Định
Định giác chi là khả năng tập trung tư tưởng. Tu hành giải thoát phải cần tới khả năng nầy bởi vì mình ngồi ở đây mà cái đầu tán loạn, nó đi ta bà thế giới thì làm sao mà tu. Đứa học trò lớp 1, lớp 2 mà không có tập trung tư tưởng, cầm cuốn vở trước mặt mà cứ ngó trái banh, ngó con búp bê, hồi thì ngó gấu bông, hồi thì hộp kẹo, hồi thì chiếc xe bằng nhựa, hồi thì đống nồi chảo bằng plastic thì hỏi nó học cái gì? Con nít lớp 1, lớp 2 cũng phải có nó Định nó mới học được chứ. Phải có khả năng tập trung.
Đời sống tu tập của hành giả cũng phải như vậy, phải có khả năng tập trung và khả năng ấy gồm có nhiều cấp độ khác nhau. Có người do tu hành nhiều kiếp họ đắc thiền dễ hơn mình nháy mắt nữa. Như Bồ tát Tất Đạt mới 7 tuổi Ngài nhìn quanh thấy không có gì để nhìn hết, Ngài đắc hạnh của các đại hiền đại trí huệ căn là như vậy. Họ thấy cái gì vô ích là họ không có tiếp tục nữa. Cho nên Ngài nhắm mắt lại, Ngài thấy hơi thở hoặc thấy những cảm xúc, những tâm trạng nhưng lúc đó Ngài nhỏ quá nên cái Ngài thấy rõ ràng nhất là hơi thở. Tập trung vào nó Ngài thấy hay hay, thở ra Ngài biết đang ra, thở vô Ngài biết đang vô. Chỉ có 3 hơi ra vô là Ngài đắc Sơ thiền. Đó là người có Định căn, Định lực ngon lành nhiều kiếp, là người có Huệ căn sâu dầy. Họ đắc Sơ Nhị Tam Tứ thiền giống như mình nháy mắt vậy, có nhiều người không tin nhưng thật sự là như vậy.
"Thần thông" Tiếng Pali là Ijjhati iddhi là ước muốn của người đắc thiền.
Người đắc thiền rồi khi cần thiết người ấy chỉ nói "Thành nước đi" là nó thành nước. Nói "Đừng có gì hết" là nó trống lỗng để Ngài đi xuyên qua tường. Họ chỉ thấy bức tường chứ không cần phải nhập định bằng cách là ngồi xếp bằng. Lúc đó họ chỉ muốn thôi vì ngay lúc muốn là họ đã nhập định ngay đó; vô rồi ra trong tích tắc. Muốn đi xuyên qua một vật cản họ chỉ nói "Trống lỗng đi" lúc đó là họ đang an trú vào đề mục Hư không, nhanh như vậy . Thật ra ngay trong cái muốn đó là họ quay lại đề mục Hư không và họ biến tất cả những vật cản đều thành Hư không hết. Còn họ muốn độn thổ họ chỉ nói là "Thành nước đi" thì lập tức mặt đất dưới chân họ thành nước, cho riêng họ thôi, họ lặn xuống mất tiêu.
Định có nhiều cấp:
1. Định của người đắc Sơ thiền, Nhị thiền trở lên là kiên cố Định.
2. Cận Định là Định của người xém đắc. Chỉ còn tí nữa là đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền. Thì cái thiền dẫn nhập đó, thiền thềm ba, thiền mái hiên đó, khả năng đó gọi là Cận, là gần, là Upacāra.
Cận định và Kiên cố định bắt buộc phải có ở người có tu tập thiền định chứ không thể có ở người bình thường.
3. Sát na Định là khả năng tập trung trong tích tắc. Thí dụ như mình đang chạy xe đạp cũng phải có một chút Định trong đó. Khi mình lặt rau, bắt chí, may vá cũng phải có một chút Định trong đó. Định đó là Khanika samādhi là Định tạm thời, Định trong từng khoảnh khắc. Đừng có chê nó. Đúng, nó không bằng 2 Định kia; nhưng nó chính là cái Định mà mình dùng để tu tập Tứ niệm xứ.
Đang đi biết là đang đi, đó là Niệm, nhưng Niệm ở đây nó phải được hỗ trợ từ Định. Định và Niệm không có rời nhau. Cho nên ở trong kinh ghi rất rõ. Từ Thanh tịnh đạo cho đến bộ Vô ngại giải đều nhìn nhận: Muốn đắc đạo thì phải gọi là Pañcindriya samatha, là sự quân bình, sự thăng bằng, sự cân đối của 5 Quyền gồm có Tín Tấn Niệm Định Tuệ.
Niệm là khả năng tỉnh táo với từng giây phút thực tại, cái gì đang diễn ra; biết rõ, thân tâm này đang như thế nào ("How").
Tuệ biết rõ cái gì đang xảy ra, cái gì vừa có mặt ("What").
Niệm cho tôi biết rằng tôi đang đi, tôi đang muốn ngồi xuống.
Tuệ cho tôi biết rằng cái muốn đó là Tham. Tuệ cho tôi biết rằng chính vì khó chịu với cái chuyện đứng lâu cho nên tôi mới muốn ngồi. Tuệ cho tôi biết rằng tôi đã từ Sân chuyển qua Tham.
Cái muốn, cái chịu không nỗi tư thế đứng nữa đó là Sân. Bây giờ tôi muốn chuyển qua tư thế nằm hay ngồi đó là Tham, Tuệ cho tôi biết chuyện đó.
Còn Niệm chỉ làm một chuyện là đang đứng biết là đang đứng, muốn ngồi biết là muốn ngồi và khi ngồi xuống biết rõ là đang ngồi xuống.
Cho nên cái Định nó quan trọng lắm. Có được 3 cái Định này thì Tuệ và các nguồn năng lượng, các nguồn đạo lực khác mới có cơ may làm việc. Có một chuyện quan trọng nữa là tùy vào cái khả năng Định tâm của mình bao nhiêu mà khả năng giải trừ phiền não của mình cũng mạnh bấy nhiêu một cách tương ứng.
Sư Giác Nguyên giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét