Thế
Nào Là Trí Tuệ?
Theo quan điểm Phật Giáo, trí tuệ căn cứ
vào chánh kiến và chánh tư duy, sự hiểu biết về luật vũ trụ, và sự phát triển
tuệ giác không những nhận biết chân lý mà cũng nhận được phương cách đạt hoàn
toàn giải thoát từ sự bất toại nguyện của đời sống.
Cho nên trí tuệ thực sự không thể tìm thấy
trong các học viện, trong phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, hay tại tại bất
cứ nơi thờ phượng nào mà ta thường lui tới để cầu nguyện và thực thi một số
nghi thức, nghi lễ. Trí tuệ ở trong phạm vi của tâm. Khi kinh nghiệm, hiểu
biết, chứng nghiệm và khi thanh tịnh hóa được hoàn tất, bao gồm sự toàn hảo cao
nhất, trí tuệ này có thể được khám phá. Mục đích của cuộc đời là đạt được trí
tuệ ấy. Thay vì tìm kiếm cái gì ở ngoài không gian, con người phải nỗ lực tìm
kiếm bản chất của cái tuệ giác trong không gian nơi chính mình để đạt được mục
tiêu tối hậu.
Con người có thể loại bỏ lực lượng tự
nhiên không thuận lợi bằng cách củng cố và thanh tịnh hóa tâm mình để đạt được
trạng thái hạnh phúc siêu trần nơi đây những lực ấy không còn sức mạnh để vận
hành nữa.
Một triết gia nói là tôn giáo này mâu
thuẫn tất cả những gì con người đã từng chứng nghiệm. Nếu như vậy Phật Giáo
không thuộc loại tôn giáo đó vì Ðức Phật dạy chúng ta mọi thứ do kinh nghiệm
của Ngài bao giờ cũng về bản chất của con người.
Nhiều triết gia, những nhà tư tưởng và
khoa học vĩ đại đã chỉ sử dụng kiến thức trần thế, sức mạnh tư duy, và trí tuệ
tìm ra nhiều điều mà họ đã giải thích quan điểm của họ sao cho phù hợp. Ngay cả
với kiến thức trí tuệ như vậy, cũng không thể hiểu nổi bản chất thực sự của
hiện tượng nếu không có sự thanh tịnh hóa tâm. Khi nghiên cứu một số các lời
tuyên bố của các học giả, chúng ta có thể tìm thấy một số sự thật trong những
lời của họ. Nhưng nhiều những lời tuyên bố này vẫn chỉ là triết lý khô khan vì
họ chỉ dùng bộ não với nhiều ảo tưởng và ích kỷ.
Nhưng Ðức Phật đã sử dụng óc và tim của
Ngài để kết tinh trí thông minh con người cùng với từ bi và trí tuệ để hiểu mọi
sự trong viễn cảnh đầy đủ. Do đó tại sao giáo lý của Ngài không bao giờ trở
thành triết lý hay lý thuyết khô khan mà là một phương pháp thực tiễn để giải
quyết các vân đề của con người.
Ðó là một tôn giáo duy nhất giảng dạy cho
nhân loại qua kinh nghiệm, thực nghiệm, trí tuệ và giác ngộ của vị khai sáng.
Tôn giáo này không phải là một thông điệp truyền trao từ một thượng đế. Những
vấn đề của con người phải được thấu triệt bởi con người qua kinh nghiệm con
người bằng cách phát triển những đức tính nhân từ cao quý. Một người thầy của
con người phải tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề con người qua sự
thanh lọc và phát triển tâm con người. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật không bao
giờ tự giới thiệu Ngài là bậc cứu tinh siêu nhiên. Theo Ngài chúng ta là những
vị cứu tinh để tự cứu chúng ta.
Tôn
Giáo Ðích Thực Có Gây Trở Ngại Cho Sự Tiến Bộ Của Thế Giới?
Nhiều nhà khoa học, tư tưởng và triết lý
lớn có môt thái độ chống đối tôn giáo. Họ nói tôn giáo cản trở sự tiến bộ của
nhân loại và hướng dẫn họ sai lầm bằng cách giới thiệu niềm tin và thực hành lố
bịch, dị đoan và cố làm con người xa rời những sự kiện khám phá ra bởi khoa học
gia. Cho nên Karl Marx đã nói: "Tôn Giáo là thuốc phiện cho quần
chúng". Nhưng khi chúng ta biết chắc ý họ muốn nói gì về tôn giáo, chúng
ta có thể hiểu Phật Giáo không thuộc những tôn giáo thuộc nhóm tôn giáo đó. Cho
nên, trong thời gian tới đây, nếu những nhà trí thức này thành công trong việc
bác bỏ tôn giáo, không thể nào họ có thể ném bỏ Phật Giáo như một tôn giáo sai
lầm vì lẽ Ðức Phật đã khám phá ra chân lý tuyệt đối. Nếu có chân lý ở đâu đó
thì nó mãi mãi vẫn là chân lý. Nếu có bất cứ chân lý nào bị thay đổi do những
điều kiện nào đó thì nó không phải là chân lý tuyệt đối. Dó là lý do tại sao mà
Ðức Phật khám phá ra được gọi là chân lý cao quý. Chân lý này dẫn dắt con người
thành một con người cao thượng. Cho nên cũng sẽ vẫn còn chánh đạo cao quý của
đời sống thừa đủ để đối đầu với bất cứ sự thử thách khoa học hay tri thức nào.
Về phương diện này, thông điệp của Ðức Phật không lay chuyển. Những nhà trí
thức chắc chắn phải kính trọng lối sống này nếu họ thực sự có thể hiểu được Ðức
Phật dạy thế nào. Cho nên, giáo lý của Ðức Phật sẽ vẫn tiếp tục là lối sống,
tiếp tục là nguyện vọng của một đời sống cao thượng, thánh thiện, toàn bích,
một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc dù có nhãn hiệu tôn giáo hiện hữu hay
không.
Một
Tôn Giáo Tự Do
Sự tự do mà những tín đồ theo Ðức Phật vui
hưởng trên thế giới này đáng được ca ngợi. Thực ra, nhiều Phật Tử chưa nhận
thức được điều đó. Chúng ta hoàn toàn tự do để phán xét và suy ngẫm hoặc chấp
nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì. Chúng ta không bị buộc phải chấp nhận bất cứ
điều gì dưới danh nghĩa tôn giáo, chỉ vì nghĩ đến sự vĩ đại của bậc đại bậc đạo
sư tôn giáo ấy hay cũng chẳng phải bởi nghĩ rằng đó là bổn phận của chúng ta là
phải chấp nhận chỉ vì những giáo lý này tìm thấy trong kinh điển thần thánh
hoặc trong truyền thống hay tập tục. Phật Tử hoàn toàn tự do điều tra nghiên
cứu và chấp nhận chỉ khi điều đó thích hợp với sự nhận thức của mình. Phật Tử
không chấp nhận hay bác bỏ điều gì mà không có lý do dứng đắn. Họ không bao giờ
nói họ bị cấm làm cái này hay cái kia. Họ nói không thích làm điều ấy vì điều ấy
gây khó khăn hay khổ sở hay đau đớn hay rắc rối cho đại chúng. Họ làm một số
điều thiện không phải vì Ðạo Phật đòi họ phải làm mà vì nhận thấy giá trị và ý
nghĩa của những hành động này mang phúc lợi cho người khác. Tôn giáo này là một
tôn giáo tự do không bao giờ hạn chế công việc riêng tư của con người nếu những
việc này không vô luân hay tác hại. Phật Tử hoàn toàn tự do tổ chức việc gia
đình không vi phạm nguyên tắc căn bản đạo lý. Tôn giáo này giống như mỏ vàng
cho những nhà trí thức trong công việc tìm tòi nghiên cứu, tìm thấy khía cạnh
sâu xa về tâm lý, triết học, khoa học, luật vũ trụ, cho việc phát triển tinh
thần cùng giải thoát nhân loại khỏi bất toại nguyện và bất an. Cho nên tại sao
đã trên 2500 năm, Phật Giáo đã có thể thuyết phục đại chúng tại hầu hết các
quốc gia Á Châu. Ở mọi thời đại, người ta đón chào giáo lý của Ðức Phật như một
thông điệp hòa bình hay một thông điệp thiện chí. Do đó tại sao người Phật Tử
có thể đem giới thiệu tôn giáo này không chút khó khăn, không cần áp dụng một
loại lợi dụng nào, không cần làm đảo lộn những hoạt động văn hóa đang hiện tồn.
Nguyên
Nhân Khó Khăn Của Chúng Ta
Một khía cạnh quan trọng khác trong tôn
giáo này là sự giải thích về nguyên nhân chính các vấn đề và khổ đau của con
người. Theo Ðức Phật, chúng ta hết thẩy đều phải đối đầu với những vấn đề trên
trần thế này do lòng tham hiện hữu trong tâm. Ngài đã khám phá ra ba loại sức
mạnh của lòng tham trong tâm và chúng chịu trách nhiệm về sự tồn tại, tái sanh
và hàng ngàn vấn đề và rối loạn tinh thần của chúng ta. Chúng là: tham sống,
tham sự ham muốn trần tục hoặc nhục dục và tham sự không tồn tại. Muốn hiểu ý
nghĩa thực sự của những điều này, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận và khôn ngoan
về chúng cho đến khi sự nhận thức được đến được với chúng ta.
Những triết gia và tâm lý học nổi tiếng
cũng đã giải thích ba sức mạnh ấy bằng ngôn ngữ khác biệt là những nguyên nhân
của sự hiện hữu. Arthur Schopenhaumer giải thích ba sức mạnh ấy là nhục dục,
bản năng tự bảo toàn, và quyên sinh. Nhà tâm lý học Sigmund Freud giải thích là
dục tình, bản năng về cái tôi và cái chết do bản năng. Một nhà tâm lý khác Carl
Jung nói: "Từ nguồn gốc bản năng nảy sanh mọi sáng tạo". Giờ đây hãy
nhìn những nhà trí thức vĩ đại chuẩn bị tán thành chân lý khám phá ra bởi Ðức
Phật 25 thế kỷ trước đây như thế nào. Tuy nhiên, khi xem xét những lời giải
thích này, chúng ta có thể hiểu được Ðức Phật đã vượt qua khả năng hiểu biết
của các nhà tư tưởng vĩ đại về những vấn đề ấy.
-ooOoo-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét