Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Cách cầu nguyện, cầu an



CẦU NGUYỆN, CẦU AN.

Kinh này (Nakulapitusutta) hay vô cùng tận. Ai trong room này đến giờ này mà còn có đủ đôi đủ cặp, có vợ có chồng, có bạn trai bạn gái, còn thấy mình còn có người bên cạnh để mà xẻ chia trao đổi, trao trút thì nên coi bài kinh này như là thánh kinh.
Trong hàng đệ tử cư sĩ hàng đầu của Đức Phật, có một vị tên là Nakulapita. Ông có người con tên là Nakula cho nên người ta gọi ông là Nakulapita (tức là cha của Nakula) và gọi vợ ông là Nakulamata (mẹ của Nakula) giống như mình hay gọi “má thằng Tý”, “ba thằng Tèo” vậy.
Đây là cặp vợ chồng mà Đức Phật tuyên dương. Ba đời chư Phật đều có một cặp đệ tử giống như vậy; đó là Đệ nhất thủy chung (vissāsa). ‘Vissāsa’ có nghĩa là ‘thân tình’, ‘thân ái’ mà cũng có nghĩa là ‘thủy chung’.
Hiếm trên đời có cặp nào mà nhiều trăm nhiều ngàn kiếp sóng đôi bên nhau như vậy. Tay không rời tay, tim không khác nhịp đập, lòng không ngừng nghỉ về nhau, và chưa từng ngoại tình ngay cả trong tư tưởng. Không thể dễ kiếm như vậy. Làm gì có cặp mà lòng cứ đau đáu nghĩ về nhau từ trong mơ cho đến lúc thức dậy trong nhiều ngàn kiếp như vậy. Vì vậy nên họ được Đức Phật tuyên dương là Đệ nhất chung tình. Quí vị sẽ hỏi, tại sao đạo Phật là xả ly, là buông bỏ, sao lại có đệ nhất chung tình? Xin thưa, chung tình có hai nghĩa:
-Lòng gắn bó khắng khít, đắm đuối ghim chặt cuộc tình nam nữ với ai đó
-Không ‘ăn tạp’. Một trong hai mà chết thì kẻ còn lại dồn sức để tu.
Nếu chúng ta đơn giản trong ăn mặc, trong yêu, trong ở thì chúng ta khỏe lắm. Đằng này, chúng ta đang ăn món này mà nghĩ đến món khác; chúng ta đang ở cái nhà này mà cái đầu còn nghĩ đến cái nhà khác; đang xài cái xe này mà còn nghĩ đến cái xe khác, chồng vợ còn sờ sờ mà trong mơ đã ngoại tình tư tưởng. Chúng ta khổ là chỗ đó, và chúng ta mất rất nhiều thời gian cho cái trước mặt, cái đã qua, cái sắp tới. Chữ chung tình ở đây là nói kẻ này gọn lắm, chỉ ăn một thứ thôi. Không có rối, không có đa dục. Ngài khen là khen chỗ đó, chứ không khen chỗ ghim sâu gắm chặt vào tình cảm.
Ông Nakulapita bị trọng bệnh. Cả hai vợ chồng đều là thánh A-na-hàm. Dĩ nhiên họ có con trước khi đắc thánh, chứ A-na-hàm thì không còn dục ái, không có nhu cầu tình cảm nam nữ, chỉ còn tình bạn mà thôi. Thêm nữa nhiều đời họ gắn bó nhau coi nhau như một. Theo bản kinh tiếng Việt của ngài Minh Châu, chúng ta thấy người chồng sắp mất, người vợ trấn an. Vợ an ủi để người ra đi được thanh thản. Nhưng trong Chú giải cho chúng ta biết một chi tiết rất đặc biệt, rất thú vị ẩn đằng sau chánh kinh. Bài kinh này có những nội dung rất là quan trọng:
1. Tuyên dương, nêu bật nội dung tu chứng của một người cư sĩ đệ tử Phật.
Bà mẹ của Nakula nói: “Ông nghĩ đi, ông đừng nghĩ rằng khi ông chết thì tôi sẽ thiếu trách nhiệm với gia đình, ông đừng nghĩ rằng khi ông chết rồi tôi sẽ có người khác, ông đừng nghĩ rằng khi ông chết rồi tôi không có khả năng tự sống, ông đừng nghĩ rằng khi ông chết rồi tôi sẽ lìa xa Tam bảo v.v...”
2. Theo Chú giải, bài kinh này không chỉ đơn giản là an ủi người sắp ra đi mà còn là bài kinh Cầu An.
Cầu an theo Phật Giáo Nguyên Thủy có 2 cách :
-Cách 1: Dùng tín tâm của mình để suy tưởng đến một đối tượng cụ thể hay trừu tượng nào đó. Rồi dùng sức mạnh gia trì này hướng tới đối tượng đang được cầu an.
Ví dụ mình niệm ân đức Tam Bảo hay niệm Thí, Giới, Thiên, niệm tưởng công đức tu hành bố thí v.v...
-Cách 2: Phát nguyện chơn ngôn. Vận dụng sức mạnh ngay trong bản thân mình
Đây là cách bà mẹ của Nakula xài, trong chỗ này mà tôi e rằng Phật tử Việt Nam không mấy người biết. Phát Nguyện Chơn Ngôn là nói ra một sự thật mà mình phải tin chắc tuyệt đối 100%.
Ví dụ như mình nói rằng: “Con một lòng tin Phật, con tin chắc Thế Tôn là người đã có thật ở đời, Ngài là người thật sự chấm dứt phiền não, Ngài đã để lại một giáo pháp có công năng chấm dứt phiền não, chấm dứt sanh tử cho chúng sanh. Con tin tưởng nơi Ngài, nơi Giáo Pháp và chư Tăng một cách triệt để, một cách tuyệt đối. Nếu lời tuyên bố này là sự thật thì xin cho sức mạnh của sự thật đó giúp cho má con giảm bệnh tật, ba con giảm được đau đớn, xin cho tai nạn này sớm qua đi…”
Mình phải phát nguyện điều gì đó sự thật mà phải có ý nghĩa tâm linh tinh thần, chứ còn như “con tin chắc con có 10 ngón tay, 10 ngón chân, đó là một sự thật mà con tin chắc, mong rằng với sự thật này mà con hết bịnh”, thì đó cũng là sự thật nhưng nó không có ý nghĩa tâm linh.
Hoặc là: “Con không giữ tròn 5 giới, nhưng riêng giới trộm cắp và giới uống rượu thì trong 40 năm qua con chưa từng vi phạm. Do sự thật này nguyện cho con được…v.v..”, thí dụ như vậy.
Mình dù có bê bối vẫn có thể phát nguyện được. Đứng trước hoàn cảnh ngặt nghèo, mình cũng có thể nói: “Trong 30 năm làm cư sĩ, năm giới con giữ tròn giới thứ nhất, thứ hai và thứ năm, con chưa bao giờ cố ý vi phạm. Xin với sự thật này, với chân ngôn này, xin cho ba má con, vợ con… của con được ok.” Khi mình dốc lòng tin thì lúc đó niềm tin của mình mới mãnh liệt.
Nhiều người họ nghĩ đến cái gì phải ghê gớm kiểu như Tam Bảo thì họ mới có đức tin cuồn cuộn. Nhưng có những người họ nghĩ Tam Bảo là cái gì đó rất xa vời mà họ phải nghĩ tới cái gì cụ thể ở chính họ. Đây là lý do vì đâu có hai cách cầu an. Nghĩ đến đối tượng nào đó bên ngoài, hoặc vận dụng sức mạnh ngay trong bản thân. Có nhiều người thì đối tượng bên ngoài không ép phê, nhưng với bản thân họ thì niềm tin cuồn cuộn mãnh liệt. Họ biết chắc rằng 40 năm làm cư sĩ đúng là họ chưa từng cố ý làm chuyện đó, họ “mong với sự thật này thì giúp cho họ vượt qua khổ nạn v.v...”
Trên quốc huy, trên tiền hay trên những con tem của Ấn Độ, hay có câu “Satyameva Jayate” tiếng Sanskrit: सत्यमेवजयते, tiếng Đức là “Wahrheit über alle” nghĩa là “Chân lý chiến thắng tất cả” hay “Sự thật là trên hết”. Không có cái gì trên đời này qua được sự thật. Bà con nào ghiền xăm hay muốn thêu trên áo thì nhờ ai viết thư pháp cho đẹp thêu câu này, đi chùa mặc cái áo này cho sang, mà người Ấn Độ gặp mình họ cũng khoái. Eva nghĩa là ‘duy chỉ’ (only, even), duy chỉ có sự thật là chiến thắng tất cả.
Bài kinh này thứ nhất là tuyên xưng nội dung tu hành, thứ hai là cầu an bằng phát nguyện chân ngôn. Bà mẹ của Nakula phát nguyện chân ngôn. Bà nói đó là những sự thật. Sự thật gì? (Tôi đang giảng theo Chú giải).
(1) Hãy ra đi đừng luyến lưu gì hết, hãy yên tâm tôi có thể lo cho gia đình. (Bà biết chắc rằng bà có thể làm được điều này. )
“Thưa Gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, đau khổ là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa". Thưa Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa Gia chủ, sau khi Gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.”
(2) Tôi sẽ không có đi bước nữa. Mười sáu năm qua ông biết tôi mà.
“Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ Gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, Gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm hạnh như thế nào. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.”
(3) Ông có thể nghĩ rằng tôi sẽ lìa bỏ Tam Bảo. Không đâu, trời có sập cũng không.
“Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung, còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.”
(4) Ông nghĩ rằng sau khi ông đi rồi tôi sẽ không còn đức hạnh. Không, tôi vẫn như thuở nào. Vẫn giữ gìn giới hạnh.
“Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn giữ Giới Luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay, Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.”
(5) Ông nghĩ rằng tôi sẽ không tu tập thiền định. Không, tôi vẫn tiếp tục tu tập thiền định.
“Thưa Gia chủ, Gia” chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula không có chứng được nội tâm tịnh chỉ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ là một trong những vị ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.”
(6) Ông nghi ngờ không biết khi ông đi rồi tôi có còn còn là một cư sĩ tín tâm bất thối bất động (không còn hoang mang nghi hoặc) nơi Tam Bảo hay không. Ông yên tâm, tôi sẽ không thối đọa, suy giảm niềm tin nơi Tam Bảo.
“Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú, không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự, không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, tôi sẽ là một trong những người ấy”
Sau khi bà mẹ của Nakula nói xong tất cả 6 điều này thì ông Nakulapita lập tức hết bệnh. Sau khi hết bệnh ông vào thưa với đức Phật. Đức Phật dạy rằng ông rất may mắn khi có được người vợ như vậy. Và Ngài xác định cho ông chồng rằng:
-Nakulapita phải biết những điều mà vợ của ông nói hoàn toàn đúng sự thật như vậy. Chính vì đó là những sự thật nên vợ ông đã thực hiện thành tựu viên mãn lời chân ngôn của mình.
Có được một bà vợ đức hạnh mà còn biết độc chiêu này thì ông Nakulapita quả là đại phước. Mình đọc bài kinh tưởng bà chỉ an ủi ông. Nhưng không, bà đang nói ra sự thật mà những sự thật này có hai nội dung, một là xác chứng nội dung tu hành, tu chứng; thứ hai là trong lúc bà nói như vậy bà có cái chủ ý: “Tôi đang nói sự thật. Với sự thật này, nếu không bị đoạn nghiệp thì chồng tôi sẽ ok.” Do sức mạnh gia trì của một vị thánh nhân cư sĩ cộng với bản thân ông Nakulapita không hề kém cạnh bà vợ và cộng với điều kiện ông không bị chướng nghiệp, đoạn nghiệp quá khứ nên ông Nakulapita đã bình phục. Nói chung, sức mạnh gia trì từ người trao và từ người nhận cộng với chuyện không do trọng nghiệp tác động; ba yếu tố này mới khiến cho buổi cầu an ấy thành tựu viên mãn
Buổi cầu an, buổi chú nguyện cho bất cứ ai chỉ được thành tựu với 3 điều kiện: (1) sức gia trì của người trao; (2) đức hạnh của người nhận; (3) không có sự can thiệp của trọng nghiệp quá khứ.
Mình mời ông sư về cầu an, thành công hay không thì phụ thuộc vào người tụng có đức hạnh hay không, và khi tụng thì có tập trung, có niềm tin hay không. Còn nếu như người đó đọc mà không hiểu, không có niềm vui niềm hoan hỷ khi đọc tụng cũng không được. Và nhất là không có sự can thiệp của trọng nghiệp. Nếu có sự can thiệp của trọng nghiệp thì trời cứu cũng không được.
Bài kinh này mà đọc phớt qua thì chỉ là lời an ủi trấn an của một bà vợ dành cho ông chồng cận tử. Ông chồng sau đó may mắn hết bệnh rồi đi hầu Phật. Nhưng đọc kinh như vậy thì nghèo quá. Nội dung bài kinh này nói đến sự hành trì tu chứng của một đệ tử Phật, và có tác dụng, hiệu quả ý nghĩa của một bài cầu an. Cầu an có hai cách, dùng tín tâm của mình để suy tưởng suy niệm đến một đối tượng ngoại tại hoặc vận dụng một sự thật nào đó ở tự thân mình và phát nguyện chân ngôn. Chân ngôn này không nhất thiết phải từ một người uy lực ghê gớm.
Ở đây có chuyện hơi phong thần một chút, nhưng lỡ thì kể bà con nghe luôn. Bà con hoàn toàn có thể không tin, nhưng riêng tôi thì tôi tâm đắc câu chuyện này. Tôi tâm đắc không phải vì câu chuyện này huyền hoặc nhưng tôi tin rằng trong đời này nếu mình sống chí tâm chí thành như Trung Hoa có câu “Chí thành tất thông linh”, khi mình dốc sức dốc lòng tập trung thì cũng chiêu cảm được một đối tượng bề trên xa thẳm nào đó trên cao. Trong kinh kể một lần đó vua A Dục đi cùng một đám lính đông rần rần. Ngang bờ sông thì ông cùng quân lính ngừng lại nghỉ ngơi. Ông thấy nước sông chảy xiết cuồn cuộn, ông nói với lính hầu, con sông đang chảy như thế này đâu có một cái lực nào có thể cản được. Ông vừa nói xong thì thấy một chuyện rất là lạ, đó là dòng chảy đảo chiều. Bọt nước tung tóe như thể bị một lực cản nào đó, và dòng chảy bỗng chảy ngược lên trở lại. Ông dụi mắt, chắc là chiêm bao hay ma phá, chứ không thể nào lạ lùng như thế này. Nguyên đám lính đông đúc cũng thấy rõ ràng hiện tượng đó. Vua nói, chắc chắn có những vị tuy hành đắc đạo ẩn mình nơi đây. Vua kêu lính đi tìm. Ngày xưa lính đi bộ, làm gì có drone hay trực thăng như bây giờ. Lính chạy đi tìm rồi báo:
-Thưa bệ hạ, không thấy ai tu hành hết, chỉ thấy có đứa này thôi. Thấy rồi hỏi chuyện nó mà chúng thần cũng không dám dắt nó về, sợ làm bẩn mắt ngài.
Vua hỏi: Làm gì mà bẩn mắt ta? Lính nói, cô này cái thân phận cũng bầy hầy bê bối bề bộn, cổ là gái điếm. Vua hỏi cô gái:
-Nãy giờ ngươi ở đâu?
-Dạ tiện dân ngồi bên bờ sông nhìn nước chảy.
-Ngươi có thấy nước chảy băng băng không?
-Dạ thấy.
-Khi nước chảy ngược như vậy ngươi có biết không?
-Dạ biết, biết rất rõ, do chính tiện dân đã làm.
Vua hỏi:
- Nàng làm bằng cách nào với thân phận nữ nhi như vậy? Ta là một đại đế mà nhìn dòng chảy đó còn sợ, trong khi nàng là một cô gái chân yếu tay mềm!
-Dạ lúc đó nhìn dòng chảy đó tiện dân cũng sợ lắm, nhưng tiện dân nghe mấy ông thầy tu nói mình có thể chí thành tất thông linh.
Trong kinh nói cô này cũng có phước lành nhiều đời. Chẳng qua sa cơ vô nghiệp xấu nhất thời phải mang thân gái hèn mọn mua vui cho thiên hạ chứ cổ cũng là người nội công thâm hậu. Cổ nói lúc đó cổ chú nguyện như thế này:
“Tôi 1 đời mua vui cho thiên hạ, thiên hạ lấy tôi để giải tỏa bức xúc của bản thân. Tôi sống bằng sự lương thiện khó tin của tôi. Tôi chỉ lấy tiền sòng phẳng của đàn ông mà sống. Không lừa đảo ai hết. Tiền trao cháo múc, trao bao nhiêu múc bấy nhiêu (đưa nhiều múc đầy, đưa ít múc lưng). Đây là lời chân thật của tôi, nếu tôi nói dối thì thôi, còn nếu tôi nói thiệt thì xin cho sức mạnh của sự chân thành ấy khiến cho dòng sông này chảy ngược để tôi xác chứng một điều lời của các vị tu hành ấy là thật.”
Nàng vừa khấn xong thì dòng sông nước dựng lên. Nước bắn tung bọt trắng xóa và đảo dòng chảy ngược. Ngẫu nhiên lúc ấy vua A Dục cũng đang ngồi bên bờ sông, cũng quan sát dòng chảy kinh khủng, cũng có suy nghĩ ấy. Phía trên vua một tí là người con gái bán phấn buôn hương và không ngờ nàng tận dụng được câu nói “chí thành tất thông linh” và đã làm được chuyện đó. Trong room này quí vị không tin chứ riêng tôi, tôi nói nhỏ vào tai những người có tí niềm tin, trong lúc khẩn cấp ngặt nghèo hãy dùng phương thức này như tôi đã từng dùng. Tôi khấn, “phiền não con đầy dẫy, nhưng con đắp lá y này, tính ngay thời điểm này với mục đích của con là cầu giải thoát, không có mục đích khác; nếu con sai trái thì kể như con không được gì, nhưng nếu đúng là sự thật thì xin cho tai nạn này qua đi, hoặc xin cho ý nguyện thành tựu.” Phải lựa cái gì mình tin đó. Như trong kinh kể có vụ này mới động trời nè, Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni có một kiếp đó sinh ra trong một gia đình nghèo khó lắm. Ngài thấy hình như làm thầy tu thì dễ sống, khỏi động tay động chân, khỏi đổ mổ hôi, xót con mắt. Cho nên ngài mới tự tìm mấy cái áo rằn ri da cọp, rồi đeo chuỗi, đeo mấy cái sọ chim, mấy cái hồ lô...,làm nguyên một chùm. Rồi ngài tìm một chỗ nào khuất khuất nhưng trong tầm mắt của người ta để ngồi. Suốt 55 năm trời ngài sống kiểu lừa đảo như vậy đó. Lúc đó ngài đã là bồ tát được thọ ký rồi. Nhưng dòng luân hồi mà! Chó heo còn làm được, địa ngục còn xuống được, nói gì là làm người lừa đảo. Có kiếp ngài làm một anh chàng đệ nhất sở khanh, không giết người nhưng ăn rồi là lừa tình lừa tiền của phụ nữ; làm tan nát bao nhiêu trái tim của phụ nữ. Có lúc ngài làm võ sĩ đánh đá người ta hộc máu mồm, có kiếp ngài làm thầy tu giả mạo. Đọc những điều đó không phải để mình khinh mà để mình nể ngài. Khi quỳ dưới chân của Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpankara) là ngài đã biết rồi, Phật Nhiên Đăng nói: Ngươi sẽ trải qua 4 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp nữa sẽ thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác có hồng danh là Gotama cũng gọi là Sakyamuni --Thích Ca Mâu Ni -- giống như Ta bây giờ, cũng có 32 tướng tốt 80 tướng phụ, cũng có 6 Như Lai biệt trí, 18 Bất cộng pháp y như Như Lai và chư Phật ba đời mười phương. Khi nghe tuyên bố như vậy ngài hiểu ngay một chuyện, rồi đây kể từ hôm nay con đường về địa ngục của ta đang rộng mở. Ngài biết rõ. Trong Chú giải có nói rõ chỗ đó, Bồ tát được thọ ký là không được sợ địa ngục. Không phải không sợ nghĩa là làm bậy, mà biết rằng đường dài thì khó tránh chuyện sa cơ. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” là chỗ đó. Đường dài quá mà làm sao tránh đạp gai, đường dài sao tránh đạp phân, đường dài sao tránh được bụi bặm, nắng gió mưa sương. Khó lắm. Cho nên Chú giải nói rõ khi được thọ ký thì Bồ tát sẵn lòng dấn thân vào các tầng địa ngục. Ngay lúc quỳ dưới chân đức Phật Nhiên Đăng nghe thọ ký như vậy ngài có cảm giác là ngày mai ngài thành, nhưng lập tức ngài hiểu ra hai chuyện, đó là, chuyện gì mình phải làm, và những chông gai nào mình phải đối mặt.
Đọc cái đó mới thương Ngài. Bây giờ đi chùa khi đến trước tượng Phật, quí vị không nên đi mà chỉ có lết thôi. Lết xuống mà hôn chân tượng Phật ba ngày ba đêm còn chưa đủ hết cái ân tình của Ngài để lại cho mình. Lết chớ không phải đi nghen, bò bằng cái ngực, bằng đầu gối, bằng cùi chỏ. Ba ngày lết để lạy Phật vẫn chưa hết cái ơn Ngài độ cho mình. Ngài biết chông gai mà vẫn đi mới thương. Chứ ngay lúc đó Ngài chỉ cần chuyển nguyện “giác ngộ ngay lúc này” là ngài đắc Lục thông, Tam minh và 4 Trí vô ngại cách đây 4 a-tăng-kỳ và 100.000 ngàn đại kiếp rồi. Ấy vậy mà vì chúng ta Ngài lê la trong cõi luân hồi để rồi trải qua bao nhiêu kiếp sống. Lúc thì làm bậy, lúc thì chịu quả khổ. Chẳng hạn như cái kiếp mà tôi sắp kể đây, ngài làm tà sư ngoại đạo 55 lăm năm trời lừa đời dối thế để sống. Và ngài có một cặp vợ chồng đệ tử thương quý ngài vô cùng. Thỉnh thoảng họ đến thăm viếng Ngài. Bữa đó hai vợ chồng đến hầu chuyện ngài có dắt theo đứa con. Đứa con thì chạy lăng xăng quanh đó chơi trong khi ba mẹ nó hầu chuyện ngài và bị rắn cắn. Khi nghe đứa con đau quá la lên hai vợ chồng nhào ra bồng lên thì nó đã tím tái, mắt đứng tròng rồi. Hai vợ chồng tin ngài lắm, họ đâu biết ngài tào lao. Hai vợ chồng bồng đứa con đến trước mặt ngài và quỳ xuống:
-Sư phụ, sư phụ, xin cứu con của đệ tử.
Trong kinh nói lúc đó Ngài giống như con voi bị sa lầy khi nghe tiếng trống trận liền bật dậy. Quý vị phải coi kinh cho cái đầu bớt đơ, đọc chỗ đó mới thấy đã, mới thấy thương Phật quý Phật, thấy yêu chánh pháp. Trong kinh nói Ngài như con voi ngủ quên dưới đầm lầy, khi nghe tiếng trống trận liền bật dậy. Với sức mạnh của một con voi khi bật dậy thì không còn là con voi ngủ quên trong đống lầy nữa. Ngài cũng vậy, khi nhìn thấy hai vợ chồng này bồng xác con quỳ trước mặt “Sư phụ ơi cứu con đệ tử”, ngài nghĩ liền: Trách nhiệm của ta là đại bi. Mà bây giờ ta tu hành tào lao bí đao thế này thì ta cứu cái nỗi gì. Với cái huệ căn cố hữu của một vị Bồ tát đại sĩ ngài nhớ ra một chuyện. Ngài bồng đứa bé trên tay và khấn. Nghe ngài khấn quý vị không thể nín cười được, cười mà ứa lệ đó:
-Năm mươi lăm năm qua ta sống lừa đời dối thế. Ta biết rất rõ là mình tào lao, chẳng qua là ta không có cách nào khác để lựa chọn, mà ta biết rất rõ là ta lừa đời, dối thế. Đó là một sự thật. Mong với sự thật này, nếu bổn mạng đứa bé còn được sống trên đời thì xin với chút hơi tàn này sẽ giúp cho nó được hồi sinh.
Ngài vừa khấn xong thì nọc tan, đứa bé cựa mình xuất hạn, nôn mửa và bật khóc. Hai vợ chồng xoa bóp nó. Ngài hái một ít thuốc nam mà ngài biết đưa cho họ nhai đắp cho vô chỗ rắn cắn đứa bé. Đứa bé thoát chết bình an vô sự, sống đến trăm tuổi.
Quí vị thấy không, còn mình thì sao? Mình hèn lắm, một khi mình đã tồi rồi mình không dám nhận quí vị biết không, nên cả đời không biết chân ngôn là cái gì hết.
Kinh Nakulapitusutta _ Tăng Chi Bộ Kinh
#SưGiácNguyên (giảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét