Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Bạn



Bạn

KTC (6) 3.67 Những Người Bạn
Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy là ác thân hữu, ác bằng hữu, ác bạn bè, thân cận, hầu hạ, tôn kính ác thân hữu, chấp nhận tà kiến của họ, sẽ làm cho viên mãn hành trì pháp, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn hành trì pháp, sẽ có thể làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn hữu học pháp, sẽ viên mãn các giới luật, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn các giới luật, sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này không xảy ra

AN (6) 3.67. Mittasuttaṃ
‘‘So vata, bhikkhave, bhikkhu pāpamitto pāpasahāyo pāpasampavaṅko, pāpamitte sevamāno bhajamāno payirupāsamāno, tesañca diṭṭhānugatiṃ āpajjamāno ābhisamācārikaṃ dhammaṃ paripūressatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Ābhisamācārikaṃ dhammaṃ aparipūretvā sekhaṃdhammaṃ paripūressatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Sekhaṃ dhammaṃ aparipūretvā sīlāni paripūressatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Sīlāni aparipūretvā kāmarāgaṃ vā rūparāgaṃ vā arūparāgaṃ vā pajahissatī’’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati.
Có nhiều cái câu mình nghe nói hay lắm quí vị nhưng mà nếu mình hiểu sai thì coi như là hết xài mà nó còn nguy hiểm nữa. Khi nó bị hiểu sai thì nó chỉ có hại mình thôi.

"Buôn có bạn, bán có phường"
"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn"

Có một lần Ngài Anan vào bạch Phật: "Bạch Thế Tôn con nghĩ rằng đời tu rất cần bạn bè, rất cần đến sự hỗ trợ của bạn bè. Thậm chí con còn nghĩ một nữa đời tu là cần đến bạn bè, liên hệ tới bạn bè, trên nền tảng giúp đỡ của bạn bè".

Thì Đức Phật dạy: "Này Ananda, ta nói rằng không phải một nửa mà toàn bộ đời sống phạm hạnh này được thiết lập trên tình bạn".

Một người mà đọc không kỹ hoặc là đầu óc lười suy tư họ sẽ rất ngạc nhiên, họ nói "Ủa tại sao mình tu, mình ở một mình mình, mà tại sao ở đây chính Đức Thế Tôn Ngài xác nhận là toàn bộ đời tu chớ hỏng phải một nửa, mà toàn bộ đời tu được thiết lập trên tình bạn".

Xin thưa, cái chữ bạn phải hiểu nhiều nghĩa như sau:

Trước hết, bạn ở đây không chỉ riêng là những hình hài có hai tay, hai chân và một cái đầu; mà bạn ở đây là những gì mà chúng ta thường xuyên gặp gỡ, thường xuyên tiếp xúc, va chạm, sống cùng với nó; thì cái đó cũng là bạn. Thí dụ như những cái loại sách báo nào, những trang web nào mà tôi thường xuyên tìm đến để mà đọc, những loại người nào mà tôi thường xuyên tiếp xúc đã đành, mà kể cả những người mà tôi thường xuyên text chat, tôi thường xuyên email, thường xuyên điện thoại, thường xuyên Viber, thường xuyên WhatsApp, thì cái đó là những người bạn. Mà trong đó bao gồm những thứ không phải là tay chân, nó không có cần tới tay chân. Chưa kể những thứ tâm trạng nào mà tôi thường sống với nó thì nó cũng là bạn của tôi. Như Đức Phật đã từng dùng chữ tanhā dutiāka, từ dùng cho những người sống nhiều với tham ái, lấy tham ái làm bạn. Nghĩa là lên giường ngủ mà cũng thích này thích kia, thức dậy bỏ chân xuống giường bước đi bắt đầu một ngày mới thì cũng sống trong cảm giác thích cái này thích cái kia.

Như vậy bạn ở đây có nghĩa là người, vật hoặc là một trạng thái tâm lý, một cái trạng thái tinh thần, một cảm xúc nào đó mà mình thường xuyên cọ chạm, gặp gỡ, tiếp xúc, gần gũi nó. Những cái đó được gọi là bạn. Đây là lý do vì đâu mà Phật dạy rằng toàn bộ đời sống phạm hạnh được thiết lập trên tình bạn, nghĩa là cái đầu mình thường nghĩ nhiều về cái gì, có nghĩa là mình đang sống với cái người bạn đó, người bạn tâm linh, tinh thần đó.

Cái này lớn chuyện lắm. Thứ nhất là mình hiểu sai chữ bạn. Thứ hai là mình đâu có ngờ là những cái chuyện mà mình thường xuyên nghĩ đến nó quan trọng như vậy. Bởi vì mình nói: "Tui thì tui có chồng, tui có con, tui có vợ, đúng. Nhưng một ngày tui rãnh tui cũng ngồi sáng được một tiếng, chiều một tiếng vậy chứ. Có ai cư sĩ được như tui không? Vừa lo chồng nè, lo vợ, lo con, lo cha, lo mẹ, đi làm công sở về là cứ sáng sáng một tiếng, chiều một tiếng. Các vị có không? Đâu có ai bằng?" Tuy nhiên, làm ơn nhớ dùm ngày 24 tiếng, ngoài 2 giờ ngồi thiền đó ra anh sống bằng cái đầu của anh, anh sống bằng cái tâm trạng gì? Anh nghĩ nhiều về cái gì? Thì cái đó chính là bạn của anh; chớ không phải chỉ mấy cái mà có hai tay, hai chân và một cái đầu mới gọi là bạn. Không phải. Bạn là những gì mà anh tiếp xúc, gần gũi, cọ xát, va chạm, gặp gỡ, tương phùng thường xuyên.

Cho nên trong bài kinh 67 Ngài dạy rất rõ. Khi chơi với bạn xấu đó dầu đó là người hay là gì, khi thường xuyên chơi với bạn xấu, khi thường xuyên làm nghiệp xấu, thường xuyên suy nghĩ chuyện xấu đó, thì không cách nào mà thành tựu được cái đạo nghiệp giải thoát, chuyện đó không bao giờ có. Bài kinh này nếu mà các vị đọc một mình thì thấy nó không có gì ghê gớm, nhưng mà bài kinh này nếu mà được nghe ai gợi ý, các vị sẽ nhận ra nhiều chuyện lớn.

Bây giờ bài kinh này nếu cần, mình làm cái outline bài kinh như thế này: Toàn bộ đạo nghiệp hôm nay của ta, toàn bộ đạo nghiệp mai này của ta, toàn bộ đời sống hiện tại của ta, toàn bộ đường đi lối về của ta mai này nó đều nằm gọn trong những gì ta lưu tâm, ta nặng lòng với nó trong từng phút giây hiện tại. Nó lớn chuyện vậy đó. Ta nghĩ nhiều về cái gì, ta thường cọ xát, gặp gỡ với cái gì thì đó chính là cái đường đi lối về cho mai sau của ta. Chớ còn bài kinh này không phải đơn giản như mình nghĩ, mình liếc qua mình thấy, nói sơ sơ, sơ sơ.

Cho nên tôi nói hoài, tôi nói để ý trong mỗi ngày mình thích cái gì, mình ghét cái gì, cái đó nó quan trọng lắm. Bởi chính những cái thích cái ghét đó nếu sớm phát hiện kịp thời thì mình sẽ có những thay đổi rất là ngoạn mục trong đời sống của mình. Bởi vì các vị biết không, có những cái thích mà mình chìu nó là mình hư, và có những cái mà mình không có ghét mà lo chống trả nó, lo đối kháng nó, lo tống khứ, lo giải trừ nó là mình cũng hư. Thí dụ như mình sợ cực, hay là mình muốn trốn lánh một cái gì đó, một cái trách nhiệm gì đó, chẳng hạn như vậy, khi mà mình vì chạy trốn cái này cái kia, vì thích, vì theo đuổi cái này cái kia, thì chuyện xấu gì mình cũng làm hết; các vị biết không?

Chúng ta nên thường xuyên kiểm soát coi mình thích cái gì và ghét cái gì. Thường khi trong đời sống của phàm phu chính vì để giải quyết cái thích và cái ghét chuyện gì ta cũng làm. Chính vì vậy, chính vì cái điều mà tôi nói thích và ghét nó quan trọng như vậy. Là bởi vì sao? Là bởi vì thích và ghét nó chính là những người bạn mà ta phải sống với nó rất là thường xuyên.

Tôi nói lại bạn ở đây hiểu trên cả hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là những cá thể động vật có một đầu, hai tay, hai chân, có quốc tịch, có ngôn ngữ thì cái đó được gọi là người bạn. Nhưng mà ở đây ngoài cá thể động vật ra, nó còn có một chuyện nữa, nó là những gì mà chúng ta thường xuyên cọ xát, va chạm, gặp gỡ, tương phùng, tương ngộ.

Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét