Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Sanh ra, đau khổ không thể tránh

 


ÐAU KHỔ KHÔNG THỂ TRÁNH

Ðau khổ không thể tránh là loại đau khổ phát sanh do những nhóm thành phần của thân và tâm, gọi là ngũ uẩn (pancakhandha). Nó đến với tất cả mọi người, dầu là giàu sang quyền quý đến đâu hay có cuộc sống phong phú giữa những lạc thú dồi dào như thế nào. Thân, vốn dính liền với tâm, chứng nghiệm loại đau khổ này, bởi vì chính tâm và thân là nơi chốn và nguồn gốc phát sanh đau khổ. Dầu không ai thích và mọi người đều cố tránh xa đau khổ, thí dụ như bằng cách lẫn trốn trong những lạc thú của nhục dục ngũ trần, ta không bao giờ thành công như sở nguyện. Không ai có thể tránh khỏi đau khổ này bởi vì nó là chân lý của ngũ uẩn. Dầu ta đi, đứng, hay nằm, ngồi nó vẫn luôn luôn phát hiện hiển nhiên. Ngồi lâu mệt mỏi ta thay đổi oai nghi, đứng dậy đi hay nằm xuống nghỉ để tránh cái khổ mỏi mệt, nhưng chỉ thành công tạm thời trong một thời gian. Không có tư thế nào có thể xem là trọn vẹn thoải mái. Chúng ta đau khổ vì đứng quá lâu. Ði quá lâu cũng đau khổ mà ngồi hay nằm quá lâu cũng đau khổ.

Ở đâu ta có thể tìm ra trạng thái thỏa thích của thân và tâm? Hình sắc đẹp đẽ, âm thanh êm dịu, hương thơm bát ngát, mùi vị ngọt ngào và những xúc chạm thích thú chỉ là những nơi ẩn trú để ta tạm thời lẩn trốn đau khổ. Ðó không phải là nơi trốn tránh an toàn bởi vì nó chỉ làm cho ta càng đau khổ hơn. Thay vì dập tắt lửa, ta châm thêm nhiên liệu. Do vậy, đó không phải là phương cách sáng suốt để dập tắt lửa. Ta phải nhận thức rằng những thú vui mà ta có thể tìm được trong sắc, thinh, hương, vị, xúc chỉ là phương tiện nhằm đẩy lùi đau khổ trong chốc lát. Ðúng thật những trần cảnh ấy là nguồn đau khổ. Chính là xuyên qua năm giác quan mà thích thú và sầu muộn phát sanh, làm tăng trưởng tham ái, sân hận và si mê. Ðức Thế Tôn dạy rằng nếu lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) mà không có được thu thúc chặt chẽ và để cho lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) nắm quyền điều khiển thì hậu quả dĩ nhiên là đau khổ. Những căn và trần này còn mời mọc những đau khổ khác vào tâm. Do đó, hãy sử dụng trí tuệ quán chiếu chân lý đau khổ (Khổ Ðế) để trọn vẹn thông suốt vấn đề.

Già, bệnh, chết cũng là đau khổ không thể tránh, và dầu sợ bao nhiêu ta không thể lẫn tránh. Nguyên nhân của lão, bệnh, tử là sanh và sống. Có sanh mới có già, bệnh và chết. Nếu không có sanh ắt không có đau khổ trong bất luận cảnh giới nào trong Tam Giới. Do vậy, người học Giáo Pháp, không muốn đau khổ phải quán tưởng về hiện tượng sanh và thấu triệt rõ ràng tình trạng của kiếp sống hiện tại để buông bỏ, không bám níu (upàdàna, thủ) vào những kiếp sống vị lai. Với trí tuệ sắc bén ta có thể cắt ngang luồng trôi chảy của luyến ái bám níu, vốn là nguyên nhân của vòng quanh sanh tử, tử sanh. Chừng đó ta sẽ trở thành "anàlayo", không bám níu vào bất luận gì trên thế gian. Ðến giai đoạn này ta sẵn sàng tận diệt nguyên nhân của sanh, như câu: "SAMÙLAM TANHAM ABBHUYHA", người đã hoàn toàn nhổ tận gốc rễ ái dục.

Ðến đây chấm dứt pháp hành. Ðể tiến đạt đến Mục Tiêu Cứu Cánh ấy ta phải khởi đầu theo đúng đường hướng, tức có Chánh Kiến. Phải bám chặt vào Chân Lý. Luồng trôi chảy của thế gian đang lôi cuốn ta xuôi dòng xuống dốc, nhưng quý vị phải nỗ lực cưỡng lại. Chớ nên để tâm của quý vị lăn trôi theo ô nhiễm và ái dục. Luôn luôn sử dụng trí tuệ để quán chiếu đau khổ và nguồn gốc của nó. Ðức Phật xem trạng thái đau khổ của là nguyên tắc chánh yếu và quan trọng pháp hành. Trong sự giác ngộ của Ngài Ðức Phật khám phá bốn Chân Lý Thâm Diệu (Tứ Diệu Ðế, Ariyasacca): Khổ (dukkha), nguyên nhân sanh khổ (samudaya), chấm dứt đau khổ (nirodha), và con đường chấm dứt đau khổ (magga). Ðã là người học Giáo Pháp, quý vị hẳn đã hiểu biết ý nghĩa của bốn chân lý, hay đế, này. Tách rời ra và quán niệm từng đến một quý vị sẽ thấy rõ kỹ thuật của pháp hành.



DIỆT KHỔ VÀ NHÂN SANH KHỔ BẰNG TRÍ TUỆ

Ðức Phật lấy trạng thái đau khổ làm điểm khởi đầu bởi vì nó biểu hiện nhiên ngay ở thân và tâm của chúng ta. Ðau khổ phát hiện và diễn tiến liên tục từ lúc mới sanh cho đến nay, như là hậu quả của sự sanh. Hãy luôn luôn dùng trí tuệ để suy gẫm về đau khổ. Nếu không hay biết trạng thái khổ đau xảy diễn trong thân và tâm, quý vị sẽ không bao giờ hiểu biết nhân sanh khổ. Và nếu không hiểu biết nguyên nhân sanh đau khổ, cái khổ phát xuất từ sự sanh chắc chắn sẽ đến với quý vị và trở đi trở lại không bao giờ dứt. Người học Giáo Pháp phải cố gắng thấu hiểu điểm này vì chính từ điểm này mà ta trở đi trở lại những kiếp sinh tồn. Danh từ "vatta" có nghĩa là vòng quanh. Chúng sanh bị lôi cuốn trong vòng quanh những kiếp sống từ điểm này - vô minh - vì vô minh, không hiểu biết nguyên nhân, tạo duyên cho bánh xe luân chuyển. Hậu quả của vô minh là ta phải quây cuồn theo bánh xe luân hồi, vô cùng tận. Như vậy nguyên nhân sanh khổ là điểm xoay chiều vô cùng quan trọng, vô cùng tế nhị mà tuệ minh sát sắc bén có thể thấu triệt. Một khi đã nhận định tận tường nguyên nhân sanh khổ, trí tuệ sắc bén có thể tiêu diệt nó và phá vỡ bánh xe của vòng luân hồi.

Pháp hành nhằm thấu hiểu và chứng nghiệm Tứ Diệu Ðế cần phải có trí tuệ sắc bén để quán chiếu và phân tách chân lý đúng theo nhân và quả. Ta phải suy tư cặn kẽ và sáng suốt để hiểu rõ đau khổ, nhân sanh khổ và kỹ thuật thích ứng để loại trừ nguyên nhân ấy. Nirodha, diệt khổ, là hậu quả cuối cùng mà ta không cần lo nghĩ đến. Ðó là Pháp mà ta chỉ tự mình biết, tự mình chứng ngộ khi công trình hành thiền tiến đạt đến giai đoạn viên mãn. Ðến chừng ấy nirodha, diệt khổ, sẽ là Giáo Pháp diệt trừ đau khổ một cách toàn vẹn. Ðến chừng ấy, dầu trước kia ta chưa bao giờ học về ý nghĩa của nirodha, sẽ không có gì khó khăn để thấu hiểu. Nirodha là mức đến trên con đường. Khi còn đang rảo bước trên đường ta không cần phải lo nghĩ gì đến nó. Không cần phải dự đoán trước nó sẽ như thế nào.

Ðã theo đúng hướng đi, ta sẽ thấy mức tận cùng của con đường mà không cần hỏi ai khác nó giống như thế nào. Ta không cần hỏi ai trạng thái giải thoát ra khỏi đau khổ, ô nhiễm, ái dục và vô minh như thế nào. Ta sẽ tự mình chứng nghiệm bản chất trong sạch vượt ra khỏi vòng quanh sanh tử trong Tam Giới, không cần phải hỏi ai. Ðó là những điều không nên bận tâm lo nghĩ. Ngay trong khoảnh khắc đạt đến tầng Thánh đầu tiên, ta sẽ tự mình thấu rõ.

Ðiều thiết yếu là phải thực hành Giáo Pháp theo đúng Thánh Ðạo. Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna): niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp cũng nằm trong Thánh Ðạo. Chánh Tư Duy, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh của Bát Chánh Ðạo, hay Thánh Ðạo (ariya magga), do Chánh Kiến kiểm soát. Chánh Kiến cũng như viên phi công trên phi cơ, hay như người tài xế lái xe, biết phải đi đâu và lèo lái, đưa tất cả hành khách đến nơi đến chốn an toàn. Vậy, Chánh Kiến là "kim chỉ nam" của Thánh Ðạo. Liền theo sau đó là Chánh Tư Duy, cùng với Chánh Kiến quán niệm nhân và quả theo chiều hướng của Chân Lý. Vậy trí tuệ căn cứ trên Chánh Kiến là yếu tố tối trọng yếu.

Khi quán chiếu và suy niệm sáng suốt ta nhận định rằng bất luận đau khổ nào, dầu là đau răng, nhức đầu, đau lưng hay đau nhức ở một phần nào trong thân - của ta, của người khác hay của một con thú - đều bắt nguồn từ một nguyên nhân duy nhất: trạng thái được sanh ra. Phải dùng trí tuệ để quán chiếu đau khổ, vốn bắt nguồn từ sự sanh, và dùng công trình quán chiếu ấy như một kỹ thuật để dạy dỗ, rèn luyện tâm nhìn sự vật đúng theo thực tướng của nó. Như thế ấy ta sẽ làm suy giảm nỗi khổ vì sanh.

Nếu quý vị ỷ lại nơi những gì Sư viết hoặc những gì Sư hiểu biết, quý vị sẽ không thể đạt đến trạng thái "Paccattam", tự mình liễu ngộ. Do đó, Sư muốn cho quý vị chỉ nương tựa vào trí tuệ của chính quý vị. Hiểu biết và nhận thấy đau khổ một cách rõ ràng, với trí tuệ của chính mình, sẽ làm cho mình cảm nghe không còn khát khao ham muốn và bám níu vào đời sống, không còn ý muốn tái sanh trở lại. Ðược vậy ắt có phương cách cắt đứt dòng sanh tử luân hồi dễ dàng.

oo0oo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét