Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Bi trí dũng



Bi Trí Dũng

"Thiên đường hữu lộ, vô nhân vấn,
Địa ngục vô môn, hữu khách tầm"

Tức là đường về trời có đó mà không ai hỏi nhưng đường xuống địa ngục không ai dạy mà lúc nào cũng đứng đầy.

Mình phải thấy được mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất. Điều này rất quan trọng. Hôm nay bà con đến gặp tôi, bà con nghe buổi đầu, bà con thấy Đạo Phật là như vậy. Nhưng mà mai này bà con về sau một hai tháng tu thiền ngồi nghiệm thì sẽ thấy giáo lý duyên khởi nó quan trọng cỡ nào. Học giáo lý duyên khởi để thấy rằng: Trong từng phút ta đang âm thầm kiến tạo một chốn về cho mình mai này. Trong từng phút trôi qua, ta đang sống với vô minh, tham ái và tà kiến. Trong từng phút trôi qua, ta đang sống với trí tuệ và chánh niệm. Trong từng phút trôi qua ta đang mở rộng đường hoặc về trời hoặc xuống địa ngục. Mặc dù theo trong kinh thì đường về cõi trời kinh sách dạy đầy ra đó mà ít người hỏi thăm, còn đường xuống địa ngục không ai dạy mà đứa nào cũng rành hết trơn.

Có học giáo lý duyên khởi mới thấy được nhiều chuyện rất quan trọng. Chuyện thứ nhứt: Thế giới này chỉ là đồ lắp ráp không thôi. Một đời người nó được ráp bằng bốn thứ thiện ác buồn vui. Cái thiện đời này là nhân vui cho đời sau. Ác đời này là nhân khổ cho đời sau. Vui đời này là quả của cái lành của đời trước. Khổ, buồn đời này là quả của cái xấu của đời trước. Phải thấy được bốn cái đó, nhớ đi nhớ lại bao nhiêu đó. Lên lầu xuống lầu, đi vô nhà tắm, đánh răng, mở lò rửa chén, làm gì cũng nhớ bao nhiêu đó. Nhớ là cái gì khó chịu bây giờ là quả xấu đời trước. Cái gì dễ chịu bây giờ đều là quả lành đời trước. Ta tham sân si bây giờ là nhân khổ đời sau. Từ bi hỷ xả ngày này chánh niệm trí tuệ ngày này là nhân vui đời sau. Nếu đủ duyên thì ta chứng thánh giải thoát. Nếu không đủ duyên thì trên đường luân hồi nó cũng được dễ chịu.

Thật ra, xét cho kỳ cùng thì các quả lành của bố thí trì giới nó chỉ cho ta những cái căn phòng máy lạnh trên con đường luân hồi vạn lý mà thôi. Trước sau cũng phải đi trên con đường đó, nhưng ai có điều kiện có cái phòng máy lạnh nhìn ra trời xanh mây trắng nắng vàng cũng dễ chịu hơn.

Trưa nay nắng chang chang mà hồi nãy chạy cái xe muốn chết luôn. Chạy tới đây thì máy lạnh nó mới chịu làm việc mà mấy người lại đẩy tui ra chỗ nắng ngồi. Chỗ mát thì tụi nó ngồi nói chuyện líu lo mà tôi ngồi chỗ nóng trào máu. Tôi nói trong bụng: Cũng là đi xe mà ai ngồi chỗ mát thì nó dễ chịu, mà ngồi chỗ nắng cũng quãng đường đó ôi thôi nó là một cái đọa đày. Sẵn đây tôi nói luôn biết đâu trước mặt tôi có những người tàng long ngọa hổ, có những người Bồ Tát dấu mình. Mà nói vậy thôi chớ không có đâu. Ngộ người ta chửi cũng cười nữa.

Đường về Phật quả rất xa xôi đầy bất trắc nhưng mà do cái lòng đại bi nghĩ đến chúng sinh nên Bồ Tát không sợ xa. Và do đại trí Bồ Tát thấy mọi thứ chỉ là ảo. Do thương chúng sanh và do thấy mọi thứ ảo nên Bồ Tát không sợ khó. Đó là nói trên lý. Còn nói trên tình thì sao? Thời gian tu hành ba la mật, tu hành các hạnh lành càng nhiều thì đường luân hồi của Bồ Tát nó trơn tru hơn. Đẻ ra ngồi trên đầu người ta không. Giàu hơn. Khỏe hơn. Đẹp trai hơn. Dễ tu lắm. Vì không có mặc cảm. Còn cái tướng xấu hoắc, đi giảng thấy người ta ngáp cũng tủi nữa. Có lúc tui buồn ngủ quá trời mà thấy thầy Pháp Hòa là tui khỏe luôn. Cho nên trong kinh nói: Bồ Tát do Đại Bi, Đại Trí mà không ngại dấn thân đã đành rồi, nhưng mà đó là nói về lý. Còn nói về sự, thì càng về sau con đường Bồ Tát đi nó càng trơn tru.

Mà cái thứ càng phú quý càng sanh lễ nghĩa lắm. Ví dụ như khi các vị bảnh quá người ta chửi quý vị, quý vị dễ nhịn lắm. Tin tôi đi. Cứ thử bữa nay quý vị mới vừa trúng độc đắc thử coi. Con quý vị ba đứa, đứa tốt nghiệp Yale, đứa tốt nghiệp Havard, đứa Stanford; tụi nó mới báo tin mời mình đi ăn mừng bằng tốt nghiệp của nó. Còn ông chồng mình ổng mới đi cafe mua vé số - trúng mấy cái "mega" mấy trăm triệu. Thế là tự nhiên mình đi ngoài chợ có ai đó, có bà nào đó mà nói gì mình mình dễ tha thứ lắm. Vì bữa nay “lòng bà đang sướng”. Hiểu không? Còn cái thứ mà tiền bạc khó khăn, mất job, bịnh hoạn, ông chồng già cả nhăn nheo, con cái hư đốn lúc, đó nó dễ buồn, rồi tủi thân dữ lắm. Trong khi Bồ Tát càng về sau thì càng trơn tru, hanh thông.

Và trong kinh nói, càng về sau thì Bồ Tát bồ đề tâm càng dũng mãnh. Do đó bao nhiêu chuyện khó Bồ Tát dồn hết cho khúc sau. Chuyện khó làm nhất là Bồ Tát dồn cho khúc sau. Ví dụ như, mới bảy tuổi mà tự nhiên trong đầu có những suy nghĩ cực kỳ khó tin. Thứ nhứt, thấy rằng mọi thứ ở đời không có gì tin được hết vì thấy người già người bịnh. Thứ hai, bảy tuổi mà nhìn đâu cũng thấy ai cũng đáng để mà thương hết; thấy trên đời không có người để mình ghét. Thấy trên đời chỉ có người đáng thương và dễ thương thôi. Bảy tuổi mà thấy vậy. Thứ ba, bảy tuổi mà dám tuyên bố: “Ai xin gì tôi cũng cho, kể cả cái mạng này.” Bảy tuổi thôi. Đó là Bồ Tát Thích Ca. Mà tại sao ngài lại ghê gớm như vậy? Là vì lúc đó gần rồi. Lúc đó là coi như nhéo không biết đau mà cù không biết nhột. Đó là:

“đao thương bất nhập
bách độc bất xâm”.

Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét