Con Muỗi
Trong từng phút chứ đừng nói từng giờ, cách suy nghĩ và cách sống của chúng ta đều mang đậm cái dấu ấn của con người của mình từ tiền kiếp. Nghĩa là từ tiền kiếp tôi đã có thói quen như thế nào đó nên bây giờ khi tôi làm chuyện tầm bậy gì đó (ăn chơi, nhậu nhẹt, sân si, bạo lực, ...) thì cái bất thiện đó nó cũng phảng phất cái con người cũ của tôi trong các tiền kiếp.
Khi tôi tu hành cũng vậy, tôi đi nghe pháp, tôi học đạo, tôi ngồi thiền, tôi bố thí, tôi cúng dường, tôi phục vụ cái gì đó. Thì trong việc làm ấy đều phảng phất con người cũ của tôi. Cho nên tại sao mình phải sống chánh niệm? "Mindfulness even if your mind is full". Cái đầu mình đầy nhốc rồi mà mình vẫn phải sống chánh niệm. Là bởi vì nhiều lý do:
1. Là mình không biết mình sẽ chết lúc nào, mình ra đi trong sự tỉnh táo còn tốt hơn là ra đi trong sự hoảng loạn. Ra đi có sự chuẩn bị.
2. Khi mình sống chánh niệm mình sẽ không bỏ lỡ cơ hội chứng đạo, có hiểu không. Cơ hội chứng đạo rất quan trọng.
Có một điều tui nhắc hoài mà sợ bà con không biết hoặc quên. Ba la mật là cái gì? Tui giảng mà tui cũng run lắm. Ba la mật nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có khả năng thực hiện các hạnh lành, ai cũng có khả năng bố thí chút gì đó, ai cũng có khả năng khả năng dắt người khác qua đường, ai trong chúng ta cũng có khả năng làm cái hạnh lành nào đó. Và bất cứ ai trong chúng ta cũng thuận tay trái hoặc tay mặt. Thì cũng vậy, ai trong chúng ta cũng có khả năng làm cho mình và người khác hoặc khổ đau hoặc hạnh phúc. Quý vị có tin điều đó không? Vấn đề là chúng ta thuận tay nào.
Có người rất giỏi trong vấn đề làm cho người khác khổ, và rất dở trong vấn đề làm cho người khác an lạc. Tôi cũng đã từng gặp hạng người đó rồi, tức là tới lúc họ chịu tu rồi thì như Trư Bác Giới mà đi tu.
Có người khả năng làm bậy rất lớn nhưng khi họ hồi đầu thì khả năng tu tập của họ rất bén. Họ luôn luôn phải làm sao đem lại đóng góp cho người khác.
Ngược lại có những người cái khả năng làm thiện của họ lớn hơn khả năng làm ác. Nghĩa là cả đời họ cái chuyện họ nói dối, nói một câu làm người khác đau lòng nó khó dữ lắm. Tui may mắn gặp được vài người có khả năng như thế. Một phần là bản chất hiền lương, một phần là được lớn lên trong một môi trường sống, bối cảnh gia đình rất là đạo đức.
Có một cô năm nay hơn 60 tuổi. Tôi nói với cô: "Cô ơi, cô đầu thai lộn rồi. Người như cô đáng lý phải chết từ lâu rồi vì dễ bị người ta gạt. Nhìn mặt cô tôi cũng quý lắm nhưng cũng rất muốn gạt vì nhìn ngây thơ quá." Cô rất thật thà, nói gì tin nấy. Tôi cho rằng con người của cô một là đại gian, hai là đại hạnh. Đại gian nghĩa là cô có khả năng giả nai quá tốt khiến ai cũng tin.
Cho nên ai trong chúng ta cũng có khả năng làm ác, làm thiện. Ai trong chúng ta cũng có khả năng đem lại nước mắt và nụ cười cho người khác. Vấn đề là khả năng nào vượt trội hơn.
Ba La Mật là gì? Là khả năng làm thiện; nhưng trong làm thiện có 2.
1. Làm thiện với ý cầu giải thoát gọi là Ba La Mật.
2. Làm thiện mà cầu quả nhân thiên, mong cho kiếp sau được đẹp, được giàu, tài giỏi, quyền lực... tì gọi là thiện hữu lậu, thiện sanh tử. Thiện hữu lậu nghĩa là thiện mà vẫn còn dính líu đến con đường sanh tử.
Phần nhiều Phật tử chưa phải là Phật tử thật sự vì họ đến với đạo không với cái ý nguyện cầu giải thoát. Là sao?
1. Có khi chỉ vì đi theo truyền thống gia đình; bà ngoại đi chùa, má đi chùa, thế là tôi đi chùa.
2. Gia đình có chuyện buồn, hữu sự vái tứ phương. Đang có tâm sự trùng trùng, không biết nói với ai; đem vô chùa gởi. Kiếm thầy chùa để tâm sự, khóc lóc.
3. Người quen rủ đi chùa. Đi chùa vì tò mò. Lúc đầu chở bạn đi chùa rồi ngồi chờ bạn về. Ngồi lâu quá muỗi đốt; thế là vô chùa nghe pháp. Nghĩa là biết Phật nhờ mấy con muỗi.
Tôi có nghe câu này rất là Phật pháp về mấy con muỗi:
"Vì mày tao phải đập tao,
vì tao tao mới đập mày,
vì mày tao đập cả tao lẫn mày,
vì tao tao đập cả mày lẫn tao."
Cái câu này nhiều người không hiểu đạo họ nghe họ cứ đơ cái mặt ra. Còn người hữu duyên nghe có khi đắc thánh.
Tức là cuộc sống này là thương trường, là nơi ta phải trả giá, nên mới gọi là chợ đời. Mọi thứ phải được mua và bán. Cho nên có khi muốn có một nụ cười phải trả 1 cái giá rất là đắt. Ví dụ như khi bạn đang bị nhức răng, đang bị nợ nần, đang bị truy nã, gia đạo đang có vấn đề, ... Chúng ta có cười được không? Không.
Nghĩa là chúng ta phải có một cuộc sống, sức khỏe, tài chánh ổn định đến mức nào đó, chúng ta mới có thể cười được, đúng không? Muốn có 1 nụ cười không phải dễ. Chúng ta phải có một nền tảng như thế nào đó: sức khỏe, tâm lý, tài chánh, quan hệ xã hội, ... thì mới có thể cười được.
Sư Giác Nguyên giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét