Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Dục & Nghiệp



Dục & Nghiệp

Và tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, nhớ dùm, tâm niệm dùm điều này: những gì ta đang thích, đang ghét trong từng phút, nó đã lặng lẽ kín đáo mở ra một con đường về cho ta trong đời sau kiếp khác. Câu thần chú này phải xăm lên người, chứ không phải viết xuống giấy đâu. Phải xăm lên người câu này:

"Những gì ta đang thích đang ghét trong từng phút, nó đã lặng lẽ kín đáo mở ra một con đường về nơi chốn nào đó cho ta trong đời sau kiếp khác."

Đừng coi thường nó. Đừng có nói là tôi thích cái đó kệ tôi, làm cái gì mà liên hệ đời sau kiếp khác. Sai. Tôi đã nói rồi, anh thích cái gì, anh ghét cái gì nó chưa đủ, nhưng những hành động thiện ác đi kèm với cái thích cái ghét đó nó mới tạo ra cái lộ trình tương lai cho anh. Nhớ cái đó. Rất là quan trọng. Chứ đừng có nói tôi thích trồng hoa nơi góc vườn nhà tôi, tôi thích dọn dẹp nhà tôi, làm cái gì mà ổng nói thấy ghê vậy. Nhà tôi tôi dọn chứ không lẽ để nó dơ như ổ chuột. Mà có dọn thì thấy hay hay, vui vui, nên cuối tuần về là tôi dành thời gian tôi dọn. Tôi thích dọn dẹp nhà, tôi thích hút bụi, tôi thích trưng bông cửa sổ, lau dọn ngoài bang công, hành lang chút vậy đó. Rồi tôi thích nấu ăn. Tôi không nấu thì chồng con tôi lấy gì ăn. Bà mẹ già, bố tôi lớn tuổi, họ lấy gì họ ăn. Từ đó tôi thích nấu ăn. Mà làm cái gì đến mức thích nấu ăn, thích làm vườn, thích dọn nhà, thích trưng bày nhà cửa lại là một lộ trình sinh tử gì ghê vậy. Dạ thưa đúng vậy. Anh thích cái gì thì anh đã kín đáo tạo ra những cái ghét ngược lại. Qúi vị có hiểu không? Vấn đề kẹt là ở đó. Khi anh thích cái gì thì anh đã kín đáo tạo ra những cái ghét ngược lại. Thí dụ như tôi thích mát mẻ thì tôi ghét nóng nực. Mặc dù lúc này tôi không có nói cái nóng nực tôi chỉ nói mát mẻ thôi. Tôi thích mát mẻ, tôi thích cao ráo, tôi thích rộng rãi, tôi thích thông thoáng. Tôi kể toàn cái thích thì quý vị sẽ phải hiểu ngầm là: "Cái gì ngược lại với cao ráo, ngược lại với thông thoáng, ngược lại với rộng rãi là trẫm đều ghét hết đó nghen!" Và để giải quyết cái thích, giải quyết cái ghét đó tôi đã làm bao nhiêu việc thiện ác trong đó quý vị hiểu không?

Quý ví đâu có biết tôi làm bao nhiêu cái chuyện gian ác để tôi có nhà cao cửa rộng, để tôi về tôi hầu vợ, hầu con, hầu chồng, quý vị đâu có biết. Cho nên quý vị đâu có ngờ cái chuyện tôi thích nấu ăn, cái chuyện tôi thích chưng dọn nhà cửa, cái chuyện tôi thích mặc đẹp, cái chuyện tôi thích đi shopping, kể cả cái chuyện dạo phố, bên Mỹ kêu là window shopping, tức là đi chỉ để nhìn thôi, mà cũng là một cái nghiệp. Bây giờ tự cái thích bản thân nó sẽ dẫn đến cái ghét. Rồi thích ghét cộng lại nó sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta. Tin tôi đi. Mình nghe từng bước , chia nhỏ vấn đề mình mới giải quyết được. Bạch hoá vấn đề và chia nhỏ nó ra thì chuyện nào anh cũng giải quyết được. Bởi vì anh thấy thích ở đâu thì cái ghét nó núp lùm kế bên. Chính ghét và thích hướng dẫn hành động, hướng dẫn cảm xúc, hướng dẫn đời sống anh. Anh sẽ làm cái này cái kia để mà giải quyết cái ghét và cái thích đó. Theo đuổi cái thích và trốn chạy cái ghét. 

Cho nên, chữ dục ở đây nó lớn chuyện lắm. Ở đây Ngài mới nói đầu tiên dục là đam mê trong các trần, chuyện thứ hai là các dục sai biệt. Sai biệt nghĩa là nó thô, nó tùm lum ... nó đủ loại hết trơn. Người thích sắc, thinh, khí, vị, xúc. Rồi trong cái sắc đó nó có thiên hình vạn trạng. Người ta dùng con mắt để thưởng thức cuộc đời. Có anh thì thích nhìn cái này, có anh thì thích nhìn cái kia. Lỗ tai cũng vậy. Chỉ riêng trong cái đám nghe nhạc thôi thì mình đã thấy là trùng trùng trong đó rồi nghe. Nghe nhạc tây, nhạc tàu, hay nghe nhạc ta. Nhạc ta là nghe nhạc gì? Nhạc buồn, dân ca, cải lương, hồ quảng, hát bội, quan họ Bắc Ninh, mái nhì, mái đẫy. Mình phải ý mình thích cái gì. Chỉ riêng nhạc không thôi đó thì mình đã thấy thiên hình vạn trạng. Cho nên khi nói dục sai biệt mình phải biết dục sai biệt từ đâu ra. Từ cái suy tư sai biệt, sở thích sai biệt dẫn đến các dục sai biệt.

Tiếp theo là dục dị thục. Là sao?  Khi cái thích của chúng ta không giống nhau thì dục dị thục có nghĩa là cái quả báo do các ước muốn đem lại cũng không giống nhau. Tôi đã nói rồi do anh thích cái này thì đương nhiên anh sẽ có cái ghét ngược lại. Tôi thề như vậy. Tôi thề bảo đảm như vậy. Khi anh thích cái này thì có bao nhiêu cái ghét ngược lại nó cũng đi kèm theo. Giống như là bánh xèo nó quất đống rau theo rồi nào nước chấm, nào giá, nào ngò gai, húng lủi, tía tô, nào là đọt xoài non, đọt củ sắn, củ dền, nó quất cho nguyên một đống là nó đi kèm với bánh xèo chứ không phải ít đâu. Bánh pizza nó không có rau nhưng thật ra nó cũng đủ thứ trong đó. Một cục bột mì nó sẽ đi theo với bao nhiêu thứ nó mới ra được cái bánh pizza chứ.

Tôi nhớ hồi tôi mới qua Mỹ, tôi gặp cái bánh pizza đó tôi đâu có dám nói gì. Tôi nghĩ trong bụng: "Trời ơi sao nó giống cái đống của mấy thằng xỉn mửa ra rồi đem đi nướng lại." Nói thiệt như vậy đó. Lút chút lút chút y chang vậy đó.

Cho nên cái dục sai biệt là gì? Hễ mình muốn tùm lum thì quả báo nó cũng tùm lum. Tôi đã nói rồi: Thích ăn ngon mà không tu hành sanh ra làm loài ăn tạp. Thích giữ của mà không tu tập sanh làm loài có hang, có ổ, có tổ chức, có quần thể. Thí dụ như có những loài bạ đâu sống đó, nhưng có những loài nó phải có hang, có loài phải có tổ.

Quý vị có thấy loài chim, trong đó có những tổ chim mà nó làm công phu cực kỳ. Con chuột hải ly nó là bậc thầy kiến trúc. Có nghĩa là tất cả kiến trúc sư thế giới đều phải ngã nón cúi chào kính cẩn trước đồng chí hải ly, một thứ chuột nước. Nó tầm tầm khoảng một hai ký thôi mà nó giỏi cực kỳ. Những công trình của nó đáng được xem là huyền thoại, là hoang đường trong trí tưởng tượng của kiến trúc sư toàn hành tinh. Là vì sao? Là vì khích thước, trọng lượng, điều kiện làm việc của nó không là gì so với những gì nó làm được. Khi nó dựng tổ ở dưới nước nó lấy cây nó đóng cọc rồi nó làm tổ. Phải nói là cái tổ của nó con người có đầu óc thông minh mà kêu làm cái tổ hải ly giống như vậy thì hầu hết phải quỳ lạy hết. Trời lạnh như cắt mà, tôi thử hỏi quý vị, nó làm kiểu gì thì không biết mà nó tha gỗ về rồi nó làm sao mà nó ghim sâu cắm chặt ở trong sình để nó làm tổ. Hoặc là nhìn cái tổ chim giòn giọt. Tôi nói cái này bà con muốn tò mò vô Google tìm coi tổ chim giòn giọt, ổ con hải ly, hoặc tổ chức từng đoàn quần thể bầy đàn của con ong, con kiến, con mối, ... thấy những thứ đó mới khiếp. Có nghĩa là thích sở hữu bất động sản nhà đất mà không tu đời đời sanh ra làm loài thích hang, thích ổ, thích tổ chức quần thể. Có những người họ khéo tay cực kỳ mà họ không tu hành gì hết họ tái sanh làm những loài động vật cũng khéo léo cực kỳ. Chứ không phải khơi khơi mà sanh vào loài đó. Không phải khơi khơi đâu.

Nó phải có những cái thích cái ghét như thế nào đó nó mới dẫn tới cái nghiệp tương ứng. Từ cái nghiệp tương ứng cho nên nó mới có cái chỗ đi về tương ứng. Tin tôi đi.

Sư Giác Nguyên giảng

Có cần thiết không? (Dấu ? Dấu !)



Dấu ? Dấu !

KTC 6. 7. 71. Chứng Nhân
Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt được địa vị chứng nhân, quả chứng này hay quả chứng khác, dầu thuộc loại xứ nào. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thối đọa", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào an trú", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thắng tiến hay thù thắng", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thể nhập", làm việc không chu toàn và làm việc không có lợi ích. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được địa vị một chứng nhân, quả chứng này hay quả chứng khác, dầu thuộc loại xứ nào.
sakkaccasappāyakari
thận trọngcó lợi íchlàm việc

AN 6. 7. 71. Sakkhibhabbasuttaṃ
‘‘Chahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu abhabbo tatra tatreva sakkhibhabbataṃ pāpuṇituṃ sati sati āyatane. Katamehi chahi? Idha, bhikkhave, bhikkhu ‘ime hānabhāgiyā dhammā’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, ‘ime ṭhitibhāgiyā dhammā’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, ‘ime visesabhāgiyā dhammā’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, ‘ime nibbedhabhāgiyā dhammā’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, asakkaccakārī ca hoti, asappāyakārī ca. Imehi kho, bhikkhave, chahi dhammehi samannāgato bhikkhu abhabbo tatra tatreva sakkhibhabbataṃ pāpuṇituṃ sati sati āyatane.’’

Tôi năn nỉ các vị một chuyện, nghe giảng kinh tạng là phải có chú giải. Phải tập cho nó quen. Chứ còn mà để cho người ta nắm đầu người ta kéo, người ta lôi, người ta ban cho cái gì hưởng cái đó thì nó dễ bị khờ người lắm, nha.

Làm việc "không chu toàn" là sao?

Đây, "không chu toàn" trong đây ghi rõ là asakkaccakārī. Có nghĩa là thiếu trước hụt sau, cái cần sửa thì không sửa, cái cần thêm thì không thêm, cái cần bớt thì không bớt, cái đó gọi là không có chu toàn. "asakkaccakārī, na ādarakārī" là không nghiêm túc, có nghĩa là không có đúng mức là vậy đó. Cái cần thêm thì không thêm, cái cần bớt thì không biết bớt, cái cần sửa thì không biết sửa, thì trong đây Ngài Minh Châu dịch là "không chu toàn".

Làm việc "không lợi ích" là sao?

Ở trong chú giải mới nói thế này, đó là asappāyakārī. Có nghĩa là vầy: Trong đây có giải thích là "na upakārabhūta" có nghĩa là mình muốn làm việc gì thì cũng cần đến, cũng phải quan tâm đến những điều kiện hỗ trợ cho cái việc mình đang làm. Tôi nhắc lại, mình muốn làm việc gì thì mình phải biết quan tâm đến những điều kiện hỗ trợ cho công việc ấy. Bởi vì nếu không, mình muốn làm việc đó mà mình không biết những điều kiện hỗ trợ đôi khi mình lại đi chấp nhận những điều kiện đối lập, thì công việc đó muôn đời không có xong. Thí dụ như mình uống thuốc tiểu đường thì mình cũng phải biết là kiêng ăn ngọt. Đó! Là chỗ đó, phải biết là kiêng ăn ngọt.

Cho nên cái thứ năm là gì? Là làm việc chu toàn đây có nghĩa là phải biết cái gì cần thêm, cái gì cần bớt, cái gì cần chỉnh sửa.

Cái thứ sáu có nghĩa là biết cái gì cần thiết và không cần thiết.

Tôi nói không biết là bao nhiêu lần, cái sự khác biệt rất là lớn của một cái người có tu và không tu ở chỗ người không có tu chỉ biết cái gì mình thích mà thôi, chỉ quan tâm tới cái mình thích, còn thiện ác không quan trọng, miễn là "trẫm thích" thì được. Nhưng mà người có tu hành lại khác. Người có tu hành không quan tâm đến cái cảm xúc thích hay ghét mà chỉ quan tâm đến cái việc "Chuyện ấy có cần thiết không?"

Đó! Một trong những cách thu gọn Phật Pháp, 8 muôn 4 ngàn pháp môn, trong nhiều cách thu gọn, trong đó có một cách là tu bằng cái câu mà tôi vừa phát biểu. Đó là "Chuyện ấy có cần thiết không?".

Trong quý vị thế nào cũng có người nổi điên hỏi "Cái này ở đâu? Cái này ở đâu vậy?" Dạ thưa kinh Dvedhāvitakka. Nghe vậy mới sang chứ. Kinh Song tầm trong Trung bộ. Tức là hai đường lối suy tư, hai ngã rẽ tâm tư. Khi mà Ngài thành Phật rồi Ngài kể lại: Ngày xưa khi ta còn trong khổ hạnh lâm thì ta suy tư thế này "Toàn bộ đời sống của mình nó chỉ có về tinh thần nhiều hơn là về vật chất, như vậy cái mà ta quan tâm chính là cái tâm", đúng chưa? Vật chất sao cũng được nhưng quan trọng là cái tâm. Rồi làm gọn vấn đề: Có hai cách giải quyết vấn đề: một là mình rọi sáng những góc khuất và hai là mình chia nhỏ vấn đề ra để giải quyết. Quý vị còn nhớ hai cái này không? Hai cách để giải quyết vấn đề, một là rọi sáng những góc khuất và hai là mình chia nhỏ vấn đề ra.

Thì ở đây Ngài cũng vậy, chuyện đầu tiên Ngài nói rằng "Toàn bộ đạo nghiệp chỉ là giải quyết vấn đề tinh thần". Giải quyết bằng cách nào? Thì Ngài mới chia nhỏ ra. Chia nhỏ làm sao? Ngài nói rằng bây giờ ai cũng phải có cái ngã rẽ tâm tư hết. Một là những cái suy tư nào có lợi cho cái đạo nghiệp giải thoát và cái suy tư nào mà có hại cho đạo nghiệp giải thoát. Thì Ngài thấy có lợi thế nào? Là chánh tư duy có lợi cho đạo nghiệp giải thoát. Chánh tư duy là sao? Là không có bất mãn các trần, không đam mê trong các trần, đó gọi là chánh tư duy, gọi là ly dục tư duy. Vô sân tư duy và bất hại tư duy có nghĩa là không có ý chống phá bất cứ người hay vật nào ở đời, đó gọi là vô hại tư duy. Thì cái suy nghĩ hễ cái nào thuộc về chánh tư duy thì cái đó mới giúp cho đạo nghiệp. Còn cái nào mà nó đi ngược lại chánh tư duy thì nó là tà tư duy. Có nghĩa là còn đam mê, còn bất mãn, còn ý chống đối người và vật trên đời thì đó là tà tư duy. Tự Ngài sẽ biết suy tư cái đó.

Cho nên là toàn bộ đạo nghiệp của người tu hành gom gọn lại có một câu thôi, đó là một dấu hỏi. Toàn bộ đạo nghiệp của một người tu hành cầu giải thoát chỉ gom vào trong một dấu hỏi thôi. Đó là "Cái đó có cần thiết không?". Cái suy nghĩ ấy, bây giờ mình đang suy nghĩ, mấy ngày nay mình cứ suy nghĩ hoài, cuối cùng mình phải tự hỏi mình "Những cái mà mình đang bận tâm, đang nặng lòng, đang cực lòng ấy nó có đáng để mình bận tâm không?", "Nó có cần thiết không?". Những cái mình ghét, những cái mình thích cũng vậy, những cái mình bận tâm để ghét hay bận tâm để thích thì cũng phải được kết thúc bằng một dấu hỏi "Cái thích ấy có cần thiết không?", "Cái ghét ấy có cần thiết không?", "Cái câu nói mà mình muốn nói đó có cần thiết không?". Nếu không cần thiết đừng nói. Suy nghĩ không cần thiết thì hãy bỏ qua. Và "Cái hành động với việc làm ấy có cần thiết cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau, cho đạo nghiệp giải thoát hay không?". Nếu thấy là "Không!" thì phải có can đảm chấm than xuống dòng!

Như vậy đời tu của chúng ta chỉ có hai dấu thôi: một là dấu hỏi (?), hai là dấu chấm than (!)

Hỏi cái gì? "Cái này có cần thiết không?". Rồi.

Dấu chấm than là gì? "Cần!", còn lại thì "Không!".

Toàn bộ đời tu của các vị sau khi buổi giảng này đóng lại, bà con chỉ mang hai cái dấu đó vào phòng, vào lòng. Vào phòng và vào lòng để mà tu với nó, chiêm nghiệm nó, thấm thía nó, tiêu hóa nó, gậm nhấm nó, biến nó thành máu tủy thịt xương của mình.

Đời tu chỉ là hai cái dấu thôi, một là dấu hỏi "Chuyện ấy có cần thiết không?". Và dấu chấm than để xuống dòng có nghĩa là không có dây dưa nữa. Đó là dấu chấm than thứ nhất "Cần!": Tiếp tục. Còn "Không cần!": Dẹp.

Đó là tu hành với một cái ngã rẽ tâm tư, gọi là ngã ba lòng là chỗ đó.

Người tu bây giờ, thí dụ các vị hỏi tôi chứ cái logo của đạo Phật là gì? Thì tôi nói là lá bồ đề, là y bát, là bát chánh đạo. Bây giờ mình thêm cái logo nữa, là gì ta? Các vị ra mua cái logo của xe Mercedes đem về treo, ai hỏi tại sao mà treo cái logo của Mercedes làm cái gì? Bởi vì tôi vừa nghe giảng trong bài kinh Song tầm. Có nghĩa là người tu nào cũng phải từng ngày, từng phút đang đứng trước cái ngã ba lòng. Ngã ba lòng là gì? Ngã ba lòng tức là lúc nào cũng đứng trước hai cái lối, hai cái dấu hỏi "Cần thiết không?" Đó! Lúc nào trong lòng mình cũng có cái dấu hỏi, tu là tu bằng hai cái dấu hỏi "Có cần thiết không?", về mình tự mình giải quyết vấn đề bằng dấu chấm than !

Như vậy, chính vì cuộc tu là đối diện với ngã ba lòng ấy nên cái logo của mình nên là cái logo của xe Mercedes. Ở đây các vị có ai còn nhớ cái logo của xe Mercedes không? Nếu có ai hỏi các vị tại sao treo ở đây? Các vị nói "Không! Đây không phải là Mercedes, Mẹc-xơ-đéc, mà nó là ngã ba lòng! Tu hành là đối diện với ngã ba lòng."

Trích bài giảng KTC.6.70 Thần Thông

Chánh niệm (dao cán gỗ)



Dao cán gỗ

Chánh niệm ở đây là gì? Là luôn luôn sống ở trong sự tỉnh thức.

Có nhiều người nói "Trời ơi, con không có thời gian tu thiền!". Họ tưởng tu thiền là thêm một cái gì đó vào trong đời sống của họ, mà họ thì không có thời gian để chấp nhận, để đón nhận cái thêm đó. Nhiều người nói như vậy, vì họ tưởng thiền là một cái gì đó thêm vào trong đời sống của họ.

Không phải thêm, mà là thay thế.

Sau bài giảng này, bà con, những người hay hiểu lầm, làm ơn nhớ dùm cái này. Tu thiền Tứ niệm xứ không phải là mình thêm việc cho đời sống mà là mình thay đổi cái kiểu sống. Mình không có thêm cái gì hết.

Có người khuyên mình "Con dao cán gỗ này tốt nè, xài thế con dao kia đi." Mình lại nói "Không, tôi không có thời gian để xài con dao cán gỗ!" Chỉ có người tâm thần mới nói như vậy, đúng không? Hồi đó giờ mình làm bếp bằng cái con dao cán nhựa và bây giờ mình chuyển qua làm bếp bằng con dao cán gỗ. Mình chỉ đổi con dao thôi chứ mình không có thêm việc. Người ta đâu có kêu mình thêm việc, người ta chỉ nói mình đổi con dao. Thấy mình xài cái con dao cán nhựa, người ta nói "Nè lấy con dao cán gỗ này xài nè." Thì công việc cũng chừng đó thôi, cũng bầm bầm xắt xắt thôi, nhưng mà bây giờ xài con dao cán gỗ, không xài con dao cán nhựa nữa.

Tu thiền Tứ niệm xứ là như vậy. Hồi đó giờ mình cũng ăn uống, đi đứng, nói năng, sinh hoạt lớn bé v.v... thì bây giờ mình vẫn tiếp tục như vậy không có thêm bớt gì hết. Nhưng có điều hồi xưa mình ăn nhưng mà cái đầu mình nó nghĩ chuyện khác, tay mình đánh răng mà cái đầu mình nó nghĩ chuyện khác. Bây giờ mình đánh răng mà mình tập chú vô trong cái chuyện đánh răng, mình ăn cơm mình biết rõ mình đang ăn cơm. Mình đi đứng nằm ngồi biết rõ. Sắp khai khẩu phun ra cái câu cái chữ gì đó biết rõ. Chỉ vậy thôi chứ không có thêm bớt cái gì hết, dứt khoát không có thêm. Nhiều người cứ nói là "Tôi không có thời gian." Thì anh cứ sống y như hồi đó giờ. Anh bán tiệm tạp hóa anh cứ bán không ai cấm gì anh hết. Tới giờ anh cứ lái xe đi làm y như hồi xưa vậy đó. Vô công sở anh cũng y như hồi xưa. Không có thêm bớt cái gì hết. Chỉ có cái này, anh sắp nói cái gì anh biết "Ờ, mình muốn nói." Mình đang nổi sùng thì mình biết mình đang nổi sùng. Mình sắp mắng vào mặt người ta mình biết "Ô, ô, bậy bậy. Sắp chửi người ta rồi, bậy, một câu nhịn 90 câu lành." Nhớ như vậy. "Lùi một bước thì trời cao đất rộng." Mình niệm là niệm chỗ đó. Chứ còn bà con vẫn tiếp tục y như cũ, và đừng có nói là tôi không có thời gian. Sai. Vì khi anh nói anh không có thời gian nghĩa là anh tưởng thiền là thêm, anh tưởng đi vào chùa để thêm chuyện cho đời sống, không có. Không hề có cái chuyện Phật giáo thêm chuyện mà Phật giáo chỉ kêu mình thay thế thôi. Hồi đó giờ mình nghĩ như vậy đó, bây giờ mình không nghĩ như vậy nữa. Hồi đó giờ mình sống như vậy đó, bây giờ mình không sống kiểu đó nữa, bây giờ mình sống kiểu khác. Thì đó gọi là tu. Chứ không phải là mình thêm việc.

Chánh niệm ở đây là vậy đó.

Sư Giác Nguyên giảng

Cục lửa trong túi quần



Cục Lửa Trong Túi Quần

KTC 6. 7. 113. Bất Lạc
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Bất lạc, hại, phi pháp hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.
Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận bất lạc, hỷ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại, bất hại cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phi pháp hành, pháp hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.
AN 6. 7. 113. Aratisuttaṃ
‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Arati, vihiṃsā , adhammacariyā. Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā.
Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Aratiyā pahānāya muditā bhāvetabbā, vihiṃsāya pahānāya avihiṃsā bhāvetabbā, adhammacariyāya pahānāya dhammacariyā bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’

Bất lạc (arati) là bất mãn tha nhân. Nghĩa là sao? Có nghĩa là mình luôn luôn và luôn luôn có cái cớ để mà mình bực mình người khác. Và đặc biệt cái nổi bật của cái này là gì? Là thấy người khác được cái gì hay ho là mình ghét. Nhưng mà nói chung là luôn luôn bất mãn người khác.

Cái loại người này tôi nhớ, tôi gặp cũng hơi bị nhiều. Họ sống ở đâu họ cũng bực mình hết. Cả thế giới mà quì xuống hôn chân họ thì may ra, chớ còn mà để họ sống bình thường như mình họ không cách nào mà họ chấp nhận được ai hết. Cái lòng ngộ lắm. Tối ngày cái mặt nhăn nhăn như khỉ ăn ớt vậy. Không bao giờ vui được với ai. Không thương được ai hết. Khi mình sống như vậy là chỉ khổ mình và khổ người thôi. Cái bất lạc là bất mãn người khác là vậy đó.

Cái này nếu mà nói sơ sơ thì nó vậy, nếu mà nói sâu thì nói tới ngày mốt cũng không hết nữa. Các vị phải giăng mùng để mà nghe nói cái vụ này.

Cái bất lạc nó từ đâu ra? Mình đừng bao giờ dại dột nghĩ rằng mình ghét cái thằng đó là tại vì mình ghét cái tánh xấu của nó và mình ghét cái tánh xấu của nó có nghĩa là mình không có cái tánh đó. Sai. Sai bét. Cái này nhiều người hiểu lầm, nhiều người lắm.

Chuyện đầu tiên là khi tôi ghét nó, dĩ nhiên là tôi đâu ghét cái tốt của nó. Tôi ghét cái xấu của nó. Đúng không? Các vị ngồi lý luận coi có phải vậy không? Tôi ghét nó, tôi đâu phải là con thú đâu, tôi ngu gì đến mức tôi ghét cái lành của nó? Cái thiện của nó tôi đâu có ghét. Tôi ghét cái bất thiện của nó, tôi ghét cái nết, cái thói xấu của nó. Ai cũng nói vậy hết. Chớ không ai mà đi nói tôi ghét cái tánh hào sảng của nó, tôi ghét cái lòng ngoan đạo của nó, tôi ghét cái đức tin của nó, tôi ghét cái chánh niệm của nó, ghét cái trí tuệ của nó. Hỏng có. Toàn là ghét tánh xấu của người ta không hà. Đó là chuyện thứ nhứt.

Mình nói ra là tôi ghét nó tại vì ghét tật xấu của nó, cái tánh nó vầy vầy vầy. Và khi mà mình đả kích người ta, mình nói xấu người ta, mình ghét người ta đó vì cái tánh xấu đó, vì cái thói xấu đó; thật ra chắc gì mà mình không có? Chắc gì? Thí dụ mình nói cái thằng đó nó kẹo, chắc gì mình hỏng kẹo? Coi chừng có trường hợp vì mình quá kẹo cho nên mình mới hiểu thằng kẹo nó kỹ như vậy. Quý vị có hiểu không?

Đó. Cho nên, cái bất lạc đầu tiên này là gì? Khi anh không được an lạc thì anh không có cam tâm mà nhìn người khác an lạc. Đó, cái chuyện nó lớn chỗ đó. Khi anh không có được an lạc thì anh mới bất mãn người khác.

Vậy cái vấn đề ở đây là gì? Tại sao anh không an lạc? Tại sao? Khi mà anh không an lạc, anh mới đem cái không an lạc ấy anh trút lên người khác. Anh tấn công bằng đủ cách. Vì sao? Là vì trước hết bản thân anh không có an lạc.

Tây có một câu rất là hay: "Khi mà mình có lòng hại người, nó giống như là mình uống thuốc độc mà mình muốn người ta chết" *. Có nghĩa là chưa biết ai chết mà chuyện đầu tiên khi mà mình sống mình thức, mình ngủ với cái lòng hại người đó, là mình đã không an lạc rồi. Đấy, khi mình sống với cái lòng bất mãn người khác, dầu cái bất mãn đó theo mình là hợp lý hay là vô lý thì hể còn để tâm nghĩ đến người khác bằng cái sự không an lạc thì chuyện đầu tiên là mình không an lạc.

Thứ hai, hành động nào, suy tư nào mà nó bắt nguồn từ cái tâm trạng không an lạc thì chắc chắn cái quả báu của nó cũng là không an lạc, nhớ nha. Tại sao mà mình ghét người đó quá ghét? Cái chuyện mà người đó nó có xấu hay không thì trời biết, nhưng mà chuyện đầu tiên là bản thân mình không an lạc và bản thân mình không có tốt.

Thí dụ: Các vị tận mắt các vị thấy thằng Tèo nó đi ăn cướp. Các vị thấy nó giết người. Thì một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, còn hai nữa là các vị làm lơ đi. Đó là lời khuyên của tôi. Một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, đi tố cáo nó; hai là các vị im lặng luôn cho nó chìm xuồng. Còn đằng này các vị chọn cái giải pháp thứ ba là đi nói xấu. Nói để làm chi? Quên được thì quên liền đi.

Cái chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước cái đã. Nhắc lại: Chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước. Còn đằng này có cái gì ngu cho bằng mình đem chuyện xấu của thằng Tèo mình về mình làm thành cục lửa mình bỏ vô trong cái túi quần của mình. Các vị nghĩ các vị chịu nổi không? Các vị có hiểu cái này không? Bất lạc là bực mình về cái chuyện của người ta.

Ngay cả con ruột của mình nó hư. Mình khuyên nó mà nó hỏng nghe thì mình đành phải quên cái chuyện đó đi. Tôi biết tôi nói vậy quý vị trong đây không đồng ý nhưng mà tùy các vị. Các vị phải nhớ: Mình nói nó mà nó hỏng nghe thì mình phải quay lại mình lo mình chứ? Chứ có ai mà nói con, nói chồng, nói vợ nó hỏng nghe rồi mình ôm cái cục khổ này mình vô giường mình ngủ à? Các vị nghĩ coi có gì ngu bằng cái đó không? Tôi gọi cái đó là ngu đó. Là tự nhiên lấy cục lửa trong nhà người ta đem nhét vô túi quần của mình. Quý vị không nhảy tưng tưng mới là lạ.

Nên cái đầu tiên, bất lạc là vậy. Là bất mãn, là không có thể sống chung với người khác được.

Và để đối phó với cái pháp bất lạc này chỉ có một cách một là tu tâm tùy hỷ (muditā).

Sư Giác Nguyên giảng

Cầu đạo giải thoát



Cầu Đạo Giải Thoát

Chỉ khi mình thiết tha cầu đạo giải thoát thì mình mới có đủ kiên tâm để mà học giáo lý. Còn không nó nản lắm. Hoặc chính vì không có thiết tha cầu giải thoát cho nên một là làm biếng học, hai là chỉ học những cái gì mà nó đem đi nói được, cái gì mà nó ăn khách. Chứ còn mà học ba cái khô cằn khô cỏi thì cũng khó lòng lắm. Cho nên tại sao quí vị thấy tôi giảng gần như lạc đề. Không có lạc đâu. Có nghĩa là không có sợ sanh tử còn mong đầu thai đời sau kiếp khác thì dễ duôi gớm lắm! Câu này quan trọng lắm: "Ngày nào chúng tỳ kheo không có thiết tha chuyện sanh tử nữa thì ngày đó giáo pháp này mới khá được." Còn hễ không sợ sanh tử thì chuyện học còn khó nói gì hành? Mà không học không hành làm gì có đắc? Nhớ cái đó. Rất quan trọng.

Và theo tôi 100 Phật tử Việt Nam chỉ có 1, 2 người là Phật tử thứ thiệt thôi, tức là họ thật sự biết chán sợ sanh tử. Còn đa phần họ miệng nói sợ đời là bể khổ chẳng qua là họ đang nghèo, họ đang già, họ đang bệnh, họ đang xấu, họ đang thất tình, họ đang làm ăn thua lỗ, họ đang bị tai tiếng, họ đang bị một vấn đề gì đó trong đời sống thì họ mới sợ. Chứ còn nếu "một mai qua cơn mê" rồi cái chuyện đó không còn nữa thì sao? Giả định chuyện đó qua được đi, ngủ một đêm sáng ngày đẹp như tiên, ngủ một đêm sáng ngày thấy mình ngồi trên đống hột xoàn, ngủ một đêm sáng ngày tự nhiên thấy mình nổi tiếng rồi cả thế giới chiêm ngưỡng ái mộ và ghen tỵ thì đố ai mà muốn cầu giải thoát. Mình phải nói thiệt với mình chứ đừng có nói dóc nha.

Và bản thân tôi cũng vậy. Nếu không có sợ cái chuyện mà phải đầu thai vô mấy cái hầm cầu, mấy cái lỗ cống, làm heo làm bò; 3, 4 giờ sáng bị người ta lùa đi người ta đâm chọt. Nếu mà không sợ cái đó thì tôi thấy dòng sanh tử nó vui lắm.
 Tôi thích Thụy Sĩ lắm các vị có biết không? Sẵn đây tôi nói luôn. Tôi hay khoe Thụy Sĩ đẹp có lý do gì đó chứ không phải khơi khơi mà tôi khoe. Quí vị biết vì lý do làm sao đó mà có nhiều người ở đây mấy chục năm mà họ không có tới được những ngỏ ngách rất lộng lẫy của Thụy Sĩ. Họ không có tới được cho nên họ không biết cái câu nói này của tôi. Hôm qua khi tôi mới lên cái vùng núi Beatenberg, tôi nói với mấy người đi chung "Nếu mà đời đời kiếp kiếp mà đừng có sa đọa trầm luân, đừng có bị cái khổ như thương phải xa, ghét phải gần, muốn mà không được, đừng có bị mấy cái khổ đó, và đặc biệt đừng có bị sa đọa thì tôi đời đời tình nguyện sanh tử, tôi không có muốn niết bàn. Tôi chỉ muốn làm cái ông như thế này với mọi điều kiện sức khỏe, điều kiện tài chánh, điều kiện kiến thức y như vầy không thêm bớt gì hết, cứ như vầy nè". Chứ còn nói sướng thì khỏi nói rồi. Nhưng mọi thứ cứ y chang như vầy, cứ được sống ở những vùng núi này, tôi không muốn niết bàn.

Nhưng mà khổ nỗi năm nay 50 rồi và với những tình trạng tim gan phèo phổi, huyết áp, đường trong máu và thể trạng của tôi thì tôi lết được 20 năm nữa là kỳ tích, quí vị có biết không? Vì nghĩ tới cái chuyện ông già 70 lụm cụm, thêm nữa, do bẩm sinh cái xương tay, xương chân của tôi nó rất là nhỏ, khả năng mà tôi đi núi bị xẩy tay bị trượt, bị gẫy, cơ hội đó rất lớn. Sẵn đây tôi nhắc luôn những người trong quí vị đây. Mình lớn tuổi, 50 trở lên, xương thoái hóa, xin nhớ đừng có nhảy lên nhảy xuống, thấy chỗ cao cũng ráng nhảy như hồi trẻ là sai. Nó gãy thì dễ mà lành thì khó, phiền lắm. Rồi mang cái thân tàn phế đi xe lăn, tiêu tiểu tại chỗ, nằm lở lưng, nghĩ tới chỗ đó mới thấy cái sâu của câu "Ngày nào chúng tỳ kheo biết sợ luân hồi, không muốn tác thành đời sống khác thì giáo pháp này mới khá". Tuổi 60 dễ duôi theo kiểu 60, 70 dễ duôi theo kiểu 70, là thua.

Làm gì làm, mình nhớ mình tu tệ là phải biết sợ chết, biết nghĩ đến cái chết để ráng một tí, để chuẩn bị. Còn tu khá một chút phải nghĩ đến vòng sanh tử thì mới sợ. Nhớ 2 cái này: Cái chết và đằng sau cái chết. Nếu không nhớ, không sợ hai cái này thì hết ý kiến. Tôi không nói tu sĩ, tôi đang nói cư sĩ có tóc. Phải nhớ 2 cái đó. Nếu mà không sợ cái chết nó sẽ xảy ra như thế nào thì tối thiểu cũng phải biết sợ là mình chết rồi mình sẽ đi về đâu. Cái thứ mà nó xuống tới lỗ cống, tới hầm cầu rồi nó ngoi lên khó vô cùng.

Quí vị mở Trung bộ kinh có bài Kinh Hiền Ngu, trong đó chính Đức Phật Ngài dạy cái chuyện mà được mang thân người, sanh ra được làm người nó khó như con rùa mù ở dưới biển trăm năm trồi lên một lần mà tình cờ chọt cái đầu vô cái lỗ thủng của miếng ván. Miếng ván nó cũng trôi trên biển mà nó có cái lỗ vừa vặn với đầu con rùa, mà con rùa mù trăm năm nó trồi đầu lên một lần. Thí dụ nó do một sự ngẫu nhiên nào đó mà nó chọt đúng, thì Ngài nói cái ngẫu nhiên ấy nó còn dễ hơn cái chuyện là được mang thân người nữa. Cũng trong bài kinh đó Ngài dạy một khi mà đã đọa rồi cơ hội trở lên rất là khó. Vì sao? Vì "Này các tỳ kheo, khi sanh vào các loại chúng sinh thấp kém thì não trạng của chúng mù mù mịt mịt, mông muội, tăm tối. Ở trong thế giới đó chỉ biết đói ăn, khát uống, chạy trốn nóng lạnh. Trong cảnh giới đó chỉ có lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu." Các vị tưởng tượng đi, một cái thế giới mà chỉ có đói ăn, khát uống, trốn chạy nóng lạnh, trốn chạy những thứ mình sợ và lớn ăn hiếp nhỏ, mạnh ăn hiếp yếu. Trong một thế giới mà tăm tối, mù mịt, mông muội, u minh u mê như vậy thì cơ hội lên là lên ngã nào? Thuyết pháp tôi hay nói mấy con trùn chỉ nhìn giống như bánh hỏi, nó đẻ cả lọn, cả nùi dưới mấy cái ống cống rồi người ta vớt lên để bán cho những người nuôi cá kiểng. Các vị biết mình đã lọt vô cái nùi trùn chỉ đó rồi thì cơ hội để mà đi lên coi như biệt mù. Nhớ cái đó. Rất là quan trọng.

Ở đây Ngài nói ngày nào mà chúng tỳ kheo thiết tha giải thoát vô sanh không cầu sanh tử thì ngày đó giáo pháp này mới có cơ may đi tới. Nhớ cái đó để mà teo.

Sư Giác Nguyên giảng

Cảnh giới tái sinh



Cảnh Giới Tái Sinh

Tuỳ thuộc vào hai điều kiện tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý mà các chúng sanh có không gian hiện hữu khác nhau trong một môi trường tương ứng với hai điều kiện ấy. Các cảnh giới tái sinh có thể kể vào các trường hợp sau:

  1. Người sống nhiều về thập ác thì phải sanh về 4 cảnh giới sa đoạ. Ở đây gọi là cảnh giới mà không gọi là cõi vì loài bàng sanh, ngạ quỹ, a tu la là ba trong bốn đoạ xứ không có cõi riêng. Chúng sống xen kẽ, rải rác trong địa ngục, cõi Người và cõi Tứ Thiên Vương.

  2. Người sống nhiều với thập thiện (Thiền ở đây chỉ đến cận định) thì sanh về các cõi nhân thiên dục giới. Càng ly dục thì càng lên cõi cao. Cho nên bát giới là điều kiện cần thiết để sanh về 4 cõi dục thiên cao này (Dạ ma, Đâu suất, Hoá lạc và Tự tại thiên). Hình thức hưởng dục ở các cõi cao thấp cũng thô tế khác nhau. Càng lên cao thì nỗi khổ niềm đau cũng vi tế theo.

Tứ Đại Thiên Vương là một cõi rất là tạp, nó hơn cõi người thôi chứ nó rất là tạp. Tứ Đại Thiên Vương có mấy ông nhà giàu ở trển, mấy ông phước nhiều, tuổi thọ họ lên tới 9 triệu năm nhân loại lận, mấy ông này có khả năng đắc đạo. Còn mấy ông nhà nghèo là ai? Là mấy ông dạ xoa, ngạ quỷ cao cấp.

Ngạ Quỷ cao cấp cũng có cung điện lâu đài. Do kiếp trước là những người vừa tu mà vừa có tội. Vừa tu mà vừa hại người, vừa tu vừa làm ác, vừa tu vừa hưởng thụ. Nhưng mà phải có tu nên nó chết nó sinh về trển. Và tùy cái nghiệp mỗi người. Thí dụ ba người đều sanh làm cái tội đó hết. Nhưng tôi thì đêm sướng ngày khổ, hoặc là ngày sướng đêm khổ. Còn Cô là tuần sướng tuần khổ. Còn bà này tháng sướng tháng khổ. Mà tại sao có cái vụ đó? Là tùy vào lúc mình sống kiếp người, cái khoảng cách giữa thiện và ác trong cõi người của mình nó càng khít, thì khi mình sinh vào cái cõi đó, cái khổ và cái sướng nó càng khít. Hiểu không? Tối tui tụng kinh, sáng tui đi câu cá, thì khi tui sanh vô đó, thì tui sáng khổ chiều sướng. Còn mấy vị tu hành đàng hoàng lắm, nhưng mà lâu lâu cuối tuần đi câu cá một lần. Thì cuối cùng sinh vô loại này. Tức là nó có tuần sướng, tuần khổ. Nói chung là nó tương ứng, quý vị hiểu chưa?

Việt Nam mình có chữ "nhặt" chữ "khoan". Độ nhặt và độ thưa của thiện ác nó quyết định độ khổ và độ sướng của cái kiếp sa đọa. Chính khoa học hôm nay cũng nhìn nhận cái này. Có những loài coi như là nó khổ suốt. Ví dụ nó ở trong cống suốt. Rồi có những loài lúc dơ lúc sạch. Có biết cái đó hông? Có những con nó không có khổ lắm, có những con nó khổ nhiều hơn. Ví dụ như nó sống trong cái môi trường đói khát triền miên, hoặc nó ở trong môi trường nhiệt độ rất là khắt nghiệt, rất là dễ chết. Tức là tùy vào mức thiện ác của mình mà nó nhặt nó thưa thế nào thì mình sanh vào cảnh giới mà khổ với lạc nó cũng nhặt nó thưa giống thế đó.

Cho nên cũng là ngạ quỷ mà ngạ quỷ cao cấp nó ở xen lẫn trong cõi người, nó ở xen lẫn trong cõi Tứ Thiên VƯơng, và nó xen lẫn trong địa ngục. Xen lẫn bằng cách nào? Là có những con ngạ quỷ nó khổ tại chỗ. Tức là nó có lâu đài nằm ở đó. Rồi, thí dụ, ban đêm nó sướng, ban đêm cái lâu đài nó hưởng thụ, còn ban ngày thì cái lâu đài đó chính là cái chỗ nó bị đốt. Đó là khổ tại chỗ. Còn khổ mà khổ ở xa thì sao? Tức là đến cái lúc nó khổ nó phải xuống địa ngục, nó phải chịu khổ ở địa ngục, rồi sau nó mới quay trở lên. Đó là khổ ở xa, nó bị đày ở xa. Tức là lúc chịu khổ nó phải xuống địa ngục để nó chịu khổ ở đó.

Có chuyện cái bà vợ cả. Đại khái bả là một trong hai bà. Thì bả sợ cái bà kia có con trai thì nguyên cái gia tài bà kia sẽ ăn hết. Nên mỗi khi bà kia bả mang bầu là bà này cho uống thuốc, mà uống thuốc bằng cách bả dụ ngon ngọt, cho ăn chè ăn cháo, ăn cho hư cái thai. Và cứ cho ăn chè ăn cháo để cứ hư thai liên tục như vậy. Thì cái bà bị mất con bả mới nghi. Đến bữa đó bả họp dòng họ nhà chồng lại bả nói: "Không có chuyện trùng hợp vậy được. Hễ tui có bầu là bà cả này bả chăm sóc tui. Bình thường bả đâu có thương, bả đâu có mến gì tui. Mà hễ tui có bầu là bả chăm sóc, mà chăm sóc là thai nó hư. Đã 4-5 lần." Thì bà cả mới thề: “Tui mà có làm như vậy mai mốt tui đời đời tui sinh ra tui ăn thịt con của tui.” Bả tưởng thề như vậy là cho nó qua. Mà do cái nghiệp giết con nít sau khi bả chết bả sanh vào loài rất lạ. Do bình thường bả cũng có bố thí làm phước tùm lum hết nhưng bả lại mang cái tội giết người nặng quá nên sau bả chết bả sanh ngộ lắm. Cứ một tuần bả làm tiên, một tuần bả làm ngạ quỷ. Mà hễ bả sinh con ra bao nhiêu lần là bả bị cơn đói hành dữ quá là bả phải ăn thịt con bả. Hễ bả sanh ra là bả phải ăn thịt con liền. Mà đứa con không phải chúng sanh nào hết, mà chỉ là cái hình thức nghiệp nó tạo ra vậy thôi. Hễ bả chuyển dạ bả sanh ra là tự nhiên bả đói quá và bả không ăn được cái gì khác hết, bả chỉ ăn thịt được đứa con đó thôi.

Rồi có một bà bả cũng làm bậy rồi bả thề: “Tui có làm chuyện đó, đời đời sanh ra bị chó xé, tức là chó ăn thịt.” Rồi bả chết bả sinh làm cái loài là đêm sướng ngày khổ. Lúc bả chịu khổ là xuất hiện nguyên bầy chó nó xé nát người rồi bả sanh trở lại. Thì đó là cái loại ngạ quỷ cao cấp.

Còn cái loại bàng sanh cao cấp là sao? Là rồng (kim xí điểu). Còn bàng sanh hạ cấp là những con mình gặp dưới đây: chó, heo, mèo, chuột, gà, vịt, ... Học cái này mới biết chúng sanh mà không có phật pháp nó u mê lắm. Những người đi thờ con rồng, thờ linh vật. Trong đạo mình gọi là thứ bị đọa mà lại đem đi thờ. Trong kinh nói có những vùng có những dọa xa chiếm ngự, làm mưa làm gió. Rồi người dân lập miếu thờ, bệnh họa tai nạn người ta cũng tới cầu cúng. Nhưng thật ra cái con mà mình thờ chính là con bị đọa. Cho nên, tùy thuộc vào tiền nghiệp, và khuynh hướng tâm lý mà chúng sanh có cảnh giới khác nhau.

Tại sao có cái tiền nghiệp? Mình phải hiểu chính là do cái nghiệp nó đẩy đến cảnh giới đó. Vậy sao có cái khuynh hướng tâm lý nữa? Là bởi vì do tiền nghiệp. Ví dụ 3 người mình phải đọa làm súc vật. Mà do khuynh hướng tâm lý của tôi rất nặng về ăn uống nên tôi sinh làm heo. Còn cô này nặng về tình dục, có phước ít, cô sinh làm con dê. Trong khi bà này cũng nặng về tình dục, nhưng có phước nhiều, bả sinh làm con chim sẻ. Dê và chim sẻ, hai con này nhu cầu tình dục rất cao. Chim sẻ gần như cứ cách giờ là nó có nhu cầu. Còn như con gà với con vịt thì nhu cầu con gà cao hơn con vịt. Gà mái đi mà gặp gà trống là nó có nhu cầu. Hiểu không? Nghĩa là do cái nghiệp mà mình sinh vào bàng sanh, nhưng khuynh hướng tâm lý mới đẩy mình vô cái khu đó.

Thí dụ, do có kiến thức chuyên môn điện toán nên tôi vào cái công ty đó, vì công ty đó là về điện toán. Nhưng do cái thích của tôi mà tôi làm bên kế toán, trưởng phòng nhân sự hay bảo vệ gác cổng. Thì tiền nghiệp đẩy vô đó, đẩy vô cái lớn. Nhưng chính cái tâm lý dắt mình vô cái chi tiết. Vì vậy khuynh hướng tâm lý rất là quan trọng.

Dù thích, dù ghét cái gì thì cái đó cộng với nghiệp thiện ác nó đẩy mình về một nơi.

Chứ mình cứ nhắm mắt mà nghĩ "bố thí là được giàu." Nói vậy là nói chung, nó còn có cái riêng nữa. Bố thí là được giàu, nhưng nó giàu kiểu nào?

Có người giàu bằng cách họ đi làm ăn buôn bán rất là may mắn, phước bố thí cho họ may mắn trong đường buôn bán, nhưng họ phải ra tay. Họ đi làm rẫy làm ruộng rất thành công nhưng họ phải đổ mồ hôi.

Còn có người may mắn họ hưởng thừa kế. Tức đẻ ra làm bọc điều liền, đẻ ra là ba má cậu dì lo hết á. Lớn lên nó đi học đại học về là công ty nó được tổ chức sẳn hết rồi, mình về là ngồi vô ghế Chủ tịch hồi đồng quản trị. Lâu lâu mình họp thì má ngồi một bên, ba ngồi kế bên. Rồi khi ba má chết rồi thì cái ghế mình ngồi quen rồi, cộng với kiến thức đại học nữa, lúc đó mình chỉ nhúc nhích ngón tay là mình đã điều hành công ty được rồi.

Còn có người bắt đầu từ zero, cho nên là mọi chuyện họ phải làm hết. Cũng số giàu nhưng họ giàu trong mồ hôi, còn có người họ giàu nhàn nhạ lắm. Như Hyundai, Samsung, hoặc bên Tàu gia đình của Lý Gia Thành. Hoặc ông Ho vua sòng bài ở Macao. Ổng đẻ ra một đống con, tụi nó sướng, từ nhỏ đã đi học cái trường nổi tiếng quốc tế rồi, trường Anh, trường Mỹ. Học xong họp hành cái gì là ngồi kế bên Bố. Bố điều hành hết, mình ngồi học kinh nghiệm. Còn có người nó đi lên từ con số zero như café Trung Nguyên, Dũng Lò Vôi ở Bình Dương.

Như vậy điều quan trọng phải nhớ là có 2 cái mà nó dẫn mình tới cảnh giới tái sanh. Một là tiền nghiệp dẫn ta vào cảnh giới lớn, hai là khuynh hướng tâm lý dẫn ta đi vào cái điều kiện nhỏ. Do điều kiện lớn tui qua Đức tui ở, nhưng do khuynh hướng tâm lý tôi lại ở Frankfurt, tui không ở Stuttgart. Tại sao vậy? Bởi vì do tiền nghiệp tui về Đức tui sống, mà do tại tui thích đẹp. Cũng dân Sài Gòn hết mà đứa nó ở Quận 1, quận 3 nó khác cái đứa ở quận 5, quận 8. Cùng vô một cái trung tâm thương mại ở quận 1 nó khác, trung tâm thương mại ở quận 5 nó khác.

Rồi thứ nhất là sống nhiều với thập ác thì sanh vào cảnh giới sa đọa. Thứ hai là sống nhiều với thập thiện thì sao? Chú ý thiền ở đây chỉ tới cận định. Vì trong thập thiện nó có thiền, bố thí, trì giới, tham thiền. Thì cái thiền trong thập thiện nó tới cận định thôi, phải ghi rõ cái đó. Cận định là cái trình độ mà sắp đắc. Nhớ cái đó. Thì sanh về các cõi nhân thiên dục giới. Càng ly dục thì càng lên cõi cao. Và bát giới là điều kiện cần thiết để sanh về 4 cõi dục thiên cao nhất là Dạ ma, Đâu suất, Hoá lạc và Tự tại thiên.

Tức là dục thiên có tất cả là 6 cõi: Tứ thiên vương, Đao Lợi, với 4 ông này. Nhưng 4 ông này mà Quý vị mà thông minh chút các vị sẽ đoán ra: càng ly dục thì lên càng cao, đúng không? Vậy cái ông Dạ Ma này là ly dục thấp nè. Tự tại là cái ranh giữa dục và sắc. Hình thức hưởng dục ở các cõi cao thấp cũng thô tế khác nhau. Càng lên cao thì nỗi khổ niềm đau cũng vi tế theo. Cái lạc nó cũng vi tế mà cái khổ nó cũng vi tế.

Ở đó nó cũng có cái nhà, mà cái nhà do phước tạo ra chứ không phải do mình thiết tha, mình chăm chút cửa sổ cho nó thành như vầy. Những cái hoa văn đường viền họa tiết đồ nó không có.

Càng ly dục chừng nào thì cái chỗ ở, môi trường sống nó càng đơn giản chừng đó, mà cái đơn giản đó không phải họ thiếu mà do họ không cần cái rắc rối.

Trên đó họ không có chữ viết, trên đó họ nói nhau bằng tâm, trên đó không có gì để lưu truyền. Giờ tui nói cái này bà con một là sốc hai là không chấp nhận được: Cái chữ viết, hay là điêu khắc gì đó là do là mình không có khả năng ghi nhớ, mình mới cần phải lưu trữ. Chứ những bậc Thánh với nhau, nhất là những bậc Thánh có thần thông, cái hiểu về thế giới của họ nó đơn giản lắm: "Mọi thứ đều do duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất." Phải sống chánh niệm để thấy rõ hai điều đó. Đó là toàn bộ kinh điển của bậc thánh. Toàn bộ kinh điển của bậc thánh họ sống có nhiêu đó thôi. Chứ không phải như mình mà tính 15, 18, 23 cái tâm này cộng với tâm sở nọ kia. Họ không có như vậy. Cái đó là cho mình dưới đây. Họ chỉ đơn giản: "Mọi thứ do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất đi." Ngay bây giờ cái chuyện mình cần phải làm là sống chánh niệm để mình phát hiện ra hai điều đó - cho đến bao giờ chứng thánh thì thôi. Mà chứng thánh rồi thì sống bằng thánh tâm thánh trí. Xong. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Sư Giác Nguyên giảng

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Cõi lành dục giới



Cõi lành dục giới

Quả báo cũng có liên hệ đến năm trần. Đó là tâm thiện dục giới nó có liên hệ gián hay là trực tiếp. Tâm thiện dục giới, bản thân nó y cứ trên một là cõi dục, hai là y cứ cảnh dục, ba là quả của nó ít nhiều có liên quan. Mà đó là nói một cách tương đối thôi. Chứ người học A Tỳ Đàm sẽ hiểu thêm. Khi mình có một tâm ác thì chính cái tâm ấy nó tạo ra cái tâm đầu thai cõi khổ. Khi mình có cái tâm thiện thì nó sẽ tạo ra cái tâm đầu thai cõi vui. Nhưng cái đầu thai ở cõi vui có có 3 trường hợp:

Một là ngày xưa chúng ta làm phước bằng cái tâm thiện có trí tuệ đi cùng thì bây giờ chúng ta sẽ đi đầu thai bằng cái tâm đầu thai có trí tuệ đi cùng. Cho nên sanh ra làm người có khả năng đắc đạo đắc thiền. Đắc đạo quả thiền định thần thông đó gọi là tâm thiện. Ngày xưa mình làm thiện bằng cái tâm lành có trí đi cùng thì bây giờ sanh ra mình cũng đầu thai bằng tâm có trí đi cùng.

Hạng thứ hai là ngày xưa mình làm phước cũng dữ dội lắm nhưng có điều là không có trí đi cùng. Nên bây giờ sanh ra cũng làm bác sĩ, kỹ sư, nhưng mà đụng tới vấn đề tinh thần tâm linh, những chuyện đế vi huyền nhiệm, trên trời trên mây, trừu tượng, thì mình chịu chết. Làm bác sĩ, kỹ sư, kê toán, lý hoá, sử địa, cái gì cũng ra làm rót rót, nhưng mà đụng tới cõi tâm linh là nó đơ cái đầu liền. Tới chỗ đó là nó thót, nó chạm đến cái trần nhà liền. Đó là hạng thứ hai.

Còn hạng thứ ba là cũng do làm các việc lành nhưng đối tượng hạn chế, với cái tâm của mình cũng quá hạn chế. Có nhiều thuyết cho rằng đó là quả dư sót của một tâm thiện lớn. Chỗ này thì cho rằng đó là trường hợp đối tượng, bản thân việc phước, việc công đức mà mình làm nó quá nhỏ. Cái việc mình làm quá nhỏ, cái tâm mình quá nhẹ và đối tượng cũng không ra gì. Tôi tạm ví dụ. Mình đứng bên bờ cái miệng cống mình thấy có một miếng bánh mì khô nằm ở đó, rồi thấy có một con chuột nó bò ở dưới. Mình lấy chân hất xuống, đá xuống cho nó ăn. Tiện cái chân, đúng ra nó không có vì động từ, động lực nào hết, mà là nó tiện cái chân. Thấy miếng bánh mì nằm ở đây, dơ dơ, tiện chân mình đá một cái, sẵn cho nó ăn luôn. Thì con chuột không phải là đối tượng gì ghê gớm. Miếng bánh mì dư rớt, cũng không phải là một tặng phẩm ghê gớm. Và cái tấm lòng lúc mà mình đá miếng bánh mì cũng không phải là tấm lòng ghê gớm hào sảng đáng quý cao siêu mầu nhiệm gì hết. Thì ba cái tầm thường đó: đối tượng tầm thường, tâm trạng tầm thường, hành động tầm thường, sẽ cho ra một cái quả không đáng kể.

Cho nên tôi nói quả lành nó có ba, cõi lành dục giới có ba:

  1. Tam nhân: Sanh ra làm người có trí tuệ đủ đắc đạo chứng quả thiền định

  2. Nhị nhân: Làm người học hành thông minh nhưng không chạm vào cảnh giới cao siêu được.

  3. Vô nhân: Những người sinh ra tàn tật bẩm sinh, ví dụ như bị bệnh tâm thần đồng ảnh, hay là Down syndrome.
Sư Giác Nguyên giảng




Có muốn thành phật không?



Có muốn thành Phật không?

Lậu hoặc trong 3 cõi là thế nào? Tức là anh ở cõi Dục có đam mê và ngộ nhận của anh cõi Dục, cái anh mà mê về Thiền sắc giới, thì ảnh có đam mê và ngộ nhận của Thiền sắc giới, anh khá hơn là ảnh chán thiền sắc giới, lên cõi thiền Vô sắc giới thì ảnh lại tiếp tục có đam mê và hiểu lầm trong thiền Vô sắc giới. Ba cái đó cộng lại gọi là ba thứ lậu hoặc: lậu hoặc dục giới, lậu hoặc sắc giới và lậu hoặc vô sắc giới. Ngày nào anh còn ba thứ lậu hoặc này thì ngày đó anh còn luân hồi sanh tử.

Sẵn đây tôi nói luôn, anh có đi về cõi nào cao siêu bằng trời, tới cõi cao nhất thì hết tuổi thọ anh lại rớt về chỗ thấp nhất, anh nhớ dùm tôi cái đó.

Đức Phật không hề nói xấu thế giới thế gian này, không nói thế gian này là máu lệ. Ngài chỉ nói là không có bền thôi, khổ cỡ nào thì cũng có lúc nó phai phôi đi, mà sướng cỡ nào cũng có lúc nó nhạt nhòa hết. Phai phôi và nhạt nhòa chính là bản chất của thế giới. Và cái cuối cùng, ngày hôm qua tôi có nói, tôi tiếc là tôi giảng trong room này có uổng lắm không? Nhiều khi tôi muốn giảng cho từng cá nhân, bởi vì tôi muốn nhìn cái mặt của họ để coi họ có hiểu không. Đó chính là ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu. Cái câu nghe rất là kỳ, kỳ lắm nhưng mà buồn thay nó là sự thật. Tôi nhắc lại ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu, dầu anh có là Đế Thích, Chuyển luân vương, thậm chí là một bậc Thánh, hay một con ruồi một con gián, một con dòi, một con bọ, một con ong, một cái kiến gì đó thì mọi hình thức hiện hữu đều vô nghĩa. Chẳng qua thánh nhân là người đã đi hết đoạn đường sanh tử, bây giờ các ngài chỉ chờ hơi thở tàn là các ngài vẫy tay vĩnh biệt, chỉ vậy thôi. Chứ còn trong những ngày tháng làm thánh lây lất chờ chết không có gì vui hết. Các vị có biết không? Nghĩ tới đó nó chán lắm.

Cho nên anh bên Nam Truyền khác anh bên Bắc Truyền. Tôi không có nói đến đây bằng ý thức chia rẻ bè phái, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc tôn giáo. Không có. Tôi đang thuần túy nói về học thuật. Các Tổ Bắc Truyền bày ra cái chuyện là đắc La Hán rồi trở thành Bồ Tát, hành Phật Đạo rồi sau cùng trở thành Phật. Bên tinh thần Nam Truyền, một cái người mà đã đắc Tu Đà Hòan rồi, họ gặp Phật họ quỳ lạy từ xa. Nếu mà kêu họ phát Bồ Đề Tâm để trở thành Phật họ lạnh xương sống luôn.

Vì sao? Họ kính Phật vì nhiều lý do: Phật là Đạo Sư của họ, không có Phật thì cái Đạo quả của mình làm gì có? Phật dạy cho mình, Phật hướng dẫn, nhờ Phật mà mình không còn sanh tử. Cái ơn đó lớn lắm. Không có trời bể nào chứa cho hết. Cho nên vì cái ơn đó mà họ lạy Phật một cái. Lạy Phật một cái vì những đức lành mà bản thân họ hàng chúng sanh họ không có. Lạy thêm một cái nữa là cái gì Phật cũng có Phật cũng biết mà không dính mắc trong đó. Lại lạy thêm một cái nữa, mà quỡn quỡn cứ lạy riết. Nhưng mà hỏi nhỏ họ một câu: "Có muốn thành Phật không?" Thì họ lắc đầu cái rẹc.

Tại sao? Là bởi vì họ thấy rất rõ cái quá trình sanh tử nó cực quá. Cái chuyện đó không phải là cái ngán, mà là cái ngán nó vô nghĩa. Giống như đóng kịch vậy đó. Kiếp làm cha người đó, kiếp làm chồng, kiếp là con, làm em, ... đáo tới đáo lui để mà huân tu các hạnh lành, để mà chờ một ngày nào đó công viên quả mãn trở thành một vị Phật tổ. Rồi thì sao?

Khi Đức Thế Tôn thành Phật ngay dưới gốc Bồ Đề Ngài đã thấy ê chề, Ngài không có muốn làm cái gì nữa hết. Có người Phạm Thiên đến xuống thỉnh Ngài đi hoằng Pháp, thì vì cái đại nguyện xưa thành Phật rồi đi độ sanh mà Ngài đi. Chứ còn phải nói, cái nhiệt huyết mà cái lúc sơ phát Bồ Đề Tâm cho tới cái lúc Ngài dùng cái lòng đại bi mà đi độ chúng sanh nó khác nhau hoàn toàn. Ngày xưa còn bao nhiêu tâm huyết hừng hực, còn bây giờ chỉ vì lòng đại bi. Khi Ngài đã qua bên kia bờ sanh tử, Ngài nhìn lại Ngài thấy cái đám bên này nó loi nhoi lóc nhóc tội nghiệp. Nếu bây giờ ngài không thò tay ra thì ai độ họ đây? Thôi thì Ngài ráng Ngài trụ thế thêm mớ năm nữa Ngài giúp họ. Chứ Ngài không được cái gì trong cái chuyện độ sanh hết, thưa quý vị. Nó nản lắm quý vị biết không? Coi kỹ đời Phật: Ngài không có gì vui. Ngài ăn, Ngài thở, Ngài đi, Ngài đứng, hoàn toàn theo kiểu sống của một vị tu sĩ không nhà, bỏ hết đi tu. Ngay cái lúc còn phàm đã bỏ hết rồi, thì khi thành Phật rồi ngài được cái gì? Cả vũ trụ quỳ lạy dưới chân Ngài, hôn chân ngài thì Ngài được cái gì? Mỗi ngày Ngài phải ăn phải uống, phải đi phải đứng, phải tắm phải rửa, nó mệt quá đi. Càng lớn tuổi cũng đau mỏi, cũng tê nhức, cũng nóng, cũng lạnh vậy, mệt quá đi.

Trong nhiều kinh nói, khi Ngài mệt quá Ngài nhập thiền nhập định, cho tìm quên ít lâu trong một giờ hai giờ, một ngày hai ngày. Trong kinh kể năm 80 tuổi trước lúc Niết Bàn không lâu, một buổi chiều đó sau khi Ngài xả thiền ra, trong kinh nói một câu là Bāḷhā vedanā vattanti māraṇantikā, tức là một cơn đau xé phay xuất hiện trong tấm thân của Ngài. Ngài đau lắm. Mà cái đau đó có thể dẫn đến cái chết. Nếu mà là xác phàm thì chết rồi đó, nhưng với khả năng của một vị Phật, Ngài dùng thiền định Ngài chặn lại. Và Ngài suy nghĩ : "Ta không nên đi ngay trong chiều nay, khi mà ta chưa từ giả chúng tỳ kheo. Ta là bậc đạo sư chỗ dựa của muôn loài của tứ chúng không nên ra đi đột ngột như thế này." Chứ Ngài không phải như mình, ham cái đám ma lớn, cù cưa cú cứa chờ cho có chỗ điều kiện đàng hoàng mới nhập Niết Bàn. Không phải vậy đâu. Nếu mà Ngài ham đám ma lớn thì ngài đã về chỗ khác chứ ngài không về Kusinara. Chuyện Ngài không có đi liền là bởi vì ngài thương cái đám ở lại. Chứ chẳng có cái gì làm Ngài vui hết trơn.

Cho nên một vị Tu Đà Hườn hiểu rất rõ cái này: "Không có ai hành Ba la mật mà chỉ có tấm lòng hành Ba la mật."

Sư Giác Nguyên giảng

Cái dùi chuông



Cái Dùi Chuông

Thời gian có hai thứ, thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Thời gian vật lý là thời gian mình có thể cân đong, đo đếm bằng đồng hồ. Có một thời gian thứ hai đó là thời gian tâm lý. Mình muốn thấy nó lâu thì nó lâu, mình muốn thấy nó mau thì nó mau.

Có quý Phật tử hỏi tôi: "Con đi nghe Pháp con muốn nguyện thành Phật lắm. Một là con thỏa được cái trí tò mò muốn biết tất cả. Thứ hai là con cũng muốn có lòng giúp chúng sinh. Con muốn nguyện thành Phật mà con thấy thời gian nó lâu quá. Sư cho con một gợi ý để con đủ cái gan để con đi, đi trong thời gian dài như vậy để con đừng có sợ." Tôi nói: "Tôi không phải là Phật, tôi không phải là Bồ Tát. Tôi không có tư cách để nhắc anh, nhưng nếu anh muốn tôi chỉ giúp anh một câu thôi." Ổng nói: "Con muốn trở thành Phật quá mà con thấy lâu quá Sư ơi! Gì mà mấy chục A Tăng Kỳ tùm lum hết." Tôi hỏi: "Giờ anh biết nó khó không?" - "Con biết, nhưng miễn sao mà thấy nó đừng có lâu là được rồi." Tôi hỏi ảnh thế này: "Mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng mà bây giờ tôi hỏi anh nha. Nếu bây giờ anh được sanh về một cảnh giới nó sướng như tiên, anh ở trên đó suốt hai chục A Tăng Kỳ rồi sau đó anh đời đời bị chìm vào hỏa ngục, thì hai chục A Tăng Kỳ nó lâu hay mau?". Dĩ nhiên là quá mau. Cũng vậy, một người mà chịu khổ để mà thành Phật, đồng ý mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng sau đó thì vĩnh viễn không còn luân hồi nữa. Mất hai chục A Tăng Kỳ để rồi vĩnh viễn không luân hồi nữa, lấy hai chục mà đổi lấy cái vĩnh viễn thì nó cũng đáng, đúng không?

Tôi nói hoài: Đừng bao giờ tự hào tự đắc với cái mình biết bởi vì cái mình biết so với cái mình không biết nó nhỏ hơn hạt cát trên sa mạc. Bởi vì cái hạt cát nó là limit, mà sa mạc cũng limit, sa mạc mình tính được diện tích của nó mà. Nhưng mà cái mình không biết thì unlimit. Cho nên dầu mình có tám cái bằng tiến sỹ đi nữa thì mình cũng không nên tự đắc. Thứ nhất, cái mình biết nó không bao nhiêu hết, nhiều lắm mình chỉ hơn mấy đứa dở hơn mình thôi. Cái thứ hai, cái này tôi nói các vị mới thấy khiếp. Bất cứ một lãnh vực nào dầu các vị có bằng tiến sỹ thì kiến thức của vị tiến sỹ đó chưa thấm vào đâu so với cái tận cùng của lãnh vực đó. Thí dụ, các vị biết đây là một cái dùi chuông bằng gỗ Mahogany hay là gỗ Teak. Các vị nghĩ đơn giản là một ông tiến sỹ ổng hiểu hết cái này. Sai. Nó có bao nhiêu chuyện liên hệ với cái này các vị biết không? Thí dụ, như là ảnh hưởng của nó với điện từ. Thứ hai, nó được sinh trưởng từ vùng đất nào? Tại sao vùng đất A không có mà vùng đất B có? Vùng đất A nó có cái gì mà mọc được cây này, vùng đất B không có cái gì mà không mọc được loại cây này? Và cái cây này nó thuộc về cái họ nào, cái family của nó có bao nhiêu cây khác? Cây nào có thể mọc ở nhiều nơi và cây nào cũng family đó mà mọc ít hơn, tại sao? Rồi thời nào người ta biết xài chuông mà mới có cái dùi này?

Mà nguyên thủy vì đâu mà có cái chuông? Các vị có biết bàn về cái chuông nó lớn chuyện lắm không? Nhiều người Phật tử không biết vì sao có cái chuông. Cái chuông hồi đầu nó có nghĩa là 'announcement', rồi sau nó có nghĩa là 'remind', tới phiên mình bây giờ thì nó là 'religious rite', qua tới nghi thức rồi. Chứ cái chuông hồi đầu nó chỉ có nghĩa là 'announcement'. Chư tăng ở trong khu rừng rộng mênh mông, hồi đó không có phone thì kêu bằng cách nào? Gõ chuông. Nhưng mà dần dần cái chuông được nâng lên một chiều cao mới, nó cộng thêm một ý nghĩa mới đó là sự nhắc nhở. Một là người ta dùng chuông gió, từ chuông đánh chuyển qua chuông gió. Có nhiều chùa hoặc là tự viện người ta phải cử người đánh chuông mỗi một giờ, hoặc mỗi nữa giờ cũng phải đánh để tất cả chư tăng hoặc những người ở trong khu đất đó mỗi lần nghe chuông là nhớ đến chánh niệm. Ngoài giờ hành thiền ra là mình ngồi mình mộng mơ, mình nhớ đến con Lan, con Lan nó nhớ thằng Điệp, thằng Điệp nhớ đến con Lan. Còn đằng này cứ mỗi lần nghe 'beng' là mình niệm trở lại. Cứ lâu lâu mình thất niệm là nghe cái 'beng' vậy đó.

Rồi có nhiều chùa không tìm ra được người để giao phó nhiệm vụ đánh chuông nên họ đành dùng cái phong linh (wind chime). Nhiều người không biết tưởng phong linh là để trang trí. Sai. Phong linh từ chùa ra. Mỗi lần gió thổi hành giả nghe cái tiếng rung chuông đó là phải nhớ "niệm! niệm !". Còn mình bây giờ để treo phong thủy, để treo trang trí, là sai. Có nhiều cái trong chùa ra mà người đời xài không biết. Rồi bây giờ từ chỗ nhắc nhở chánh niệm nó chuyển qua phong thủy mới ghê chứ. Trớt quớt. Sai bét.

Hồi xưa họp chúng là nhờ cái chuông. Cái mõ cũng vậy, cái mõ bằng gỗ, cái chuông bằng kim loại. Cái mõ buổi đầu từ đâu nó ra? Vì có những địa phương người ta không có kim loại thì làm sao? Muốn đúc một cái chuông quý vị phải có tiền, có thầy thợ đúc. Vừa có nguyên liệu, thầy thợ, muốn có nguyên liệu và thầy thợ thì phải có tiền. Thì có những người nghĩ rằng người tu mà kiếm tiền, thầy thợ, nguyên liệu thì quá khó. Họ để ý những gốc cây bọng trong rừng, gõ vào đó nó cũng có tiếng động vậy. Nguyên thủy nó đơn giản như vậy. Trước khi nhà chùa mượn cái đó thì chính dân bộ tộc, bộ lạc đã nghĩ ra cái đó. Họ thấy khi gõ vào mấy cái cây bọng nó kêu và tiếng kêu nó vang rất là xa. Và họ muốn liên lạc hoặc là báo cho nhau biết có kẻ thù xâm nhập hay là có thú để đi săn hoặc là liên lạc nhau để họp mặt giải quyết chuyện của bộ lạc, ... Thế là họ gõ vào những gốc cây bọng. Gốc cây bọng là nó ở đâu thì nó nằm yên đó. Còn mình phải có cái gì đó để xê dịch thì cái cây đó tiện hơn. Họ mới tìm những gốc cây nhỏ họ khoét. Từ đó mới truyền ra dân gian bên ngoài mới biết xài mõ. Nhà chùa mới thấy cái đó hay quá mới đem về xài. Những vị sư trong rừng họ không có tiền để kiếm chuông thì với con dao họ có thể có cái mõ. Nếu mà mình có lòng, còn nếu quý vị làm biếng thì thôi "alô", nó đém năm chục cái mõ vô, cái đó thì nói làm chi. (Nói gì tôi đi xa quá vậy! Từ đâu tôi qua chuông mõ. Dễ sợ, một rừng người tôi quên, quý vị cũng quên)

Sư Giác Nguyên giảng

Cà phê tuyết



Cà Phê Tuyết

Tại sao phải tu Tứ Niệm Xứ? Là bởi vì Đức Phật ngài dạy như thế này "Không có gì trên đời này tồn tại quá một nháy mắt hết". Đúng ra là Ngài nói chữ "sát-na" nhưng chữ sát-na mắc công giải thích mệt quá nên tôi dùng chữ nháy mắt. Ngài dạy "Không có cái gì trên đời này tồn tại quá một nháy mắt". Mọi thứ sanh diệt tiếp nối quá nhanh, cái cũ và cái mới nó thừa tiếp với nhau liên tục không gián đoạn. Cho nên mình ngó vào mình tưởng chừng như là có một. Từ đó mình mới có cái ngộ nhận là thằng Tèo bốn tuổi, thằng Tèo mười tuổi, thằng Tèo mười lắm tuổi, anh Tèo hai chục tuổi, rồi bác Tèo bốn chục tuổi, rồi cụ Tèo tám chục tuổi. Thật ra không có một người Tèo nào tám chục năm hết. Mình chết đi sống lại trong từng phút, trong từng nháy mắt. Mình giống như "một" ngọn nến vậy. Nhưng thật ra trong từ điển nhà Phật không có gì là "một" hết. cái được gọi là "một" ngọn lửa đó là một cái quy trình, một cái process tiêu thụ năng lượng, nó đốt cháy oxy tạo ra ngọn lửa, cái đó mình không thể gọi là "một" được. Nó gồm vô số biến động hóa chất trong một ngọn lửa. Chính vì mình không hiểu cái đó nên đi đến ngộ nhận là cái này dễ thương, cái kia dễ ghét, cái này dơ, cái kia sạch. Chứ nói rốt ráo theo nhà Phật, nếu nói về vật chất thì chỉ có đất, nước, lửa, gió liên tục sinh diệt dựa vào các điều kiện tác động. Còn nói về danh pháp, tâm tư, linh hồn, tinh thần của mình thì ở đó chỉ là sự kết hợp, hợp tác cộng sinh của thiện, ác, buồn, vui. Và bốn thứ thiện, ác, buồn vui đó luôn luôn sanh diệt trong từng nháy mắt mà mình không có nhận ra.

Chính vì mình không thấy được cái chỗ đó cho nên mình mới thích cái này và ghét cái kia. Do không thấy mọi thứ là chớp nhoáng nên mới có thích và ghét. Do có thích ghét nên mới có chuyện trốn cái này tìm cái kia. Trốn một cách thành công là hạnh phúc, tìm được một cách thành công là hạnh phúc. Trốn không được là đau khổ, tìm không được là đau khổ. Do hiểu lầm mới có thích ghét. Do có thích ghét mới có trốn chạy và kiếm tìm. Mà trốn chạy thất bại là đau khổ, trốn chạy thành công là hạnh phúc. Kiếm tìm thành công là hạnh phúc, kiếm tìm thất bại là đau khổ.

Nó rất là sáng, sáng trưng. Mà thấy cái này bằng cách nghe người ta nói, đọc ở trong sách không xài được. Anh phải sống trong đó.

Như tôi nói một ngàn lần, không thể nào đọc cuốn sách ngàn trang, nghe người ta giải thích về mùi cà phê mà mình biết được. Mình phải ngồi xuống mình pha một tách cà phê, hớp một ngụm là nó thông thôi. Còn đọc một ngàn trang nó tả mùi cà phê giống đậu rang, bắp rang, giống cơm cháy, là trật lất hết. Chỉ có uống cà phê thôi.

Để thấy mọi thứ là vô ngã, vô thường thì anh phải sống bằng chánh niệm. Tôi nhắc lại một lần nữa cái công phu chánh niệm ấy không có gì ngoài hai chuyện sau đây. Đó là học giáo lý và sống tỉnh thức trong từng ngày, làm gì biết nấy. Đừng có nghe người ta rù quyến, tuyên truyền, nhồi sọ cho rằng thiền là quán chiếu. Tôi nói không hề có quán chiếu gì hết. Cứ sống chánh niệm nhưng phải có học giáo lý. Rồi sẽ có một ngày cái giáo lý đó cộng với chánh niệm nó sẽ lòi ra một cái, tôi gọi là thực chứng. Còn giờ bắt tôi nói thực chứng là gì thì nếu mà tôi nói thực chứng được thì Phật đã chứng dùm mình rồi. Tôi đã nói một ly cà phê người ta không có uống dùm để tả cho mình được thì Đạo Quả làm sao mà tả, làm sao mà kể được? Quý vị có thể tả cái cảm giác mà quý vị nhức răng được không? Tả người ta không hiểu làm sao mà tả được? Chỉ nói gượng vậy thôi, chứ bây giờ làm sao mà tả.

Bây giờ có vị nói "Trời ơi, Sư qua bên chỗ tuyết nó đẹp lắm." Tôi không biết tuyết nó đẹp ở chỗ nào chứ tôi mở cái ngăn đá tủ lạnh ra thấy nó lạnh muốn chết mà đẹp cái gì. Nhưng mà tôi phải đi qua xứ tuyết, tôi phải ăn mặc đàng hoàng, đứng giữa tuyết thì tôi mới thấy nó đẹp. Sẵn tôi bày luôn: Muốn thưởng thức cái cảnh tuyết đẹp là phải nói là do ý trời. Tuyết rơi càng dày mà lúc không gió thì cực đẹp. Chứ còn tuyết rơi lúc gió mưa là mệt lắm. Thứ hai, tuyết rơi dày, trời không gió, trong một đêm không trăng, thiên đường! Ánh sáng của tuyết nó phản quang đẹp lắm. Cái chỗ tôi ở ban đêm nai nó ra, trăng nó treo mà mấy nhánh cây khô, rồi tuyết nó bám từng tảng, ở dưới là gỗ rồi nai trong rừng nó ra, mình nhìn mình chết được. Đẹp lắm, rất là yên bình. Mà nó mát. Tuyết mà không có gió nó không có lạnh mà nó mát, mình thở nó xuống tới rốn luôn, nó qua phổi rồi nó xuống tới rốn mà nó mát và sạch lắm. Nói tả không được. Em nào chưa từng ở trong đó thì tối nay nó về nó mở cái tủ lạnh nó đút cái đầu vô nó cũng không có thấy được trời tuyết trong đó nữa. Hoặc là vô Vĩnh Phước năn nỉ cái bà kia cho vô "phòng lạnh" nằm nó cũng không giống nữa.

Sư Giác Nguyên giảng

Con đường giải thoát



Con Đường Giải Thoát

Trích từ bài Giáo Lý Duyên Khởi
giảng tại Houston ngày 03/10/2019.

Con đường giải thoát có nhiểu cách giải thích: Mình nói Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát cũng đúng. Mà nói gọn Bát Chánh Đạo trong Tam học là Giới Định Tuệ cũng đúng. Nói gọn con đường giải thoát là 37 pháp bồ đề (Thất giác chi, Bát Chánh Đạo, Ngũ quyền, Ngũ lực, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần, Tứ Niệm Xứ) thì cũng đúng. Nhưng cách nói phổ biến nhất là Bát Chánh Đạo. Vì sao? Là vì thông quá Bát Chánh Đạo mình thấy rõ cái Tam Học trong đó. Chánh kiến, chánh tư duy là Tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về Giới học. Và còn lại là Định học. Hai nữa, nhìn vô con số tám của Bát chánh đạo thì mình thấy được trong đó gồm có thân, khẩu, ý. Chánh ngữ là về khẩu, chánh nghiệp là về thân và phần còn lại là về ý. Đó là một cách phân tích rất là nổi tiếng.

Và vì vậy cho nên đây là cách đối với con đường giải thoát, con số tám là cách nói nổi tiếng và phổ biến nhất. Tại sao tôi bắt đầu bài giảng chiều nay bằng cái chủ đề đó? Là bởi vì tôi muốn nhấn mạnh một điều là: Vì sao chúng ta phải học giáo lý duyên khởi? Là bởi vì nói về Bát chánh đạo là phải nói tới cái kiến đầu tiên. Bà con học về Bát chánh đạo chưa? Phật tử nhiều khi nói về Bát chánh đạo mà cứ lơ mơ lơ mơ.

Chánh kiến gồm có hai. Đó là: Một là thấy rằng mọi sự ở đời do duyên là có. Hai là có rồi phải mất. Như vậy, Chánh kiến gồm có hai, một là chánh kiến về nhân quả và hai là chánh kiến về tam tướng. Thấy được hai cái đó thì gọi là có chánh kiến. Chứ còn quý vị nói Chánh kiến có nghĩa là "tui tin Phật." Nói "tôi tin Pháp Phật" là hay nhất. Tui tin Pháp Phật là con đường giải thoát. Nói chung chung thì vậy nhưng cái rốt ráo là tin và thấy vào hai chuyện.

Thứ nhứt là thấy rằng: Mọi sự trên đời do duyên mà có. Khi các điều kiện mà nó hội đủ thì các pháp nó có mặt.

Khi tôi đưa bà con hộp quẹt thì nó có lửa trong đó không? Không có. Vậy một lát nữa tôi bật lửa thì tôi làm gì mà có lửa với cái hột quẹt đây? Khi các duyên hội đủ thì mới có lửa. Đó là: cái viên đá lửa, cái bánh xe, ga hoặc xăng, nếu là xăng hoặc dầu thì trong đó nó cần bông gòn, nó có cái tim; mà nó có ga thì nó cần cái van ga thôi. Đại khái mình nói sơ sơ là có ga, có xăng, có bánh xe, có viên đá lửa. Đó là nói nhẹ đó. Có bốn cái đó nó mới có lửa. Còn nếu cái bánh xe nó không mài vô viên đá thì không có xẹt được mà nó không có xẹt thì nó không có gì bén được xăng hoặc là ga. Cho nên việc đầu tiên phải thấy rằng mọi thứ do duyên mà có. Tức là, nếu thiếu duyên thì không có gì hết mà duyên có đủ thì mọi thứ có.

Tiếng đàn không có trên ngón tay, tiếng đàn không có trên sợi dây. Nhưng khi ngón tay sợi dây chạm vào nhau thì nó mới bật lên tiếng đàn. Khi ngón tay rời khỏi sợi dây thì tiếng đàn ở đâu? Thấy không? Nếu chỉ có ngón tay và chỉ có sợi dây mà mình không có ý khảy đàn. Là cũng không ra tiếng. Và con nít chạm vào đàn nó khác người lớn chạm vào. Đúng không? Một đứa con nít nó chạm vào thì nó không có ra gì hết chỉ có nghe “tưng tưng tưng” thôi. Nhưng người lớn chạm vào thì nào Pasodobe, Chachacha, Tango, Bolero tùm lum hết. Trong khi đứa con nít nó chạm vào không ra cái gì hết. Cho nên mình thấy để có tiếng đàn cho mình nghe là quá trời duyên luôn. Mấy ngón tay của Từ Công Phụng, Vũ Thành An với ngón tay mấy cha bán vé số bắc Mỹ Thuận nó khác. Cho nên tiếng đàn không có trên ngón tay, cũng không có trong sợi dây đàn. Nhưng khi cộng sợi dây đàn với ngón tay, cộng với ý muốn chơi đàn, cộng với kiến thức nhạc lý, kiến thức cầm phổ với tất cả những nhân duyên ấy ta mới có tiếng đàn. Nếu thiếu đi một trong những điều kiện này thì ta không có tiếng đàn để nghe.

Cho nên cái đầu tiên: Chánh Kiến của Đạo Phật là gì? Cái đầu tiên là phải thấy: Mọi sự do duyên mà có. Mà cái đó không chỉ đơn giản như vậy. Nó còn phải xa thêm mức nữa.

Khi mà anh hiểu mọi thứ do duyên mà có thì anh trừ được đoạn kiến. Bởi vì đoạn kiến gồm có ba:

Một là vô nhân kiến - cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có. Đó gọi là vô nhân kiến.

Hai là vô hành kiến - cho rằng không có thiện ác gì hết. Thích thì cứ làm thoải mái. Thích thì chiều. Thiều thì chích chứ không có thiện ác gì ở đây hết. Đó là vô hành kiến.

Ba là vô hữu kiến - là cái gì mình không thấy được, mình không chứng minh được thì không có thật. Suy nghĩ vậy đúng hay sai?

Bởi vì, nếu lý luận như vậy thì máy bay không có thật. Bởi vì tôi không có cách nào mà chứng minh được một cục sắt mà bay được. Thế là tôi phán một cái xanh lè là: Máy bay không có thật. Bởi vì là Trẫm không thể nào, với trình độ lớp ba của Trẫm, Trẫm không thể nào Trẫm hiểu được cái nguyên tắc vật lý để điều động một khối vật chất mấy chục tấn mà nhấc khỏi mặt đất. Trẫm không chứng minh được điều đó. Mà khi Trẫm không chứng minh được thì điều đó không có thật. Đúng không?

Nhắc lại, đoạn kiến là gì? Đoạn kiến là gồm có ba: vô nhân kiến cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, vô hành kiến cho rằng không có thiện ác gì hết, và vô hữu kiến, cái gì tôi không chứng minh được, tôi không hiểu được, tôi không thấy được, thì tôi tin là cái đó không có. Ba cái này cộng lại được gọi là đoạn kiến.

Còn thường kiến là sao? Thường kiến cũng có ba:

Một là tin vào sự hiện hữu của một cái tôi, có một cái linh hồn đi từ đời này sang kiếp khác. Một cái tôi của Bà A, một cái tôi của Bà B, Bà C, Bà E, có một cái tôi, một linh hồn đi từ nơi này sang nơi khác. Lẽ ra mình phải hiểu là không có cái gì gọi là Marxist, là Socialise. Mà tất cả là sự cộng ghép, cộng hưởng, cộng sinh, cộng tác nó mới có. Thí dụ như : được gọi là Ông A bà B là nó do sáu thứ cộng lại là: đất nước lửa gió hư không và thức. Mà đằng này mình lại không biết cái đó. Mình cho rằng là có một cái tôi nào đó nó hiện hữu từ đời này sang đời khác. Đó là cái thường kiến thứ nhất.

Thường kiến thứ hai là tin vào sự hiện hữu của một đấng chí tôn quyết định, an bài, sáng tạo ra muôn loài. Ví dụ như : Chúa Trời, Thánh Alla, Thượng Đế, Ngọc Hoàng thượng đế gì gì đó. Tức là sự hiện hữu của một đấng chí tôn an bài, sắp đặt mọi thứ.

Thường kiến thứ ba là tin vào sự hiện hữu tồn tại một cảnh giới vĩnh hằng bất tử. đời đời bất diệt.

Tin vào ba cái này nè được gọi là thường kiến.

Mà Thường với Đoạn cộng lại là Tà Kiến. Và Tà Kiến đi ngược lại với Chánh Kiến. Mà Chánh Kiến được định nghĩa như trên rất đơn giản: Một là cái thấy về lý Nhân Quả. Hai là cái thấy về lý Tam Tướng.

Thấy lý Nhân Quả là sao? Là thấy rằng: mọi thứ do duyên mà có. Khi duyên hội đủ thì mọi thứ mới có. Nếu mình chết rồi mà duyên luân hồi nó chưa hết thì tiếp tục đi nữa. Còn đằng này cái anh đoạn kiến ảnh nghĩ là khi ảnh thấy chết rồi là hết, ảnh không xét thêm nữa. Còn anh Chánh kiến thì ảnh thấy rằng dầu tắt thở nhưng cái nhân duyên mà tái sinh nó còn đó thì nó vẫn chưa có dứt.

Như các vị thấy, tôi hay ví dụ có những loại cây mình chặt ngang nó chết luôn. Có những loại cây mình chặt ngang nó nằm xuống đất nó tiếp tục mọc nhánh thêm nữa. Ví dụ như cây dừa, cây cau mình chặt ngang là nó đi luôn. Nhưng mà cái cây gòn, mình chặt ngang nó nằm xuống đất, nó lại mọc nữa. Và có những loại cây rất là lạ. Nó phát triển như thế này nó mới mọc rễ, rễ bò lên đất, rồi cái rễ đó lại ra cây mới. Nhiều lắm. Nhiều cây quái đản lắm.

Cho nên hễ nhân duyên còn thì mọi thứ tiếp tục hiện hữu. Duyên hết thì mọi thứ hết.

Khi mình hiểu mọi thứ do duyên mà có thì mình trừ được cái đoạn kiến.

Rồi cái thứ hai, khi mình hiểu những gì đã có phải mất đi, thì mình trừ được cái thường kiến.

Sẵn ở đây tôi cũng nói luôn. Ai đó mà tin rằng có một đấng chí tôn thì bản thân cái niềm tin đó là một sự u mê. Vì sao ? Vì Chính Đức Phật đã xác nhận: "Này các tỳ kheo, nếu một đấng chí tôn sáng tạo ra muôn loài thì ta nói rằng đấng chí tôn đó là một con người rất tàn nhẫn vì đã tạo ra một thế giới vui ít buồn nhiều, tràn đầy máu lệ." Nếu Đức Chúa Trời tạo ra mọi thứ thì tại sao mà Đức Chúa Trời lại tạo ra tám mươi phần trăm thế giới là máu lệ không vậy? Chúa tạo chi mà Hít-le rồi Mao Trạch Đông, chi vậy ? Nếu Chúa tạo vậy để Chúa thử thách loài người thì sản phẩm của Chúa bị lỗi. Hiểu không ? Sản phẩm của Chúa bị lỗi.

Như ông Henry Ford, ổng chết, ổng lên gặp Chúa ổng nói: "Sản phẩm của tui nó vẫn là ưu việt hơn sản phẩm của Chúa. Chúa tạo ra đàn bà nó nhiều cái trục trặc quá đi."

Chúa nói: "Ta biết ta sai nhưng mà hầu hết đàn ông đều xài đồ của ta."

"Tui bị khổ tâm sản phẩm của Chúa. Chứ cái xe hơi tui không có khổ tâm bằng."

Thầy chùa không có tóc cũng khổ tâm vì sản phẩm của chúa nhiều lắm. Chiều nay tôi có hẹn với sản phẩm của chúa lúc 5 giờ nè. Mà hẹn gặp tui, mà hẹn như thế này: “Con tìm được đường thì con tới. Mà không được đường thì sư đi uber tới gặp con”. Hồi nãy tôi nằm ngủ mà tôi nhớ tới mà tui tức. Bà làm như mỗi lần bả gặp tôi như bả xức thuốc rửa tội hay ban gì cho tôi. Bả gặp mình mà bả hẹn thấy ghét vậy đó. Nếu mà tình đầu, hay là tình cuối là chia tay: “Em đến gặp anh đêm ba mươi mà em đến không được anh đi uber!” Okay. Tôi nói chuyện mà tức quá đi. Hẹn đi uber mà địa điểm thì không có. Lạ thiệt. Đúng là dân Bắc Tông, vì Bắc Tông có cái câu “ưng vô sở trụ”, hẹn không có chỗ mới ra cái tùy duyên. Quá kỳ.

Khi mà mình tin có một đấng chí tôn tạo ra muôn loài là mình đã vô minh. Là vì sao? Vì Cái Đấng đó quá ác đi. Tạo ra thế giới mà nó quá nhiều vấn đề. Còn nếu mình cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có thì lại là một cái vô minh nữa. Bởi vì chúng ta còn nhớ: Nguyên tắc của trí tuệ là gì? Là cái gì cũng phải suy lý. Đúng không? Ta muốn phủ nhận cái gì thì ta cũng phải tìm lý do, mà ta muốn tin cái gì ta cũng phải tìm lý do. Mà tôi bảo đảm, tôi đoan chắc bà con, những ai nói họ không tin cái này không tin cái kia là bởi vì họ không tìm ra lý do để chứng minh nó có. Và cho tới bây giờ họ vẫn đang hì hục chưa tìm ra lý do để chứng minh nó không có. Nghe hiểu không? Cho nên nói là mọi thứ do ngẫu nhiên mà có bản thân nó là vô lý. Bởi vì mình tìm trong trời đất có cái gì trong cái thấy của mình là không có lý do xuất hiện không? Không có. Nó có đủ điều kiện là nó ra. Kể cả những chuyện mình nói là vô lý nhất thì bản thân cái vô lý ấy cũng là điều kiện để nó có mặt. Chẳng qua là mình không thấy được cái điều kiện của nó mà thôi.

Sư Giác Nguyên giảng