Cà Phê Tuyết
Tại sao phải tu Tứ Niệm Xứ? Là bởi vì Đức Phật ngài dạy như thế này "Không có gì trên đời này tồn tại quá một nháy mắt hết". Đúng ra là Ngài nói chữ "sát-na" nhưng chữ sát-na mắc công giải thích mệt quá nên tôi dùng chữ nháy mắt. Ngài dạy "Không có cái gì trên đời này tồn tại quá một nháy mắt". Mọi thứ sanh diệt tiếp nối quá nhanh, cái cũ và cái mới nó thừa tiếp với nhau liên tục không gián đoạn. Cho nên mình ngó vào mình tưởng chừng như là có một. Từ đó mình mới có cái ngộ nhận là thằng Tèo bốn tuổi, thằng Tèo mười tuổi, thằng Tèo mười lắm tuổi, anh Tèo hai chục tuổi, rồi bác Tèo bốn chục tuổi, rồi cụ Tèo tám chục tuổi. Thật ra không có một người Tèo nào tám chục năm hết. Mình chết đi sống lại trong từng phút, trong từng nháy mắt. Mình giống như "một" ngọn nến vậy. Nhưng thật ra trong từ điển nhà Phật không có gì là "một" hết. cái được gọi là "một" ngọn lửa đó là một cái quy trình, một cái process tiêu thụ năng lượng, nó đốt cháy oxy tạo ra ngọn lửa, cái đó mình không thể gọi là "một" được. Nó gồm vô số biến động hóa chất trong một ngọn lửa. Chính vì mình không hiểu cái đó nên đi đến ngộ nhận là cái này dễ thương, cái kia dễ ghét, cái này dơ, cái kia sạch. Chứ nói rốt ráo theo nhà Phật, nếu nói về vật chất thì chỉ có đất, nước, lửa, gió liên tục sinh diệt dựa vào các điều kiện tác động. Còn nói về danh pháp, tâm tư, linh hồn, tinh thần của mình thì ở đó chỉ là sự kết hợp, hợp tác cộng sinh của thiện, ác, buồn, vui. Và bốn thứ thiện, ác, buồn vui đó luôn luôn sanh diệt trong từng nháy mắt mà mình không có nhận ra.
Chính vì mình không thấy được cái chỗ đó cho nên mình mới thích cái này và ghét cái kia. Do không thấy mọi thứ là chớp nhoáng nên mới có thích và ghét. Do có thích ghét nên mới có chuyện trốn cái này tìm cái kia. Trốn một cách thành công là hạnh phúc, tìm được một cách thành công là hạnh phúc. Trốn không được là đau khổ, tìm không được là đau khổ. Do hiểu lầm mới có thích ghét. Do có thích ghét mới có trốn chạy và kiếm tìm. Mà trốn chạy thất bại là đau khổ, trốn chạy thành công là hạnh phúc. Kiếm tìm thành công là hạnh phúc, kiếm tìm thất bại là đau khổ.
Như tôi nói một ngàn lần, không thể nào đọc cuốn sách ngàn trang, nghe người ta giải thích về mùi cà phê mà mình biết được. Mình phải ngồi xuống mình pha một tách cà phê, hớp một ngụm là nó thông thôi. Còn đọc một ngàn trang nó tả mùi cà phê giống đậu rang, bắp rang, giống cơm cháy, là trật lất hết. Chỉ có uống cà phê thôi.
Để thấy mọi thứ là vô ngã, vô thường thì anh phải sống bằng chánh niệm. Tôi nhắc lại một lần nữa cái công phu chánh niệm ấy không có gì ngoài hai chuyện sau đây. Đó là học giáo lý và sống tỉnh thức trong từng ngày, làm gì biết nấy. Đừng có nghe người ta rù quyến, tuyên truyền, nhồi sọ cho rằng thiền là quán chiếu. Tôi nói không hề có quán chiếu gì hết. Cứ sống chánh niệm nhưng phải có học giáo lý. Rồi sẽ có một ngày cái giáo lý đó cộng với chánh niệm nó sẽ lòi ra một cái, tôi gọi là thực chứng. Còn giờ bắt tôi nói thực chứng là gì thì nếu mà tôi nói thực chứng được thì Phật đã chứng dùm mình rồi. Tôi đã nói một ly cà phê người ta không có uống dùm để tả cho mình được thì Đạo Quả làm sao mà tả, làm sao mà kể được? Quý vị có thể tả cái cảm giác mà quý vị nhức răng được không? Tả người ta không hiểu làm sao mà tả được? Chỉ nói gượng vậy thôi, chứ bây giờ làm sao mà tả.
Bây giờ có vị nói "Trời ơi, Sư qua bên chỗ tuyết nó đẹp lắm." Tôi không biết tuyết nó đẹp ở chỗ nào chứ tôi mở cái ngăn đá tủ lạnh ra thấy nó lạnh muốn chết mà đẹp cái gì. Nhưng mà tôi phải đi qua xứ tuyết, tôi phải ăn mặc đàng hoàng, đứng giữa tuyết thì tôi mới thấy nó đẹp. Sẵn tôi bày luôn: Muốn thưởng thức cái cảnh tuyết đẹp là phải nói là do ý trời. Tuyết rơi càng dày mà lúc không gió thì cực đẹp. Chứ còn tuyết rơi lúc gió mưa là mệt lắm. Thứ hai, tuyết rơi dày, trời không gió, trong một đêm không trăng, thiên đường! Ánh sáng của tuyết nó phản quang đẹp lắm. Cái chỗ tôi ở ban đêm nai nó ra, trăng nó treo mà mấy nhánh cây khô, rồi tuyết nó bám từng tảng, ở dưới là gỗ rồi nai trong rừng nó ra, mình nhìn mình chết được. Đẹp lắm, rất là yên bình. Mà nó mát. Tuyết mà không có gió nó không có lạnh mà nó mát, mình thở nó xuống tới rốn luôn, nó qua phổi rồi nó xuống tới rốn mà nó mát và sạch lắm. Nói tả không được. Em nào chưa từng ở trong đó thì tối nay nó về nó mở cái tủ lạnh nó đút cái đầu vô nó cũng không có thấy được trời tuyết trong đó nữa. Hoặc là vô Vĩnh Phước năn nỉ cái bà kia cho vô "phòng lạnh" nằm nó cũng không giống nữa.
Sư Giác Nguyên giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét