là tư duy tâm nó chia ra làm hai nhánh là thiện và ác, tức là thiện tư duy và ác tư duy, chánh tư duy và tà tư duy. Thì cái thiện tư duy là cái nên có và ác tư duy không nên có chỉ đơn giản vậy thôi. Và khi Ngài tự xác định như vậy, kể từ giây phút đó trở đi Ngài thấy tà tư duy, ác tư duy xuất hiện thấy nghĩ gì bậy, thích cái này ghét cái kia thì Ngài biết là tà tư duy, và chính nhận thức này của Ngài mới dẫn đến Phật quả sau đó. Thứ ba là khả năng chứng đắc thiền định, bởi vì thời Đức Phật chuyện đắc chứng thiền định dễ như trở bàn tay, cho nên chúng ta thấy Đức Phật thường xuyên nhắc đến chuyện đắc chứng thiền định một cách dễ dàng không khó khăn, không mệt nhọc là vậy. Nhưng thời nay chúng ta không có khả năng đắc sơ, nhị, tam, tứ thiền, nhưng tối thiểu chúng ta cũng có thể có sát na định hoặc là cận định. Có nghĩa là khả năng tập trung tư tưởng tuy là nó không phải định, nhưng ít ra chúng ta có thể ghép nhiều mảnh vụn của định tâm lại để mình có thể ngồi yên chuyên chú nhất tâm trong một, hai, ba, bốn tiếng, thì cái đó tuy là sát na định nhưng nó hoàn toàn có thể là một phương tiện công cụ để mà chúng ta tu tập tụê quán. Cái định ngày xưa là các tầng thiền sơ nhị tam tứ trở lên, còn ngày nay chúng ta chỉ có khả năng đó thôi nhưng cũng là định.
Cái cuối cùng tu gì thì tu, phước báu gì thì phước báu nhưng cái cứu cánh rốt ráo cao nhất vẫn là sự chấm dứt phiền não, bởi vì nói đi nói lại thì tất cả, dĩ nhiên ác pháp là phải tránh, thiện pháp dầu chúng ta có là ông thầy tu, cư sĩ, nam phụ lão ấu, chúng ta có giới luật, thiền định, trí tuệ..v....v, thì nói cho cùng tất cả thiện pháp và quả lành đều chỉ là tấm vé tàu hay máy bay, chỉ có giá trị khi ta chưa đến đích. Cho nên Ngài dạy cả đời bao nhiêu pháp tu bao nhiêu hạnh lành nhưng cuối cao siêu rốt ráo nhất vẫn là chấm dứt toàn bộ phiền não rồi Niết-Bàn.
Tất cả hôm nay trưa nắng chang chang chúng ta đội gạo lên chùa, chùi cầu rửa chén ngồi thiền bị muỗi cắn, đổ mồ hôi, chiều đói bụng, khuya nằm lạnh lẻo gió sương, hành thiền trầy trật khó khăn ..v...v, nói chung là đường tu bao nhiêu gian lao, nhưng tất cả chỉ là tấm vé tàu. Nhiều người cứ tự đắc tự kiêu tự mãn, cứ thấy mình được ba mớ là hay nhưng thật sự họ quên rằng tất cả chỉ là tấm vé tàu thôi. Nên nhớ rằng trưa trời nóng thế này tại sao mình phải làm phước ngồi thiền, là tại vì mình không muốn nóng nữa, thà là mình nóng một kiếp hai kiếp để không còn nóng nữa, cứ mỗi lần cực chỉ nhớ bấy nhiêu đó. Bây giờ kiếp này gặp được Phật pháp tôi ráng đổ mồ hôi vì đạo, để lỡ nhiều kiếp khác sanh ra không được gặp Phật pháp, cứ nhớ mỗi lần cực chỉ nhớ bấy nhiêu đó thôi.
Rất nhiều kiếp chúng ta đổ mồ hôi, nhưng gặp được Phật pháp đổ mồ hôi cũng xứng đáng lắm, còn nếu không gặp Phật pháp biết đâu sẽ làm con chó, con heo, con gà, con vịt, còn không thì cũng làm dâu làm rễ nhà người, rồi quanh năm cày xới trên cánh đồng sanh tử gầy dựng tiếp tục bao nhiêu là mối oan khiên.
Sư Giác Nguyên
(Chép lại bài giảng của Sư ngày 2-7-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét