Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Khẩu nghiệp



KHẨU NGHIỆP LÀ NGHIỆP NẶNG NHẤT ĐỜI NGƯỜI

Khi một người nói xấu người khác, thế nhưng người bị nói xấu không nhận, không quan tâm, thì người nói có khác nào tự ngửa mặt lên trời phun nước bọt, bị nước bọt rơi ngay xuống chính mặt mình. Ở đời, họa từ miệng mà ra, vì người nói vô tâm, người nghe hữu ý.
Phật dạy làm người trí tuệ là người biết cách tu miệng, tu tâm, vừa để tránh khỏi họa thị phi, vừa tránh khỏi việc làm mất đi phúc báo. Đây chính là triết lý quan trọng để làm người.
Con cái đang phải chịu “ác nghiệp” vì sự “ác khẩu” của chúng ta thế nào?
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng mình có thể “phù phép” con mình bằng những chính lời nói hàng ngày của mình. Lời nói của cha mẹ có sức mạnh xây dựng hoặc hủy hoại rất lớn đến sự phát triển và tương lai con trẻ, mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Có một người phụ nữ thông minh và hiền lành. Bà có một đứa con gái mà bà luôn rất yêu thương và cưng chiều. Một tối nọ, đi làm về sau một ngày tồi tệ, vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng, bà ấy chỉ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh và nhẹ nhàng, nhưng con gái thì lại đang rất vui vẻ nhảy nhót, ca múa. Cô bé không hề biết mẹ mình đang trong tâm trạng như thế nào, cô chỉ đang sống trong thế giới, trong giấc mơ của bản thân mình.
Cô bé càng lúc càng hào hứng, càng nhảy múa, ca hát càng lớn, thể hiện sự vui vẻ của mình cho mẹ thấy. Cô bé hát lớn đến mức làm cho mẹ mình càng đau đầu hơn và ngay lúc đó, bà mất kiểm soát. Nổi giận, bà nhìn cô con gái xinh đẹp của mình mà nói: “Câm đi! Con hát dở quá. Con im đi giúp mẹ!”.
Thực tế thì lúc đó bà mẹ đã không còn khả năng chịu đựng bất kì tiếng ồn nào nữa rồi; chứ không phải là vì con gái bà ấy hát không hay. Nhưng cô bé khi đó lại tin tưởng lời của mẹ mình và từ đó cô bé hình thành một thoả ước với bản thân. Mọi thứ từ đó đã thay đổi hoàn toàn với cô bé vì thoả ước đó.
Cô bé tin rằng mình phải kiềm chế cảm xúc của mình lại để được chấp nhận và yêu thương. Cô bé không còn ca hát nữa, bởi vì cô tin rằng giọng mình nghe rất tệ và làm người nghe thấy phiền. Cô bé dần dần trở nên rụt rè khi đến trường, nếu như được mời hát thì cô bé cũng từ chối. Thậm chí cả nói chuyện với người khác cũng dần trở nên khó khăn với cô.
Khi cô bé lớn lên, mặc dù bản thân có giọng hát rất tốt, nhưng lại không bao giờ cô hát nữa. Một lời “phù phép” vô hình đã biến thành gông kiềm vô hình với cô bé. Và cái “bùa phép” này lại còn là do chính bà mẹ - người yêu thương cô bé nhất áp đặt lên.
Chính mẹ của cô bé còn không nhận ra mình đã gây hậu quả gì cho con với những lời vô ý của bản thân. Bà ấy không nhận ra mình đã sử dụng “phép thuật hắc ám” yểm bùa lên con gái của mình. Bà ấy không nhận ra sức mạnh lời nói của bà.
Tương tự như câu chuyện trên, hàng ngày, bất kì khi nào chúng ta nghe ý kiến từ người khác và tiếp nhận nó, nếu chúng ta đều đồng tình với nó trong lòng, khiến nó trở thành một phần “niềm tin” của chúng ta. Và không phải lúc nào “niềm tin” đó cũng cho ta sức mạnh, thậm chí ngược lại, nó có thể giết chết mọi hy vọng trong ta.
Đừng ngụy biện “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy” để làm đau người khác
Lời ăn tiếng nói là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nó là điều kiện, là yếu tố đầu tiên để đánh giá một con người. Ở Việt Nam, từ thời xa xưa, vấn đề này luôn được đề cao, đặt lên hàng đầu. Chẳng thế mà tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, dù rằng rất nhiều người khi dùng lời lẽ không hay làm tổn thương người khác đều biện lý do là vì ngay thẳng: “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy”.
Ở góc độ Phật pháp, Phật dạy trong mười cái nghiệp của con người thì trong đó cái miệng đã chiếm bốn gần một nửa. Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.
Trong giáo lý nhà Phật lưu truyền câu chuyện kể về thành phố Shravasti có một người giàu có rất tôn thờ Phật giáo tên là Shizhi. Một hôm, ông ta chuẩn bị thật nhiều món ăn ngon, thành kính cúng bái đức Phật và các tăng nhân.
Sau khi nhận lễ, đức Phật dẫn dắt chúng tăng quay trở về tịnh xá. Đi được nửa đường, khi Phật và chúng tăng dừng chân nghỉ ngơi dưới một tán cây to ven hồ, bỗng một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, xin mượn chiếc bát trong tay Phật.
Sau khi đón nhận chiếc bát từ Phật rồi nhanh chóng rời đi, chỉ một chốc đã thấy nó quay lại. Nó cung kính dâng chiếc bát chứa đầy mật ong lên cho Phật. Phật nhận bát mật ong, chia đều cho các tăng nhân để khỉ có thể nhận được càng nhiều phúc báo hơn. Khỉ ta thấy vậy, thích thú nhảy múa xung quanh.
Một thời gian sau, khỉ chết được chuyển kiếp thành người, sinh ra trong gia đình Shizhi. Khi đứa trẻ này được sinh ra, mọi bát đĩa nồi niêu trong nhà đều đựng đầy mật ong. Vợ Shizhi lấy làm lạ, bèn đặt tên cho đứa trẻ là Mật Thăng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, chẳng mấy chốc Mật Thăng đã trưởng thành. Anh chán ghét hồng trần thế tục nên xin cha mẹ cho phép anh xuất gia. Sau khi được cha mẹ cho phép, Mật Thăng đã đến tịnh xá quy y cửa Phật. Do thiện duyên từ kiếp trước, anh rất nhanh đã tu thành chính quả.
Một lần, trên đường ra ngoài đi hoá duyên cùng các Hoà thượng khác, mọi người khi đó đều cảm thấy khát khô cổ họng, ai cũng muốn có một cốc đồ uống. Lúc này Hoà thượng Mật Thăng liền tung chiếc bát không của mình lên trời, khi hai tay giơ ra đón lại, chiếc bát đã chứa đầy nước mật tươi ngon, Mật Thăng liền đưa cho các hoà thượng khác để giải khát.
Khi trở về tịnh xá, một Hoà thượng đã hỏi Đức Phật: “Trước kia Mật Thăng đã tu được phúc gì? Tại sao mọi lúc mọi chỗ đều có thể dễ dàng cầu xin được mật ong?” Đức Phật đáp: “Các ngươi có nhớ cách đây rất lâu, có một con khỉ đã mượn chiếc bát đi lấy đầy mật để dâng lên Phật và chúng tăng hay không? Vì thiện tâm đó, nên khi chết nó đã được chuyển kiếp làm người, và vì người đó thành tâm, tiến cúng nước mật, nên bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể có được mật”.
Nghe Phật nói xong, chúng tăng lại hỏi: “Thưa Phật, vậy kiếp trước của Mật Thăng vì lí do gì lại bị đày làm khỉ ạ?”.
Lúc này có rất nhiều đệ tử đều vây quanh Phật, Phật nhìn một lượt các hoà thượng, chậm rãi nói: “Mật Thăng bị đày thành kiếp khỉ, là việc của 500 năm trước. Khi đó có một vị hoà thượng trẻ tuổi, tình cờ trông thấy một hoà thượng khác nhảy qua một con suối nhỏ, liền cười nói trông bộ dạng hoà thượng kia cứ như con khỉ, do đó đã phạm vào tội ác khẩu và bị đày làm kiếp khỉ.
Sau đó hoà thượng đó đã nhận ra tội lỗi của mình, đã sám hối với vị hoà thượng kia để không bị đày xuống địa ngục chịu tội. Cũng vì cái kết duyên đó, con khỉ mới có thể gặp được Phật, kiếp này mới nhanh chóng thành chính quả như vậy”.
Nghe Phật nói xong, chư vị hoà thượng đều đã hiểu ra rằng chỉ một câu nói ác khẩu, cũng có thể gây nên nghiệp chướng quả báo sau này.
Khi giảng về đạo lý nhà Phật, chư vị tăng ni thường nhắc đến 18 lời khuyên của Phật về cách ứng xử hằng ngày trong cuộc sống để cùng suy ngẫm, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mình, cho người. Đó là: Việc nhỏ thì nói hài hước để cho người nghe không cảm thấy cứng nhắc, nặng nề và chấp nhận lời nhắc nhở của bạn một cách vui vẻ; Việc chưa hiểu rõ, hãy nói một cách cẩn thận; Việc chưa xảy ra, không nên nói linh tinh; Không nên nói những chuyện làm tổn thương người khác; Đối với những việc đau lòng, không nên gặp ai cũng nói; Những việc của người khác thì nên cẩn thận trong lời nói; Việc của bản thân, lắng nghe người khác nói như thế nào; Chuyện của con cái, cần nói rõ ràng; Không nói những lời chán nản, thối chí; Không nói những lời tức giận; Không nói những lời oán trách; Không nói những lời tổn thương; Không nói những lời bí mật; Không nói những lời riêng tư; Không nói những lời dối trá.
Cuộc sống sẽ vui vẻ, ý nghĩa hơn nếu như mỗi người biết bao dung, biết kiềm chế những cảm xúc, lời nói tiêu cực của bản thân. Để mỗi sớm mai thức dậy, lòng thư thái, mỉm cười và trao những lời yêu thương, chân thành đến với mọi người…
Diệu Tâm
(Source:phatgiao.org.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét