Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Nhẫn nại chân chính



NHẪN NẠI CHÂN CHÍNH

Khanti ca sovacassatā
Samanānañ ca dassanam
Kālena dhamma sākacchā
Etam mangala muttamam
(Có sự nhẫn nại, trở thành người dễ dạy, gặp gỡ bậc Sa Môn, bàn luận Pháp hợp thời, cả bốn điều này làm thành hảo kiết tường của đời sống một cách thù thắng.)
"Khanti ca" là sự nhẫn nại hoặc tự kiềm chế.
Sự nhẫn nại có ý nghĩa là khi nhẫn nại, tự kiềm chế đối với sự việc hiện bày trước mắt như bị người ta chửi mắng. Sự nhẫn nại, sự kiềm chế này gìn giữ ta được ở trong phần thiện hảo hơn. Hoặc như nhẫn nại với sự vất vả khó khăn trong công việc nặng nhọc để nâng cao vị trí của ta cho thêm tốt đẹp hơn.
Sự nhẫn nại không có ý nghĩa là khi ta ở vị trí hoàn cảnh như thế nào cứ nhẫn nại ở miết trong vị trí hoàn cảnh đó, chẳng cần nỗ lực phấn đấu để thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Ta là người xấu thì ở trong hoàn cảnh đó cũng nhẫn nại làm những việc xấu. Ta là người lười biếng nghèo khổ thì cũng nhẫn nại ở trong hoàn cảnh đó, chẳng cần nỗ lực tìm kiếm những công việc để tạo ra tài sản của cải. Loại nhẫn nại này quả thật không đúng với nền tảng Phật Giáo, được xếp thành loại nhẫn nại bất chánh (micchakhanti), tức là nhẫn nại một cách sai lầm.
Nhẫn nại chân chính có đặc tính như sau:
1. Nhẫn nại để cho thoát khỏi hoàn cảnh ti liệt hoặc bất thiện, ví dụ như người nghèo khổ nhưng lại nhẫn nại với công việc nặng nhọc để được thăng tiến, nâng cao vị trí của mình lên chỗ tốt đẹp hơn.
2. Nhẫn nại để hoàn cảnh tốt đẹp hơn ví dụ như nhẫn nại nghiên cứu học hỏi để có được kiến thức,có được sự hiểu biết hoặc nhẫn nại tu tập để diệt trừ phiền não và thanh lọc tâm thức được thanh tịnh v.v...
Cả hai đặc tính nhẫn nại này được xếp thành sự nhẫn nại đúng đắn thích hợp theo ý nghĩa của Phật Giáo và được xếp vào nhẫn nại chân chánh (sammakhanti) là nhẫn nại hợp theo lẽ đạo. Sự nhẫn nại này lại được phân tích ra làm bốn trường hợp như sau:
1. Nhẫn nại với sự vất vả khó khăn:
Là nhẫn nại với sự mỏi mệt, khó khăn vất vả, nhẫn nại với sự đói, sự khát, sự lạnh, sự nóng trong khi phối hợp với công ăn việc làm để được thành tựu viên mãn, nhẫn một cách kiên cường bất khuất đối với mọi chướng ngại và bao sự vất vả. Chỉ có một lòng suy nghĩ tự cổ vũ thường xuyên rằng “Chướng ngại là dụng cụ kiểm tra khả năng của ta”.
Người có được sự nhẫn nại như vậy thì thường thành đạt một cách viên mãn trong tất cả mọi sự việc, được gặt hái sự an vui và lợi lạc trong đời sống.
2. Nhẫn nại với khổ thọ:
Là nhẫn nại với sự ốm đau bất an bằng cách không thể hiện triệu chứng đau đớn hoặc khó chịu một cách quá mức làm thành tác nhân cho người thân cận hoặc người chăm sóc bực bội khó chịu hoặc khổ tâm trong việc chăm sóc.
Phải nên thực hiện lập tâm tác ý rằng "Việc ốm đau bất an là lẽ thường nhiên của pháp hữu vi, không một ai tránh khỏi được và nỗi đau đớn này cũng chỉ là bấy nhiêu"
Và cố gắng nhẫn nại để không thể hiện triệu chứng khổ sở một cách quá mức. Như thế sẽ trở thành chỗ thương yêu hài lòng của người chăm sóc.
3. Nhẫn nại với sự phẫn nộ:
Là nhẫn nại với lời nhạo báng và chửi mắng của người khác. Một khi ta sống chung đụng với nhau trong tập thể đông người thì thường có sự va chạm về hành động và lời nói. Nếu không có sự nhẫn nại thì sẽ phát sinh oán giận, đấu khẩu và gây tổn thương tổn hại cho nhau, sẽ làm tiêu hoại đi tình bạn và khiến thêm kẻ thù. Người có được sự nhẫn nại này thì thường không có sự oan trái kinh sợ với một ai và tránh khỏi việc kình cãi tranh chấp.
4. Nhẫn nại với mãnh lực phiền não:
Là nhẫn nại với đối tượng hoặc vật thể dẫn đến sự quyến rũ và lôi cuốn làm phát sanh ái luyến, tham đắm, sân hận, si mê. Sự quyến rũ làm cho phát sinh sự ưa thích, đắm say và phóng dật. Nhẫn nại này sẽ làm cho tâm trí chánh niệm và không chạy theo mãnh lực của những phiền não.
Những điều nhẫn nại như vừa đề cập đến, được xếp thành một Thiện Hạnh trọng yếu nhằm hỗ trợ cho công ăn việc làm được bền vững và đạt thành kết quả lợi ích. Vì lẽ, mọi công ăn việc làm trong thế gian này nếu không là những việc làm nương theo đường đời là làm những việc để mưu sinh thì cũng là những việc làm nương theo đường đạo tự trau dồi tu tập để trở thành Thiện Nhân. Tất cả đều phải có sự nhẫn nại làm thành năng lực hỗ trợ. Nếu thiếu mất đi phẩm hạnh này thì những công ăn việc làm không sao tránh khỏi bị đình trệ hoặc phải bị hủy bỏ.
Vì vậy Đức Phật giảng thuyết thành điều kiết tường trọng yếu, là con đường tăng trưởng tiến hóa của đời sống.
(Kinh Kiết Tường, Sư Sán Nhiên giảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét